“Vạn Xuân”, một cách nhìn về Nguyễn Thị Lộ trong vụ án oan Lệ Chi Viên

Thứ Bảy, 17/02/2007, 09:30
Vụ án Lệ Chi Viên gắn với số phận ba con người: Vua Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ xảy ra cách đây đã trên năm thế kỷ (1442), nhưng cho đến nay trong lòng người Việt và những người nước ngoài yêu văn hóa Việt vẫn không nguôi trăn trở, xót xa.

Ba con người ấy, một là vua, một là quan đại thần Nguyễn Trãi, một người là vợ yêu của ông, được vua phong “Lễ nghi học sĩ” và hết mực sủng ái. Ba số phận ấy ràng buộc với nhau bởi quan hệ vua - tôi, chồng - vợ, trong khuôn khổ của “Tam cương” Khổng giáo.

Song cuộc tranh giành quyền lực trong cung đình và thói trăng hoa của nhà vua đã đẩy mối quan hệ đó đến một kết cục hết sức bi thảm: vua đột tử, Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi bị khép vào tội giết vua, gia tộc của vị khai quốc công thần bị chu di ba họ! Người được nhắc đến nhiều nhất trong vụ nghi án này là Nguyễn Thị Lộ, người đàn bà đất kinh kỳ, dung nhan lộng lẫy, có khiếu thi ca và tài ứng đáp.

Đã có những cách đánh giá khác nhau về phẩm hạnh và mối tình ngang trái của bà với vua Lê Thái Tông. Song, vượt lên trên hết, là sự cảm thông và xót thương cho số phận má đào trong một xã hội tồn tại những quy định nghiêm ngặt về luân thường đạo lý của đạo Nho.

Người đời đã viết rất nhiều về Nguyễn Trãi và người đàn bà tài sắc đã gắn bó số phận với ông. Nhưng, cho đến nay, hầu như chưa có một tác phẩm nào của người Việt xứng với tầm vóc cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Trãi và đưa ra cách lý giải thấu đáo về vụ án Lệ Chi Viên.

Vậy mà, có một nữ nhà văn Pháp - bà Yveline Feray đã viết một tiểu thuyết dày tới hơn 1.200 trang về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, về thời đại họ sống và tấn thảm kịch Lệ Chi Viên với nhan đề “Vạn Xuân”. Ngay trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà thơ Huy Cận đã nhận xét: “Tác phẩm của Yveline Feray đã phục hiện cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, tâm trạng và tâm tình của Nguyễn Trãi với một sự thấu hiểu tâm lý sâu sắc.

Hiểu được tâm hồn Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ qua cuộc tình duyên đẹp đẽ mà như có dấu ấn của số mệnh in vào”. Còn lý do để xây dựng bộ tiểu thuyết này, trong lời phi lộ, nữ văn sĩ Yveline Feray đã phải thốt lên: “Độc giả sẽ say sưa kinh ngạc trước tài năng đa dạng của kẻ sĩ Việt Nam này vì ông vừa là một thi hào, một nhà viết văn cừ khôi, vừa là một chiến lược gia có tầm mắt nhìn viễn thấu, một nhà ngoại giao tài tình, một nhạc sĩ lịch lãm, một nhà địa lý thông thái, một nhà sư phạm tuyệt vời”.

Từ sự kính phục một danh nhân, một nhà văn hóa Việt Nam đầy bản sắc, Yveline Feray đã không tiếc thời gian, công sức đi gặp gỡ  rất nhiều người, từ Pierre Richard Feray - sử gia chuyên về Đông Á, Paul Schneider - nhà Việt Nam học, đến những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam kiệt xuất như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp; những người có tên tuổi trong giới nhà văn Việt Nam như Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận... để khai thác tư liệu viết tiểu thuyết “Vạn Xuân”.

Điều đáng nói là, vụ Lệ Chi Viên thường chỉ được nhắc đến hết sức ngắn gọn trong sử sách Việt Nam, lại được nữ nhà văn Pháp này dành hẳn một tập, 211 trang, với nhan đề “Tấn bi kịch vườn Lệ Chi”. Theo bà, tấn bi kịch đó là bi kịch của một vĩ nhân sống trong một xã hội quá ư bé nhỏ và chật hẹp.

Về nhan sắc, trong một cuốn sách do NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành gần đây, Nguyễn Thị Lộ được xếp vào hàng một trong bảy mỹ nhân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi của bà sánh cùng với Công chúa Huyền Trân, Công chúa Ngọc Hân...

Nhan sắc ấy đã làm đắm say Nguyễn Trãi khi ông đã có sự nghiệp, có thê thiếp, ở vào tuổi ngoài năm mươi, trong khi Thị Lộ đang “xuân xanh tuổi mới trăng tròn lẻ”. Cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Trãi và Thị Lộ phảng phất một cảnh trên chiếu chèo làng quê Việt.

