Về một “osin” của Nhà hát kịch Việt Nam
- Nhà hát Kịch Việt Nam tiếp tục lưu diễn quốc tế
- Nhà hát Kịch Việt Nam mang “Hamlet” đi Singapore
- Nhà hát Kịch Việt Nam tái xuất phía nam với tác phẩm của Lưu Quang Vũ
- Nhà hát Kịch Việt Nam thành công tại Festival quốc tế Pohang
Đêm diễn "Hồng lâu mộng" thấm đẫm tình cảm mến thương của đồng nghiệp dành cho Giám đốc Nguyễn Thế Vinh. Những cái ôm hôn chân tình, những lời tạm biệt rưng rưng, những nuối tiếc... là những gì mà các cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát Kịch dành cho vị Giám đốc đến tuổi nghỉ hưu của mình.
Ấn tượng nhất phải kể đến một tấm biển, nghe nói là ý tưởng của NSƯT Xuân Bắc, được viết rất ngẫu hứng: "Tập thể cán bộ nghệ sĩ nhân viên Nhà hát kịch Việt Nam khẳng định ông Nguyễn Thế Vinh là Giám đốc tài năng, tâm huyết". Tấm biển được truyền tay các nghệ sĩ để chụp ảnh chung với Giám đốc Vinh trong buổi chia tay…
Ông Nguyễn Thế Vinh đứng giữa các đồng nghiệp, không giấu nổi niềm xúc động sâu sắc. 5 năm một chặng đường chưa dài, nhưng đủ để ông "ba cùng" với anh em nghệ sĩ của Nhà hát, vượt qua nhiều khó khăn để tạo ra những thay đổi vượt bậc cho một đơn vị sân khấu vốn được xem là "Anh cả đỏ" của sân khấu Việt.
Nhớ lại ngày đầu nhận nhiệm vụ mới, ông Nguyễn Thế Vinh có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Khi đó có người đã rỉ tai ông một câu nghe rất lạnh: "Coi chừng về đó chúng nó cho tan xác pháo". Đất dữ, nhiều chuyện lôi thôi nhân sự thì ông đã nghe nhiều rồi, mà làng kịch nghệ cũng không ai lạ gì chuyện của Nhà hát nhiều năm qua.
Ngày đầu tiên bước chân chính thức về Nhà hát, ông Nguyễn Thế Vinh gặp một cảnh tượng không thể "ngại ngần" hơn. Cơ sở vật chất nơi đây phải nói đúng là hai chữ nhếch nhác. Rác ngập từ tầng 1 đến sân thượng Nhà hát. Những đạo cụ mục nát từ thời nào, chất chồng hàng tấn trên tầng thượng; mấy cái toa lét hỏng hóc bốc mùi khó chịu; biển hiệu Nhà hát xập xệ, khách du lịch nước ngoài đi qua không ai biết đó là một cơ quan văn hóa, chứ đừng nói đấy là Nhà hát kịch tầm cỡ quốc gia. Trước cửa Nhà hát bẩn thỉu, thỉnh thoảng có tài xế taxi thiếu văn minh đỗ xe sát tường, hồn nhiên đứng "tè" bậy vào góc tường…
Ông Nguyễn Thế Vinh, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. |
Ông Vinh xác định, việc đầu tiên của mình ở đây là dọn rác. Ông hô hào cán bộ nghệ sĩ làm sạch môi trường làm việc bằng cách dọn rác. Xe chở rác được thuê đến, để tất cả những gì không sử dụng được, là rác, phải chuyển đi. Tầng thượng biến mất đống rác, được làm sạch để thành phòng tập khang trang cho anh em nghệ sĩ. Một cái kho chứa đồ đã trở thành Phòng truyền thống ấm cúng và sang trọng, cũng là nơi tôn vinh các thế hệ nghệ sĩ đã từng có những đóng góp làm nên tên tuổi của Nhà hát. Ông nghĩ, nếu không tạo ra một môi trường sạch đẹp, chỉn chu, thơm tho từ nhà vệ sinh trở đi thì rất khó để các thành viên trong đơn vị gắn bó, yêu cơ quan như nhà mình.
