Văn học là ngả đường khả dĩ…

Thứ Bảy, 09/05/2020, 17:22
Mới năm trước thôi, giới phê bình vốn dĩ khá im ắng so với các chuyên ngành khác, lại lăn tăn sóng bởi "Văn học Việt Nam đổi mới - Từ những điểm nhìn tham chiếu" của Phan Tuấn Anh. Cuốn sách bao quát những vấn đề và hiện tượng nóng hổi của văn học Việt Nam đương đại...


1. "Những khu vực văn học ngoại biên" là tác phẩm mới nhất, đưa nhà phê bình Phan Tuấn Anh tiến thêm một bước dài nữa trong lãnh địa nghiên cứu phê bình vốn dĩ đầy mung lung khắc nghiệt. Bởi không phải thấy ai đó "ăn khoai" mình cũng có thể "vác mai đi đào" được. "Đào" trong sáng tác có thể hên xui, nhưng là chủ động với con chữ của mình, còn "đào" trong nghiên cứu phê bình, là quá trình đánh vật với con chữ người khác, nên càng khó gấp bội.

Thời ngấp nghé vào tuổi, tam thập nhi lập, sau khi nhận học vị tiến sĩ, Phan Tuấn Anh công bố công trình đầu tay "Gabriel Garcia Márquez và nỗi cô đơn huyền thoại" nặng kí. Cuốn sách dày gần 500 trang in, xới tung và bàn rốt ráo để nhận diện tính chất hậu hiện đại qua các tác phẩm của Márquez, được nhà phê bình kì cựu Đỗ Lai Thúy cổ vũ: "Tác giả cuốn sách không cho người đọc cảm giác bị áp đặt, gượng ép khi dùng lý thuyết hậu hiện đại như một khung lý thuyết có sẵn úp chụp xuống tác phẩm Márquez. (…) những ý tưởng trên, ở Phan Tuấn Anh, không phải là một cành cây khẳng khiu mùa đông, mà là một cành cây mùa hè rậm rịt những đám lá ngôn từ, quất quít lối tư duy baroque".

Nhà phê bình văn học Phan Tuấn Anh.

Mới năm trước thôi, giới phê bình vốn dĩ khá im ắng so với các chuyên ngành khác, lại lăn tăn sóng bởi "Văn học Việt Nam đổi mới - Từ những điểm nhìn tham chiếu" của Phan Tuấn Anh. Cuốn sách bao quát những vấn đề và hiện tượng nóng hổi của văn học Việt Nam đương đại.

Và bây giờ, với "Những khu vực văn học ngoại biên", Phan Tuấn Anh chạm đến khoảng trống mà trước nay chưa có nghiên cứu nào soi đến một cách hệ thống, đủ đầy, bởi quan điểm bảo thủ về những vùng cấm và đối tượng ngoài lề trong văn học. TS Trần Ngọc Hiếu vui mừng: "Cuốn sách này trao cho tôi niềm tin rằng vẫn còn đó những người giàu năng lượng, dám tự “ru mình vào cửa khó” (chữ của Trần Dần), như Phan Tuấn Anh. Họ là những tín hiệu mới của phê bình - nghiên cứu văn học ở một giai đoạn cần có người can đảm để phát hiện, biện hộ và khuyến khích những giá trị mới".

2. Còn nhớ Hội nghị Những người Viết văn trẻ lần 9 diễn ra vào những ngày đẫm đầy thu Hà Nội 2016, trong khi cây cơm nguội vàng và cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau thì Phan Tuấn Anh cùng tôi và hai nữ sĩ trẻ khác là Bùi Tiểu Quyên và Lữ Thị Mai được đẩy lên ngồi kề bên nhau, trên Đoàn Chủ tịch.

