Vi Quốc Hiệp: Người mang hồn Đà Lạt đi muôn nơi

Chủ Nhật, 31/05/2020, 07:54
Người hoạ sĩ dân tộc Tày gốc quê ở Lạng Sơn ấy được nhiều bạn bè yêu mến. Ông gắn bó với Đà Lạt và Đà Lạt cũng gắn bó với ông suốt mấy chục năm nay. Hoạ sĩ Vi Quốc Hiệp cũng thừa nhận rằng con người ông đã thuộc về mảnh đất Đà Lạt từ lâu...


Đà Lạt, thành phố của ngàn hoa với quanh năm mây trắng và ảo diệu sương mù. Đà Lạt còn là mảnh đất gợi hứng nghệ thuật cho bao thi nhân mặc khách. Nói đến các văn nghệ sĩ của Đà Lạt, người ta không thể không nhắc tới người hoạ sĩ tài hoa, nhạc sĩ, nhà thơ Vi Quốc Hiệp. Ông  đã cùng bao nghệ nhân tên tuổi thổi hồn cho TP ngàn hoa Đà Lạt bay lên và diễm lệ hơn qua các sáng tác nghệ thuật của mình với khát khao mang vẻ đẹp đặc biệt của Đà Lạt đi muôn nơi.

Người hoạ sĩ dân tộc Tày gốc quê ở Lạng Sơn ấy được nhiều bạn bè yêu mến. Ông gắn bó với Đà Lạt và Đà Lạt cũng gắn bó với ông suốt mấy chục năm nay. Hoạ sĩ Vi Quốc Hiệp cũng thừa nhận rằng con người ông đã thuộc về mảnh đất Đà Lạt từ lâu. Vì thế ông muốn mang hồn Đà Lạt đi muôn nơi để lan tỏa tình yêu ấy.

Nhiều bạn bè biết đến ông không chỉ với tranh, với âm nhạc, mà còn biết đến ông qua những bài thơ lãng mạn nữa. Đến bây giờ, người nghệ sĩ tài hoa đã sở hữu 8 tập thơ, ông vẫn say sưa vẽ tranh, làm thơ, viết văn, sáng tác âm nhạc và sức lao động sáng tạo không ngừng khi đã ở vào cái tuổi được coi là “xưa nay hiếm”. Ông có cuộc sồng hồn nhiên, giản dị, chân tình với đời, với người và sự lao động nghệ thuật đam mê rất đáng ngưỡng mộ.

Nhìn ông với nụ cười tươi và ánh mắt lấp lánh mỗi khi có dịp gặp nhau, bạn bè văn nghệ sĩ ai cũng vui lây. Bên bạn bè, con người ông càng hoạt bát, vui vẻ, thân thiện và cũng hóm hỉnh lắm. Ông luôn nhiệt huyết, toả ra niềm vui và nguồn năng lượng sống vui khoẻ, sống có ích và sống thiện lành tới bạn bè!

Ông yêu Đà Lạt, hẳn thế rồi, vì có tới ngót hai chục cuộc triển lãm tranh của ông đã được trưng bày ở Hà Nội, Sài Gòn hay Đà Lạt do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, phần lớn là vẽ về Đà Lạt. Cũng không có gì bất ngờ bởi xứ sở ngàn hoa đã cuốn hút bao nghệ sĩ khắp nơi tìm đến bởi vẻ đẹp thơ mộng đắm say với sương mù, thông xanh, mây trắng và những con người hiền hoà, thân thiện. Họ luôn hiện hữu trong tranh vẽ và âm nhạc của người hoạ sĩ, nhạc sĩ họ Vi.

Tâm hồn ông đã thuộc về Đà Lạt từ lâu và không biết tự khi nào. Có lẽ đó là mối duyên nợ với thành phố ngàn hoa. Hoạ sĩ Vi Quốc Hiệp từng công tác ở Hà Giang từ những năm 1970 và đã tham gia triển lãm cùng các hoạ sĩ khác nhân dịp thành phố kỷ niệm 100 năm tuổi. Ca khúc “Khau Vai chuyện tình xưa” đã được ông phổ thành ca khúc ấn tượng từ một bài thơ hay về Khau Vai khá nổi tiếng của nhà thơ Trần Hoà Bình, về một Hà Giang - Nơi địa đầu Tổ quốc với những phiên chợ tình nức tiếng và một “Khau Vai buồn như đá” mang đậm bản sắc dân tộc Mông.

Năm 1978, ông vào Đà Lạt và đã chọn mảnh đất này làm nơi gắn bó suốt quãng đời còn lại. Vi Quốc Hiệp yêu núi rừng, cỏ cây, hoa lá và những vẻ đẹp sương khói của Đà Lạt. Rừng thông xanh quện mây trắng và những ngọn đồi trập trùng của Đà Lạt đã in dấu trong những bức tranh của ông. Phố núi cao nguyên ẩn hiện trong sương sớm và những ngôi biệt thự cổ với từng kiểu dáng lạ mắt và từng hoạ tiết ống khói hay những ô cửa gỗ từ xa xăm luôn quyến rũ trí tưởng tượng người nghệ sĩ, và lưu lại trong những bức tranh của ông.

