Văn hào Đức Gunter Grass: Quá khứ không buông tha

Thứ Ba, 28/06/2011, 10:02
Yêu những câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm từ nhỏ, nổi tiếng bởi những cuốn tiểu thuyết mang màu sắc ngụ ngôn, hẳn Gunter Grass không thể ngờ được rằng, cuộc đời mình đã trải qua nhiều thăng trầm, biến động kỳ lạ đến vậy...

Từng tham gia thế chiến II và bị bắt làm tù binh trong tư cách lính của nước Đức bại trận; tham gia kiếm sống bằng nghề khiêu vũ, nghề điêu khắc trước khi cầm bút, rồi được nhận hàng loạt giải thưởng, trong đó cao nhất là Giải Nobel văn học (năm 1999), vậy mà rồi có lúc, Grass đã phải mang họa bởi những hiểu lầm của văn giới về một hành động mà họ cho là "tội lỗi không thể dung thứ đối với một nha  â văn" xảy ra trong thời trai trẻ của ông...

Gunter Wilhelm Grass sinh ngày 16/10/1927, trong một gia đình người Đức gốc Ba Lan ở Danzig - Langfuhr (nay là Gdansk, thuộc Ba Lan). Cha mẹ ông làm nghề buôn bán nhỏ. Những kỷ niệm của thành phố tuổi thơ sau này đã đi vào nhiều tác phẩm của ông.

Năm 15 tuổi, Grass tình nguyện nhập ngũ và ở tuổi 17, ông được gọi vào Waffen - SS (lực lượng võ trang SS, một lực lượng mà sau khi chiến tranh kết thúc - tại Tòa án Nuremberg - đã bị kết tội là có những dính líu chính trị với đảng Quốc xã Đức, và vì thế những người lính của lực lượng này thường bị trừng phạt nghiệt ngã hơn so với các lực lượng khác của nước Đức phát xít). Grass bị bắt làm tù binh tại Marienbad ngày 8/5/1945, khi chỉ còn một ngày nữa thì cuộc chiến kết thúc. Trong khi bị lấy cung, Grass đã khai nhận với các sĩ quan của quân đội Mỹ, rằng mình là thành viên của Waffen - SS. Gần một năm sau, ông được thả. Suốt nhiều năm tháng sau đó, trong các bản kê khai tiểu sử, Grass đã không hề đả động một lời về tình tiết này mà chỉ nói ông đã tham gia phụ giúp cho lực lượng phòng không của quân đội Đức hồi năm 1944. Và ông chỉ nhắc tới nó vào năm 2006, trong cuốn hồi ký "Bóc vỏ hành". Từ lời thú nhận này của nhà văn, trong dư luận đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ đòi buộc tội ông và kêu gọi tẩy chay các tác phẩm của ông.

Gunter Grass ở tuổi 80.

Theo như tiết lộ của Grass trên tuần báo Der Spiegel thì ông học nhảy từ năm 13 tuổi. Và đó chính là "vốn liếng" đủ để ông có thể mưu sinh sau khi ra khỏi trại giam. "Nhìn ở một góc độ nào đó thì tôi là người được… hưởng lợi từ chiến tranh. Bởi khi chiến tranh kết thúc, nhu cầu khiêu vũ rất lớn, trong khi trước đó, hầu hết những nam thanh niên đều phải ra mặt trận, mấy người biết ngón nghề này đến nơi đến chốn đâu" - Grass bộc bạch.

Ngoài nghề dạy khiêu vũ, Grass còn kiếm được tiền từ việc chơi nhạc Jazz. Năm 1948, ở tuổi 21, ông xin vào học ở Khoa Điêu khắc của Viện Hàn lâm nghệ thuật Dusseldorf. Cũng từ đây, Grass bắt đầu nảy hứng làm thơ, viết văn.

Sự nghiệp văn học của Grass chính thức mở màn bằng một tập thơ có tên gọi "Ưu năng của những chiếc chong chóng", xuất bản năm 1955. Một năm sau, ông viết vở kịch đầu tay. Tuy nhiên, với Grass, đó chỉ là giai đoạn "hắng giọng" của ông. Phải tới năm 1959, khi ông cho xuất bản tiểu thuyết "Cái trống thiếc" thì đó mới chính là lúc ông tìm được nguồn mạch sáng tạo đích thực của mình. Thành công lớn đến mức, "Cái trống thiếc" đã gây chấn động đời sống văn học của cả châu Âu. Với nhân vật chính là Oscar, một cậu bé sau buổi sinh nhật lần thứ ba đã quyết định "không chịu lớn thêm nữa" để thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt của người lớn, cuốn sách đã thể hiện một thông điệp phản ứng lại những tiêu cực của thế giới đương đại. Với bút pháp phóng túng, đầy ắp liên tưởng, cuốn tiểu thuyết của nhà văn trẻ (bấy giờ Gunter Grass mới 32 tuổi) được xem như một "cú sốc về thi pháp" và bản thân tác giả của chúng được ghi nhận như người làm mới lại tiểu thuyết Đức thế kỷ XX.

Lý giải đâu là nguyên nhân khiến "Cái trống thiếc" được đánh giá cao, thu hút bạn đọc nhiều quốc gia đến vậy, Grass đã hóm hỉnh trả lời: "Có lẽ vì nó là một tiểu thuyết… hay".

