Văn nghệ công an và an ninh thế giới gần gũi với hình ảnh người CAND

Thứ Tư, 22/11/2006, 08:00

“Sau 10 năm xây dựng và trưởng thành, tờ Văn hóa Văn nghệ Công an đến nay đã thêm nhiều ấn phẩm khác, như một tổ hợp báo chí, được mọi người yêu mến và gần gũi với hình ảnh người CAND”, nhà văn Nguyễn Khắc Trường tâm sự.

- Thưa nhà văn Nguyễn Khắc Trường, trong trí nhớ của ông, những ngày đầu thành lập Tạp chí Văn hoá Văn nghệ Công an, tiền thân của báo VNCA và ANTG bây giờ, thì cơ sở vật chất và đội ngũ những người tham gia làm tờ báo lúc bấy giờ ra sao?

+ Tôi nhớ lúc đầu với tên gọi mang tính thăm dò là Văn hóa - Văn nghệ Công an, không hẳn là báo, cũng không hẳn là tạp chí, vì thế bài vở cũng không đi chuyên về văn học, mà có cả “hóa”, cả “nghệ”. Một sự đánh động, nghe ngóng trong làng báo, trong dư luận. Cơ sở vật chất lúc ấy không có gì. Một gian phòng chưa đầy 8m2 thuộc cơ quan thường trú của báo Công an TP HCM. Người biên chế duy nhất chỉ có mình đồng chí Hữu Ước vừa là chủ biên vừa kiêm mọi việc, kể cả phát hành.

Tham gia vào công việc có dăm sáu người gì đó, mà mỗi người ở một nơi. Tôi ở Báo Văn Nghệ. Lê Lựu, Trần Đăng Khoa ở Văn nghệ Quân đội và một vài người ở các cơ quan khác mà tôi cũng không thuộc. Với lúc ấy, cách làm như vậy là chưa  từng có. Lại thỉnh thoảng mới gặp nhau, nhưng không khí rất thân tình.

Vừa họp vừa uống bia, chủ biên Hữu Ước vừa phân việc cụ thể, yêu cầu cụ thể, rồi nhận việc và chia tay. Tôi và Nguyễn Quang Thiều trên đường về cơ quan là Báo Văn nghệ mà cứ thấy lo lo thấp thỏm thế nào, bởi chưa có Ban biên tập nào thế này cả. Rõ là “tay không làm báo”. Đúng là cứ đi là sẽ đến.

- Ông có thể kể cho độc giả những kỷ niệm của ông khi bắt đầu gắn bó với tờ báo, trong vai trò Hội đồng biên tập...

+ Tôi tham gia trong Ban biên tập đa dạng ấy không lâu và công việc cũng không nhiều. Mỗi tháng anh Hữu Ước đưa cho tôi dăm cái vừa truyện ngắn vừa bút ký. Tôi biên tập, sửa sang như từng làm báo ở Văn nghệ Quân đội và Báo Văn nghệ. Nhìn chung công việc suôn sẻ, thuận chiều. Tôi nhớ không nhầm thì mọi người bắt đầu để ý đến tờ báo mới này không phải là truyện, là thơ mà là bài về chân dung nhà văn Lê Lựu và nhà văn Phù Thăng do nhà thơ Trần Đăng Khoa viết.

Người ta thích vì sự sắc sảo và hóm hỉnh như thật mà lại như đùa, viết về người này mà lại như viết về nhiều người khác. Đến khi tờ báo hình thành, bắt đầu có nề nếp, thì Ban biên tập đa cơ quan kia rút lui. Mọi người chúc mừng nhà văn Hữu Ước đã gây dựng được một tờ báo đúng như ý anh mong muốn.

VNCA đã qua chặng đường dài 10 năm, ông nhận thấy tờ báo đã có những thay đổi, trưởng thành như thế nào?

+ Sau 10 năm xây dựng và trưởng thành, tờ Văn hóa Văn nghệ Công an đến nay đã thêm nhiều ấn phẩm khác, như một tổ hợp báo chí, được mọi người yêu mến và gần gũi với hình ảnh người Công an Nhân dân. Đây là thành quả lớn mà Báo Công an nhân dân, An ninh thế giới và Văn nghệ - Công an đã làm được.

- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Khắc Trường

Vũ Quỳnh (thực hiện)
.
.