Viết và đọc- quá trình không ngừng sáng tạo

Thứ Sáu, 25/01/2019, 09:42
Năm 2018, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và những người bạn của ông một lần nữa lại làm sửng sốt văn đàn bởi sự xuất hiện của chuyên đề “VIẾT & ĐỌC” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. 


Có thể nói, chuyên đề “Viết & Đọc” là một cuộc cách tân mới với văn chương, chữ nghĩa. Ở đó sự tham gia của những nghệ sĩ nổi tiếng trên đủ mọi lĩnh vực của nghệ thuật đã xác lập đẳng cấp ngay từ đầu của chuyên đề này. Và hơn lúc nào hết, độc giả yêu văn chương, trân trọng chữ nghĩa dường như đang được sống lại với cơn hồi hộp chờ đợi sau 3 tháng một lần, họ được cầm trong tay “Viết & Đọc” để chậm rãi ngồi xuống và thưởng thức như một thú say mê.

Văn nghệ Công an đã trò chuyện cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về sự xuất hiện của “Viết & Đọc”.

- Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cái tên của ông, bao trùm hơn là dấu ấn mang tên Nguyễn Quang Thiều thường để lại phía sau những tờ báo rất mạnh, nó có một sức hút kỳ lạ, và có lẽ chưa bao giờ thôi “hot”. Ông có thể lí giải một chút về hiện tượng này?

+  Thật khó lý giải rành mạch và chính xác được tại sao anh lại yêu cô gái ấy như thế khi anh đang yêu. Tôi làm các tờ báo lúc nào cũng với một niềm mê đắm không hề vơi. Niềm mê đắm của tôi truyền một phần cảm hứng quan trọng cho những người cùng làm, kể cả cộng tác viên. Mê đắm hay không mê đắm thực sự không thể giấu được. Nó thể hiện trên từng câu chữ, trên từng phụ bản hội họa, trên từng cách đặt tên, thậm chí đôi ba dòng sapo. Hơn nữa, anh phải hiểu cái anh đang làm là gì, vì ai và phải làm như thế nào.

Và hơn nữa, anh phải sáng tạo trên từng trang báo, từng trang tạp chí, đặc biệt là các chuyên mục. Mỗi chuyên mục đều chứa đựng ý tưởng và nội dung anh sẽ khai thác. Nếu làm được những điều như thế, tờ báo, tạp chí hay cuốn sách của anh sẽ mang lại những điều mới mẻ ngập tràn cảm xúc. Và đó là điều bạn đọc chờ đợi.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

- Chuyên đề “Viết & Đọc” được khai sinh như thế nào? Ai là người đầu tiên nghĩ ra cái tên, và vì sao lại là “Viết & Đọc”.

+ Khi tôi về đảm nhiệm công việc quản lý ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tôi thấy anh em ở đó mơ ước có một loại sách chuyên đề (nó có vẻ giống một tạp chí). Nhưng trải qua biết bao năm, bộ sách chuyên đề này không có cơ hội ra mắt vì nhiều lý do, trong đó có lý do tài chính.

Một lần ngồi trò chuyện với nhau về sách chuyên đề, nhà báo Nguyễn Trung Dân, lúc đó là Trưởng Chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà văn tại TP Hồ Chí Minh nói về việc Viết và việc Đọc của người Việt Nam hiện nay. Thế là chúng tôi lấy tên bộ sách chuyên đề này là "Viết & Đọc". Đơn giản chỉ có vậy.

Lịch sử của việc viết và đọc chính là con đường tạo nên văn hóa và nhân tính của nhân loại. Điều đó chẳng bao giờ cũ đi khi còn con người trên thế gian này. Một điều nữa chúng tôi nghĩ là cần phải sáng tạo hơn nữa trong sự nghiệp viết của nhà văn và cần phải đọc một cách khoa học nhất, công bằng nhất mọi văn bản được viết ra. Vấn đề này nền văn học chúng ta đang có không ít vấn đề. Chính điều ấy mà những người thực hiện "Viết & Đọc" cùng các cộng tác viên và những bạn đọc thực sự đã từng bước dựng lên chân dung của "Viết & Đọc".

