Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nam Cao (1915-2015)

Văn chương thăm thẳm phận người

Thứ Tư, 16/09/2015, 08:05
Thoạt tiên, tôi định đặt tên cho bài viết về Nam Cao là "Nhà văn của nước mắt và bi kịch". Nhưng lại thấy văn Nam Cao không chỉ có nước mắt và bi kịch. Văn ông còn có cả hài kịch, có niềm lạc quan hướng tới điều tốt đẹp, tươi sáng... Nhưng cái lối văn hiện thực và lạ lùng ấy cho ta thấy có gì thăm thẳm trong văn chương về những phận người...

Cái làng Đại Hoàng của Nam Cao ở Lý Nhân, Hà Nam nổi tiếng bởi đó là xứ sở của món cá kho xuất khẩu và là quê hương của cây chuối ngự đặc sản tiến vua. Nhưng nổi tiếng hơn, vĩ đại hơn, đó là nơi sinh ra một nhà văn thiên tài. Không thiên tài làm sao một người trai quê đồng chiêm trũng nghèo khó mới 20 tuổi lang bạt vô Sài Gòn làm nghề may, rồi về quê dạy học và viết văn mà văn chương mới mẻ lạ lùng như thế. Không thiên tài làm sao sống cùng khổ trong bối cảnh xã hội thời trước tăm tối khó nghèo như thế mà tư tưởng và nghệ thuật văn chương đến hàng đỉnh cao, mang tư tưởng nhân văn, nhân loại?

Đồng hành với những số phận cùng cực

Trong truyện ngắn "Đôi mắt", Nam Cao chua chát bộc lộ thân phận mình: "Khi chúng tôi đến nỗi chỉ còn một dúm xương và rất nhiều bản thảo chẳng biết bán cho ai, anh Hoàng vẫn phong lưu. Con chó của anh chưa phải nhịn bữa nào". Rõ ràng trong xã hội cũ, thân phận con người dưới ngòi bút Nam Cao quá thê thiết. Nhưng Nam Cao đâu chỉ viết về bi kịch của kiếp người nghèo đói. Sâu sắc hơn, nhân văn là khi nhà văn phát hiện những phần đau đớn khác cũng dữ dội vò xé trong bi kịch tâm hồn những người cùng khổ, những lão Hạc, Chí Phèo, một số nhân vật trong "Sống mòn"…

Nhà văn Nam Cao.

Nhưng tất cả những bi kịch, những cái chết thể xác và tinh thần ấy lại thể hiện khát vọng đòi được sống. Trong những tác phẩm viết về người nông dân, ông trực tiếp lên án giai cấp thống trị đã đẩy thân phận những người dân tội nghiệp đến con đường tha hóa mà nguyên nhân của bi kịch ấy là do hoàn cảnh xã hội. Hẳn trong những con chữ đau đớn ấy, chúng ta thấy được tâm trạng, tình cảm của nhà văn với các nhân vật. Ông nhìn đời bằng con mắt yêu thương nhân hậu.

Cuộc đời tưởng là bế tắc, nhưng trong những con người cùng khổ ấy vẫn cháy âm ỉ ngọn lửa khác, hướng đến sự lương thiện theo nghĩa Con Người. Và những giọt nước mắt xuất hiện. Nhưng không phải nước mắt bi lụy khóc thương, mà có lẽ đó là biểu hiện điều thánh thiện nhất của kiếp người.

 Truyện ngắn có tên "Nước mắt" thật… đẫm nước mắt. Nhà văn Điền đã khóc, những giọt nước mắt đắng cay tủi nhục bế tắc của lớp người trí thức vốn nhạy cảm và dễ tổn thương phải tồn tại trong môi trường xã hội đầy rẫy bi kịch. Mỗi nhân vật đầm đìa nước mắt "Vì người nào cũng khổ cả. Vì người nọ cứ tưởng vì người kia mà khổ"… Những truyện ngắn "Lão Hạc", "Chí Phèo", "Đời thừa", "Trăng sáng", tiểu thuyết "Sống mòn"… cho thấy văn Nam Cao chan chứa nước mắt. Nước mắt của cay đắng kiếp người, tủi cực phận người…

Ấn tượng về nước mắt trong truyện Nam Cao trước Cách mạng được xem như một cách trình bày của nhà văn về cuộc đời. Ông trình bày những chủ đề xoay quanh vấn đề cơm áo, nhưng ông không chỉ kêu cứu lấy người đói khổ, mà phải cứu lấy nhân phẩm con người đang bị miếng ăn và đói khổ làm cho tha hóa, mất mát… Mô tả bi kịch và nguyên nhân của bi kịch là do hoàn cảnh xã hội đẩy xô vào tăm tối dẫn đến lưu manh tha hóa.

Truyện "Một bữa no" là tiếng khóc xé lòng. Miêu tả một bà lão sau khi phải nhịn đói mấy ngày nên bà hờ gọi con và khóc suốt đêm. Đến khi không khóc nổi nữa, bà bỗng dưng tỉnh ngộ: Bà nghĩ ra cách đi ăn rình bà Phó Thụ một bữa. Bằng mọi giá bà phải được một bữa no dẫu bị bà Phó khinh miệt nhục mạ… Bà ăn vội ăn vàng lập cập như chưa bao giờ được ăn.Viết một cách dửng dưng vậy, nhưng sau trang văn lại đẫm nước mắt xót thương những cảnh đời vì đói khát mà phải nhận lấy cái nhục nhã tinh thần, quên cả nhân cách.

