Về thăm quê mẹ Nguyễn Du
Sau thoáng nhíu mắt để đọc, “nhà Hán Nôm” Thái Doãn Mại, người cùng đi với chúng tôi cười rất vui: “Theo tôi hiểu thì đây là một câu nghênh đón với lời chúc tốt đẹp. Đại loại như là dòng chữ “Welcome to” trong tiếng Anh vậy”.
Tôi à lên ngạc nhiên vì câu “nghênh đón” này người Việt ta hiếm khi sử dụng. Không hiểu “các cụ” họ Trần thôn Kim Thiều đã “dựa” vào đâu mà đưa ra lời chào không chỉ lịch sự, văn minh, cởi mở mà còn rất chi là hiện đại?
Theo như ông Trần Đình Phùng, Trưởng tộc họ Trần, người cháu đời thứ 20 của họ Trần, thì họ Trần về thôn Kim Thiều, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đâu như cũng phải 500 năm có lẻ. Cứ căn cứ vào câu truyền miệng “Nhất đại long đong/ Nhị đại bần” thì phải tới đời tam đại họ Trần mới chính thức định cư ở đây, nhưng phải chờ tới đời thứ 5 họ Trần làng Mấc mới phát phúc.
Cổng Đền thờ họ Trần thôn Kim Thiều. |
Chúng tôi về thôn Kim Thiều vào một ngày cuối năm, trong cơn gió bấc đã thấp thoáng xuân về qua nụ cười của những người đi chợ. Từ Hà Nội chúng tôi theo đường số 1A đến trung tâm thị xã Từ Sơn thì rẽ trái. Lại chừng hơn 2 cây số là tới xã Phù Khê, làng quê đã sinh ra đồng chí Tổng Bí thư trẻ nhất Đảng ta Nguyễn Văn Cừ. Phù Khê mới thực sự là một làng nghề, một làng nghề chạm khắc gỗ nức tiếng tài hoa.
Xã Hương Mạc tiếp theo sau đó, tuy vẫn là một xã nhưng Hương Mạc đang dần chuyển theo hướng đô thị. Và cũng không hề kém cạnh Phù Khê, Đồng Kỵ. Người dân Hương Mạc cũng hòa nhập nhanh chóng vào “thương trường” kinh doanh đồ gỗ xuất khẩu. Dọc con đường chính chạy trong thôn là dáng dấp của một phố thị buôn bán.
Xưa nơi đây thuộc huyện Đông Ngàn (Từ Sơn, Đông Anh ngày nay) xứ Kinh Bắc; thôn Kim Thiều, xã Hương Mạc đã trải qua các tên gọi. Và mỗi một tên gọi như đánh dấu bước chuyển của làng.
Ông Trần Đình Phùng sau khi rót nước mời chúng tôi thì trầm ngâm đọc “Nghĩa Lập bánh đúc cháo khê/ Tấn Bào nung ngói/ Phù Khê chạm rồng/ Kim Bảng nấu rượu ngon nồng/ Đồng Kỵ giết lợn ăn lòng sớm mai/ Đồng Hương buôn bán phát tài/ Mai Động làm ruộng kém ai trên đời/ Kẻ Thời đóng cối đan thời/ Me Cả dệt vải cho người ta mua/ Làng Mấc bán chuối suốt mùa”.
Cứ theo câu ấy thì làng Mấc có lẽ là nghèo khó nhất và “kém tài” nhất. Sau này kha khá lên thì làng đổi tên thành Hoa Thiều nghe cho nó sang, nghe cho nó nở, rồi đến Kim Thiều bây giờ.
Mà làng nở, làng phát phúc thật, bằng chứng là người họ Trần đã liên tiếp có 6 đời làm quan trong Triều. Vào đời thứ 5 thì dòng họ Trần ở đây chợt “lên hương” khi người con của làng là Trần Ngạn Húc, đỗ Tiến sĩ năm mới có 35 tuổi, khoa Mạc Tuất, dưới thời vua Mạc Đại Chính năm 1538. Đến đời thứ 6 thì người con thứ của Tiến sĩ Trần Ngạn Húc là Trần Phi Nhỡn cũng đậu Tiến sĩ khi 41 tuổi, khoa Kỷ Sửu, đời vua Mạc Mục Tông năm 1589.
