Văn hào Pháp Alexandre Dumas: "Đứa con lai" vĩ đại

Thứ Bảy, 22/09/2012, 08:00

Trong các nhà văn Pháp thành danh hồi thế kỷ XIX, Alexandre Dumas (1802-1870) không phải là nhà văn lớn nhất, song ông lại là nhà văn có tác phẩm được công chúng tìm đọc nhiều nhất. Dumas viết nhiều, viết khỏe, và viết đủ loại, trong đó, chỉ với mấy tác phẩm kiểu như "Ba người lính ngự lâm", "Hoàng hậu Margot", "Bá tước Monte Cristo" đã đủ để tên tuổi ông vĩnh viễn ở lại trong ký ức độc giả...

Nhân kỷ niệm 210 năm ngày sinh của Alexandre Duma - "đứa con lai" vĩ đại của nước Pháp, xin được cùng bạn đọc ôn lại một số mẩu chuyện ly kì, độc đáo xoay quanh cuộc đời đầy "vinh quang và cay đắng" của ông...

Yêu nhiều

Trong suốt cuộc đời gần 70 năm trên dương thế, Alexandre Dumas (còn được gọi là Dumas - cha) chỉ kết hôn một lần duy nhất. Vợ ông là nữ diễn viên Ida Ferrier. Hai người không có con chung và chia tay nhau từ khá sớm, song cũng từ bấy trở đi, Dumas không chính thức kết hôn với bất kỳ một người đàn bà nào. Tất nhiên, điều này không ngăn trở ông sống theo kiểu "già nhân ngãi, non vợ chồng" với những người phụ nữ mà ông thích. Dumas là mẫu người dễ động lòng. Ông thường xuyên hỗ trợ tiền nong cho những người đàn bà mà ông ít nhiều có quan hệ tình ái. Theo khảo sát của một nhà nghiên cứu thì số người như thế này nghe nói không ít gì (đâu như gần ba chục người). Bản thân Dumas từng có lần tiết lộ: "Chính vì lòng nhân đạo mà tôi đã có nhiều nhân tình. Nếu tôi chỉ có một người tình, chắc chắn cô ta đã chết chỉ trong bảy ngày chung sống".

Dumas bắt đầu quan hệ với phụ nữ từ khá sớm (năm ông mới 17 tuổi), có nghĩa là đồng thời với giai đoạn ông cho ra mắt công chúng tác phẩm đầu tay. Dumas khởi đầu nghiệp văn chương bằng việc sáng tác kịch bản. Sự nổi tiếng của ông bắt đầu từ đó. Và cũng từ đó, ông trở nên một "con mồi" dễ săn đuổi của các quý bà, quý cô. Các nữ đạo diễn luống tuổi nhưng có vai vế trong các nhà hát tìm cách "chèo kéo" ông, buộc ông phải "đút lót tình yêu" mới chịu đưa các kịch bản của ông ra công diễn. Ngược lại, các diễn viên trẻ đẹp, mới vào nghề thì lại sẵn sàng "hối lộ" cho tác giả kịch bản "tình cảm của mình" để từ đó được nhận các vai diễn dễ gây ấn tượng. 

Tất nhiên, cách yêu của Dumas cũng khác với nhiều người. Không chỉ là một "kịch tác gia" lão luyện, trong lĩnh vực tình ái, Dumas còn tỏ ra là một "diễn viên" có hạng. Từng có thời kỳ, liền lúc có tới ba người đàn bà cùng đi lại quan hệ với ông. Thậm chí có hôm, cả ba người này cùng xuất hiện trên "sân khấu" trong một "vở kịch" tại nhà ông.

Tiêu khỏe

Trong một tờ truyền đơn kêu gọi giới thợ thuyền ở Pháp bỏ phiếu bầu mình vào nghị viện, Dumas đã liệt kê những việc ông làm được tính tới thời điểm bấy giờ như sau: "Tôi đã làm việc cật lực suốt 20 năm qua, mỗi ngày 10h, tổng cộng là 73.000 giờ. Trong hai chục năm ấy, tôi đã viết 400 cuốn sách và 35 vở kịch". Bên cạnh những con số nghe có vẻ rất thuyết phục ấy, Dumas còn có cách tính toán hết sức chi li và chẳng mấy giống ai: Ông cho mọi người biết, 400 cuốn sách được in ra của ông đã giúp các đối tượng, từ thợ nhà in, thợ làm giấy, thợ đóng sách, thợ vẽ đến người bán sách thu về một món tiền tương đương với thu nhập trung bình của 600 người lao động trong 30 năm. 35 vở kịch của ông (trong đó có những vở được công diễn đi công diễn lại tới cả trăm lần) đã giúp từ các ông bầu cho tới người bán vé, người gác cửa nhà hát thu được một khoản tiền đủ nuôi 1.500 người bình thường trong 10 năm. Từ đó, cộng cả hai lĩnh vực trên, ông nói ông đã giúp cho trên hai ngàn người có công ăn việc làm và với thành tích ấy, ông xứng đáng được bầu vào nghị viện.

Cảnh trong phim "Ba người lính ngự lâm" được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Dumas.

