Trung tá, Huấn luyện viên Karate Phạm Hồng Hà:

Vinh quang từ nghị lực thép

Thứ Tư, 14/02/2018, 08:34
Tóc ngắn, quyết liệt, ăn sóng nói gió..., gặp chị người ta biết ngay đây là con nhà võ. Hơn 30 năm khoác áo karate, chị là người mang về biết bao vinh quang cho làng võ thuật Việt Nam nói chung và ngành Công an nói riêng. Từng lớp học trò tiếp nối niềm vinh quang ấy, niềm vinh quang được đong đầy bằng mồ hôi, nước mắt và cả chất chồng nỗi đau.


"Hãy sống tốt và hết lòng với mọi người rồi điều tốt đẹp sẽ đến với mình". Đó là phương châm mà Trung tá Phạm Hồng Hà, công tác ở Cục Công tác Chính trị, Cơ quan đại diện phía Nam (Tổng cục Chính trị CAND, Bộ Công an) dành cả một đời để phụng sự. Được sự quan tâm của lãnh đạo, ngoài giờ làm việc ở đơn vị, chị còn là Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển trẻ karate quốc gia.

Trong sự nghiệp của mình, Phạm Hồng Hà gặt hái vô số thành tích choáng ngợp: 3 lần vô địch SEA Games (1997, 1999, 2001), Huy chương bạc Asiad 1994, Huy chương đồng Cúp nữ thế giới 1997… Năm 1999, Phạm Hồng Hà trở thành vận động viên karate đầu tiên của Việt Nam giành giải vô địch karate Châu Á. Cuối thập niên 90, liên tục 4 năm chị có mặt trong top vận động viên tiêu biểu toàn quốc.

Với vận động viên, chấn thương là chuyện cơm bữa. Và đau khổ nhất là bị chấn thương nhưng vẫn phải thi đấu. Thế nên, vượt qua sự hành hạ thể xác để chiến thắng là điều không phải ai cũng làm được. Ấy vậy mà Phạm Hồng Hà đã làm được. Đáng kinh ngạc hơn khi nỗi đau chị đối diện không phải là một mà là hai: nỗi đau thể xác và nỗi đau tinh thần vò xé tâm can.

Trung tá Phạm Hồng Hà mừng học trò Trang Cẩm Lành đoạt Huy chương bạc cá nhân tại SEA Games 29.


Ngày chị thi đấu, mảnh tang vẫn còn gài trước ngực bên cạnh màu cờ đất nước. Cái chân bong gân nhói lên từng hồi, nhưng có thấm tháp gì với nỗi đau mất cha. Chị đến Singapore tham dự Giải vô địch Châu Á khi tang cha chưa tròn 49 ngày. Tháng trước, cha ngã bệnh. Cả nhà cứ tưởng cha, chỉ nằm viện vài ngày là khỏi. Ai dè bác sĩ phát hiện cha bị ung thư phổi. Lúc đó, Hà đang xây nhà mới cho cha mẹ. Căn nhà cũ quá xập xệ. Tường nứt toác nên giấc ngủ cả nhà chẳng thể lành những đêm mưa gió.

Cha phải chuyển viện để điều trị dài ngày. Chị lên nắm tay cha khoe: "Bố ơi, nhà mình đẹp lắm, đổ được trần lầu một rồi". Ông cười, thều thào: "Thế sao không nhân tiện chuyển viện thế này chở bố về coi nhà mới luôn ?". Chị lặng người. Mơ ước về một căn nhà mới là mơ ước cả đời của cha. Một đời cha tảo tần trong bộ áo công nhân, sáng sáng chiều chiều tăng ca để mong ba đứa con gái đủ đầy như chúng bạn. Nhưng giữa thủ đô phồn hoa, cái nghèo vẫn vây chặt mái nhà tồi tàn ấy.