Đền thờ hiện nay của họ Trần thôn Kim Thiều được xây dựng trên đất có tên gọi xưa là “vườn chùa”, có diện tích hơn 300m2, có lẽ vào đời thứ 7, nhằm để thờ các vị Tiến sĩ của dòng họ.
Hướng vào bức đại tự treo chính giữa điện thờ, ông Trần Đình Phùng mặt mày hớn hở. Dòng chữ “Tiến sĩ từ - “Đền thờ các vị Tiến sĩ họ Trần” chạm khắc sơn son thếp vàng nổi bật đã cho thấy điều này hoàn toàn chính xác. “Nhà Hán Nôm” Thái Doãn Mại lại được dịp “trổ tài”.
Ông tới sát hai câu đối treo hai bên tả hữu điện thờ, câu thứ nhất là: “Nhiếp chính hữu niên lưu quốc sử” (trong họ có người làm quan được ghi vào sử sách), và câu thứ hai là “Nguy khoa hiển hậu trấn gia thanh” (Tiếng tăm của dòng họ có người đỗ đạt cao).
Đường trong thôn Kim Thiều. |
Đền xây dựng với ý ban đầu là như vậy nhưng sau đó nhanh chóng trở thành Đền thờ của dòng họ Trần thôn Kim Thiều. Dòng chữ “Trần tộc từ đường” viết ngay ngắn trên chính giữa mái nhà đã nói rõ điều đó.
Ông Trần Đình Phùng hớn hở khoe “Dòng họ Trần chúng tôi có ba chi. Chi đầu (Đại tôn) cùng chi út (Ất chi) đều ở lại làng, chi thứ hai di chuyển sang thôn Vườn Đào (phía sau đền Kiếp Bạc) thuộc Phả Lại (Chí Linh, Hải Dương) để lập nghiệp”. Tuy cách xa quê cũ nhưng vào ngày giỗ họ hằng năm (13 tháng giêng) chi thứ hai đều cử người về dự lễ. Ông Phùng cho biết thêm: “Chỉ tính chi đầu và chi út thôi thì hiện nay suất đinh cũng đã hơn 500 người”.
Nhìn nét mặt hân hoan sau câu nói của ông Phùng, tôi liền hỏi: “Vậy ngoài sự hân hoan về dòng họ đông con nhiều cháu, lắm người đỗ đạt và thành đạt ra thì còn có chuyện gì vui không?”.
Ông Trần Đình Phùng vội khoe luôn: “Mấy tháng trước có đoàn làm phim tài liệu của UNESCO về Đền làm phim tài liệu nhân kỷ niệm 255 ngày sinh Nguyễn Du (1765 – 2020). Hôm quay phim có cả người đóng vai Tể tướng Nguyễn Nghiễm trong bộ lễ phục quan đầu triều chắp tay lễ bái gia tiên bên vợ”.
Thì ra cụ Trần Ôn vốn là hậu thế của tiến sĩ Trần Phi Nhỡn, làm Câu kê (kế toán) trong Phủ Tể tướng Nguyễn Nghiễm. Cụ rất được Tể tướng tin dùng. Có lẽ nhờ vào tình cảm ấy mà quan Câu kê Trần Ôn vào một ngày đầu xuân đã dẫn cô con gái yêu của mình là Trần Thị Tần lên Kinh thành chơi rồi được tới Phủ Tể tướng.
Cô thôn nữ làng Hoa Thiều năm đó chừng đôi chín, nết na, thùy mị, có tài ca hát, ăn nói dịu dàng. Những lúc vắng người cô tha thẩn dạo chơi trong vườn Phủ. Cô Tần dạo quanh những gốc hoa trà, ngửa đầu ngắm hoa ngọc lan tỏa hương dịu mát. Và cô se sẽ hát những câu ca quan họ của xứ Kinh Bắc quê mình.
Tình cờ Tể tướng Nguyễn Nghiễm ngang qua. Ông Tể tướng dừng lại lắng nghe, dừng lại ngắm người chợt trong lòng dấy lên niềm yêu. Tuy năm đó Tể tướng Nguyễn Nghiễm đã có hai bà vợ nhưng ông lại đem lòng “ngẩn ngơ” trước cô thôn nữ hồn nhiên. Bỏ qua lễ nghi, bỏ qua chức phận quan trên người dưới, Tể tướng Nguyễn Nghiễm đã hỏi cô Trần Thị Tần về làm trắc thất (vợ ba).