Tất nhiên, nên hiểu chúng tôi ngồi cho đúng tinh thần hội nghị của người trẻ, đủ mâm thơ - văn - phê bình và chuẩn nối vòng tay lớn Bắc - Trung - Nam, chứ cầm chịch điều khiển phải là người đã hết trẻ dạn dày trận mạc, là bác Chủ tịch Hội và anh Trưởng Ban Nhà văn trẻ. Chúng tôi chỉ ngáp vặt, nếu máy quay hay máy ảnh lia ngang thì trưng ra nụ cười cơ học mắt ngước long lanh, và lâu lâu giới thiệu tên các đại biểu trẻ lên trình bày tham luận. Đơn điệu tên cùng vài dòng vắn tắt. Nhưng Phan Tuấn Anh vẫn ấn tượng, thao tác khác hẳn, dẫn dắt sinh động đánh võng đầy văn chương.

Cũng tại Hội nghị lần đó, Phan Tuấn Anh được bạn bè nhắc nhớ với giọng Huế trong tham luận: "Thơ trẻ Việt Nam - Nhìn từ những cách tân theo hệ hình hậu hiện đại", khi đi sâu vào ba hướng cách tân "Thơ như là trò chơi ngôn ngữ", "Thơ như là sự phì đại ngôn ngữ" và "Thơ như là sự cực hạn ngôn ngữ". Tham luận giàu học thuật, phác lên một cái nhìn vừa bao quát vừa gần gụi về thơ trẻ hiện nay.

Không hiểu sao nhiều người vẫn la lên, là đội ngũ lý luận phê bình thiếu và yếu. Tôi thì thấy năm năm trở lại đây, lực lượng phê bình trẻ khá nhiều và chất. Đủ sức đối thoại với thế hệ trước và với văn chương đương thời. Và với tôi, nếu phải kể ra top 5 nghiên cứu phê bình trẻ 8X chững chạc, có tiếng nói đĩnh đạc trên các diễn đàn, thì sẽ có Phan Tuấn Anh.

Các tác phẩm phê bình của Phan Tuấn Anh.

3. Tôi vẫn nghĩ, điều quan trọng với người viết, đầu tiên là cái giọng. Không chỉ sáng tác mà phê bình cũng cần giọng. Viết phê bình mà không có trường/mã ngôn ngữ phê bình thì mãi mãi chỉ là thầy cô dạy phân tích, bình giảng ở nhà trường. Thật sự không ít người vẫn viết phê bình kiểu "lối cũ ta về", không bứt được khỏi giọng "bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi", nên chỉ dừng ở học sinh/sinh viên giỏi văn, dẫu có gắn học hàm, học vị.

Ở thái cực khác, một số nhà phê bình lại lạm dụng chữ, làm mình làm mẩy với chữ, dẫn đến đánh đố, tắc tị. Đọc lên, cảm giác như người Việt nghe đọc tiếng Phạn hay nghe kinh Koran gốc. Như thể người viết tẩu hỏa chữ nhập ma nghĩa.

Người làm nghiên cứu phê bình đi chênh vênh và dung hòa được giữa hai điều trên, thường có dấu ấn riêng khác. Sáng ý, rõ nghĩa mà không lẫn vào đồng nghiệp, lại vẫn nâng tầm được người đọc. So với thế hệ mình, Phan Tuấn Anh xác lập được điều này khá sớm, từ những tiểu luận ban đầu như: "Lí luận phê bình văn học Việt Nam đổi mới - Cấu trúc tam tài", "Lí luận phê bình trẻ hiện nay - Thế hệ F, thực trạng và những soái ca", "Văn học dành cho độc giả trẻ Việt Nam - Cách tân và đặc điểm tư duy hệ hình hậu hiện đại" v.v...

Nhưng sòng phẳng với chính mình, tôi vẫn thấy không phải lúc nào Phan Tuấn Anh cũng ghi điểm tuyệt đối. Ở một số bài khảo sát tác phẩm cụ thể, thi thoảng anh còn rậm lý thuyết. Và nữa, Phan Tuấn Anh vẫn còn ít nhiều cả nể. Nhà phê bình như trọng tài cầm cân nảy mực yêu cầu phải quyết liệt thì đôi khi anh lại "Giữ chút gì rất Huế đi em" dịu dàng, ý nhị, chưa hẳn đã là hay.

