Vì sao nhà chí sĩ Phan Châu Trinh thoát được án chém?

Thứ Sáu, 04/03/2005, 08:32

Phan Châu Trinh bị bắt ngày 31/3/1908 tại Hà Nội. Ông bị đưa về Huế để xử và Phủ Phụ chính đã xử bản án đầu tiên ngày 10/4/1908. Trong số 8 thành viên tham gia xét xử và tích cực làm nhẹ tội cho Phan Châu Trinh có Thượng thư Bộ Lễ Lê Trinh.

Thượng thư Lê Trinh  (còn có tên là Lê Đăng Lĩnh, Lê Đăng Trinh) sinh năm 1850 tại làng Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị. Trước khi vụ án xảy ra, ông và Phan Châu Trinh ở cùng Bộ Lễ. Ông Lê Trinh xử Phan Châu Trinh là xử thuộc viên dưới quyền.

Những thông tin vẫn lưu truyền lâu nay cho rằng chính Nam triều đã xử tử hình Phan Châu Trinh, nhờ có Liên minh Nhân quyền (Pháp) can thiệp nên án tử hình được đổi thành khổ sai chung thân. Sự thực không phải như vậy.

Theo những tài liệu mới do bà Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh, sưu tầm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Pháp (Centre des Archives d’Outremer, viết tắt là CAOM) được tập hợp in vào sách Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới (Nxb. Đà Nẵng, 2001), thì tại bản án đầu tiên Phủ Phụ chính đã không xử  “trảm quyết” (chém ngay) Phan Châu Trinh mà xử ở mức nhẹ hơn giảo giam hậu (thắt cổ cho đến chết nhưng không thi hành ngay mà giam lại) đày đi Lao Bảo và cầm cố chung thân, không được ân xá.

Bản án nhân đạo này đã bị Khâm sứ Lévecque bác ngay trong phiên họp ngày 11/4/1908. Theo Lévecque, Phủ Phụ chính đã vận dụng điều 224 về “mưu loạn vị hành” (mưu loạn nhưng chưa làm) để xử giảo án treo cho Phan Châu Trinh là không đúng, vì không thể nói Phan Châu Trinh là chưa làm khi ông đã tổ chức “sách động” dân chúng, hoạt động gây ảnh hưởng không chỉ ở Quảng Nam mà cả ở các tỉnh Trung kỳ, đã đi khắp nơi tổ chức những Hội kín, liên lạc thường xuyên với Phan Bội Châu.

Vì muốn “trảm quyết” Phan Châu Trinh, Lévecque cho rằng để xử tội trạng Phan Châu Trinh phải áp dụng điều 223 về “tội làm loạn” mới đúng. Từ đó Lévecque nhắc Phủ Phụ chính “phải áp dụng đúng đắn văn bản pháp luật, không để cho những suy nghĩ khác chi phối”, phải “xem xét lại bản án ngay”. Nhưng với “lương tri và dũng khí, Phủ Phụ chính, đứng đầu là Cao Xuân Dục và Lê Trinh”,  đã dám cưỡng lại lệnh Khâm sứ. Như đánh giá của bà Lê Thị Kinh, rút cục bản án thứ hai của Phủ Phụ chính làm lại (sau khi đấu tranh với Lévecque) ngày 11/4/1908 vẫn chỉ xử Phan Châu Trinh với án trảm giam hậu (chém nhưng giam lại) và đày đi chung thân cầm cố ở Lao Bảo. Lévecque buộc phải duyệt nhưng đổi thành đày đi Côn Đảo.

Có một điểm đặc biệt đáng chú ý, công lao của Phủ Phụ chính mà quan trọng là Thượng thư Lê Trinh giúp cho vị quan tùy viên của mình là Phan Châu Trinh thoát chết đã được ghi nhận, khẳng định với nhiều cảm kích qua bản điều trần bằng Pháp văn có tựa đề Những cuộc biểu tình năm 1908 của dân Trung kỳ - Đơn xin ân xá với chữ ký Phan Châu Trinh ngày 8/4/1912 tại Paris gửi Liên minh Nhân quyền Pháp để chuyển Bộ trưởng Thuộc địa Pháp có đoạn: “Trong một thời gian ngắn nhiều bản án đã được chính quyền Pháp phê duyệt xử phạt các nhà nho bị bắt, trong đó có tôi, người thì án tử hình người thì án lưu đày hoặc khổ sai chung thân. Tôi xin nói rõ ở đây, để làm rạng danh họ, rằng một số vị quan triều đình Huế, mặc dù bị sức ép của tòa Khâm sứ, đã từ chối ký vào bản án tử hình của tôi vì họ chẳng tìm ra điều gì để buộc tội tôi, ngoài một điều đã không làm vừa lòng một số quan chức. Nhân đây, tôi xin tỏ lời khen ngợi một chút liêm sỉ còn sót lại trong các bản án man trá chứa đựng biết bao điều tàn bạo” (SĐD quyển 4, tập 1, trang 258 - 259).

Đem so sánh vụ xử án Phan Châu Trinh với vụ xử án chí sĩ Trần Quý Cáp liền sau đó, có thể thấy rằng, “rút kinh nghiệm” qua vụ xử án Phan Châu Trinh, thực dân Pháp đã tiến hành “xử nóng” ngay. Sau khi Trần Quý Cáp bị Công sứ Nha Trang bắt giữ ngày 17/4/1908, Lévecque đã không cho giải ông về Huế để Phủ Phụ chính xử theo thông lệ nữa mà giữ lại Nha Trang rồi ép các quan tỉnh ở đó thi hành án trảm quyết vào ngày 17/5/1908 bên cầu Phước Thành bắc qua sông Con thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Vụ xét xử Phan Châu Trinh tỏ rõ một điều: dầu ở vào buổi hoàng hôn của một vương triều, đất nước lại nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp thì vẫn có những vị đại thần còn tỏ được vai trò lương đống (rường cột) quốc gia chứ không xu thời, xu phụ hoặc cam tâm làm những điều trái với lương tâm và cụ Lê Trinh là một trong số những “xuất quan” như vậy

Nguyễn Hùng
.
.