-  Thoạt nhìn thì có vẻ như hai chuyên đề “Viết & Đọc” đầu tiên vừa ra mắt bạn đọc trong 2 quý cuối của năm 2018 đúng nghĩa là một tạp chí, với số lượng trang dày dặn, có tính chất nặng về học thuật... Nhưng nó hơi giống với một tờ báo vì trong đó có cả thời sự và suy nghĩ, có sáng tác mới nhưng cuối cùng nó lại không phải là tờ báo khi có cả những chuyên luận, khảo cứu, phân tích từ những tác phẩm kinh điển trong văn chương Việt và thế giới?

+ Nhà xuất bản không được xuất bản tạp chí hay báo mà chỉ được phép ra sách chuyên đề. Vì chuyên đề này chỉ tập trung vào việc viết và đọc nên nó có vẻ giống một tạp chí về hình thức. Chúng ta cần sáng tạo hơn nữa trong viết, chúng ta cần tư duy hơn nữa trong đọc. Chỉ khi nhà văn viết với một tư tưởng và người đọc, đọc với một tư tưởng thì chúng ta mới hy vọng tạo ra những giá trị đích thực và tiếp cận được những giá trị đích thực.

- Vậy tóm lại mâm cỗ “Viết & Đọc” mang đến cho người đọc một tinh thần nghệ thuật gì? Nhà thơ có thể chia sẻ sâu hơn, kỹ hơn về tinh thần và thông điệp nghệ thuật của chuyên đề “Viết & Đọc” với độc giả?

+ Trong lá thư của Ban biên tập chuyên đề ra số đầu tiên, tôi viết: "Viết & Đọc" là những nỗ lực không ngừng dựng lên một ngôi nhà của sự sáng tạo và lòng nhân ái. Đấy là nền tảng và sự khởi đầu của những sáng tạo mà con người đã làm ra cho nhân loại. Và nền tảng ấy mãi mãi của mọi sáng tạo cho dù ở bất cứ kỷ nguyên nào trong tương lai.

Mỗi người viết là một người kể chuyện của thế gian - những câu chuyện của trí tưởng tượng kỳ diệu, của lòng nhân ái vô bờ, của cuộc đấu tranh không khuất phục cho sự công bằng và cho cái đẹp. Và cạnh đó là lời kêu gọi cho sự sáng tạo không ngưng nghỉ để làm ra cái mới cho nghệ thuật.

- Lườm qua danh sách những nghệ sĩ tham gia chuyên đề “Viết & Đọc” thấy toàn những tài danh. Trong khi báo giấy đang thoái trào, giữ được độc giả báo giấy đã vô cùng khó, mời được các văn nhân cộng tác lại càng khó hơn nhiều, “Viết & Đọc” có bí quyết gì để tập hợp được những danh tài cả nước góp mặt trong chuyên đề?

+ Chúng tôi chẳng có bí quyết gì cả. Chúng tôi thực sự cần những nhà văn, nhà nghiên cứu và họa sỹ thực sự và họ đã hiểu được mục đích của chúng tôi. Thế là họ bắt tay vào làm cùng chúng tôi với một cảm hứng mãnh liệt. Bởi chắc chắn ở đó (Viết & Đọc) họ được sáng tạo thực sự và lên tiếng thực sự về mọi vấn đề của con người bằng ngôn ngữ nghệ thuật.

Bởi hiểu mục đích và thái độ của chúng tôi với ấn phẩm này mà chúng tôi có được những nhà tài trợ “giấu tên”. Họ đã bỏ những đồng tiền lao động chân chính của họ để làm những điều tốt đẹp cho xã hội. Và tôi mơ đến một ngày Nhà nước bỏ tiền ra “thuê” những người có khả năng làm những tờ báo, tạp chí hay sách văn chương nghệ thuật để làm ra những sản phẩm nuôi lớn phần NGƯỜI của các công dân chúng ta giống như nhiều nước trên thế giới.

