Vị giáo sư nổi tiếng thích hát ru
- GS Đặng Hùng Võ đối thoại với người dân về thu hồi đất dự án Ecopark
- GS.TS Đặng Hùng Võ: Hãy để cho BĐS tiếp tục “xì hơi”
Bây giờ, tôi đồ rằng có rất nhiều người mẹ trẻ không biết hát ru. Những khúc hát ru đã nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ người Việt Nam, đã trở thành văn hóa truyền thống nay đang có nguy cơ mai một.
Ấy vậy mà, có một vị Giáo sư, một người nổi tiếng, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản lại say mê hát ru, hàng ngày cùng người vợ trẻ hát ru con… Người ấy chính là Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ.
Tôi nhớ trong chương trình “Đa chiều” của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC nói về người đẹp Việt Nam, tôi là khách mời, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ và nhà báo Ngọc Diệp dẫn chương trình. Bên cạnh Ngọc Diệp xinh đẹp, tươi tắn, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ hài hước, dí dỏm, thông minh. Tuy nhiều lần gặp nhau nhưng bây giờ tôi mới hiểu vì sao ở tuổi như ông mà vẫn lấy được vợ trẻ, đẹp.
Vợ chồng Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ. |
Ngồi trò chuyện với ông tại căn biệt thự khá rộng ở đường Giải Phóng, tôi càng ấn tượng hơn về con người nổi tiếng nói thẳng nói thật, một chuyên gia hàng đầu trong ngành Tài nguyên Môi trường nước ta.
Người vợ đầu có với ông hai người con là Đặng Hùng Khải và Đặng Hùng Chi. Vợ chồng ông chia tay nhau năm 1988. Ông thổ lộ trên một tờ báo rằng năm 1974, cháu Khải mới sinh, sinh xong mẹ cháu bị viêm màng não nằm viện cả năm liền. Việc nuôi dạy con, ông tự cáng đáng hết; từ pha sữa, cho con ăn, tắm rửa cho con đến ru con ngủ. Ông ru con bằng những khúc hát ru quen thuộc mà nhiều bà mẹ Việt Nam vẫn hát ru.
Ông kể rằng, lần đầu pha sữa chưa biết cách, sữa vón cục, con uống bị sặc. Ông lại phải lần mò đi hỏi người đã có kinh nghiệm nuôi con.
Việc nuôi dạy con không chỉ là định hướng hay khuyên răn như nhiều quan chức, nhiều người nổi tiếng thường làm mà tự tay ông bế bồng, chăm sóc, cho con ăn uống, hát ru cho con ngủ. Với ông đó là niềm vui, là hạnh phúc của người làm cha, làm mẹ.
“Người ta nói đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm; nhưng tôi lại nghĩ khác, cả hai đều chung tay xây nhà và cả hai đều cùng xây tổ ấm thì vui hơn... Tôi không khoán cho vợ việc nuôi dạy con, tôi còn tranh vợ cả việc bế bồng chăm bẵm con và hát ru con…Tôi thường ru con những câu ca dao có ý nghĩa như: "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"; "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh/ Ai lên xứ Lạng cùng anh/ Bõ công ba mẹ sinh thành ra em"…
Hay: "Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen"... Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ bế đứa con nhỏ trên tay vừa hát ru, trông ông giống như một người mẹ hiền đang ru con làm tôi cứ ngây cả người!
Một Giáo sư, Tiến sĩ, một Thứ trưởng, một chuyên gia hàng đầu của đất nước và bây giờ người ta còn mời ông dẫn chương trình cho Đài truyền hình Việt Nam… Bận rộn công việc như ông mà vẫn chăm sóc, bế bồng, ru con…quả là đáng khâm phục.
Ông Đặng Hùng Võ quê gốc ở Gia Lâm, Hà Nội. Mẹ ông sinh ông mới được hai tháng tuổi thì bố hy sinh ngoài mặt trận. Người mẹ ở vậy nuôi con. Ông là con một. Có lẽ từ nhỏ đã thiếu thốn tình cảm nên chữ tình với ông rất nặng, nặng tình, nặng nghĩa với vợ với con với anh em, bạn bè, đồng chí. Ông nói ở đời hai chữ trách nhiệm là vô cùng quan trọng. Làm việc gì cũng phải làm hết trách nhiệm của mình. Với vợ, với con lại càng phải có trách nhiệm cao.
