Viết văn như... đánh trận

Thứ Sáu, 08/04/2011, 09:14

Nhiều bạn đọc khi tiếp xúc với bộ tiểu thuyết "Vỡ bờ" của nhà văn Nguyễn Đình Thi, hẳn khó có thể hình dung được rằng, để có được thời gian viết nên bộ sách hai tập dày tới trên một ngàn trang này, tác giả của chúng - nhà văn Nguyễn Đình Thi đã phải khó khăn trong việc dành dụm thời gian cho việc viết đến nhường nào.

Nguyễn Đình Thi bắt đầu ấp ủ dự định viết bộ tiểu thuyết từ trong kháng chiến chống Pháp. Thực tế, năm 1953, khi đơn vị học tập phát động quần chúng giảm tô, nghe anh em chiến sĩ là nông dân tố khổ, rồi sau đó nghe Quốc hội họp về Cải cách ruộng đất, tác giả trẻ đã có ý định viết một truyện dài về nạn đói năm 1945. Và trước khi theo bộ đội đi chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã viết xong một truyện đặt tên là "Vỡ bờ", bản thảo dày chưa đầy trăm trang. Sau này, hòa bình lập lại, đọc lại bản thảo, Nguyễn Đình Thi thấy buồn và thất vọng vì "thấy nó không ra làm sao cả".

Năm 1955, nhân được nghỉ dưỡng bệnh (bấy giờ Nguyễn Đình Thi bị bệnh lao), ông tranh thủ viết lại cuốn sách. Tới năm 1956 thì về cơ bản, ông đã dựng xong đề cương "Vỡ bờ". Nhưng suốt từ đó cho tới năm 1961, nhà văn chỉ viết xong cuốn thứ nhất (tức tập 1) và cho xuất bản vào năm 1962. Phải tới năm 1968, cuốn thứ hai mới hoàn thành và mất một năm sau, nó mới ra mắt bạn đọc. Như vậy, trong suốt 7 năm, tác giả đã phải chịu cảnh "mang cái thai trong bụng mà mãi không đẻ được, tôi nghĩ ngợi, bứt rứt, nhiều đêm mất cả ngủ". Kèm đó là cảm giác hối lỗi "do không viết được ngay cuốn "Vỡ bờ" thứ hai nên tôi tự thấy là có lỗi to với độc giả" - Nguyễn Đình Thi từng tâm sự vậy.

Thời gian ấy, nhà văn Nguyễn Đình Thi đang giữ cương vị Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Công việc thời chiến khá bận rộn, cố lắm một năm ông cũng chỉ có thể dành ra được 40 tới 60 ngày cho việc viết. Nhưng với người sáng tác, một khi ý tưởng đã nảy ra thì nó luôn đeo bám trong đầu, đâu đơn giản là gạt ra ngoài, chờ thời gian rảnh mới quay trở lại tìm cảm hứng. Vậy là, ngay cả những lúc bận nhất, hễ hở ra chút thời gian nào là ông viết ngay. Kể cả những lúc nằm viện chữa bệnh, mặc dù các bác sĩ luôn miệng nhắc nhở, nhưng ông chỉ làm bộ "ngoan ngoãn" khi có mặt họ. Còn khi họ quay lưng là ông chơi kiểu "đánh du kích", lại thậm thụt viết. 

Không chỉ thời gian bị xé lẻ, mà trong quãng thời gian từ khi cuốn tiểu thuyết "Vỡ bờ" tập 1 ra đời cho tới khi nhà văn hoàn tất tập 2, tâm trí tác giả còn bị phân tán cho những cuốn sách khác - những cuốn mà theo ông là để phục vụ những nhiệm vụ "tức thì". Như khi đế quốc Mỹ ráo riết ném bom Quảng Bình, với tư cách một nhà văn, Nguyễn Đình Thi thấy mình không thể ngồi yên. Vậy là ông vào khu 4 cũ, thu thập tài liệu để viết cuốn "Vào lửa". Tiếp đó, cảm xúc trước tinh thần anh dũng và sức chiến đấu ngoan cường của lực lượng Không quân Việt Nam còn non trẻ, nhà văn viết thêm cuốn "Mặt trận trên cao". Sau khi đưa nộp bản thảo cho một đơn vị xuất bản, nhà văn mới quay trở lại nơi cơ quan Hội Nhà văn sơ tán để ngồi viết tiếp phần hai của tiểu thuyết "Vỡ bờ". Nhưng Nguyễn Đình Thi cũng chỉ ở đây một thời gian ngắn, bởi sau đó ông lại phải đi công tác xa. Sau khi quay trở về thì mạch cảm xúc không còn tập trung như trước, tác giả phải loay hoay đánh vật với đống bản thảo dang dở một cách chật vật, gắng mãi cũng chỉ được ít trang. Rồi tiếp đó, Mỹ dữ dội đánh bom Hà Nội. Một số cơ quan đoàn thể phải đi sơ tán, Nguyễn Đình Thi lại "tận dụng" cơ hội này để viết liền một mạch mấy chương tiểu thuyết. Cứ chắp nối như thế, mãi rồi phần còn lại của bộ tiểu thuyết cũng hoàn thành.

Thật là viết văn mà như đánh trận. Mà kể cũng đúng, khi ấy chúng ta chẳng đang sống trong không khí thời chiến đó thôi

Đào Bá Thoại
.
.