Thấy anh bạn của chị gái học võ vovinam trông mạnh mẽ và ngầu ghê, bé út Hà thích tợn. Mới tí tuổi đầu, Hà đã ưa những trò mạnh bạo của bọn thằng Tí, cu Tèo. Vì có hai cô con gái đầu nên ở lần mang thai thứ ba, mẹ và cha cứ ngóng Hà là thằng cu. Có lẽ vì mong ước ấy nên tính tình Hà không khác mấy con trai. Xin đi học võ, cha mẹ đồng ý liền. Cha xoa đầu Hà: "Cho con học để khỏe người".

Chị kể ngày xưa, chuyện con gái học võ là ghê gớm lắm. Cả khu phố cứ xì xầm chỉ trỏ như cái đứa không giống ai. Chị mặc kệ. Nhà nghèo, không có tiền mua quần áo võ, chị lấy vỏ chăn cắt ra may thành quần áo. Đang học vovinam, thấy mấy đứa học karate có đòn chân đẹp mê ly, Hà bỏ phắt vovinam để đeo đuổi bộ môn karate đến tận bây giờ.

Năm 1992, Hà được lên tuyển quốc gia. Tháng đầu nhận 50 nghìn, việc đầu tiên của cô gái 18 tuổi là đi ăn bát phở. Năm 1999, số tiền lương và tiền thưởng tích góp từ những lần giành huy chương đã đủ để chị xây tặng cha mẹ ngôi nhà mơ ước. Nhưng chưa kịp thấy nhà mới thì cha qua đời. Cha qua đời chỉ vài hôm sau lần chuyển viện ấy.

Ngày cha đi, trời mưa tầm tã. Ngồi trong phòng tập, nhìn chân đau tấy, thấy mọi người tập luyện hồ hởi chuẩn bị cho giải, Hà thêm suy sụp. Vết thương lòng tươm máu mà mỗi lần nhớ đến cha, nhớ đến câu nói cuối cùng của ông, chị lại ứa nước mắt.

Chỉ một tuần nữa đội sẽ lên đường. Chị muốn buông xuôi tất cả, dù mọi người vẫn cõng mình đến phòng tập. Đêm trước ngày lên đường, giấc mơ có gương mặt lam lũ của cha hiện về. Tỉnh dậy, chị khóc òa như ngày nhỏ tựa đầu vào vai cha khi bị đòn đau trên sàn tập.

Giấc mơ ấy biến thành động lực để chị lên đường. Hạ gục đối thủ người Đài Loan với tỷ số áp đảo 4-1, Phạm Hồng Hà giành chức vô địch. Trong tiếng reo hò đến lạc giọng của đồng đội và các thầy, Hà khóc. Bao nhiêu nước mắt, đau khổ vắt ra thành nước mắt. Tấm huy chương lấp lánh ấy chị dành cho người cha quá cố…

Về nước, Hà nhận được bức thư của huấn luyện viên người Nhật Shiina. Một câu trong bức thư mà đến giờ chị luôn ghi nhớ: "Em đã vượt qua nỗi đau một cách vĩ đại". Mùa xuân năm đó, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao Hà Quang Dự đến chúc Tết gia đình cô vận động viên vừa mang về vinh quang cho làng thể thao nước nhà. Sau tang cha, Hà chẳng buồn gọi thợ đến xây nốt, cũng chẳng màng mua sắm nội thất. Vôi vữa, gạch ngói ngổn ngang. Bộ trưởng đến thăm mà nhà chị không có nổi một bộ bàn ghế tiếp khách, phải chạy sang hàng xóm mượn.

Trung tá Phạm Hồng Hà (phải) thị phạm cho học trò trong một giờ lên lớp.

