Vì sao đã lâu không có bài hát hay về Hà Nội?

Thứ Sáu, 27/04/2018, 08:31
Đã lâu rồi, phải đến hàng chục năm, không có một bài hát (ca khúc) hay về Hà Nội để người Hà Nội, người cả nước cùng hát, cùng tự hào... Vì sao có hiện tượng này?


Dù không phải là một bài hát, nhưng những câu thơ được “Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ” viết tại sân ga sài Gòn năm 1940, cho đến nay và chắc chắn mai sau mọi người đều nhớ và thuộc: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.

Thăng Long - Hà Nội là đề tài hấp dẫn của văn học - nghệ thuật. Ai người nước Nam cũng đều cảm thấy tự hào về mảnh đất kinh đô xưa, thủ đô nay. Nhiều, rất nhiều các tác phẩm văn học nghệ thuật đã lưu danh cùng sự tôn vinh người sáng tạo khi nói về Thăng Long - Hà Nội. Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, chúng ta tự hào vì nhiều bản nhạc, bài hát về Hà Nội đã đọng lại trong trái tim bao thế hệ.

Và, chỉ riêng ca khúc thôi đã “vẽ” nên bức tranh cuộc sống, con người Hà Nội thật hào hùng, thi vị mà vô cùng thân thương, gần gũi... Và, ai trên mảnh đất hình chữ S mang tên Việt Nam cũng cảm thấy Hà Nội là của mình, có trong mình... Thật thiêng liêng mà cũng thật bình dị biết bao.

Một góc Hồ Gươm Hà Nội.

Nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi đã viết lên bằng âm nhạc một khúc hùng ca “Người Hà Nội”. Nhạc sĩ tài năng Trịnh Công Sơn đã trải lòng mình - người con của miền Nam nhưng thấm đẫm chất Hà Nội với “Nhớ mùa thu Hà Nội”. Rồi Phú Quang, người con của Hà Nội phiêu du xứ Nam đã khắc khoải với rung động “Em ơi Hà Nội phố.

Phó Đức Phương lãng đãng chất ca trù với “Một thoáng Tây Hồ. Nhiều lắm những bài hát tuyệt hay về Hà Nội của Hoàng Dương, Vũ Thanh, Phạm Tuyên, Hồng Đăng, Trọng Đài, Trương Quý Hải... Và có lẽ, những ca từ rất đỗi bình dị: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó” trong bài hát “Hà Nội và tôi” của nhạc sĩ trẻ Lê Vinh là bài hát hay cuối cùng về Hà Nội còn lưu tâm trí mọi người, phải chăng!

Vì sao lâu nay chúng ta không có những bài hát hay về Hà Nội? Đặc biệt, trong dịp cả nước và Hà Nội long trọng làm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước đều có những cuộc vận động, những cuộc thi sáng tác ca khúc hay về Hà Nội trước và trong dịp kỷ niệm...

Vậy nhưng, đã qua Đại lễ gần 10 năm, và cho đến nay vẫn là... bài hát hay còn ở phía trước. Trao đổi với nhạc sỹ Phạm Tuyên, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, ông cho rằng: Hội hoạt động rất năng động và tích cực từ nhiều năm nay, thậm chí nhiều khi Hội “tay không bắt giặc”, nghĩa là không có kinh phí mà vẫn tìm mọi cách huy động được kinh phí để hoạt động. Phong trào của hội vẫn duy trì rất tốt, đạt nhiều thành tựu; nhưng tại sao nhiều năm nay không có những ca khúc hay về Hà Nội, điều này rất khó lý giải.

Khi còn sống, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cũng giật mình: “Ừ nhỉ! Những bài hát hay đều có từ cách đây hơn chục năm, nghĩa là khi đời sống của Hà Nội còn khó khăn thậm chí rất khó khăn; nay đời sống tương đối khá, trình độ mọi mặt đều cao hơn mà sao không thấy bài nào hay nhỉ...?”. Dịp kỷ niệm nghìn năm chính là một cơ hội để các bài hát hay đua nhau ra đời ấy chứ! Lúc chưa đi vào cõi vĩnh hằng, nhà lý luận – phê bình âm nhạc Hồ Quang Bình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đồng thời cũng là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết: Hàng năm Hội đều có tuyển chọn những bài hát (ca khúc) tốt, nhất là những sáng tác hay về Hà Nội; gần đây một sáng tác của một nhạc sỹ viết khá hay về Hà Nội, nhưng do kỹ thuật viết khá cao nên sức lan tỏa không được rộng rãi...

Lý giải hiện tượng không có những ca khúc hay về Hà Nội, ông Bình cho rằng một phần là do Hà Nội hiện nay thay đổi nhiều quá. Những cái quá mới thì ầm ầm phát triển như những khu đô thị, những tòa nhà cao tầng... Hà Nội đang mất dần, thậm chí khó mà tìm được những “mái ngói thâm nâu, đường Cổ Ngư xưa, cây bàng lá đỏ”, ngay cả mùi hoa sữa đường Nguyễn Du cũng không còn thi vị như xưa nữa rồi...

