Vinh quang và vấp ngã

Thứ Hai, 24/02/2020, 07:55
Hồng Sơn vĩnh biệt công chúng ái mộ từ năm 2011, đến nay đã gần 10 năm nhưng dường như người ta có cảm giác anh vẫn còn trên đời, chỉ do bận việc gì đó mà tạm dừng việc đóng phim ít lâu. Đó là do anh đã chiếm được trọn vẹn sự yêu quý của khán giả từ những vai diễn, từ tính cách chân thành, hiền hậu, hoà đồng và nhiệt tình với bè bạn.

Đó là NSƯT Hồng Sơn – một gương mặt đặc sắc của sân khấu và điện ảnh Việt Nam. Ở tuổi 54, anh sớm rời “cõi tạm” ra đi nhưng vẫn kịp để lại cho công chúng nhiều vai diễn độc đáo trong các vở kịch: “Tôi và chúng ta”, “Thung lũng tình yêu”, “Cỏ dại”... và nhiều bộ phim truyện nhựa cũng như truyền hình: “Người đàn bà nghịch cát”, “Cỏ lau”, “Cây bạch đàn vô danh”, “Người Hà Nội”, “Gió làng Kình”, “Cỏ lông chông”, “Chủ tịch tỉnh”, “Dòng sông phẳng lặng”, “Ngôi nhà có nhiều cửa sổ”... Đặc biệt là phim “Ma làng”, chỉ sau khi chiếu vài tập, khán giả truyền hình đã gọi anh là Dỏ - tên nhân vật anh sắm trong phim.

Hồng Sơn vĩnh biệt công chúng ái mộ từ năm 2011, đến nay đã gần 10 năm nhưng dường như người ta có cảm giác anh vẫn còn trên đời, chỉ do bận việc gì đó mà tạm dừng việc đóng phim ít lâu. Đó là do anh đã chiếm được trọn vẹn sự yêu quý của khán giả từ những vai diễn, từ tính cách chân thành, hiền hậu, hoà đồng và nhiệt tình với bè bạn.

Cố NSƯT Hồng Sơn.

Người ta càng đặc biệt cảm thông, thương anh hơn khi anh có một cuộc đời không dài nhưng đầy chìm nổi, lận đận, từng có những giây phút tột đỉnh vinh quang và hạnh phúc, rồi cuối đời lâm cảnh bệnh tật và cô đơn để những ngày cuối cùng chỉ có một mình trong căn nhà ở thuê chật hẹp, hoang lạnh mãi tận bên Bồ Đề (Gia Lâm).

Một lần, sau khi đi ăn uống cùng bạn bè về nơi trọ trên, anh bị đột quỵ, nằm bất tỉnh trên sàn nhà trong nhiều giờ, không ai biết. Đến khi có người hàng xóm phát hiện ra, mới phá cửa để vào. Hồng Sơn được đưa ngay vào bệnh viện. Nhưng đã không kịp! Các bác sỹ đã hết mình với người diễn viên họ yêu quý, nhưng đã không thể cứu sống do anh bị tràn dịch màng não quá nặng và anh đã qua đời khi mới ở tuổi 54 – cái tuổi vẫn còn nhiều sức sáng tạo và hứa hẹn thành tựu ở phía trước.

Hồng Sơn sinh ngày 18/6/1957, quê ở Giao Thuỷ, Nam Định. Anh từng trốn nhà để lên Hà Nội xin thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh và đỗ. Tại đây, chàng thanh niên “nhà quê” nhưng đẹp trai, có đôi mắt và gương mặt rất điện ảnh đã nhanh chóng lọt mắt xanh cô bạn cùng lớp tên Thu Hương. Họ yêu nhau, sau khi ra trường cùng được nhận về Đoàn Kịch nói Hà Nội làm việc.

Rồi đôi uyên ương cưới nhau, về trong một mái ấm. Đó là những ngày hạnh phúc nhất của Hồng Sơn. Tình yêu và công việc đều thăng hoa. Mới về đoàn kịch nhưng anh đã được các đạo diễn tin tưởng, trao nhiều vai có đất diễn. Bắt đầu được biết đến nhưng lương diễn viên mới ra trường không đủ sống, vợ chồng Hồng Sơn tính chuyện kinh doanh. Và họ đã phất lên nhanh chóng nhờ tài xoay xoả của người vợ. Cặp vợ chồng diễn viên trở thành một đại gia giàu có với 4 ngôi nhà đáng giá ở phố cổ và một quán bar ở phố Nguyễn Đình Chiểu.