Hiện tại, "Cái trống thiếc" đã được dịch ra gần 50 thứ tiếng, là cuốn sách chủ chốt góp phần đưa tác giả của nó tới Giải thưởng Nobel về văn học, mặc dù giải thưởng này đến với Grass hơi "muộn", khi ông đã 72 tuổi và sau khi "Cái trống thiếc" ra đời được những… 40 năm (Grass từng kể một câu chuyện vui: Suốt 20 năm trước khi ông nhận được Giải thưởng Nobel, năm nào ông cũng bị cánh nhà báo khắp nơi quấy rầy đặt bài phỏng vấn xung quanh việc ông là ứng viên của giải thưởng danh giá này. Chỉ đến khi ông được Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh thì cách đặt câu hỏi kiểu trên mới chấm dứt).

Nói vậy không có nghĩa là Giải thưởng Nobel văn học không ít nhiều gây "phiền toái" cho Gunter Grass. Không chút làm "ra vẻ" này khác, Grass thật thà cho hay: "Việc đoạt giải Nobel không giúp tôi viết hay hơn, cũng không làm tôi viết tồi đi. Nói trắng ra là nó không mấy ảnh hưởng tới sự nghiệp của tôi. Có lẽ vì khi nhận giải thưởng này, tôi đã cao tuổi. Thực ra, trong số các giải thưởng mà tôi nhận được thì giải thưởng của Group 47 (tức giải thưởng của Hội các nhà văn Đức sau chiến tranh) người ta trao cho tôi năm 1948 là quan trọng nhất. Khi ấy, tôi còn vô danh tiểu tốt và nghèo đói như một con chuột trong nhà thờ. Giải thưởng ấy đến rất đúng lúc và vì thế, nó mang đến cho tôi một ý nghĩa khác nhiều so với giải Nobel. Không, tôi nói vậy hoàn toàn không phải để phủ nhận giải thưởng Nobel, mà chỉ để nói rằng, nó không ảnh hưởng lớn đến đời tôi như người ta từng nghĩ".

Sau "Cái trống thiếc", Grass đã liên tục thử nghiệm các cách kể chuyện khác nhau. Những cuốn tiểu thuyết mang tên các loài sinh vật, động vật lần lượt ra đời, như "Cá thờn bơn", "Mèo và chuột", "Những năm chó"… Mặc dù những cuốn này ít nhiều vẫn gây được chú ý nơi bạn đọc, song vinh quang đến độ như "Cái trống thiếc" đã trở thành câu chuyện của dĩ vãng. Tiểu thuyết "Bò ngang" kể về một con tàu chở dân tị nạn đã bị đánh đắm hồi tháng Giêng năm 1945, làm 9.000 người chết được coi như có giá trị hơn cả trong số những cuốn Grass viết sau thời kỳ "Cái trống thiếc".

Sẽ là một thiếu sót nếu như trong sự nghiệp của Gunter Grass, ta không nhắc tới cuốn hồi ký có tên gọi "Bóc củ hành" ra mắt bạn đọc vào năm 2006. Có thể nói, đây là một cuốn sách không thể không viết (nhất là khi tác giả của nó đã ở tuổi gần đất xa trời) nhưng lại đưa đến cho tác giả quá nhiều điều phiền toái.

Là người mà chủ đề trở đi trở lại trong các bài thuyết giảng, trong hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài báo luôn là: Tội ác của nước Đức phát xít, Gunter Grass đã khiến các đối thủ của mình mừng rơn khi ông bất ngờ thú nhận trong hồi ký "Bóc củ hành" rằng ông từng gia nhập lực lượng Waffen - SS vài tháng trước khi cuộc đại chiến thế giới lần thứ II kết thúc. Một làn sóng trào dâng, cáo buộc nhà văn là kẻ "đạo đức giả". Nhiều người cho rằng, họ có thể tha thứ cho nhà văn dù trong quá khứ, ông từng tham gia lực lượng SS, nhưng họ không chấp nhận việc ông che giấu hành vi ấy của mình suốt mấy chục năm trời. Đã có ý kiến kêu gọi phải thu hồi giải thưởng Nobel dành cho Gunter Grass.

Sự việc không dừng ở đó. Một năm sau, cũng tại Đức, NXB Random House đã cho ấn hành cuốn tiểu sử về Gunter Grass, trong đó tác giả cuốn sách đã khẳng định, việc Grass tham gia lực lượng Waffen - SS trong thế chiến II là hoàn toàn tự nguyện.

Đến nước này, Gunter Grass không thể không lên tiếng phản bác. Không chỉ có vậy, ông còn kiện NXB Random House lên tòa án. Trong đơn kiện, nhà văn khẳng định, ông không hề trực tiếp hay gián tiếp tình nguyện gia nhập Waffen - SS, mà thực tâm chỉ muốn tham gia chiến đấu trong một đội tàu ngầm hoặc xe tăng. Việc ông gia nhập Waffen - SS chỉ là do tình thế bắt buộc. Trong cuốn sách được xem là cuốn tự truyện cuối cùng của đời mình xuất bản năm 2009 (có tên gọi "Trang viết của anh em nhà Grimm: Sự tụng ca tình yêu"), Grass tiếp tục nhắc lại sự vụ không mấy vui vẻ này: "Đó không phải là một hành động chủ ý. Như nhiều người khác, tôi vào Waffen - SS là do bị ép buộc".

Ở tuổi 84, hiện Gunter Grass đang chuẩn bị tất cả cho chuyến đi xa vĩnh viễn của mình. Ông kể trên tờ Der Spiegel: "Ở tuổi này, ai mà chẳng ngạc nhiên nếu thấy mình được chứng kiến thêm một mùa xuân nữa. Tất nhiên, như mọi người, tôi muốn trải nghiệm thêm cuộc sống, dù đó chỉ là những mẩu đời vụn vặt, song không vì thế mà tôi e ngại phải đối mặt với thần chết"

.
.