Và cuối cùng công lý đã chiến thắng

Thứ Sáu, 28/02/2020, 17:53
Ngày 10 tháng 2 năm 1890, một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của thế kỷ XX, Boris Pasternak, chào đời ở Moskva. Ông có thể trở thành một nhạc sĩ hoặc nhà triết học tài năng, nhưng số phận đã hướng ông đi theo con đường khác: Boris Pasternak trở thành nhà văn Nga thứ hai sau Ivan Bunin đoạt giải thưởng Nobel văn học, nhưng vinh dự lớn lao này đã mang lại cho ông rất nhiều phiền muộn.


Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Boris Pasternak (10/2/1890-10/2/2020), xin điểm lại những sự kiện nổi bật trong cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ, nhà văn vĩ đại này.

Bỏ nhạc và triết để đến với văn chương

Boris Pasternak sinh ra trong gia đình Do Thái giàu truyền thống nghệ thuật, bố ông là họa sĩ nổi tiếng. Cánh cửa ngôi nhà họ luôn luôn rộng mở đối với giới nghệ sĩ. Các họa sĩ Isaak Levitan, Vasily Polenov, Mikhail Nesterov, Nikolay Ge, các nhạc sĩ Sergey Rakhmaninov và Aleksandr Skryabin thường xuyên có mặt ở đây.

Dưới ảnh hưởng của Aleksandr Skryabin, sau này, ở tuổi 13, nhà thơ tương lai bắt đầu say mê âm nhạc. Boris Pasternak đã học nhạc 6 năm. Thậm chí 3 tác phẩm của ông còn được lưu giữ đến nay: hai khúc dạo đầu và một bản sonata dành cho piano. Tốt nghiệp trường trung học, Boris Pasternak chuẩn bị thi vào Nhạc viện Moskva. Tuy nhiên, sau nhiều băn khoăn, do dự, ông quyết định từ bỏ âm nhạc.

Năm 1908, Boris Pasternak vào học khoa luật của Trường Đại học Moskva, sau đó chuyển sang khoa văn - sử. Năm 1913, ông tốt nghiệp đại học với văn bằng loại 1, nhưng ông không bao giờ đến nhận bằng.

Mùa hè năm 1912, nhà thơ tương lai đến Đức học triết học tại Đại học Marburg. Thầy giáo của ông là nhà triết học Đức gốc Do Thái German Kogen, người đứng đầu trường phái Kant mới. Phát hiện ra tài năng  của Boris Pasternak, nhà triết học khuyên ông nên tiếp tục sự nghiệp với tư cách là một triết gia ở Đức.

Nhà thơ Boris Pasternak.

Mối tình qua những bức thư

Năm 1922, Boris Pasternak đọc tập thơ “Dặm dài” của Marina Tsvetaeva và rất ngưỡng mộ bà. Ông viết cho nữ thi sĩ lúc bấy giờ sống ở Praha về những ấn tượng của mình, và Marina Tsvetaeva, người luôn cảm thấy cô đơn, đã hồi âm. Mối tình lãng mạn, sự liên minh tinh thần và tình yêu vô biên của hai con người tài năng bắt đầu như vậy. “Hãy yên tâm, em yêu thương của anh, anh yêu em vô cùng ...” – trong một bức thư gửi cho Marina Tsvetaeva, Boris Pasternak viết. Và bà đã đáp lại bằng những câu thơ nồng cháy đầy đau đớn và dịu dàng.

Họ viết thư cho nhau đến năm 1935, trong thời gian này, Boris và Marina không một lần gặp nhau. Chàng có vợ, nàng có chồng, và mối tình lãng mạn của họ lúc nhạt nhòa, lúc bùng lên với một sức sống mới.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ diễn ra năm 1935 ở Paris, tại Đại hội các nhà văn quốc tế, theo lời Marina Tsvetaeva, khá "tẻ nhạt”. Marina Tsvetaeva luôn luôn dằn vặt vì cuộc sống bấp bênh, gia đình bà phải sống trong nghèo khổ, thậm chí bần cùng. Thời điểm đó, Boris Pasternak đang ngây ngất trên đỉnh cao danh vọng và hạnh phúc gia đình. Khi ông bước vào phòng, khán giả đứng dậy vỗ tay chào mừng, còn Marina Tsvetaeva chỉ là một nhân chứng thầm lặng của niềm vinh quang này. Và khi gặp nhau, hóa ra, họ không có gì để nói.

Bênh vực nữ thi sĩ Anna Akhmatova

Năm 1934, một tiếng chuông  điện thoại bất ngờ vang lên trong căn hộ gia đình Boris Pasternak. Phía bên kia dây nói là Joseph Stalin. Cho đến tận bây giờ, vẫn không ai biết chính xác Tổng bí thư nói gì với nhà thơ. Chỉ biết rằng khi Stalin hỏi ý kiến của Pasternak về nhà thơ bị thất sủng Osip Mandelshtam, Boris Pasternak chỉ ấp úng điều gì đó. Stalin không thích câu trả lời này, và ông ta trách nhà thơ đã không bảo vệ bạn bè của mình.

Boris Pasternak rất khổ tâm vì câu chuyện này. Tuy nhiên, một năm sau, ông lại có cơ hội bênh vực cho một người bạn khác - lần này là nữ thi sĩ Anna Akhmatova. Ông viết thư cho Stalin đề nghị trả tự do cho chồng và con trai của nữ thi sĩ. Vài ngày sau, yêu cầu của nhà thơ đã được thực hiện.

