Kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2016)

Vũ khí văn chương của hai liệt sĩ xứ Huế

Thứ Sáu, 29/07/2016, 09:07
Nhắc đến sự hy sinh của giới văn nghệ sĩ Huế cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ không thể không nhắc đến Thúc Tề và Ngô Kha. 


Thúc Tề tên thật là Nguyễn Thúc Nhuận, sinh ngày 17-10-1916 trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở làng Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Từ năm 1935, cùng với những người bạn là Trọng Miên, Trọng Quỵ, Hồ Việt Tự và Hàn Mặc Tử, Thúc Tề vào Sài Gòn, sống bằng nghề viết báo. Ông cộng tác với nhiều tờ báo có uy tín bấy giờ, như Văn học tạp chí, Dân quyền, Công luận… bằng nhiều thể loại khác nhau nhưng mạnh nhất là thể loại phóng sự, điểm sách, điểm báo.

Nhà văn Trần Thanh Địch, bạn của Thúc Tề thời đó nhận xét: “Thúc Tề là cây bút có giọng điệu hài hước, đả kích rất sắc sảo. Giới chính quyền, văn nghệ sâu mọt hại dân đều rất ngán các bài ký tên Thúc Tề”. Bởi thế, Thúc Tề nổi tiếng đến mức làng báo Sài Gòn những năm đầu 40 của thế kỷ XX lưu truyền câu ca: “Hà Nội có chú Ta Lê (tức Thế Lữ) /Sài Gòn có cậu Thúc Tề điểm văn”.

Thúc Tề cũng từng làm chủ báo Đông Dương và báo Mai, tích cực tham gia cuộc tranh luận nổi tiếng vị nghệ thuật và vị nhân sinh thời bấy giờ và luôn đứng về phía vị nhân sinh với đại diện cũng là một nhà báo người Huế: Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn). Năm 1940, sau khi tuần báo Mai bị thực dân Pháp đóng cửa, Thúc Tề phiêu dạt về Cái Bè thuộc tỉnh Mỹ Tho rồi trở lại Huế viết bài đăng báo, làm thơ cho đến năm 1945.

Chân dung nhà thơ, nhà báo - liệt sĩ Thúc Tề.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông tích cực tham gia Hội Văn hoá cứu quốc. Kháng chiến bùng nổ, Thúc Tề cùng với Hải Triều, Hà Thế Hạnh thành lập Sở Tuyên truyền Trung Bộ và đầu năm 1946, ông còn được phân công cùng với ông Hoàng Thượng Khanh thành lập Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Thừa Thiên – Huế. Như vậy, từ một nhà báo dưới chế độ thực dân đế quốc và phong kiến, chuyên viết bài đả kích chế độ thối nát, Thúc Tề đã thực sự trở thành một nhà báo cách mạng.

Sự nghiệp cách mạng trong bước khởi đầu tràn đầy nhiệt huyết thì tháng 12/1946, Thúc Tề bị quân Pháp bắt cóc, giết chết và vứt xác ở ga Truồi, huyện Phú Lộc khi ông chỉ mới tròn 30 tuổi và chưa lập gia đình. Trong khi đó, người thân và đồng đội vẫn tin rằng ông chỉ bị mất tích.

Gần 50 năm sau, qua tài liệu “Những chặng đường lịch sử của Công an Thừa Thiên - Huế (1945 - 1954)” được công bố vào năm 1990 có đoạn xác nhận: Nguyễn Thúc Nhuận tức nhà thơ Thúc Tề cũng là nhà báo Lãng Tử trên đường đi công tác đã bị giặc Pháp bắt, thủ tiêu, và vứt xác gần ga Truồi thuộc huyện Phú Lộc vào tháng 12/1946.

 Như vậy, so với Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha thông tin Việt Nam (tiền thân của TTXVN ngày nay) hy sinh vào ngày 3/3/1947, được công nhận là nhà báo liệt sĩ đầu tiên thì thời điểm hy sinh của nhà báo Thúc Tề sớm hơn 3 tháng!

Năm 1995, Nhà nước đã truy tặng Thúc Tề danh hiệu Liệt sĩ với bằng Tổ quốc ghi công. Năm 1996, ông được truy tặng Huân chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”.