4. Tuy nhiên, sự cả nể thấp thoáng đâu đó trong các bài phê bình văn học đương thời của Phan Tuấn Anh, dứt khoát không phải kiểu cả nể bạn bè. Điều này có lẽ xuất phát từ sự cảm thông với các chủ thể sáng tạo thì đúng hơn. Bởi Phan Tuấn Anh ngoài làm phê bình còn làm thơ.

Phan Tuấn Anh là tác giả của hai tập thơ "Người ngủ muộn" (2008) và "Đoản khúc" (2013), với bút danh Fan Tuấn Anh. Nếu như "Người ngủ muộn" là những vần thơ kiểu học trò cất trong ngăn cặp/hộc bàn, với thi ảnh nhạc điệu quen thuộc của một anh sinh viên thì "Đoản khúc" lột xác vượt thoát hẳn. Dằn vặt. Phức tạp. Trúc trắc. Lý trí. Và rậm lời hơn trước.

"Thế giới của anh là thế giới nhiễm phèn đau thương từ chân tóc của những điều giản dị mà mọi người vẫn vô tư và hồn nhiên mỗi ngày giẫm lên (…) Anh chỉ sống như để phạm những lỗi lầm, như loài cây xương rồng chỉ sống để tạo gai và những chiếc lá ngón chỉ quang hợp để chiết tinh vô vàn chất độc/ Nên, anh đã đợi chờ một ngày thảm khốc…" (Đoản khúc số 29)

Chính Đoản khúc đã dẫn Ph/Fan Tuấn Anh đến Giải thưởng Văn học Cố đô lần V (2008 - 2013). Thậm chí, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã dùng thơ Ph/Fan Tuấn Anh như là thủ pháp nghệ thuật, để "nhét" vào miệng nhân vật một cách ngọt ngào trong tiểu thuyết "Cô Mặc Sầu" đầy ấn tượng năm 2015.

5. Tôi vẫn hay nói đùa với các bạn văn, Phan Tuấn Anh là trường hợp "giàu vượt sướng". Trước đây, người ta ngợi ca nghèo vượt khó, nhưng thời nay nghèo vượt khó rất thường, giàu vượt sướng khó gấp vạn lần hơn. Có điều kiện mà không sa ngã mới là tài.

Sinh trưởng trong gia đình có điều kiện, có lẽ việc của Phan Tuấn Anh chỉ là học và đọc, đọc và học. Anh học một lèo, từ đại học lên thạc sĩ rồi tiến sĩ. Trở thành giảng viên hot boy soái ca theo cách nói của người trẻ hiện nay, hút hồn lớp lớp sinh viên Cố đô và nơi anh đến thỉnh giảng.

Tôi giữ ấn tượng về một Phan Tuấn Anh hào sảng tươi vui chứ không trầm ngâm lăm le kinh viện. Trong bất cứ không gian, hoàn cảnh nào, dẫu là ngồi bún bò ở đường Hà Nội, quán cơm đường Lý Thường Kiệt ở Huế, hay cà phê đâu đó dưới hàng me Sài Gòn, hay lâu lâu qua điện thoại, messages facebook v.v…

Sau cùng, ở tuổi 35, là trẻ với người làm phê bình - nghiên cứu văn học, không rõ đường dài phía trước, quyến rũ mê hoặc cùng khó khăn thách thức, Phan Tuấn Anh đã dọn cho mình tâm thế như nào? Anh nói: "Chúng ta (giới văn chương) ngoài việc phải thức thời, còn cần bỏ đi tâm lí quá tự tin hoặc quá tự ti trong bối cảnh đương đại. Không được/ còn Sô vanh (Chauvin) về vị thế trung tâm của văn học, nhưng chúng ta cũng tự tin rằng, nếu cái đẹp là sự cứu rỗi thế giới tương lai (nói theo kiểu của F.Dostoievsky), thì văn học là ngả đường khả dĩ nhất trong sự cứu rỗi đó". Và thêm lần nữa, tôi tin anh!

Văn Thành Lê
.
.