Ông đắm say nàng ngay từ lần gặp đầu tiên, ánh mắt đầu tiên, trước hết bởi nàng đẹp. Trong “Vạn Xuân”, theo cách nhìn của nhà văn phương Tây, Thị Lộ hiện diện thật kiều diễm, hấp dẫn nhưng cũng phảng phất những nét hiện đại:“Nàng xinh xắn như một bức tượng ngà bé xíu đồng thời lại tươi mát tựa cành đào ướt đẫm sương mai...Cặp mắt đen láy, long lanh bừng lên như mặt hồ trong ráng lửa hoàng hôn... Khuôn mặt đẹp mời gọi, đôi tròng mắt đen thẫm dưới bờ mi vuốt dài, đôi má hồng biết bao tươi thắm...Tà áo lụa bạch màu cùi vải bó cắt đôi bờ vai mềm mại, vành môi lấp lánh như màu châu sa...”.

Sự tươi trẻ, nhựa sống tràn trề nơi nàng đã làm cho Nguyễn Trãi bừng tỉnh sức xuân. Và đây là cử chỉ ông dành cho riêng nàng: “Chẳng hiểu Thị Lộ nói những gì mà thỉnh thoảng giữa cuộc trò chuyện êm đềm, người đàn ông đã đứng tuổi đang hứng khởi cúi xuống trên nàng, gương mặt chàng thanh niên tuấn tú ngày trước như bỗng tái sinh, cặp mắt tuyệt diệu lại lóe lên những tia lửa lạ thường, nụ cười đầy tinh anh ý vị nói lên tâm trạng say đắm của một kẻ si tình”...

Vì Nguyễn Thị Lộ nổi danh tài sắc nên khi nhìn thấy nàng, Lê Thái Tông dẫu kém tới hai chục tuổi cũng mê mẩn và dùng quyền của một ông vua triệu người đẹp vào cung. Trong khuôn khổ của “Tam cương” Khổng giáo, Nguyễn Thị Lộ không thể không tuân theo. Đó là nỗi đau của nàng, của Nguyễn Trãi và là căn nguyên của tấn bi kịch lịch sử sau này.--PageBreak--

Một số sử gia phong kiến cảm thông sâu sắc với cảnh ngộ trớ trêu của Nguyễn Thị Lộ đã bênh vực nàng bằng những dòng như sau: “Nàng hơn vua tới hai chục tuổi, tính nghiêm, cử chỉ đàng hoàng, yêu trọng chồng rất mực nên Thái Tông chẳng thể bờm xơm”.

Mấy thập kỷ gần đây, nhiều tác giả Việt Nam đã xây dựng những tác phẩm sân khấu về cuộc tình duyên giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Tác phẩm nào cũng đề cao mối tình cao thượng và thủy chung của họ.

Tuy nhiên, trong “Vạn xuân”, Yveline Feray đã tái hiện tình tiết này theo suy nghĩ của một phụ nữ Pháp và đã khắc họa hình ảnh và tính cách của Nguyễn Thị Lộ phảng phất sắc màu của văn hóa phương Tây.

Mỹ nhân Nguyễn Thị Lộ trong sách “Vạn Xuân” đã có đôi nét không còn giống với suy nghĩ của người Việt đã dành cho nàng. Có lẽ đó là một trong những hạn chế của tác phẩm này.

Trong khi Vua Lê Thái Tông đang chìm đắm trong sắc đẹp và cách cư xử tinh tế của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ thì trong chốn hậu cung, các bà phi câu kết với các phe nhóm trong triều ra sức tranh giành và củng cố quyền lực của mình bằng các mưu ma chước quỷ.

Mới ngoài hai mươi tuổi mà vua Thái Tông đã tuyển vào cung 100 cung nữ và lập tới 5 vương phi, trong đó bà phi thứ hai Nguyễn Thị Anh được vua sủng ái hơn cả. Nhờ sự sủng ái này, ngay sau khi sinh con trai, Nguyễn Thị Anh và các thế lực đứng sau bà đã buộc nhà vua phế truất danh hiệu Thái tử của Nghi Dân, con của Hoàng hậu Dương Thị Bí. Và như vậy con trai của Nguyễn Thị Anh thế chỗ Nghi Dân nối ngôi Thái tử.

Mấy năm sau, người phi thứ năm của nhà vua là Ngô Thị Ngọc Dao có mang, lập tức trong hậu cung loan tin: Ngọc Dao chiêm bao thấy Tiên đồng đầu thai vào bà để làm Thái tử. Tin ấy khiến Nguyễn Thị Anh vô cùng lo lắng và căm tức. Nếu Ngọc Dao sinh quý tử sẽ ảnh hưởng đến ngôi vị của Thái tử Bang Cơ.