Khi trở thành huấn luyện viên, Phạm Hồng Hà là người thầy làm nên lứa vận động viên trẻ đầy tài năng. SEA Games 29 vừa rồi, chị đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên hỗ trợ đội tuyển karate Việt Nam. Tham dự kỳ SEA Games lần này, năm cô cậu học trò của chị đã làm nên thành tích vẻ vang. Đó là Trang Cẩm Lành (sinh năm 1996) với Huy chương bạc cá nhân, Nguyễn Thanh Duy (1993) giành Huy chương vàng đồng đội và Huy chương đồng cá nhân, Phạm Minh Nhựt (1998) giành Huy chương vàng đồng đội… Ngoài thành tích ở SEA Games, trong năm 2017, học trò của chị còn mang về loạt thành tích như: 7 Huy chương vàng Giải vô địch và vô địch trẻ Đông Nam Á, 3 Huy chương đồng Giải vô địch trẻ Châu Á…

"Này, cái chân giơ cao lên!", "Sao lại đấm thế kia". Mục sở thị một buổi học của "cô" Hà mới thấy chị "hét ra lửa" như thế nào. Chị bảo: "Nếu mình không nghiêm, không uốn nắn ngay từ đầu mà cứ để các em tập sai kỹ thuật thì mai này các em quen và rất khó sửa dẫn đến thành tích không cao. Như thế là làm hại, là thiệt thòi cho các em". Võ thuật khó mà ăn nói, hướng dẫn nhẹ nhàng được. Nhiều khi quát xong, sợ các em tủi, chị lại gọi ra khích lệ tinh thần, phân tích đúng sai.

Là huấn luyện viên nữ, lại dạy võ, Trung tá Phạm Hồng Hà gặp áp lực rất lớn. Chị thú thật so với nam giới, mình phải phấn đấu, phải gồng lên rất nhiều. Đâu dễ vượt qua định kiến xã hội, vượt qua sự mềm yếu của bản thân để trở thành một "cô giáo thép" trước mặt học trò.

 Đôi lúc nhớ về cha, nhìn lũ học trò hồn nhiên đùa nghịch, hồi hộp theo dõi chúng so tài với bạn bè quốc tế, cô giáo Hà nghiêm khắc ấy lại hóa trẻ nít. Cô khóc. Nước mắt tuôn đầm đìa trên khuôn mặt dãi dầu khổ luyện. "Tội nghiệp lũ trẻ! Lứa tuổi 13, 17, đang tuổi ăn tuổi chơi mà các con phải xa cha mẹ, khăn gói vào trường để theo lịch tập luyện hà khắc. Nhìn các con khóc vì nhớ nhà, tôi thương vô hạn. Nếu lấy chồng rồi sinh con, bây giờ tôi cũng có những đứa con đáng yêu như thế" - chị tâm sự.

Mang trái tim của một người mẹ, chị càng cố nghiêm khắc hơn trong mỗi giờ lên lớp, nhưng sau giờ học là lời động viên, vỗ về an ủi các em. Bởi điều chị mong mỏi trên hết là chúng sớm thành người, là trang bị cho chúng kỹ thuật bài bản để mai này vươn mình ra năm châu. Cũng nhờ kỷ luật nghiêm khắc, giờ học võ, học văn hóa và sinh hoạt tập thể dày đặc nên nhiều em cai được cơn nghiện game. Sải cánh tung bay khắp bốn phương trời, ngày gặp lại nhiều em ôm chầm lấy cô và rối rít cảm ơn như một đứa trẻ.

Cả tuổi xuân phụng hiến võ thuật, hy sinh cả hạnh phúc riêng tư, chị vẫn hạnh phúc khi vây quanh mình là tiếng ríu rít của lũ học trò nhỏ mà chị trìu mến gọi là các con. Ừ thì nếu ta là chiếc lá thì "việc của mình là xanh" đến hết mùa nhựa sống. Khi đi qua bão giông, chiếc lá mạnh mẽ trụ mình trên cành ấy càng thêm xanh biếc. Một màu xanh bất diệt vươn lên đón nắng ấm, chắt chiu cho lộc non vừa hé…

Mai Quỳnh Nga - Xuân 2018
.
.