Vợ đại văn hào Lev Tolstoy: Trả đũa chồng bằng...nhật ký

Thứ Sáu, 17/07/2009, 13:30
Trong khi bạn yêu văn học trên thế giới đang hướng tới lễ kỷ niệm 100 năm ngày mất của đại văn hào Nga Lev Tolstoy (sẽ được tiến hành vào tháng 11 năm sau) thì - như một sự bất bình thường - NXB Alma Books (Nga) lại đang chuẩn bị cho ra mắt đông đảo công chúng cuốn hồi ký của bà Sonia, vợ Tolstoy.

Cứ theo nội dung của cuốn hồi ký, bạn đọc có thể thấy, làm vợ một vĩ nhân như Tolstoy kỳ thực cũng chẳng... sung sướng gì. Và bà Sonia đã tỏ ra khá thành công trong việc góp phần "hạ bệ" một Tolstoy thần tượng khi phơi trải trước mắt hậu thế chân dung một ông già "cục cằn, khó tính, không mấy đoái hoài tới gia đình và luôn miệng kêu ca phàn nàn...". Có người đã xem cuốn hồi ký của bà Sonia như một sự "trả đũa" người chồng vĩ đại của mình khi mà trước đấy, thông qua thư từ, hồi ký của chính Tolstoy, thi thoảng người đọc lại thấy bà hiện lên như một con người tham lam và... tai quái.

Các tài liệu công bố trước đây đều cho hay, những năm tháng cuối đời của Tolstoy đầy bi kịch. Đỉnh điểm xung đột là khi ông soạn thảo chúc thư, trong đó có những điểm mà các người thân trong gia đình cho rằng "bất lợi" đối với họ. Tolstoy sinh hạ được cả thảy 7 người con, trong đó có người con trai - như chính tiết lộ của Tolstoy, rất ác cảm với bố "Một việc ngạc nhiên và đáng thương - hắn đau khổ và ghen tị với tôi, và lòng ghen ấy đang chuyển sang lòng căm thù" - Tolstoy cho biết. Điều đáng ngạc nhiên là người con này cũng theo đuổi nghệ thuật. Anh ta viết văn, làm tượng và trong cuốn nhật ký của mình, anh ta nói rõ là anh ta căm ghét bố mình như thế nào.

Riêng bà Sonia thì khỏi nói, bà hành hạ chồng bằng nhiều cách. Sự thực thì không phải bà không yêu ông, song vì mối "quan tâm" của bà đối với bản chúc thư kia còn lớn hơn, nên bà đã "để mắt" tới Tolstoy một cách thật... đáng sợ, khiến ông cảm thấy cuộc sống lúc nào cũng như địa ngục. Van xin Tolstoy hủy bản chúc thư không được, bà quay sang đe dọa... tự vẫn. Khách đến chơi nhà Tolstoy thi thoảng lại chứng kiến cảnh một bà lão kêu la điên loạn. Thậm chí, không hiếm lần bà chạy ra vườn, lăn lộn trên cỏ, dọa sẽ để cho mình bị cảm lạnh, khiến người chồng già phải xấu hổ trước bàn dân thiên hạ. Không dừng ở đấy, Sonia còn ngầm cho người thân cận ghi tốc ký tất cả những chuyện cãi cọ giữa hai vợ chồng, cốt để làm bẽ mặt ông. Có những đêm, bà "khủng bố" ông bằng cách vờ tử tự bẳng khẩu súng... đồ chơi của trẻ con!

Tức nước vỡ bờ, sự chịu đựng của Tolstoy đã hết giới hạn. Ở tuổi 82, cực chẳng đã ông phải bí mật bỏ nhà ra đi, để rồi trút hơi thở cuối cùng tại phòng chờ của một nhà ga. Một trong những câu nói cuối cùng của ông mà người ta ghi lại được là: "Tôi sẽ đi đâu đó để không làm phiền ai cả. Hãy để cho tôi yên".

Sinh thời, Tolstoy là người rất năng ghi nhật ký. Nó vừa là bản tóm tắt tiểu sử, vừa giúp ông ghi lại những nhận xét về người xung quanh. Sonia từng không ít lần "nhòm ngó" và đòi được biết những gì chồng bà ghi lại trong những cuốn nhật ký này. Để "bảo mật", Tolstoy phải gói chúng lại, cho gửi vào một cơ quan lưu trữ ở tỉnh Tula. Cũng có lúc Sonia làm dữ nên "chiều lòng vợ", Tolstoy đã phải xé bỏ một số trang ông viết không được ấm áp về vợ và con trai.

Giờ thì đến lượt bàn dân thiên hạ được tiếp xúc với cuốn nhật ký của Sonia. Thật ra, nói cho chính xác thì cuốn nhật ký này từng được xuất bản cách đây hơn hai chục năm, nhưng chỉ được in với số lượng hạn chế nhằm phục vụ đối tượng bạn đọc là các nhà nghiên cứu.

Theo Alessandro Gallenzi, Giám đốc điều hành của NXB Alma Books thì vì trong cuốn hồi ký "Sonia đã chê trách chồng thậm tệ", nên đó là lý do để trong môi trường xã hội Nga bấy giờ, người ta chưa thể cho phép cuốn hồi ký được phát hành rộng rãi. Cũng theo Gallenzi cho biết thì mặc dù là một thiên tài, song qua cuốn hồi ký của bà Sonia, đại văn hào Tolstoy đã thể hiện là một người chồng chưa làm tròn chức trách của mình đối với gia đình

Hoàng Lược
.
.