Thị Anh đã tìm mọi cách hãm hại Ngọc Dao và cuối cùng bà ta đã dựng ra một màn trò mê tín dị đoan, vu cho Ngọc Dao yểm bùa làm hại Thái tử Bang Cơ, rồi xin nhà vua xử người phi thứ năm đã mang thai này vào tội voi dày.

May thay, vào thời điểm ấy nhà vua đang có Nguyễn Thị Lộ bên mình can gián. Và sau đó nhờ vợ chồng vị Khai quốc công thần tấu trình hơn thiệt, vua mới nể tình không khép Ngọc Dao vào tội chết, mà đày đi châu xa.

Đến khi Ngọc Dao sinh con trai, đặt tên là Lê Tư Thành (Vua Lê Thánh Tông sau này), vợ chồng Nguyễn Trãi lại bí mật cho người đưa hai mẹ con bà đi lánh nạn tận Quảng Ninh. Sự việc đến tai Nguyễn Thị Anh và bà ta đã rắp tâm tìm cách trả thù Nguyễn Trãi và Thị Lộ.

Ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Tuất, vua Lê Thái Tông đi tuần về miền Đông, duyệt quân ở Chí Linh. Nguyễn Trãi mời vua ngự ở Côn Sơn. Ngày 4 tháng 8, vua rời Côn Sơn, mang theo Thị Lộ. Tối hôm đó vua dừng nghỉ ở Lệ Chi Viên, cùng Thị Lộ yến tiệc thâu đêm rồi băng hà.

Vua Thái Tông vừa qua đời, lập tức các quan đại thần đứng sau Nguyễn Thị Anh lập Bang Cơ lên ngôi báu, hiệu là Nhân Tông. Vì vua mới hai tuổi nên Nguyễn Thị Anh được làm Hoàng thái hậu nhiếp chính.

Cơ hội trả thù đã đến, Nguyễn Thị Anh và các quan thuộc phe nhóm của bà khép Nguyễn Trãi và vợ là Thị Lộ vào tội giết vua, bắt tru di ba họ. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Nguyễn Trãi bị chém đầu cùng với tất cả thành viên gia tộc của ông (nhánh cha, mẹ và vợ) vào ngày 16 tháng 8 này trên quảng trường chợ Đông”.

Trong “Vạn Xuân”, Yveline Feray đã viết về cảnh hành hình gia tộc Nguyễn Trãi: “Đám phạm nhân bao gồm toàn bộ gia đình Nguyễn Trãi, các em trai ngài là Bảo, Lý, Phi, Hùng, các anh em họ ngài, các người con trai là Khuê, Ứng, Phù và các cháu trai ngài, tất cả mọi người miêu duệ nam giới, tựu trung gồm bốn mươi người thuộc đủ lứa tuổi, trong đó có sáu đứa trẻ... Thị Lộ đi cuối đoàn tử tội. Mái tóc mây xõa dài trên chiếc áo dài đẫm máu, nàng khác nào cánh hoa tả tơi...”.

May thay bà Phạm Thị Mẫn, vợ lẽ của Nguyễn Trãi đang mang thai đã thoát chết do đi chợ sớm, sinh được người trai là Nguyễn Anh Vũ, hậu duệ duy nhất của gia tộc Nguyễn Trãi còn sót lại.

Hai mươi hai năm sau, Vua Lê Thánh Tông đã xem xét lại vụ án Lệ Chi Viên và quyết định giải nỗi oan cho Nguyễn Trãi, di chiếu hủy án Lệ Chi Viên, ra lệnh tìm lại các di cảo thơ văn của con người  tâm sáng tựa sao Khuê.

Trong “Vạn Xuân”, Feray chưa viết đến tư liệu Vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi. Bà chọn một cách kết đượm màu sắc tâm linh phương Đông. ấy là chuyện chiếc bàn thờ tại ngôi chùa Thiên Tự Phúc do Trần Nguyên Đán, Hoàng thân của nhà Trần, ông ngoại của Nguyễn Trãi dựng lên tự nhiên đổ sụp đúng vào cái ngày mà gia tộc Nguyễn Trãi bị hành hình.

Từ trong đống đổ nát của ngôi chùa, một con rắn trắng chui ra và biến mất. Câu chuyện con rắn trắng hiện thân của Nguyễn Thị Lộ báo oán đã được truyền tụng trong dân gian Việt Nam đời này qua đời khác. Điều này thật oan cho mỹ nhân Nguyễn Thị Lộ. Có lẽ vì thế mà nữ văn sĩ Feray đành phải thốt lên: “Đó chẳng phải là việc lạ thường sao?”

Mai Hiền
.
.