Vị "bác sĩ" cuối cùng của sách cũ

Thứ Năm, 25/02/2021, 13:19
Được coi là vị cứu tinh cuối cùng của người yêu sách cũ ở TP Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Rạng đã có 40 năm gắn bó với nghề phục chế sách xưa. Nhìn thời gian đổi thay, những người muôn năm cũ dần vắng bóng, ông chạnh lòng xót xa...


Tiệm đóng sách nằm cuối con hẻm nhỏ ở đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Khác với những nơi đóng sách theo kiểu công nghiệp, tiệm đóng sách của ông Rạng vẫn giữ nguyên kiểu làm thủ công ở tất cả các công đoạn. 

"Hiện đại, máy móc" nhất trong các thiết bị của tiệm là chiếc máy cắt giấy vận hành bằng sức người. Chiếc máy ấy có tuổi đời hơn 20 năm. Nhờ vậy, tất cả cái hồn của nghề sửa, đóng sách cũ vẫn vẹn nguyên ở cửa tiệm nhỏ nhắn này.

Bảy giờ sáng, ông châm một bình trà. Khi tách trà bảng lãng khói đặt ra bàn cũng là lúc một ngày làm việc của ông bắt đầu. Những trang sách cũ mềm, mục nát được ông cẩn thận tháo gỡ từng tờ để sắp xếp lại ngay ngắn. Với ông Rạng, đây là khâu khó nhất vì nếu không cẩn thận, cuốn sách dễ hư hỏng nặng thêm, nhất là những cuốn quá cũ nát.

Ông Rạng tỉ mẩn sửa chữa từng trang sách cũ.

Bàn tay lấm tấm vệt đồi mồi tỉ mẩn sắp xếp lại từng trang cho ngay ngắn để bắt đầu công đoạn may chỉ. Mỗi loại sách khác nhau sẽ có cách may chỉ khác nhau. Sách Tàu có cách khâu khác sách Việt, sách Pháp. Mối chỉ cũng phải thật khéo để không chặt quá, lỏng quá. Chặt quá thì giấy dễ rách, lỏng quá thì cả cuốn bị xộc xệch. Trong lúc may, ông kiểm tra từng trang sách xem có chỗ nào rách thủng hay dính bẩn để trám sửa lại.

Xong xuôi đâu đấy, ông bắt đầu công đoạn quết hồ để dán gáy sách. Hồ dán do ông tự chế bằng bột năng chứ không dùng hồ dán công nghiệp. "Loại hồ dán này giúp giấy khô đều, dễ chỉnh sửa lại trang sách chứ không như hồ công nghiệp, quết lên cái là khô cứng. Tui lỡ xếp trang hơi lệch thì đành bó tay, không sửa được" - ông giải thích. Để hồ khô tự nhiên, cuốn sách được hong trong nắng gió, tuyệt nhiên không dùng máy sấy dù nó nhanh hơn, tiện lợi hơn.

Công đoạn cuối cùng là khâu làm bìa. Nếu ai muốn có bìa mới thì ông tìm một tấm bìa hoàn toàn mới. Nhưng ông vẫn thích nhất khi nghe khách hàng yêu cầu giữ y nguyên bìa cũ, dẫu khâu phục chế bìa cũ vô cùng khó khăn, công phu. Nhiều khi sửa chữa, vá víu vẫn chưa được như ý, ông phải đặt thợ làm khung chữ y như bìa cũ để trám vào. Xong đâu đấy, bề ngoài cuốn sách sẽ có thêm một lớp bìa hay giấy kiếng bảo vệ. Hỏi sao thích nhọc công chi vậy thì ông cười hề hề: "Tui khoái mấy người biểu phục chế cuốn sách y như cũ từ trong ruột ra tới ngoài bìa vì biết chắc chỉ có người rất trân trọng sách, lưu giữ kỷ niệm đẹp nào đó với nó thì mới yêu cầu như vậy. Những người đó tui rất quý mến, vì họ cũng có tấm lòng mê sách hệt như tui".

Ông mê sách từ thuở cắp cặp đến trường. Những cuốn tiểu thuyết văn học, sách lịch sử, xã hội trở thành vật gối đầu giường của Rạng. Áng văn, vần thơ càng hun đúc tình yêu văn chương của chàng trai trẻ. Bị liệt một chân từ hồi còn nằm nôi do cơn bạo bệnh, giấc mơ trở thành thầy giáo dạy Văn của Rạng vỡ tan tành. Ông chới với nhìn cánh cửa vào đời như đóng sầm trước mắt.

Nhìn ông buồn đời, một người bạn rủ về nhà chơi. Bạn là con của ông chủ xưởng in nên Rạng thích mê tơi ngay lần đầu tiên ghé thăm. Nhà bạn la liệt các loại sách. Rạng đọc ngấu nghiến rồi thích thú nhìn cách người ta đóng, sửa sách cũ không biết chán. Thấy cậu thanh niên mọt sách này hay lê la đến tiệm, cha của người bạn bắt đầu để ý. 

Một hôm, ông hỏi vui Rạng có muốn học nghề không. Không chần chừ, Rạng gật đầu cái rụp. Đến giờ, ông tặc lưỡi: "Có lẽ số phận thương tui. Tui không trở thành thầy giáo dạy Văn được thì thành anh sửa sách. Con chữ gắn với vận mạng mình. Mình không thành người dạy chữ thì thành người sửa chữ cho đời".