Truyện "Chí Phèo" có lẽ là bi kịch vĩ đại nhất về kiếp người. Tấn bi kịch đau đớn nhất của kiếp người nông dân trong xã hội ấy. Cố nông Chí Phèo thoạt tiên là người lương thiện, từng khát khao "một gia đình nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm". Nhưng đâu có được, Bá Kiến đại diện cho lớp người có quyền uy ở cái làng Vũ Đại ấy đã đẩy Chí Phèo vào tù thực dân và từ đó biến người cố nông lương thiện thành kẻ lưu manh. Chí Phèo khật khưỡng giữa đường làng và chửi.

Chí chửi tất: Chửi Trời, chửi Đời, rồi chửi cả cái làng Vũ Đại, cả người nào đã đẻ ra hắn… Tiếng chửi kia chính là tiếng khóc tội nghiệp của một tâm hồn méo mó bị đời đẩy đến tận cùng đau đớn… Nhưng Chí Phèo chưa bao giờ là kẻ ác, dẫu có lúc đi cướp giật, hay xin đểu. Anh ta đâu có mưu mô gì để hại người khác. Cái ác trong truyện của Nam Cao chỉ có thể là của kẻ ăn trên ngồi trốc, lắm tiền nhiều mưu.

Điều trái khoáy là hình như Chí luôn ám ảnh mình là đứa bất lương nên gã đã đòi lương thiện. Cái đau khổ của Chí không phải là vật chất và tinh thần như người đời vẫn gán cho. Mà cao hơn, chính là cái khổ của kiếp người, là dằn vặt của bản thể Người của gã.…

Một đời văn day dứt những phận người

Còn khóc được thì đó là biểu hiện của con người. Nhân tính vẫn còn mới có thể biết đau, biết khóc. Cái cách nhìn đời nhìn người hết sức đúng đắn ấy xuất phát từ tình thương yêu con người, từ chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc. Gắn cuộc đời mình với những người cùng khổ, văn Nam Cao đụng đến số phận bi thương, bần cùng của kiếp người. Nhân sinh quan, hay nôm na là với con mắt nhân đạo, Nam Cao không chỉ phản ánh bi kịch đói nghèo, mà nhìn sâu vào cái bi kịch tinh thần cũng rất dữ dội trong lòng những con người cùng khổ.

Góc kỷ vật của nhà văn Nam Cao ở quê hương Lý Nhân - Hà Nam.

Dẫu thế nào thì cái nhân tính trong mỗi con người, qua văn Nam Cao đã được cứu rỗi. Thế giới nội tâm nhân vật được ông mổ xẻ phân tích một cách sâu sắc. Tiếng khóc hu hu của lão Hạc là tiếng khóc của người cùng quẫn cả đời thật thà mà cuối cùng đi lừa con chó của mình. Việc bán con chó là việc hệ trọng trong đời nên lão khóc, khóc cậu Vàng hay khóc cho đứa con trai, khóc cho chính mình. Trong thê thảm nước mắt, lấp lánh một điều gì đó như là vẻ đẹp của bậc chí thiện, vẻ đẹp của những tâm hồn khát khao được làm người lương thiện.

Suốt cuộc đời cầm bút, Nam Cao luôn mang niềm day dứt về phận người… Tôi đồ rằng Nam Cao trong vô thức đã manh nha một tinh thần triết học mới mẻ. Trạng thái Tồn tại và ý thức về sự tồn tại ấy đã là cách phổ quát cao trong văn ông, tự nó mang ý nghĩa triết học sâu sắc. Và văn chương thế ấy, xứng bậc thiên tài… Lý tưởng của Nam Cao đã thể hiện ngay trong những trang văn hiện thực. Và ông dùng chính cuộc đời mình, tự nguyện tham gia giải phóng. Ông đã làm cuộc dấn thân triệt để, từ anh Chủ tịch xã, Chủ nhiệm Việt Minh, tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám tại địa phương đến thành một trong những nhà văn đầu tiên trong đội hình Văn hóa Cứu quốc, rồi xung phong trong đoàn quân Nam tiến, rồi lên Việt Bắc làm báo kháng chiến, tình nguyện thọc sâu vùng địch hậu làm thuế vụ và đã ngã xuống như một người lính trước trận tiền…

Nam Cao - Nhà văn của những mảnh đời bất hạnh. Với lý tưởng sống nghiêm túc, với tư duy sáng tạo và tài năng chữ nghĩa, tác phẩm của ông đã đạt đến tầm hiện đại và hoàn bích, đưa ông lên tầm những nhà văn bậc thầy về ngôn ngữ và tài năng, sánh với những nhà văn lớn nhất của đất nước.     

Vâng! Cuộc sống, chính cuộc sống mà đại diện là cái làng Đại Hoàng nhỏ bé tăm tối một thời thuộc tỉnh Hà Nam ấy đã cống hiến cho đất nước một nhà văn lớn, nhà văn của mọi thời đại.

Hà Nội, 2015

Tân Linh
.
.