Văn hào Rudyard Kipling: Vinh quang và sự trả giá

Thứ Ba, 12/04/2011, 08:51
Đến nay, Rudyard Kipling vẫn là nhà văn trẻ nhất trên thế giới đoạt giải Nobel văn học (khi nhận giải, ông mới 42 tuổi). Ngay từ hồi ông còn sống, văn nghiệp của ông đã được biết đến rộng rãi ở khắp các châu lục. Ông nổi tiếng là người đa tài, song đến nay, thể loại được bạn đọc thường xuyên nhắc tới hơn cả vẫn là tiểu thuyết, truyện ngắn (trong đó có những cuốn viết về thế giới loài vật được bạn đọc lứa tuổi thiếu nhi nhiều thế hệ yêu thích)...

Ngoài lĩnh vực tiểu thuyết và truyện ngắn thì vị trí của Kipling trong nền thi ca Anh không hề nhỏ: Năm 1995, khi Đài BBC tổ chức bình chọn những bài thơ hay nhất của nước Anh, thì bài thơ “Nếu” của Kipling đã dẫn đầu danh mục những bài được bình chọn...

Rudyard Kipling, tên đầy đủ là Joseph Rudyard Kipling, sinh ngày 30/121865 tại thành phố Bombay, Ấn Độ, trong một gia đình trí thức người Anh. Bố ông là Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Bombay, mẹ xuất thân từ một gia đình danh giá ở London. Năm lên sáu tuổi, Kipling được đưa về Anh học với một gia đình theo đạo Tin lành. Trong thời gian ở Anh, Kipling đã học tại các trường United Service College, Westward Ho, Bideford. Năm 1882, ông trở lại Ấn Độ, viết một số truyện ngắn và làm trợ lý cho Tổng biên tập Báo Dân thường ở Lahor. Là người chịu đi, Kipling đã có mặt ở hầu khắp các làng bản của đất nước Ấn Độ rộng lớn, rồi ông sang châu Mỹ, châu Phi, nhờ đó mà tích lũy được nhiều vốn sống cho hành trang văn học của mình sau này.

Năm 1886, Kipling in tập thơ đầu tay “Những bài ca ở bộ” với số lượng hạn chế. Nhưng sách bán chạy nên chỉ trong một thời gian ngắn, tác giả đã phải cho tái bản. Năm 1887, Kipling chuyển sang làm việc cho Báo Người tiên phong ở Allahabad và cho xuất bản tập truyện ngắn “Truyện kể núi đồi”, được nhà thơ lớn Oscar Wilde nhận xét là: “Những ghi chép sống động, sắc sảo về cuộc sống của người Anh ở Ấn Độ. Anh ấy làm chúng ta kinh hoàng bởi sự thực mà anh phát lộ”.

Năm 1889, Kipling làm chuyến du lịch vòng quanh thế giới, viết những bài du ký cho nhiều tờ báo. Tháng 10 năm ấy, ông đến London và trở thành tác giả được săn đón. Ông bắt đầu chuyển sang phong cách thơ mới của Anh. Năm 1892 ông sang Mỹ và kết hôn với em gái chủ xuất bản người Mỹ U. Balestier, người đã cùng Kipling viết chung cuốn tiểu thuyết “Naulahka”. Thời gian sống ở Mỹ chính là thời gian ông viết nên những tác phẩm hay nhất của đời mình, như bộ “Sách rừng” gồm 2 tập (được xuất bản vào các năm 1894, 1895). Đây là bộ sách được coi là hấp dẫn, thú vị nhất về đời sống hoang dã của loài vật trong văn chương nhân loại từ trước tới nay (trong đó có truyện “Mowgli - Người Sói” đã trở nên quen thuộc với nhiều bạn đọc nhỏ tuổi nước ta). Khi trở về Anh, Kipling cho xuất bản tập thơ “Bảy biển” (1896); “Những thuyền trưởng quả cảm” (1897), một loạt truyện kể cho thiếu nhi. Năm 1901, ông viết tiểu thuyết “Kim” (được xem là cuốn sách hay nhất của các nhà văn nước ngoài viết về Ấn Độ) như một lời chào từ giã xứ sở mà ông từng gắn bó thời ấu thơ. Trong chiến tranh Anh - Nam Phi (1899 -1902), Kipling là phóng viên mặt trận.

Năm 1902, Kipling lui về sống ở một làng quê hẻo lánh thuộc vùng Sussex ở Tây Nam nước Anh và ông gắn bó với mảnh đất này cho tới khi trút hơi thở cuối cùng. 

Năm 1907, Kipling được trao giải Nobel văn học. Khi ấy ông đã có trong tay 20 đầu sách, thuộc nhiều thể loại. Kipling đến Stockholm nhận giải nhưng ông không đọc diễn văn nhận giải. Tiếp đó là các phần thưởng, bằng danh dự của nhiều trường đại học danh tiếng như: Oxford, Cambridge, Edinburg, Paris, Athens, Toronto dành cho Kipling... Những năm cuối đời, Kiplinh vẫn sáng tác, nhưng ông viết từ tốn hơn. Kipling mất vì chảy máu đại tràng vào ngày 18/1/1936. Hai ngày sau, vua George V - một người bạn thân thiết của ông cũng qua đời.