Một vấn đề đặt ra, Hà Nội không thiếu kinh phí, thậm chí có thể đầu tư kinh phí lớn đặt các nhạc sỹ sáng tác bài hát hay về Hà Nội; liệu Hà Nội có “sản xuất” được những tác phẩm có giá trị! (đến thời điểm này hình như Hà Nội chưa bao giờ đặt hàng các văn nghệ sĩ, chỉ là các cuộc vận động mà thôi). Nhiều nhạc sỹ đã khẳng định là không thể, nhưng có thể có những ca khúc trung bình khá. Vậy tại sao những năm trước, nhiều bài hát đơn giản về cấu trúc âm nhạc, ca từ... lại hay thế, lay động lòng người và có sức lan tỏa xa rộng thế...

Trao đổi với nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội hiện nay (nhạc sĩ từng là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin của Hà Nội thời gian dài), nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh trầm ngâm: "Khó lý giải lắm…".

Một số nhạc sĩ đã từng có những bài hát hay về Hà Nội như Phó Đức Phương, Phú Quang... khi được hỏi về vấn đề này cũng cười: “Tinh hoa về Hà Nội chúng tôi “phát tiết” hết rồi… trông chờ vào lớp sau vậy thôi…". Nhạc sĩ đang sung sức hiện nay của Hội Âm nhạc Hà Nội, nhạc sĩ Vũ Thiết, khi trao đổi cũng giật mình: “Ừ nhỉ, khó lý giải thật. Nhưng có lẽ bởi Hà Nội bây giờ nó khác Hà Nội thời xưa…”.

Hà Nội là đề tài bất tận cho thơ-ca-nhạc-họa.

Một tác phẩm nghệ thuật có giá trị ra đời không phụ thuộc vào yếu tố thời gian, không gian hay một sự ép buộc phải “đẻ” nào đó. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào cảm xúc của người sáng tạo ra nó; có nghĩa là chủ thể sáng tạo là vô cùng quan trọng. Nhưng chủ thể sáng tạo ấy muốn có được những cảm xúc độc đáo, mạnh mẽ hay trong sáng, thi vị... lại hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường xung quanh, hoàn cảnh sống, cách sống... Có nghĩa là cảm xúc để ra đời những tác phẩm thuộc về văn học nghệ thuật phải bắt nguồn từ chính cuộc sống, để rồi trở thành biểu tượng của cuộc sống và trở lại lan tỏa trong cuộc sống.

Như thế có thể thấy rằng “không khí xã hội” chính là yếu tố quan trọng bậc nhất để ra đời những giá trị nghệ thuật, mà điều đang bàn chính là những bài hát hay về Hà Nội. Chúng ta đều thấy, nếu không có cuộc cách mạng tư sản Pháp thì không thể có bài “Quốc tế ca” không thể thay thế. Nếu không có không khí xã hội Việt Nam hừng hực lửa tranh đấu cùng bao uất hận quân thù và lòng tự hào dân tộc thì không thể có bài “Quốc ca” bất hủ của nhạc sĩ Văn Cao, bài “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi.

Nếu Hà Nội không có vẻ đẹp tầng tầng lớp lớp của lịch sử, huyền thoại, dã sử; cùng nét trầm mặc kỳ bí, tao nhã mà thánh thiện, yêu thương mà đầy tình người, anh hùng và khí phách; một không khí riêng rất Hà Nội được tạo tác bởi cảnh quan và con người cũng rất riêng nét Hà Nội, hòa quyện cùng không khí thời đại... thì không thể có những bài ca không thể nào quên về Hà Nội, những ca khúc đã vượt thời gian và luôn trong trái tim không chỉ riêng đối với người Hà Nội. Chính cái gọi là không khí xã hội là điều kiện tiên quyết để có những sáng tác hay, giá trị về Hà Nội. "Thời thế tạo anh hùng" và cũng chính thời thế tạo nên những giá trị bất hủ hay những sản phẩm vô thưởng vô phạt...

Từ vấn đề âm nhạc này, liệu có thể có những gợi ý, gợi mở về vấn đề lớn hơn: Văn học nghệ thuật và sự phát triển xã hội hiện nay. Sự sáng tạo của văn học nghệ thuật dựa trên chất liệu cuộc sống (con người và xã hội). Chất liệu cuộc sống có thể hay, có thể còn nhiều khiếm khuyết, thậm chí dở… 

Chất liệu cuộc sống của Thủ đô Hà Nội những năm gần đây và tiếp theo đã hay chưa, đã thực sự tạo nên những nguồn cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật chưa… Và, Hà Nội hôm nay hay những năm sau liệu có còn lưu giữ được những bản sắc đã từng có, đã từng là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ nói riêng, văn nghệ sĩ nói chung.

 Hà Nội, 14-3-2018

Cao Minh
.
.