Nhưng chính lúc này, chẳng hiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào mà Hồng Sơn đã bị bạn bè rủ rê, lôi kéo vào con đường nghiện ngập ma tuý. Càng ngày càng lún sâu, bao nhiêu tiền ném vào ma túy cũng hết, gia đình tan nát cũng là điều dễ hiểu. Hồng Sơn không thể níu kéo được người vợ.

Thu Hương không thể ở được với anh, đã bỏ sân khấu, làm nghề trang điểm cô dâu để nuôi con gái ăn học. Trở nên cô đơn, Hồng Sơn lại càng lún sâu thêm vào vũng bùn hút, chích. Đây là những ngày tháng cùng cực nhất.

Có lần anh đã tự tìm đến cái chết nhưng không thành. Không một xu dính túi, anh phải lang thang đi xin hoặc vay tiền bạn bè để mua hê-rô-in. Có người nể anh đã đáp ứng. Nhưng cũng có người do thương và tiếc cho tài năng của anh mà nghiêm khắc, từ chối.

NSND Khải Hưng kể có lần đi họp về thấy Hồng Sơn đứng chờ ở cửa phòng làm việc của mình tại Đài Truyền hình Việt Nam. Vị đạo diễn mở cửa, Hồng Sơn theo vào, hỏi xin tiền để mua ma tuý. Vốn quý hoá và trân trọng Sơn nhưng Khải Hưng thấy không thể đáp ứng lời đề nghị của bạn, bèn nói thẳng: “Người như ông thì tôi không tiếc gì. Nhưng ông cần tự trọng và phải có ý chí để cai nghiện…”. Hồng Sơn chỉ còn cách ra về.

Anh nghĩ mãi về lời từ chối và khuyên chân thành của Khải Hưng. Sau đó, thấy xấu hổ và hối hận, anh đã đến công an xin được đi cai nghiện tập trung. Lúc này cô con gái Kim Chi mới vào đại học đã đưa bố đến trại. Hồng Sơn đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Sau 2 năm ở trại, cai xong, anh được về.

Phim “Ma làng” nổi tiếng được nhiều người ưa thích có sự xuất hiện của Hồng Sơn trong vai Dỏ - một Chí Phèo thời hiện đại – chính là sự trở lại đầu tiên của anh sau khi cai nghiện. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã không một chút do dự mà đầy niềm tin, đã trao cho anh vai này.

Tuy xuất hiện không nhiều nhưng có tính cách không dễ thể hiện, nhất là lại khác xa với những nhân vật chính diện, “kép thương” mà Hồng Sơn vẫn quen vào vai. Hầu hết các vai anh thể hiện cả trên sân khấu lẫn màn ảnh trước đó đều là chính diện, tích cực.

Lần đầu tiên Nguyễn Hữu Phần muốn Hồng Sơn vào một vai khác hẳn, giống với kiểu Chí Phèo truyền thống từng rất nổi tiếng trong văn học hiện thực trước Cách mạng Tháng Tám. Con người bạc nhược, không làm chủ được bản thân để dễ mắc nghiện hút là thế mà sau khi cai, đã thành một người đầy nghị lực để liên tiếp gặt hái được thêm nhiều thành công mới.

Ngoài “Ma làng”, anh đã có mặt trong nhiều phim khác, đều được các đạo diễn rất hài lòng: “Dòng sông phẳng lặng”, “Một thời đã sống”, “Cỏ lông chông”, “Gió làng Kình”, “Nhà có nhiều sửa sổ”. Xem những phim này, khán giả không thể nhận ra Hồng Sơn từng là một con nghiện có “hạng” tưởng như vùi lấp, huỷ diệt tài năng của anh. Vẫn một Hồng Sơn luôn hết mình trong việc lột tả chiều sâu của nhân vật với lối diễn rất tiết chế ngoại hình, chủ yếu chỉ biểu cảm bằng đôi mắt, nụ cười. Có vẻ như sau khi cai xong, anh diễn xuất còn hay hơn trước.

Cố NSƯT Hồng Sơn vào vai Dỏ trong phim “Ma làng”.

