Vị học giả "nghiện" đọc báo và đi bộ
- Học giả An Chi vẫn đắm đuối miền chữ nghĩa
- Nhiều học giả, nghệ sĩ tham dự Gala “Khoa học – Sáng tạo- Quốc gia khởi nghiệp”
- Học giả An Chi: Nếp xưa đã khuất
Có nhiều lần tôi được ngồi trò chuyện với cụ Phấn, khi cụ đến mà cha tôi có việc đi vắng chưa về. Ngồi bên cụ, tôi như ngồi trước ngọn Thái Sơn, bởi vốn kiến thức của cụ thật lớn lao, hỏi gì liên quan tới văn hóa, lịch sử, địa lý trong nước và cả nhiều nước trên thế giới cụ đều am tường.
Trước khi về sống trong khu tập thể Văn Chương, ông bà Nguyễn Trọng Phấn và con cháu sống với nhau một nhà ở phố Khâm Thiên. Từ ngày về ở cùng khu tập thể Văn Chương với cha mẹ tôi (cha mẹ tôi ở nhà A1), hầu như ngày nào cụ Phấn cũng sang với cha tôi chuyện trò.
Cụ Phấn có một phong cách lạ, ấy là khi đến với cha tôi, bao giờ cụ cũng ngồi xuống ngay thềm, cởi dép ra dùng hai tay chống xuống nền nhà nâng người lên, nhích dần chứ cụ không đi thẳng vào rồi mới ngồi xuống cạnh cha tôi. Lúc ra về cụ cũng làm động tác như vậy. Còn cha tôi, khi thấy bóng cụ đi ngang qua cửa sổ nhìn xuống đường, liền buông bút ra phòng ngoài pha sẵn ấm trà đón đợi.
Cụ Phấn ít nói và không nói to hay tranh luận gì với ai. Cụ sống giản dị, chân thành và rất khiêm tốn với cả những người trẻ tuổi như lớp chúng tôi. Cụ Phấn không ham rượu, ham trà như bác Văn Cao (họa sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ), bác Đặng Đình Hưng (nhạc sĩ)…
Hai thứ đó đối với cụ Phấn chỉ là vui với bạn "Thả lạc sinh tiền nhất tửu bôi/ Hà tu thân hậu thiên tải danh" (Hãy vui lúc sống một chén rượu/ Cần gì lúc chết để tiếng nghìn đời). Nhưng cụ Phấn có ham một thứ: đó là "nghiện" đọc báo và đi bộ. Trong cái bị (túi vải) khoác trên vai, luôn có các loại báo, tạp chí cụ vừa mua trong ngày.
Sách “Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII” do Nguyễn Trọng Phấn dịch (NXB Tổng hợp TP. HCM xuất bản 2016). |
Độ khoảng 5, 6 giờ sáng mỗi ngày, tôi thấy cụ Phấn lại khoác bị ra đi. Việc đầu tiên là cụ đi mua báo ở sạp báo lớn như phố Tràng Tiền, Bưu điện Bờ Hồ… sau đó cụ mới đi công việc của cụ. Chiều khoảng 3, 4 giờ cụ Phấn đem những tờ báo đó đến ngồi với cha tôi trước khi về nhà, rồi hai người cùng xem.
Có lần tôi nghe cụ Phấn vân vi với cha tôi: "Anh Sơn Tùng ơi! Hoàn cảnh tôi bây giờ khó khăn, nhưng tôi có thói quen thèm đọc báo. Vì thèm đọc báo mà tôi phải nhịn ăn, nhịn mặc để dành chút tiền mua báo. Thành thử ra đường các cháu tưởng tôi là ông lão ăn mày!".
Ở tuổi ngoài 80, cụ Phấn đọc báo không đeo kính lão. Khi đọc, cụ đưa tờ báo lên sát mặt, lướt qua trang báo để chọn tin bài rồi mới đọc. Nếu phát hiện thấy tin gì hay, cụ trao đổi ngay với cha tôi. Những nhận định của cụ, cha tôi đánh giá rất cao…
Ở Pháp, có Hội Liên hiệp trí thức Việt Nam tại Pháp do ông Võ Thành Nghĩa, một kiến trúc sư, người thiết kế tòa nhà Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp làm Chủ tịch Hội. Hội này rất tích cực ủng hộ đường lối cách mạng Việt Nam và truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh trên đất Pháp. Cụ Phấn thường hay trao đổi tin tức báo chí với các bạn trí thức Hội liên hiệp này qua thư từ như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996)…
Tôi nhớ một lần, cụ Phấn đưa cha tôi xem bức thư của một người bạn từ bên Pháp gửi về cho cụ, nói về chuyến đi sang Pháp thành công của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong việc vận động Mỹ dỡ bỏ cấm vận Việt Nam… Cha tôi đọc xong xin cụ cho photo lại làm tư liệu. Nhờ đó mà tôi được đọc. Tôi xin trích nguyên văn bức thư như sau:
Paris ngày 28/7/1993
Kính thăm Bác Trọng Phấn
Cháu xin cảm ơn Bác rất nhiều đã gửi thư từ thăm hỏi và cho tin tức quê nhà, thật không gì quý hơn là chính người trong nước, đầy kinh nghiệm và kiến thức nhận định tình hình Việt Nam. Cháu hi vọng Bác vẫn nhận và đọc đều báo Lemde diplomtique và nghe đài RFI của Pháp. Thỉnh thoảng RFI cũng phỏng vấn cháu - cụ Đốc tờ Phán dạo này yếu nhiều vì năm nay cũng đã 88 tuổi.