Ông được phong Giáo sư từ năm 1992, có hơn 18 năm dạy ở các trường đại học. Gần 8 năm làm luận án Tiến sỹ ở Ba Lan. Là một Giáo sư nổi tiếng, một Tiến sỹ xịn hẳn hoi, ấy vậy mà, con cả của ông là Đặng Hùng Khải cho đến bây giờ đã 37 tuổi vẫn chưa có bằng đại học, dù Khải giỏi vi tính từ khi học phổ thông và nay đang là một chuyên gia phần mềm.
Khi tôi hỏi ông lý do vì sao, ông bảo Khải từ nhỏ đã là một đứa trẻ thông minh, nhưng tính tình hơi khác người, thích gì làm nấy. Ông cũng nói rằng Khải không thích bà mẹ kế, tức người vợ thứ hai của ông, cháu về sống với ông bà (người vợ thứ hai có con riêng nhưng không có con chung với ông).
“Dạo đó tôi cũng bận bịu, không quan tâm nhiều đến cháu, tôi thấy ân hận và thấy mình cũng có trách nhiệm trong chuyện này. Giờ cháu lại muốn thi đại học. Cháu thích nghành Hán Nôm. Trước đây, tôi và cháu thường tranh luận với nhau. Tôi bảo cháu rằng thích cái gì thì học cái đó, không thích thì không học là sự biện luận của anh lười.
Quan điểm của tôi là phải học giỏi cả những thứ mà mình không thích. Tôi muốn để các con mình bộc lộ hết cái gì là sở trường cái gì là sở đoản. Tôi tôn trọng tính độc lập, con người không nên quá ràng buộc với nhau… Không nhất thiết phải có bằng đại học mới được, nhưng ở nước mình tâm lý xã hội người ta coi thường cái anh không có bằng đại học. Học là học cả đời, học để hiểu biết, để có kiến thức mà làm việc…
Gia đình hiện tại của Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ. |
Cháu thứ hai của tôi Đặng Hùng Chi lại khác, chăm học, học giỏi, cháu đã có bằng thạc sỹ ở Úc, giờ hai vợ chồng sống và làm việc bên đó” .
Người vợ mới của ông, nghệ sỹ đàn dân tộc Nguyễn Hồng Ánh trẻ, đẹp, kém ông đến ba chục tuổi, bế con xuống chào tôi. “Nếu biết anh sớm, em đã đăng ký đi thi hoa hậu” – Hồng Ánh nói vui. Tôi bảo: “Nếu em đi thi hoa hậu, chắc đoạt giải cao, thế thì Giáo sư Võ đâu có phúc được gặp em”.
Tôi hỏi Hồng Ánh có thuê người giúp việc để chăm sóc hai cháu nhỏ là Uy Du và Kha Du không? Hồng Ánh nói, vợ chồng cô muốn tự tay chăm sóc các cháu: “Con cái mình thì tự tay mình chăm sóc là tốt nhất anh ạ”.
Hồng Ánh không muốn con gái nối nghiệp mình, trở thành nghệ sỹ đàn dân tộc vì cái nghề này quá vất vả, phải học hành rất nhiều năm mà chưa chắc đã thành tài. “Với các con, mình yêu thương chăm sóc hết lòng nhưng tuyệt đối không chiều chuộng một cách vô lối, phải dứt khoát và nghiêm khắc” – Hồng Ánh tâm sự với tôi như vậy.
Cháu Kha Du lúc đó chưa được hai tuổi, ngồi trong lòng mẹ mà bàn tay nhỏ nhắn cứ lật giở từng trang cuốn truyện tranh một cách say sưa. Hồng Ánh trao Kha Du cho Giáo sư Võ bế rồi xin phép đi đón con, bé Uy Du.
Khi Hồng Ánh mở cửa gara lấy ôtô, tôi cũng tạm biệt Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ.
Ra tận ngoài đường, tôi ngoái lại, vẫn thấy Giáo sư Võ bế cháu Kha Du hát ru trên tay… Hình như ông đang hát ru cho con gái ngủ.
Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ bằng tuổi tôi. Chúng tôi sinh ra và lớn lên từ nguồn sữa mẹ và những bài hát ru – một truyền thống văn hóa ngàn đời của người Việt Nam mà bây giờ đang có nguy cơ chìm vào quên lãng.
Viết tại nhà vườn Sóc Sơn