Hai tháng đầu tiên chỉ dành để dọn rác, cho đến khi cơ quan sạch đẹp, thơm tho, Giám đốc Vinh mới tổ chức họp mặt toàn thể anh em nghệ sĩ. Ông nói về việc cơ quan đã chuyển đi hàng chục tấn rác, giờ còn một thứ rác nữa cần phải dọn, là rác trong đầu mỗi người. Đó chính là tư duy trì đọng, cũ kỹ, lạc hậu trong làm nghề cần phải được dọn dẹp, làm mới. Riêng thứ rác này thì không ai có thể dọn thay mỗi người. Từng người sẽ phải tự dọn dẹp mình để có thêm năng lượng tích cực hòa nhập với đơn vị.
Ông nói về việc tất cả mọi người từ nay trên một chiếc thuyền mà ông là thuyền trưởng. Thuyền đi về phía trước là do mọi người phải khua mái chèo cùng nhịp. Rồi ông tổ chức "Hội nghị Diên Hồng", mời các bậc trưởng lão trong nghề để xin ý kiến chỉ giáo về việc làm thế nào để phục hưng lại Nhà hát kịch Việt Nam một thời vang bóng với những vở diễn đắm say lòng khán giả, được mệnh danh là "Anh cả đỏ" của ngành.
5 năm trôi qua, Nhà hát Kịch Việt Nam hôm nay đã không còn nhếch nhác như những ngày đầu Giám đốc Thế Vinh về nhậm chức. Quan trọng nhất đó là tinh thần làm việc của nghệ sĩ cán bộ đã được ổn định: họ vững tâm và cùng nhau phấn đấu đưa Nhà hát đi lên. Có được tất cả những điều đó là do sự khởi động của Giám đốc Nguyễn Thế Vinh cho tất cả mọi người.
Khởi động một người nghệ sĩ, cũng giống như khởi động cả một tập thể nghệ sĩ, là phải bắt đầu bằng cái Tâm. Trong 5 năm giữ vị trí người đứng đầu Nhà hát Kịch, ông Nguyễn Thế Vinh đã làm tất cả mọi việc bằng Tâm sáng, Tài cao, khả năng quản lý vững vàng. Ông xây dựng lại đội ngũ cán bộ, xốc lại tinh thần cho họ, lập ra các dự án sửa sang cơ sở vật chất, rạp biểu diễn, thiết lập lại nề nếp làm việc văn minh. Những vở diễn được dàn dựng, đỏ đèn hàng đêm, lấy lại thương hiệu cũng như vị thế "Anh cả đỏ" của Nhà hát Kịch. Công chúng bắt đầu quay trở lại với Nhà hát, bằng những vở nổi tiếng như: "Tai biến", "Bệnh sĩ", "Kiều", "Hamlet", Romeo và Juliet"….
Chưa dừng lại ở đó, Giám đốc Nguyễn Thế Vinh muốn nghệ thuật của Nhà hát phải vươn xa ra tầm quốc tế. Ông là một người làm công tác đối ngoại nhiều năm, hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc giao lưu, hợp tác quốc tế trong nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu. 5 năm ở Nhà hát, với các mối quan hệ sẵn có và tài ngoại giao của mình, Giám đốc Nguyễn Thế Vinh đã tổ chức nhiều chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài cho các nghệ sĩ của Nhà hát. Nhà hát Kịch đã đi lưu diễn ở các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore...
Chuyến đi lưu diễn không thể quên là chuyến đến Singapore biểu diễn vở "Hăm-let". Một vở diễn được đầu tư 5 tỷ đồng, diễn 1 đêm duy nhất ở Nhà hát Victoria nổi tiếng. Khán giả đến xem là những khách VIP của đất nước Singapore, những chuyên gia sân khấu hàng đầu ở đây, những người yêu nghệ thuật sân khấu và mến mộ kịch của tác giả Shakespeare. Đêm diễn đã làm cho khán giả ở đây nể phục, họ không ngờ nghệ sĩ Việt Nam có thể dựng và biểu diễn kịch Shakespeare hay đến như vậy.