Những cuốn sách cũ được khoác lớp áo mới sau khi phục chế.

Tình yêu sách được ông truyền vào mỗi quyển sách cũ người ta mang đến sửa. Ông coi nó như đứa con tinh thần để nâng niu, trân trọng mà chữa lành từng con chữ mục nát. Thông thường, ông mất một buổi để phục chế một cuốn. Cuốn nào dày và cũ nát quá, ông mất đến cả tháng trời. Kỳ công, tỉ mỉ trong các công đoạn phục chế là thế nhưng số tiền thù lao ông nhận luôn khiến khách hàng ngạc nhiên.

Trung bình một cuốn chỉ khoảng 30 ngàn đến 100 ngàn đồng. Cuốn nào công phu lắm, ông mới lấy thêm vài chục gọi là. Thời hoàng kim của nghề sửa sách cũ hồi những năm 1980 - 1990, thu nhập của ông cũng không mấy rủng rỉnh. "Mình làm cốt đủ tiền kiếm cơm qua ngày là được rồi. Nếu muốn giàu, muốn nhà to, xe đẹp, tui đã đi kinh doanh, đi bán vàng chứ ngồi lọ mọ với đống sách này làm gì cho cực" - ông cười vui giải thích.

Với ông Rạng, điều lớn lao quý giá đầu tiên mà ông nhận được mỗi khi hoàn thành một cuốn sách là tái tạo thân xác và linh hồn cho nó. Những cuốn sách cũ ở tiệm ông đều có tuổi đời rất lâu. Có cuốn lên tới trăm năm. Linh hồn, tâm huyết của tiền nhân gửi gắm cả vào đó. Nó có khác gì kỷ vật hay thứ đồ cổ quý giá. 

Điều lớn lao quý giá thứ hai ông nhận được là kiến thức trong sách. Mỗi lần phục chế, ông lại có dịp đọc rất nhiều cuốn sách hay. Với người mê sách như ông, gặp sách quý khác gì cá gặp nước. Nhờ đó, lượng kiến thức của ông ngày càng mở rộng, uyên thâm. Với khách hàng, ông Rạng không đơn thuần chỉ là thợ sửa sách mà còn là pho kiến thức đúng nghĩa. Họ có thể cùng ông đàm đạo, bàn luận không biết chán các vấn đề trong sách đến chuyện nhân tình thế thái cổ kim.

Ngồi tỉ mẩn khâu từng trang sách, ông vui như trở về tuổi thiếu thời. Nhưng nhìn chồng sách cũ, đôi mắt người nghệ nhân già lại đượm buồn. Xưa, chồng sách ấy cao ngất. Khách đem đến nườm nượp khiến tiệm không lúc nào ngơi tay. Khách có đủ tầng lớp, già trẻ. 

Giờ, khách của ông chủ yếu là các cụ già, những người tóc đã hoa râm có thú sưu tầm hay kinh doanh sách cũ. Bọn trẻ bây giờ chuộng lướt mạng xã hội, đọc mọi thứ trên Internet hơn là đọc sách. 

Những đồng nghiệp của ông Rạng cũng đã già, thu nhập từ nghề bọt bèo nên họ dần bỏ nghề. Thời hiện đại, người trẻ ai cũng thích cái gì thiệt mau, thiệt lẹ chứ không mấy ai ưa cái nghề phải ngồi kiên nhẫn, nắn nót từng li từng tí. Thành ra, ông Rạng trở thành nghệ nhân phục chế sách cũ duy nhất còn sót lại của Sài thành phồn hoa.

Lâu thiệt lâu, ông mới bắt gặp một người trẻ đem sách đến phục chế. Nhắc về những vị khách của mình, ông nhớ mãi một cậu bé tiểu học. Hôm cậu bé đưa sách tới, ông tò mò hỏi thử: "Bác thấy loại sách này bán đầy ngoài nhà sách. Sao cháu không mua mới mà sửa chi cho mắc công, tốn kém?". Cậu bé gãi tai: "Dạ, tại cuốn sách này là ông nội tặng nhân dịp sinh nhật cháu, căn dặn cháu điều hay lẽ phải. Cháu muốn giữ gìn món quà này như một kỷ vật để nhớ đến ông".

Câu trả lời của cậu bé năm nào cũng chính là điều đã giúp ông gắn bó với cái nghề vốn ít người theo này. "Tui muốn góp một tay để giữ lại sách cũ mà ông bà, cha mẹ truyền lại con cháu. Sách cũ không đơn thuần chỉ là cuốn sách vô tri mà chất chứa tình cảm mến thương và ước vọng mà bậc tiền bối gửi gắm vào thế hệ con cháu. Con cháu nâng niu sách cũ, sửa chữa lại khi nó rách nát nghĩa là chúng biết trân trọng, biết yêu kính ông bà, nghe theo lời hay ý đẹp trong sách. Quý sách cũng là quý người tặng, người cho. Nét đẹp đó của sách cũ quyến rũ tui đến tận bây giờ. Nên dù thu nhập không cao, thậm chí khá chật vật, tui vẫn cứ sửa sách cũ. Đến khi nào mắt mờ, tay run, không nhìn được con chữ, cọng chỉ nữa thì tui mới buông" - ông tâm sự.

Mai Quỳnh Hoa
.
.