Nhắc lại chuyện trên để thấy Alexandre Dumas là một nhà văn có đầu óc rất thực tế. Những con số trên cũng gián tiếp cho chúng ta biết có một giai đoạn, mức thu nhập của Dumas lớn đến chừng nào. Vậy mà, chuyện kể rằng, trước khi lìa trần, ông chỉ còn có hai đồng tiền vàng trong túi. Ông đã nói với con trai rằng: "Người ta nhận xét bố là một kẻ hoang toàng. Nhầm to. Khi mới đến Paris, bố chỉ có vẻn vẹn hai đồng tiền vàng trong túi. Và con xem đây, giờ chúng vẫn còn nguyên không hề suy suyển". 

Tất nhiên Dumas nói vậy, chứ trên thực tế, ông là người ham vui và không hiếm khi "vung tay quá trán". Ông thường xuyên thết đãi người thân, bạn bè, công chúng ái mộ với những bữa tiệc sang trọng đến độ khiến những tay chơi ở đất Paris hoa lệ cũng phải e ngại. Các nhà nghiên cứu ước đoán rằng, trong suốt cuộc đời lao động không ngừng nghỉ của mình, Dumas kiếm được khoảng 18 triệu franc vàng. Vậy mà không ít lần ông rơi vào tình cảnh nợ như chúa chổm. Đã có lúc ông phải trốn ra nước ngoài. Những ngày cuối đời thì đến tá túc tại nhà một người con trai.

Trọng trẻ, kính già

Như ở phần đầu bài đã nói, Dumas hơi vất vả về đường hôn nhân. Tuy nhiên, trong quá trình lang chạ với người đàn bà này người đàn bà khác, Thượng đế đã ban tặng cho Dumas những đứa con rơi, trong đó có Alexandre Dumas (trùng tên với ông, thường được thiên hạ gọi là Dumas - con), tác giả cuốn tiểu thuyết trứ danh "Trà hoa nữ", một trường hợp lạ mà lịch sử văn học vẫn thường nhắc tới.

Nhân nhắc tới người con đặc biệt này của Dumas (cha), thiết nghĩ cũng nên kể lại câu chuyện vui, thể hiện niềm tự hào sâu xa của tác giả "Ba người lính ngự lâm". Có lần, phóng viên một tờ báo đã lên tiếng hỏi Dumas (cha), rằng trong núi sách đã được xuất bản của ông, ông ưng cuốn nào nhất. Nhiều dự đoán đã được đặt ra, song mọi người đã hoàn toàn bất ngờ khi Dumas (cha) đầy mãn nguyện trả lời rằng, "tác phẩm" thành công nhất của ông chính là…Alexandre Dumas (con).

Với con trai mình thì như vậy, với cha mình, Dumas (cha) cũng có những cách thể hiện rất sâu nặng ân tình. Mặc dù cụ thân sinh ra ông đã mất khi ông mới được 4 tuổi, song nỗi nhớ cha, kính cha đã được tác giả "Ba người lính ngự lâm" đưa vào nhiều trang sách. Trong cuốn "Hồi ký của tôi", Dumas (cha) đã dành tới 19 chương để viết về cha mình, trong đó có chỗ ông thổ lộ rằng: "Tôi ngưỡng mộ cha tôi… Đến nay, tôi vẫn không nguôi nhớ ông và yêu ông. Tôi yêu cha tôi với một tình yêu sâu đậm, chân thành".

Và bị… miệt thị

Mặc dù là một nhà văn luôn được độc giả công kênh chào đón, song bởi là cháu nội của một hầu tước người Pháp dan díu với một người đàn bà nô lệ da đen nên trong con mắt của những nhà phê bình nặng con mắt kỳ thị chủng tộc, Alexandre Dumas luôn là miếng "mồi" để họ nhằm vào mà dồn trút sự ác cảm. Eugène de Mirecourt, "kẻ thù không đội trời chung" của Dumas từng nhiều lần đem gốc gác của ông ra bêu riếu: "Thoạt nhìn thể hình của Dumas, ta có thể biết ngay ông ta thuộc loại người nào: Tay chân thô ráp, môi trề, tóc thì quăn và da thì ngăm đen. Cứ thẳng thừng lột bỏ cái vỏ bên ngoài của ông ta ra, ta sẽ thấy đó là một gã dã man. Cái danh bá tước chỉ là để lòe thiên hạ. Đó là một thằng mọi chính cống". Thật là một lời nhận xét cay độc.

Sự miệt thị mà những người nhân danh "thành phần ưu tú của nước Pháp" muốn dành cho "đứa con lai mọi rợ" là Alexandre Dumas (cha) khi ấy đã khiến Alexandre Dumas (con) từng có lần phải thốt lên: "Cha tôi giống như một dòng sông, mà là một dòng sông thì ai cũng có thể đái vào đó được". Sau 132 năm kể từ khi Alexandre Dumas (cha) tạ thế, ngày 30/11/2002, Chính phủ Pháp đã tổ chức trọng thể nghi lễ chuyển thi hài của ông vào Điện Panthéon, một tòa nhà có mái vòm nằm bên tả ngạn sông Seine, là nơi lưu giữ thi hài một số vĩ nhân của nước Pháp.

Trong phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Pháp Jacques Chirac nhấn mạnh rằng hành động trên không chỉ thể hiện sự tuyên dương của nước Pháp đối với "thiên tài Dumas" mà còn là một cách "sửa chữa lại một bất công" - tức thái độ miệt thị mà một số công dân Pháp từng nhằm vào Dumas trước đây. Việc làm ấy cũng gửi đi một thông điệp, rằng chính phủ Pháp đương nhiệm không chấp nhận tất cả mọi hành vi cực đoan, phân biệt chủng tộc

Trọng Nghĩa
.
.