Không chỉ là tác giả của những tác phẩm văn xuôi đặc sắc, chinh phục nhiều thế hệ bạn đọc trên thế giới, Kipling còn rất nổi tiếng với tư cách một nhà thơ. Sau khi Lord Tennyson qua đời vào năm 1892, Kipling gần như chiếm vị trí số 1 trên thi đàn nước Anh. Bài “Nếu” là một thi phẩm nổi tiếng nhất của ông. Bài thơ này được tác giả sáng tác vào năm 1895 và in lần đầu vào tháng 10/1910, trên Tạp chí The American Magazine.

Bài thơ thực sự đi vào đời sống. Trong tiểu thuyết “Cái chết của một anh hùng”, nhà văn Anh Richard Aldington đã trích dẫn một số câu trong bài thơ để ca ngợi tinh thần bất khuất của người lính ngoài mặt trận trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất, ca ngợi những con người thẳng tay chém giết mà không chút ngần ngại. Đạo diễn người Anh Lindsay Anderson cũng đã mượn tên bài thơ để đặt tên cho một bộ phim của mình sản xuất năm 1968 từng được giải thưởng Cành Cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes…

Kipling từng cho biết, bài thơ đã được nhiều nơi in ra như những bức tranh để treo trong phòng làm việc, trong phòng ngủ hoặc những nơi trang trọng. Nhiều người coi đây như những lời nhắc nhở, như một quan niệm sống.

Nhà thơ Anh Thomas Eliot (giải Nobel Văn học năm1948), trong một bài tiểu luận đã gọi bài thơ này của Kipling là một “bài thơ vĩ đại”.

Hiện nay, bài thơ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Và thường là do những dịch giả có tên tuổi thực hiện. Như ở Myanma, nơi có thành phố Mandalay được nhắc tới trong bài thơ, bài thơ đã được thực hiện bởi Aung San Suu Kyi, người từng được trao giải Nobel về hòa bình năm 1991. Ở Nam Tư, bản dịch cũng đã được thực hiện bởi nhà văn Ivo Andric, người được giải Nobel văn học năm 1961.

Tại Việt Nam, bài thơ tuyệt tác của Kipling từng được giới thiệu với bạn đọc qua bản dịch Pháp văn của dịch giả Nguyễn Hiến Lê từ cách đây mấy chục năm. Sau này đã có thêm nhiều bản dịch khác sát nghĩa hơn. 

Nhân đây, thiết nghĩ cũng cần nhắc tới một chút về đối tượng của bài thơ: Đó chính là người con trai duy nhất của Kipling (tên gọi Jack Kipling), đã chết năm 1915 trong một cuộc tử chiến trên đất Pháp thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đây là một nỗi đau đeo đẳng suốt đời của Kipling bởi trước đó, con trai ông từng bị từ chối không cho nhập ngũ vì cận thị, song ông đã dùng ảnh hưởng của mình để đưa bằng được cậu con vào quân đội, lại ở đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu. Điều này gây mâu thuẫn nặng nề giữa ông và vợ, nhất là khi Jack biệt vô âm tín trong một trận chiến (sau được coi như đã chết). Năm 2007, một bộ phim dựa trên câu chuyện có thực này (với nhân vật trung tâm là người con trai của Kipling) đã được sản xuất và trình chiếu phục vụ công chúng Anh quốc.

Để hiểu nỗi đau của Kipling lớn đến nhường nào, ta cần biết thêm rằng, trước đó, vào năm 1899, cả gia đình Kipling đã bị mắc bệnh viêm phổi trong chuyến hành trình đến Mỹ. Và cô con gái yêu Josephine của ông đã chết vì căn bệnh đó khi mới 6 tuổi.

Thơ văn của Kipling phản ánh cuộc sống người lính và nghĩa vụ của họ đối với Đế quốc Anh. Điều này đã khiến sinh thời, bên cạnh sự hoan nghênh của độc giả Anh quốc, Kipling cũng bị các đồng nghiệp và bạn đọc ở nhiều quốc gia lên án là kẻ cổ xúy tư tưởng đế quốc, ủng hộ phát xít. Tuy nhiên, nói như Paustovsky thì “ảnh hưởng của Kipling đối với nền văn học thế giới là rất to lớn”. Còn theo nhận định của tiểu thuyết gia Neil Gaiman thì Kipling thực sự là một nhà văn vĩ đại, là người hoàn toàn “xứng đáng với giải thưởng Nobel”. 

Có một nghịch lý là sinh thời, Rudyard Kipling từng khuyên các sinh viên ở Đại học McGill rằng, đừng nên phí thời gian “chiến đấu” để kiếm tiền vì một ngày nào đó, họ có thể sẽ gặp được những con người giàu có thật sự. Và họ sẽ vỡ lẽ ra rằng, đó là những người không bao giờ màng đến cuộc sống tiền tài vật chất, những phù hoa, giả tạo của lợi lộc, công danh. Đến lúc đó họ - tức các sinh viên nọ - mới biết rằng mình “nghèo” đến mức nào. Thế nhưng, ít ai biết rằng, ở thời mình, Kipling là nhà văn có mức nhuận bút trả cho mỗi chữ viết cao nhất thế giới. Và nếu như vào năm 1889, ở tuổi 24, ông từng nhận được một lá thư từ chối của hội đồng chấm thi San Francisco: “Tôi rất lấy làm tiếc, thưa ông Kipling, nhưng quả thực ông không biết cách sử dụng tiếng Anh” thì sau này, nhiều tên tuổi vĩ đại trên văn đàn thế giới đã phải ngã mũ kính phục mà tôn ông là bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ. Âu cũng là sức phấn đấu phi thường, đáng khâm phục của một nhà văn ngay từ thời trẻ trai…

Đặng Trường Sinh
.
.