- Tôi còn nhớ cách đây vài năm, tờ báo “Nghệ Thuật Mới” cũng đã mang lại cho đời sống văn học nghệ thuật trong nước một miền cảm xúc rất mới lạ và vô cùng háo hức. Chúng tôi - những độc giả yêu nghệ thuật cũng đã chờ đón từng số báo “Nghệ Thuật Mới” ra mắt nóng hổi trên sạp báo để đọc. Cái tinh thần đó vẫn còn trong số độc giả trung thành với tình yêu văn chương hiện nay ở “Viết & Đọc”, vậy ở hai đứa con tinh thần này có gì giống và khác nhau?

+ Có lẽ điều khác nhau là ở thể loại. Một cái là báo cho dù là báo văn chương, còn cái kia là sách. Vì thế độ “kinh viện của sách sẽ chiếm nhiều hơn với hàm lượng trí tuệ lớn hơn. Và trong "Viết & Đọc" tính báo chí giảm đi. Còn sự giống nhau là ở tinh thần. Chúng tôi vẫn đi trên con đường của tinh thần sáng tạo cái đẹp và lòng nhân ái. Tôi đã thôi làm tờ "Nghệ Thuật Mới" nhiều năm nay. Vì thế tôi cũng có nhiều bài học và kinh nghiệm trong việc làm những ấn phẩm văn chương tiếp theo.

- Cho đến lúc này, tôi vẫn không hiểu vì lí do gì “Nghệ Thuật Mới” lại đi vào lặng lẽ sau đó, hình như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không cầm chịch tờ báo đó nữa, và hiện nay nó còn tồn tại hay đã đi vào quê lãng rồi ạ? Lí do vì sao một tờ báo khi ra đời đã chinh phục được độc giả lại nhanh chóng rơi vào quên lãng?

+ Tôi nghĩ không nên nói ra lý do ở đây. Một số người nghĩ lý do "Nghệ Thuật Mới" dừng lại vì tài chính. Nhưng cho đến bây giờ tôi có thể nói chắc chắn rằng: tài chính không phải là vấn đề khó nhất.

- Ông có thể chia sẻ cho độc giả biết con đường dài phía trước của “Viết & Đọc”.

+  Tôi tin rằng: "Viết & Đọc" sẽ càng ngày càng hay hơn. Nhưng có hai khó khăn mà chúng tôi phải từng bước ổn định là ổn định tài chính để tiếp tục và ổn định lòng tin bạn đọc. Người đọc sách văn chương ở Việt Nam là một cảnh báo và là nguy cơ đối với các báo và tạp chí văn chương.

Người ta có thể mua 20 triệu một cặp vé cho một trận đấu bóng đá nhưng rất khó bỏ ra 100.000 đồng để mua một cuốn sách hay một tạp chí. Nhưng rồi đến ngày, con người sẽ nhận ra sự cần thiết của những cuốn sách. Có những người nói với tôi, họ từ có ít tiền đến rất nhiều tiền, nhưng họ vẫn không tìm thấy hạnh phúc.

Cái đẹp là thứ duy nhất mang con người tới hạnh phúc và sách là một trong những công cụ mang cái đẹp đến cho con người. Tôi nói với nhiều bạn bè rằng: Nếu sau này Nhà xuất bản không có tiền để làm "Viết & Đọc" thì cá nhân tôi vẫn làm. Tôi sẽ xin giấy phép của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn như mọi tác giả khác. Thậm chí tôi chỉ in một bản "Viết & Đọc" mà thôi. Một bản in cũng vẫn có quyền nói rằng: "Viết & Đọc" không chết và chúng ta không bao giờ rời bỏ sự dấn thân cho những điều tốt đẹp của thế gian.

- Xin chân thành cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều!
Như Bình (thực hiện)
.
.