Trong cuốn lưu bút rất dày mà hầu hết cán bộ, nhân viên nhà hát Kịch Việt Nam viết vào đó những suy nghĩ, tình cảm của họ trước khi chia tay Giám đốc Nguyễn Thế Vinh, có nhiều trang vô cùng lưu luyến, xúc động. Nghệ sĩ Thùy Hương viết: "Có anh, tụi em mới có nhiều cơ hội để được cống hiến. Em chỉ mong có một phép lạ nào đó mà anh ở lại cùng bọn em".
Còn NSƯT Xuân Bắc thì chia sẻ: "Hơn 13 năm ở Nhà hát em chỉ thực hiện công việc theo đúng những gì thuộc về trách nhiệm. Giao vai thì làm, họp thì "bận", vui thì đến, buồn thì đi. Nhưng anh đã cho em một nhận thức mới, một tư duy mới về công việc, về cá nhân trong tập thể, về tập thể đối với mỗi cá nhân và em đã thay đổi. Em thấy mình cần có trách nhiệm hơn với những người xung quanh và em làm thôi. Làm những việc trước đó chẳng bao giờ làm và chẳng ai tin là em làm được... Tóm lại, chính anh Thế Vinh là người khởi động em".
Sống trong môi trường nghệ thuật từ thời trẻ, ông Nguyễn Thế Vinh rất hiểu tâm lý của người nghệ sĩ. Họ giàu lòng tự trọng, dễ bị tổn thương, cái Tôi lớn nên không dễ nể phục nhau. Việc của người làm lãnh đạo là phải dung hòa được các yếu tố đó, hiểu được người nghệ sĩ họ cần gì khi trên sân khấu và họ cần gì trong đời thường.
Ông nói, đến với nghệ sĩ không bắt đầu từ cái Tâm thì dễ hỏng, vì "qua mắt" họ không dễ. Nên ông cứ bằng cả tấm lòng mà làm, hòa tan cái Tôi của mình vào cái chung của mọi người, để phụng sự công việc của tập thể cho tốt nhất. Những ngày tập luyện, những đêm diễn của đơn vị, ông là người ngồi dưới, chìm trong hàng ghế khán giả. Ông lắng nghe ý kiến mọi người để biết cái gì được cái gì chưa được để hoàn thiện. Ông tự nhận mình là một người bình thường, một người tình nguyện giữ chân Ôsin ở Nhà hát Kịch Việt Nam.
"Ôsin" của Nhà hát Kịch Việt Nam, ông Nguyễn Thế Vinh khiến cho nhiều người trong chúng ta phải suy ngẫm, về một hình mẫu lãnh đạo văn hóa. Tôi không định ca ngợi ông trong bài báo này, ở thời điểm ông đã nghỉ hưu, vì một bài báo thì không thể kể hết những việc ông đã làm cho đơn vị, cũng như lòng yêu mến, kính trọng mà tập thể, cán bộ nghệ sĩ dành cho ông. Tôi chỉ cảm nhận rằng ông là một người đủ sôi nổi gần gũi với lớp trẻ, đủ sâu sắc để thấu hiểu những nghệ sĩ lớn tuổi, luôn biết quan tâm kịp thời từng cá nhân trong đơn vị khi họ gặp bất cứ vấn đề gì.
Một người không học hàm học vị, không danh hiệu này danh hiệu nọ, nhưng là một người THỰC VIỆC. Ông nói được nhiều ngoại ngữ và động viên, tạo điều kiện để anh em trong đơn vị theo học và biết sử dụng ít nhất một ngoại ngữ. Ông ngoại giao, kết nối mọi người để họ luôn có nhiệt huyết, cảm hứng sáng tạo. Đấy là một người thủ lĩnh ý thức được rằng, thắp lên một ngọn lửa đã khó nhưng giữ được lửa ấm đó lâu dài trong lòng người nghệ sĩ còn khó gấp nhiều lần. Ông thực sự là "của hiếm" trong rất nhiều nhà quản lý nghệ thuật mà tôi đã gặp, đã nghe. Một người có Tâm, có Tầm được anh em nghệ sĩ thừa nhận, kính trọng.