Liệt sĩ Ngô Kha (1935 - 1973) là con út trong một gia đình đông anh em (4 trai, 3 gái) tại làng Thế Lại Thượng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Thân phụ ông là cụ Ngô Tuyên, từng giữ chức Tri huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), rồi Chánh án Quảng Bình thời nhà Nguyễn.

Để dấn thân vào phong trào đấu tranh lúc đó, Ngô Kha đã tham gia sinh hoạt với các bạn đồng niên trong nhóm “Quán bạn” với Trần Quang Long; “Tuyệt Tình Cốc” với anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan. Tất cả các trí thức nói trên đều là những người cùng chí hướng, cùng sát cánh bên nhau trong phong trào đấu tranh đô thị chống lại chế độ Mỹ - ngụy. Càng về sau Ngô Kha càng tỏ rõ quan điểm của mình, ông cùng các trí thức, văn nghệ sĩ Huế ủng hộ tuyên bố 7 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Năm 1966, Ngô Kha vừa mới trở về Huế khi bị địch động viên đi học tại trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức (nhằm tách ông khỏi phong trào đấu tranh của đô thị Huế) đã tổ chức “Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức”, một đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa ly khai chống Mỹ - Thiệu - Kỳ, và đã cầm súng đánh nhau với lính thủy quân lục chiến Mỹ - ngụy trong nhiều ngày trên đèo Hải Vân.

Năm 1970, ông cùng với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn và Thái Ngọc San chủ trương phong trào Tự quyết, ra tập san “Tự quyết”. Năm 1971, Ngô Kha tham gia thành lập Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung, đặt dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Huế. Ngô Kha được bầu làm Chủ tịch Mặt trận. Đồng thời ông cũng chủ biên tập san “Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung”.

Trong khi miền Nam đang nhiễm độc bởi thứ văn nghệ “tâm lý chiến” được chế độ Mỹ - Diệm “rao hàng tận nơi” thì vào năm 1961, Ngô Kha cho xuất bản tập thơ đầu tay mang tên “Hoa Cô Độc”. Tập thơ xuất hiện như một “nỗi buồn lặng lẽ và trong sạch, thực chất là một thái độ hoài nghi và dừng lại trước lẽ sống bịa đặt của chế độ Mỹ - Diệm” (Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Nhớ Ngô Kha”, 1990). Ngô Kha đã nói với cái bóng của mình rằng: “Lần hồi sinh trên con tàu cuối cùng/ Chung quanh anh phù sa cát đỏ/ Anh hỏi thầm về đời mình: Gỗ đá có buồn không? Chim chóc có buồn không?”.

Đến năm 1969, Ngô Kha lại cho ra đời tập “Ngụ ngôn của người đãng trí” và “Trường ca hòa bình”. Hai bản trường ca này chứa đựng tất cả ngôn ngữ và hình tượng ám ảnh kinh hoàng về chiến tranh và khát vọng về hòa bình.

Chân dung nhà thơ liệt sĩ Ngô Kha.

Đặc biệt, Ngô Kha đã kêu gọi mọi người cùng đứng lên giành lại hòa bình cho dân tộc: “Mừng gặp anh em như mới chào đời/ ngày Việt Nam khai sinh ngôn ngữ mới/ ba mươi triệu đồng bào anh em đứng dậy/ như Trường Sơn hùng vĩ đời đời hòa bình/ về trong trái tim người… (trích “Trường ca hòa bình”). “Ba mươi triệu đồng bào” ở đây là cả dân tộc Việt Nam, là toàn thể nhân dân hai miền Nam - Bắc Việt Nam đứng lên chống lại chế độ Mỹ - ngụy.

 

Với cách nhìn tiến bộ như thế, nhiều tác phẩm văn chương và chính luận của ông cũng thường xuyên được đăng tải trên các báo, tạp chí công khai ở miền Nam như: Trình Bày, Mai, Đất Nước, Đối Diện, Hướng Đi, Tin Tưởng, Tự Quyết, Mặt Trận Văn Hóa… khiến chế độ Mỹ - ngụy căm tức, đứng ngồi không yên.

Nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San, một thành viên của nhóm trí thức đấu tranh Tự Quyết của Ngô Kha nhớ lại: “Đầu những năm 70, thầy giáo, nhà thơ Ngô Kha xuất hiện như một ngọn cờ, hô hào bãi khóa, xuống đường và khởi thảo các bản tuyên ngôn, tuyên chiến với chế độ Sài Gòn. Những bài thơ mới của Ngô Kha trong giai đoạn này là những khúc tráng ca mang đầy dấu ấn của thời cuộc: “Bài ca tự quyết”, “Cho những người nằm xuống”, “Trường ca hòa bình”… Chính vì vậy mà nhà chức trách đương thời ở Huế đã rất điên cuồng tìm mọi cách để triệt hạ ngọn cờ Ngô Kha”.

Ngô Kha từng bị chế độ Việt Nam Cộng hòa bắt hai lần vào các năm 1966, 1971 và lần cuối cùng bị thủ tiêu bí mật sau Hiệp định Paris. Đó là khoảng một ngày đầu năm 1973, khi gần Tết đến Xuân về, hai tên mật vụ Lê Đình Liên và Nguyễn Đình Cáp được lệnh của Liên Thành - Trưởng ty Cảnh sát quốc gia Thừa Thiên (học trò cũ của Ngô Kha) theo dõi và đã đến bắt Ngô Kha tại nhà 42 Bạch Đằng - nhà của bà quả phụ Ngô Du, chị dâu của Ngô Kha.

Sau ngày hôm đó, gia đình, bạn bè của Ngô Kha không biết được thêm tin tức gì về ông. Chờ mãi không thấy con về, 20 tháng sau, ngày 25/12/1974, bà Cao Thị Uẩn, lúc này đã 80 tuổi đã viết lá thư đòi con mình, gửi đến Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng hòa, nhưng không được trả lời. Gia đình, bạn bè liệt sĩ Ngô Kha có lẽ đã biết rõ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa nếu “có đi không về”, không có thông báo đi tù vì lý do chính trị thì khả năng bị địch thủ tiêu là một điều rõ ràng.

Ngày 1-1-1981, Chủ tịch UBND thành phố Huế đã ký giấy chứng nhận hy sinh số 153 và đề nghị Nhà nước truy phong liệt sỹ cho nhà thơ - nhà giáo Ngô Kha. Ngày 3-11-1981, nhà thơ - nhà giáo Ngô Kha được công nhận là liệt sỹ. Ngày 26-6-1989, nhà thơ-nhà giáo Ngô Kha đã được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba do Hội đồng Nhà nước tặng.

Sau 1975, trước khi đi định cư tại Mỹ theo diện HO, Phạm Bá Nhạc, Phó Công an quận Hương Thủy – Huế của chế độ Việt Nam Cộng hòa, người gọi Ngô Kha bằng cậu cho biết liệt sĩ Ngô Kha đã bị thủ tiêu vào ngày 27 tháng Chạp năm Nhâm Tý (nhằm ngày 30-1-1973) chứ không phải ngày 25 tháng Chạp như gia đình và bạn bè của liệt sĩ Ngô Kha thường tổ chức kỵ trong mấy chục năm qua.

Tuy nhiên, cho đến nay, hài cốt của liệt sĩ Ngô Kha vẫn chưa được tìm thấy vì vẫn chưa biết đích xác địa điểm địch lén lút chôn cất ông (dù đã biết là một nơi nào đó trên cánh đồng An Cựu). Điều này có lẽ chỉ có Liên Thành - Trưởng ty Cảnh sát quốc gia Thừa Thiên biết rõ, vì chính y là chủ mưu việc hạ sát người thầy dạy của mình với kế hoạch “1000 năm mây bay”.

Ngày nay, một con đường ở gần nơi ngày xưa ông sống và trường tiểu học tại địa bàn phường Phú Hiệp, thành phố Huế đã được mang tên Ngô Kha. Trong bài “Nhớ Ngô Kha”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “Con người hành động mãnh liệt đã đến với anh sau nhiều năm đầy day dứt và ám ảnh về lẽ sống, về tuổi trẻ và vận mệnh đất nước”.

Nguyễn Văn Toàn
.
.