Người ta thấy rõ quyết tâm của anh muốn chuộc lại những tháng ngày lầm lỗi, để phí phạm năng lực của bản thân. Bạn bè, đồng nghiệp vì thế mà càng thêm thương, quý, nể anh hơn. Thường thì người thông minh, có tài không cần cù, chịu khó bằng người hạn chế, kém cỏi hơn. Vậy nên mới có câu “Cần cù bù thông minh”. Nhưng Hồng Sơn thì lại cực kỳ chịu khó, mặc dù anh có tài bẩm sinh.

Nhiều bạn diễn với anh kể lại: Có những phim yêu cầu diễn viên lúc diễn phải thuộc lòng lời thoại chứ không được nhắc. Ai cũng lo làm tốt việc này, nhưng không ít người vẫn bị vấp do chưa thuộc lòng được lời thoại. Đương nhiên như vậy thì phải quay lại. Và đạo diễn không thể hài lòng. Nhưng Hồng Sơn thì không bao giờ mắc. Để đạt được như vậy, anh đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian để học thuộc lời. Giờ nghỉ trưa, trong khi mọi người nghỉ, ăn cơm thì anh tranh thủ học thêm cho thật thuộc. Vậy nên anh diễn chỉ phải quay một “đúp” là đạt yêu cầu.

Khi Hồng Sơn hoàn toàn trở lại màn ảnh và còn hơn cả phong độ cũ thì bất trắc, rủi ro lại vẫn cứ tiếp tục đeo bám anh để năm 2008, trong một lần đi đóng phim, do xe đổ, anh bị gẫy 2 xương đùi và 2 xương sườn. Tai nạn quá nặng khiến anh phải vào điều trị tại bệnh viện Trường Đại học Y. Do bác sỹ sử dụng nẹp và vít kém chất lượng nên anh phải qua hai lần phẫu thuật. Ở lần mổ thứ hai, anh bị sốc thuốc suýt tử vong ngay trên bàn mổ. Ra viện, anh tham gia bộ phim “Chủ tịch tỉnh”. Đây là bộ phim cuối cùng của anh.

Sau hai lần mổ kéo khá dài, sức khoẻ của Hồng Sơn sút kém nhiều so với trước. Giữa những ngày tháng này, tôi quen biết anh từ một sự rất tình cờ. Anh ít hơn tôi cả chục tuổi nên xưng hô “anh, em” và trò chuyện rất cởi mở, thân mật cứ như có mối quan hệ thâm tình từ lâu. Anh tâm sự nhiều chuyện khá sâu kín trong cõi riêng tư cũng như những dự định trong tương lai.

Anh nói đóng phim cũng đã nhiều, dù được ghi nhận nhưng cũng chỉ đến thế. Làm đạo diễn thì không thể bởi nghề này phải được học hành bài bản chứ không thể cứ diễn giỏi là làm được. Anh có dự định sẽ trở thành nhà tổ chức sản xuất phim. Lúc này, anh đã có cháu ngoại. Nghĩ lại nhiều kỷ niệm của quá khứ, anh có ý muốn hàn gắn lại tổ ấm đã đổ vỡ vì người vợ cũ của anh lúc này cũng đã chia tay người chồng thứ hai. Nhưng việc này không thành.

Sau khi nghe anh kể nhiều về người vợ đã chia tay, về lý do vì sao mong muốn của anh không thể thành sự thật, tôi hỏi anh: “Phải chăng vì thế mà Sơn quyết định thuê nhà tận bên phường Bồ Đề (Gia Lâm) để ở? Sơn muốn lánh xa bớt sự ồn ào mặc dù sang bên đó sẽ không thuận tiện cho việc đi lại gặp gỡ, thù tạc với bạn bè?”. Anh chỉ cười – vẫn nụ cười hiền khô quen thuộc – mà không nói gì. Nhưng tôi hiểu mình đã nói đúng ý nghĩ, tâm trạng của người bạn trẻ hơn mình mươi tuổi.

Khi Hồng Sơn qua đời, tôi ở xa, không thể đến đưa tiễn anh. Sau đó, tôi nghe nói đám tang anh có rất nhiều người đến viếng và không ít bè bạn đã khóc như tiễn chính người ruột thịt của mình.

Nguyễn Đình San
.
.