Hoạ sĩ Vi Quốc Hiệp đã sở hữu hàng trăm bức tranh ấn tượng về Đà Lạt mộng mơ với thông xanh, mây trắng và những toà biệt thự cổ nằm nép mình ven những ngọn đồi của thành phố ngàn hoa. Cho đến nay, ông đã có đến hai chục cuộc triển lãm tranh về Đà Lạt, đặc biệt mảng tranh có tới 400 bức vẽ về các ngôi biệt thự cổ Đà Lạt, đó là “gia sản” tâm huyết và quý báu của ông, những tác phẩm tiêu biểu được công chúng yêu thích và gây ấn tượng với bạn bè trong ngoài nước.

Vẻ đẹp của Đà Lạt bây giờ đã mất đi nhiều nét xưa cũ và ông vẽ tranh về Đà Lạt bằng cả sự hoài niệm và day dứt để lưu giữ lại những vẻ đẹp cổ xưa, những tiếc nuối và nhắc nhớ về một Đà Lạt xưa cho những thế hệ mai sau thưởng thức và chiêm nghiệm.

Bởi thế xem tranh của ông, chắc chắn không thể thiếu vắng bóng dáng những ngôi biệt thự cổ, vẻ đẹp bàng bạc của hoa mimoda và đặc biệt là loài hoa vàng rực hoang sơ mang tên dã quỳ. Đó là loài hoa đặc trưng của Tây Nguyên do thiên nhiên ban tặng. Chúng luôn nở vàng thu quấn quýt và rực rỡ khoe sắc trên những triền đồi, níu bước chân người hoạ sĩ sẽ còn mãi lang thang trên lối mòn của thanh phố ngàn hoa.

Họa sỹ Vi Quốc Hiệp trong ngày ra mắt sách tại Hà Nội.

Những bức tranh Đà Lạt của ông đã được trưng bày trong các Festival Hoa Đà Lạt rất trang trọng và ấn tượng. Đặc biệt trong những dịp Kỷ niệm 115 năm Đà Lạt hình thành và phát triển vào tháng 12-2008; kỷ niệm 120 năm Đà Lạt năm 2013 và 125 năm Đà Lạt vào năm 2018, hoa và người Đà Lạt hiện lên trong tranh vẽ của ông đầy quyến rũ. Đó còn là dáng thông xanh cao vút và những mái biệt thự cổ kính, rêu phong. Vẻ đẹp ấy luôn là niềm hứng khởi và cuốn hút những người nghệ sĩ và bạn bè từ khắp nơi khi đến với Đà Lạt.

Với họa sĩ Vi Quốc Hiệp, mảnh đất mà thiên nhiên ban tặng nhiều vẻ đẹp ma mị đã bước vào tái hiện trong những bức vẽ của ông. Rất đáng trân trọng khi những bộ sưu tập tranh Đà Lạt của ông đã có mặt ở nhiều quốc gia lớn như Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Hàn... và được nhiều người tìm mua.

Vi Quốc Hiệp là người luôn mong muốn được chia sẻ. Ông nhiều bạn bè và cũng hết lòng vì bạn. Ông cũng là người mang hồn Đà Lạt đã đi khắp nơi, sang cả xứ người qua những cuộc triển lãm tranh. Ông vừa có cuộc triển lãm tranh ở Hàn Quốc - xứ sở Kim chi vào tháng 10-2019. Những bức tranh phóng khoáng đầy sắc màu về một Đà Lạt lãng mạn với thiên nhiên độc đáo và con người thân thiện đã chinh phục được người Hàn Quốc.

Ngoài vẽ tranh thiên nhiên, Vi Quốc Hiệp thích vẽ tranh chân dung. Năm 2006 ông đã giành được giải Nhất quốc tế về dòng tranh này khi vẽ chân dung nhạc sĩ Thế Bảo. Để có được thành công như bây giờ, ông từng vẽ cả nghìn bức chân dung trước đó. Một sự lao động nghệ thuật bền bỉ và không kém phần gian truân mà nhiều người ngưỡng mộ. Đặc biệt nhất, năm 2013 ông đã ghi kỷ lục Việt Nam về bức tranh “Người giữ hồn Đà Lạt” khi vẽ chân dung vị bác sĩ Alexandre Yersin cao 1,5m, rộng 1,1m, được kết bởi 10.000 hạt đậu để tri ân người có công khám phá ra vùng đất Langbiang hùng vĩ của TP Đà Lạt xưa.

Ông thích vẽ những người phụ nữ đẹp ở mọi lứa tuổi bởi người đẹp tựa như  hoa. “Người là hoa của đất”, người nghệ sĩ luôn mang theo trái tim đa cảm và trân trọng những vẻ đẹp của cuộc đời, của con người như Vi Quốc Hiệp thật đáng quý. Ông tự hào là người đàn ông luôn mang niềm vui, hạnh phúc đến cho phụ nữ và cho nhiều người mê tranh vẽ của mình. Ông cũng tự hào là người mang hồn Đà Lạt đi muôn nơi.

Phạm Phương Thảo
.
.