Văn hào Pháp Albert Camus - Người xa lạ sớm được tôn vinh

Thứ Năm, 13/01/2011, 09:25
Cùng với Jean - Paul Sartre, Albert Camus là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa Hiện sinh, là một trong hai nhà văn trẻ tuổi nhất trong số các tác gia trên thế giới được trao giải Nobel văn học (khi được nhận giải thưởng danh giá này, Camus mới 44 tuổi). Nhiều chính khách như cựu Tổng thống Mỹ George Bush, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đều bày tỏ sự ngưỡng mộ văn tài của Camus.

Ở Việt Nam, những tác phẩm chính của Camus đều đã được dịch và giới thiệu với độc giả, trong đó riêng cuốn tiểu thuyết "Người xa lạ" có tới 6 bản dịch khác nhau. Ngày 16/12 vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm về thân thế và sự nghiệp của Albert Camus nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của ông...

Albert Camus sinh ngày 7/11/1913 tại Mondovi, một làng ở Constantinois, gần Bone, Algérie. Cha ông là Lucien Camus, một công nhân sản xuất rượu nho đã bị động viên quân dịch trong Thế chiến thứ nhất rồi bị thương và chết tại Quân y viện Saint - Brieuc ngày 17/10/1914, khi mới 28 tuổi. Albert chỉ biết mặt cha mình qua một bức ảnh duy nhất còn lại.

Albert lớn lên dưới sự chăm sóc của mẹ, một phụ nữ gốc Tây Ban Nha phải đi giúp việc để kiếm tiền nuôi hai con trai. Mẹ con họ rất ít khi chuyện trò cùng nhau vì bà mẹ vừa điếc nặng lại không biết chữ.

Mặc dù hoàn cảnh sống rất khó khăn, song Albert Camus lại đến với văn chương từ rất sớm. 19 tuổi ông đã có bài đăng báo. Chính thầy Loui Germain, người thầy dạy lớp 5 của Albert đã giúp đỡ, động viên cậu có thể học lên cao hơn (sau này, khi lĩnh giải Nobel, Camus đã có những lời lẽ bày tỏ sự hàm ơn người thầy thuở thiếu thời của mình). Năm 1930, sau khi tốt nghiệp trung học, Albert vào học tại Trường dự bị Đại học ở Alger, rồi theo học khoa triết tại đây. Năm 1936, sau khi đoạt được tấm bằng cử nhân Triết học, Albert định tiếp tục học cao học nhưng căn bệnh lao phổi đã buộc ông phải thay đổi ý định.

Albert Camus từng là đảng viên Đảng Cộng sản. Thời gian nước Pháp bị Đức phát xít chiếm đóng, ông gia nhập nhóm Combat (Chiến đấu) và ra tờ báo cùng tên; sau chuyển sang làm biên tập ở Nhà xuất bản Gallimard. Tại đây, ông gặp và quen thân với Jean - Paul Sartre, người mà sau này, mỗi khi nhắc tới tên ông, người ta lại phải nhắc kèm, và ngược lại.

Albert Camus là nhà văn Pháp có ảnh hưởng sâu rộng đến suy nghĩ, nhận thức của tầng lớp trí thức châu Âu giai đoạn trước và sau Thế chiến II. Năm 1942, ở tuổi 29, ông cho xuất bản tiểu thuyết "Người xa lạ" gây chấn động đời sống văn học Pháp. Với ngôn ngữ trong sáng, biểu cảm, tác phẩm nói về một người đàn ông mắc bệnh tâm thần, cuối cùng bị tống giam vì tội giết người và ngồi chờ phút giây bị hành quyết. Tác phẩm thể hiện sự trăn trở, day dứt của cả một thế hệ trước câu hỏi về giá trị của cuộc sống cũng như lòng khao khát tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Trong tiểu luận triết học "Huyền thoại Sisyphe" (1942), Camus liên hệ sự phi lý trong sự tồn tại của người đời với hành động của Sisyphe trong thần thoại: Hễ lăn hòn đá lên đến gần đỉnh núi thì hòn đá lại rơi xuống. Từ đó, ông phát triển thuyết đạo đức mới dưới hình thức lý giải luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Hiện sinh.

Sau chiến tranh, khi mà chủ nghĩa Hiện sinh chi phối nhiều tới đời sống tinh thần của nhiều cư dân Paris thì cũng là lúc Camus trở thành một trong những nhà văn hàng đầu nước Pháp. Cuốn tiểu thuyết "Dịch hạch" (với tên gọi nhắc tới biểu tượng về cái chết và tội ác) ra đời, tiếp đó là vở kịch "Caligula", tiếp tục phát triển trào lưu văn học phi lý và chủ nghĩa Hiện sinh.

Cũng giống như Jean Paul Sarte, Albert Camus rất quan tâm tới chính trị, nhưng giữa hai ông còn nhiều điểm bất đồng. Tháng 12/1945, Jean Paul Sartre viết trên Tạp chí Paru: "Camus không phải là một nhà hiện sinh, triết học của ông ta là một triết học của sự phi lý". Trong khi đó, trên Tạp chí Chiến đấu, Albert Camus lại viết: "Tôi tin rằng các kết luận của trường phái Hiện sinh là sai". Năm 1952, trên Tạp chí Les Temps modernes, Sartre cho đăng ý kiến của Henri Jeanson, phê phán sự nổi loạn của Camus là "có suy tính". Hai người cắt đứt quan hệ từ đó.

