Văn Cao và "sự sống thật"

Thứ Ba, 12/06/2012, 08:00

"Sự sống thật" là một bài thơ có ý tưởng triết học sâu sắc, được đúc rút trên cơ sở những trải nghiệm của chính bản thân tác giả, trong đó có thời gian dài ông "lặng tiếng im hơi"...

Tôi không được làm trái đầu mùa
Những trái cây
                        cao giá
Tôi,
Một trái cây muộn
                              còn sót lại cành      
Vị cuối cùng
Mùa cuối cùng
Rớt xuống... 

Mới thật hiểu
Sự sống thật của mình 

                        (17/7/1970)

Đúng là "những trái cây đầu mùa" bao giờ cũng "cao giá". Cao giá vì nó đáp ứng được nhu cầu trước mắt của phần đông con người. Kể, đó cũng là một cái tài! Cái tài biết bộc lộ được đúng dịp. Song với văn học nghệ thuật - ở đây, điều muốn nói của Văn Cao là văn học nghệ thuật - ngoài giá trị thời điểm, tính nhất thời, phải chăng nó không còn các chức năng vươn tới những giá trị bền vững, có tính vĩnh cửu? "Tôi- một trái cây muộn- còn sót lại... " (còn sót lại vì sinh muộn, xuất hiện muộn, hay vì người ta không nhận thấy do ẩn khuất, khác thường?) đau buồn thay lại là chứng nhân cho một cuộc "hy sinh hàng loạt"... Phải chứng kiến cảnh: "Vị cuối cùng/ Mùa cuối cùng/ Rớt xuống"... để thêm hiểu và thấm thía: "Sự sống thật của mình".

Tôi đã đọc và nghĩ khá nhiều về thơ Văn Cao. Ông là một nghệ sĩ đa diện, tài hoa. Thơ ông có bài mang cái hay của "thơ họa", có bài là "thơ nhạc" (chẳng hạn mấy câu: "Về Huế xưa/ Đường nối mưa dài/ Về phố xưa/ Nhìn phố mưa buồn..".). Còn bài này thì đúng thực là "thơ thơ". Bởi, cái lối tư duy hình tượng kiểu ấy, vốn là khả năng rõ rệt nhất thường thấy ở các thi sĩ

Phạm Nhật Linh (chọn và bình)
.
.