Thật đúng như là “trai anh hùng gặp gái thuyền quyên”. Về sau này người dân Kim Thiều đã có câu “Trai Tiên Điền tinh anh Hồng Lĩnh/ Gái Kinh Bắc thanh sắc Tiêu Tương”.
Năm 1765, khi 25 tuổi, cô Tần, phu nhân Tể tướng Nguyễn Nghiễm đã sinh hạ được một người con trai. Cậu bé chào đời đem lại niềm vui ngập tràn trong Phủ và được cha mình đặt tên là Nguyễn Du.
Chuyện sinh con đẻ cái có lẽ chỉ dừng lại như vậy, rất bình thường nếu như không có câu chuyện nhân duyên tình cờ đó; Phu nhân Trần Thị Tần không chỉ sinh cho dòng họ Nguyễn Tiên Điền một người trai nối dõi tông đường, không chỉ sinh cho dòng họ Trần Kim Thiều một người cháu ngoại khôi ngô mà thực sự bà đã sinh cho nước Việt một nhân tài rực rỡ - Đại thi hào Nguyễn Du.
Thời thơ ấu, Nguyễn Du tuy sống ở Kinh Thành trong Phủ của cha nhưng hay được mẹ dắt về thăm quê ngoại. Những lần về thăm quê ngoại ngắn ngủi đã gieo vào lòng thi nhân tương lai những xúc cảm, những mối tương tư. Trong tâm hồn thi nhân tương lai đã in đậm những câu ca lời hát quan họ dìu dặt đêm trăng. Trong tâm hồn thi nhân tương lai đã khắc sâu tình thôn nghĩa lúa.
Chỉ tiếc cha rồi mẹ mất khi mới hơn mười tuổi nên Nguyễn Du không có nhiều cơ hội để “thâm nhập” sâu hơn vào “không gian văn hóa Kinh Bắc”. Nhưng chừng ấy cũng đủ để ảnh hưởng sâu sắc đến một thiên tài, bởi tất cả đã ngấm từ trong bụng mẹ, và khi sinh ra rồi lớn lên, những thanh âm quê hương cứ ngày ngày gieo vào lòng nhờ những kẻ ăn người ở trong Phủ Tể tướng đều là dân Kinh Bắc. Họ đã hát, họ đã kể cho cậu bé Nguyễn Du nghe.
Tôi chợt hỏi: “Không hiểu Quan họ nơi quê mẹ có ảnh hưởng gì đến sáng tác của Nguyễn Du không nhỉ?”. Câu trả lời có ngay, nhà thơ Đàm Thế Du, người thôn bên, vừa kịp tới nơi, ông cho hay rằng: Khi trác tuyệt “Truyện Kiều” ra đời, người đọc đã thấy ở trong đó những dư âm của quan họ Kinh Bắc. Chúng ta thấy trong “Truyện Kiều” những câu thơ giống câu Quan họ đến ngỡ ngàng, như “Ngọn đèn khi tỏ khi mờ/ Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu” hay “Khi tựa gối, khi cúi đầu/ Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày”. Nguyễn Du đã vận dụng thành công lời ca Quan họ vào Truyện Kiều một cách tự thân.
Thêm nữa, lối ứng xử kiểu văn hóa Kinh Bắc mà cậu bé Nguyễn Du từng được mẹ dạy bảo cũng đã “vào Kiều” “ngọt” một cách không thể ngọt hơn, như “Sinh rằng: Hay nói dè chừng/ Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao?”. Hoặc là “Nữa khi giông tố phũ phàng/ Thiệt riêng đấy cũng lại càng cực đây”. Theo những nhà nghiên cứu văn hóa thì chữ “đây, đấy” là “đặc sản” của người Quan họ, ví như Quan họ có câu “Đấy với đây không dây mà buộc/ Anh với nàng chưa chuốc mà sao say”.
Đấy với đây. Họ Nguyễn Tiên Điền với họ Trần Kim Thiều chính là đấy với đây. Sự dịu dàng, đằm thắm ấy cùng với nỗi đau nhân tình thế thái đương thời đã cho Nguyễn Du với “Lời quê góp nhặt dông dài” trở thành “Tâm hồn người Việt”.
Gió xuân hây hẩy ngoài đồng, chúng tôi xin phép ông Trưởng tộc Trần Đình Phùng được thắp nén nhang tri ân. Từ trong đền dâng lên một mùi hương ngan ngát.