Albert Camus được đề cử giải Nobel từ năm 1949, khi ông mới 36 tuổi. Tiếp đó là vào các năm 1952, 1954, 1955, 1956 và 1957. Năm 1957, Ủy ban Giải thưởng Nobel quyết định trao giải cho Camus, dù năm ấy có nhiều ứng viên sáng giá như Pasternak, Saint - John Perse và Backett. Họ muốn ghi nhận  những đóng góp to lớn của ông trong việc góp phần "đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta". Trở về Pháp, với số tiền thưởng 208.000 couronnes Thụy Điển, Camus tậu một tư dinh ở Luberon, gần nhà bạn ông, nhà thơ Pháp Rener Char.

Trong diễn văn đáp từ tại buổi lễ nhận giải Nobel, Albert Camus đã bày tỏ sự ngỡ ngàng của mình trước hạnh phúc lớn lao: "Khi nhận giải thưởng cao quý được quý Viện Hàn lâm tự do trao cho, tôi càng biết ơn sâu sắc khi nhận thức rõ rằng giải thưởng đó là quá tầm tôi... Làm sao một người còn tương đối trẻ, trong tay chỉ có những nỗi hoài nghi và một sự nghiệp còn chưa hoàn thiện, người chỉ quen sống trong đơn độc công việc hay trong ẩn náu bạn bè, làm sao anh ta không khỏi bàng hoàng khi nhận được một quyết định tức khắc đưa anh ta, từ chỗ là một kẻ sống đơn độc, sống thu mình, ra trước công chúng giữa ánh sáng chói lòa?

Cá nhân tôi không thể sống thiếu nghệ thuật mình làm ra. Nhưng tôi chưa bao giờ đặt nó lên trên hết thảy. Tôi không thấy việc sáng tạo nghệ thuật như là một thú vui trong cô đơn" (trích từ bản dịch của Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây).

Về chuyện đời tư, phải nói cuộc sống hôn nhân của Camus không hề thuận buồm xuôi gió. Năm 1936, ông kết hôn với cô Simone Hié, một người nghiện ma túy, để rồi hai năm sau, họ buộc phải chia tay với lý do, cả hai đều không chung tình.

Khi nước Pháp bị Đức phát xít chiếm đóng, Camus phải quay lại Bắc Phi dạy học tại một trường tư thục thuộc tỉnh Oran và tại đây, ông lập gia đình lần thứ hai với cô Francine Faure và đã có hai con sinh đôi vào tháng 9 năm 1945. Albert Camus vốn dĩ vẫn quen lối sống thoải mái tự nhiên. Bản thân ông từng nhiều lần đùa với bạn bè là ông không phải người thích hợp với cuộc sống gia đình. Francine đã phải chịu đựng những mối quan hệ "tay ngang" của chồng, nhất là khi ông có mối quan hệ đầy tai tiếng với nữ diễn viên Maria Casares, người Tây Ban Nha.

Năm 1949, sau chuyến chu du vòng quanh Nam Mỹ trở về, bệnh tình của Camus biến chuyển ngày càng xấu và ông gần như sống ẩn dật, mặc dù thi thoảng  ông cũng viết vài bài khảo luận chính trị.

Ngày 14 tháng Giêng năm1960, từ tư dinh của mình, Camus cùng người cháu tên gọi Gaston lao ra trên chiếc xe con Facel - Vega FV3 do một người bạn của ông - tên gọi Michel Gallimard lái. Chiếc xe đâm mạnh vào một cây tiêu huyền, khiến nhà văn hào tử nạn. Báo chí nêu lý do chiếc xe chạy quá tốc độ.

Riêng nhà văn Pháp René Etiemble thì tỏ ra ngờ vực: "Tôi đã điều tra rất lâu và có bằng chứng chiếc xe Facel - Vega là một quan tài. Nhưng không báo nào chịu đăng bài viết của tôi…". Theo Etiemble, dường như đây là một vụ mưu sát nhằm vào niềm vinh quang của nước Pháp. Thi hài nhà văn vĩ đại được chôn cất ở Lourmarin, một ngôi làng thuộc vùng Vaucluse, miền Nam nước Pháp, nơi Camus đã mua tòa biệt thự bằng số tiền của giải Nobel.

Như ở đầu bài đã nói, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là một trong những fan hâm mộ văn tài của Camus. Tháng 11/2009, ông đã khiến dư luận xôn xao khi tại Brussels, ông nói rằng rất muốn chuyển tro cốt của Camus về điện Pathéon, nơi yên nghỉ của nhiều vĩ nhân của nước Pháp. Vị tổng thống đương nhiệm cho rằng, sẽ là cực kỳ ý nghĩa nếu việc làm này được thực hiện đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của Albert Camus vào tháng 1/2010.

Tất nhiên, theo Tổng thống Sarkozy, để làm được điều này cần có sự đồng thuận của những người con của Camus. Trong khi, theo ý kiến của một người con trai của nhà văn hào - ông Jean Camus - thì việc chuyển cha ông vào điện Pathéon là một việc làm đi ngược lại những gì thể hiện trong tác phẩm và trong cuộc đời của ông

Trịnh Duy Mạnh
.
.