Cuối tháng sáu vừa qua, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có dẫn phái đoàn Bộ trưởng sang Pháp đáp lễ Tổng thống Miterand và ký một số hợp tác, cháu đã được nói chuyện riêng với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cuộc viếng thăm ngoại giao này thu lượm được nhiều kết quả: Pháp đã thành công yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận và Pháp đã ký nhiều đề án kỹ nghệ, khoa học, kỹ thuật văn hóa để giúp Việt Nam phát triển lành mạnh và mau lẹ. Trong những tháng năm tới, mối hợp tác Việt- Pháp sẽ thân thiết và phát triển nhiều. Như vậy những chuyên gia Việt kiều lại có nhiều cơ hội về góp phần tái thiết và mở mang quê hương.
Hy vọng nay mai sẽ được hầu chuyện Bác và xin cầu chúc hai Bác và quý quyến dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.
Giáo sư Nguyễn Đức Nhuận.
Địa chỉ nhà: 8 RUE DU SOUVENIR
94250 GENTILLY
P.S Xin Bác cho cháu gởi lời hỏi thăm Anh Sơn Tùng, các tác phẩm của Anh rất có giá trị".
Năm 1992, một niềm vui hiếm hoi đến với cụ Nguyễn Trọng Phấn là được về thăm lại mảnh đất Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, điều mà bấy lâu cụ ao ước. Có được niềm vui ấy là nhờ ông Nguyễn Sĩ Hóa, bác sĩ Giám đốc Trại Phong Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu (sau này là Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương) có thư mời cha tôi và các anh em Chiếu Văn về thăm, nói chuyện Bác Hồ cho cán bộ và bệnh nhân bị bệnh phong của trại nghe, nhân kỷ niệm 19-5 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước ngày vào Quỳnh Lưu, tôi nghe cụ Phấn tâm sự với cha tôi. Cụ nói: "Đầu năm 1931, phong trào Cộng sản ở Nghệ An đang dâng cao, tôi được bổ dụng về làm thông phán tại Sở Cađat ở Vinh, Nghệ An. Năm đó tôi đã 20, 21 tuổi.
Ngày đầu tiên đến nhận việc, tôi bất ngờ chứng kiến một chuyện đau lòng. Sáng hôm đó, chủ Sở người Pháp tên là Sa Ven Nông trên đường đi vào cửa Sở, gặp phải một việc… (tôi xin lỗi ông) không biết kẻ nào dám đại tiện một bãi bên đường, có lẽ người của Sở chưa kịp dọn. Thấy vậy, tên chủ Sở, nét mặt hằm hằm đi thẳng vào liền sai một ông thông phán bấy lâu đang làm việc tại Sở ra hót đi cho nó.
Cái ác của tên chủ Sở là nó bắt ông thông phán đó phải hót phân bằng tay chứ không được dùng thứ khác để hót. Nó bảo: "Cái giống An Nam chúng mày ăn ở bẩn thì phải dùng tay mà hót…".
Tôi thấy đây là một sự sỉ nhục người nước mình, sỉ nhục trí thức! Ông nghĩ coi (cụ Phấn nói với cha tôi): Một ông thông, ông phán, thầy ký về làng rất được người dân trọng vọng, thế mà ở đây lại bị thằng Tây chửi là "giống ăn ở bẩn" bắt lấy tay mà hót phân thì nhục quá!".
Cho nên - Cụ Phấn nhận xét - Chúng ta đừng tưởng rằng: Nước mất chỉ có dân nô lệ, còn mình là trí thức, là công chức của Pháp thì không phải nô lệ. Nước đã mất thì ai cũng là nô lệ! Nhiều trí thức trẻ ngày nay không được chứng kiến cái nhục của người dân bị mất nước!
Tôi làm ở sở Cađat ở Vinh được 3 tháng thì xảy ra chuyện: Hôm đó, khi tôi vừa làm xong bộ hồ sơ chỉ còn việc đưa sang chủ Sở Sa Ven Nông để xin chữ ký, ngồi buồn nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Khi tôi đưa chồng hồ sơ để lên bàn trước mặt tên chủ Sở chờ ký, bỗng nhiên tôi bị ho theo phản xạ không nén kịp, vì mấy hôm trước tôi bị cảm cúm do thời tiết thay đổi. Không ngờ khi ho nước miếng tôi bắn cả lên sổ, lên mặt bàn. Tôi chưa kịp xin lỗi tên chủ Sở để lấy khăn lau. Không ngờ tên chủ Sở bắt tôi phải liếm ngay. Nhục quá ông ạ! Tôi không thể nào chấp nhận mình đi làm công chức cho một thằng Tây bắt liếm nước miếng của mình do cái ho vô tình bắn ra.
Tôi từng được thầy người Pháp trường Thanh Sơn dạy cho biết đọc biết viết chữ Tây, để rồi ra làm việc cho Tây. Nhưng cuối cùng người Tây lại làm nhục tôi, làm nhục những trí thức từng học chữ Pháp ngay trên mảnh đất của Tổ quốc mình.
Sau chuyện đó, tôi bỏ công việc ở Sở Cađat Vinh về lập gia đình và tiếp tục đi học để làm việc khác, chứ không theo nghề thông phán nữa. Và khi Cách mạng đến là tôi đi theo Cụ Hồ ngay". Nhân một ngày nhớ đến cha tôi và cụ Phấn, tôi mạn phép viết lại những kỷ niệm này như nén nhang thắp cho học giả Nguyễn Trọng Phấn- người bạn thân thiết của cha tôi với tất cả nỗi niềm tôn kính nhất.