Ẩu đả với Sergey Esenin

Những người thích ngồi lê đôi mách trong giới văn chương hay nhắc tới vụ ẩu đả của Sergey Esenin và Boris Pasternak tại toà soạn tạp chí “Đất hoang đỏ”. Nhưng ít người biết rằng họ không chỉ có đánh nhau một lần. Những người đương thời của các nhà thơ kể rằng hai nhà thơ nổi tiếng ghét nhau đến mức đã mấy lần “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”.

Lần đầu tiên điều đó xảy ra ở quán cà phê “Domino”. Không ai hiểu vì sao hai nhà thơ bỗng nhiên giận dữ đến mức sẵn sàng nhảy xổ vào nhau như vậy, theo một giả thuyết, Esenin rất không thích thơ của Pasternak. Lúc bấy giờ nhà thơ trẻ Matvey Royzman đã kịp thời can ngăn họ. Tiếc rằng, lần ở tòa soạn tạp chí “Đất hoang đỏ” Royzman không có mặt.

Chứng kiến vụ ẩu đả ở toàn soạn “Đất hoang đỏ”, nhà văn Valentin Kataev mô tả như sau: “Sergey Esenin một tay túm ngực Boris Pasternak, còn tay kia định đấm vào tai ông. Trong khi đó, Boris Pasternak mặt đỏ gay giơ tay đấm vào cằm Sergey Esenin, nhưng không thành”. Không ai biết điều gì khiến hai nhà thơ khả kính đối xử với nhau như vậy.

Theo “lời khai” của Kataev, Esenin không cần phải có lý do để gây sự với Pasternak. Ngay cả khi Pasternak không ở bên cạnh, chỉ cần ai đó nhắc đến tên của Pasternak là Sergey Esenin nhếch mép cười khẩy và nói: "Anh ta là nhà thơ quái quỷ gì vậy?"

Phải lòng đất nước Gruzia

Boris Pasternak lần đầu tiên quan tâm tới Gruzia vào năm 1917, khi ông viết bài thơ “ Ký ức Ác quỷ”. Năm 1930, nhà thơ người Gruzia Paolo Yashvili đến Moskva và gặp Boris Pasternak. Một năm sau, Pasternak cùng người thân đến thăm thành phố Tiflis theo lời mời của Yashvili. Tại đây, Pasternak làm quen với nhiều nghệ sĩ. Tình bạn của họ kéo dài nhiều năm liền trong suốt cả cuộc đời.

Boris Pasternak đã sống ba tháng ở Gruzia, tìm hiểu nền văn hóa đặc sắc của Gruzia, ông say mê lịch sử và đem lòng yêu mến mảnh đất Gruzia. Sau đó, ông viết những bài thơ đầy nhiệt huyết về đất nước Kavkaz này, tổ chức các đêm  thơ Gruzia và dịch tác phẩm của các nhà văn Gruzia ra tiếng Nga.

Boris Pasternak coi Gruzia là quê hương thứ hai của mình, xứ sở này này gần gũi với ông về mặt tinh thần và trở thành một trong những địa danh chính trong cuộc đời ông.

Từ chối giải Nobel Văn học

Năm 1955, sau 10 năm lao động không ngừng, cuối cùng Boris Pasternak đã đạt được đỉnh cao sáng tạo của một nhà văn: tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” ra đời. Sự mô tả đời sống của giới trí thức Nga trong bối cảnh các sự kiện đầy bi thảm của thế kỷ XX đã mang lại cho nhà văn giải thưởng Nobel Văn học danh giá. Tuy nhiên, áp lực chính trị của chế độ đương thời đã buộc nhà văn  gửi một lá thư đến Viện Hàn lâm Thụy Điển từ chối chấp nhận giải thưởng.

Vấn đề ở chỗ vì “Bác sĩ Zhivago”, Boris Pasternak đã bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Liên Xô, thậm chí ông bị đề nghị trục xuất ra khỏi đất nước. Trong bài thơ “Giải thưởng Nobel” của mình, Boris Pasternak viết:

Ta cùng đường, như con thú bị săn
Đâu đó có con người, tự do, ánh sang
Còn quanh ta, tiếng truy lùng náo loạn
Siết chặt dần, không lối thoát thân.

Nhưng đến tận cuối đời ông vẫn tin rằng công lý sẽ chiến thắng. Nhà thơ kết thúc bài thơ của mình bằng những dòng như sau:

Nhưng dù cho cái chết cận kề
Ta vẫn tin: có một ngày sẽ đến
Sức mạnh của hận thù và đê tiện
Sẽ cúi đầu trước tính thiện, lòng nhân
.

Do bị thất sủng kéo dài, các tác phẩm của Boris Pasternak bị cấm xuất bản nhiều năm liền, thậm chí không được nhắc đến trong sách giáo khoa cho đến khi công cuộc đổi mới bắt đầu ở Liên Xô. Mãi đến năm 1987, nhà thơ mới được phục hồi danh hiệu hội viên Hội Nhà văn Liên Xô, còn giải thưởng Nobel Văn học được trao cho con trai ông Evgeny vào năm 1989, 31 năm sau khi được công bố,.

Không có gì ngạc nhiên là bạn đọc đại chúng của Liên Xô và thế giới nói chung trong  thập niên 60-70 thế kỷ trước không biết gì về sáng tác của nhà văn vĩ đại.

Mối tình cuối đầy bi thảm

Năm 1946, Boris Pasternak gặp Irina Ivinskaya, biên tập viên ban thơ của tạp chí “Thế giới mới”. Ông 56 tuổi, bà 34. Chỉ vài tuần sau, nhà thơ thổ lộ tình yêu với bà. Olga Ivinskaya là một phụ nữ đầy quyến rũ với cặp mắt to, mái tóc vàng và giọng nói du dương. Boris Pasternak có hai người vợ hợp pháp, nhưng ông chưa hề tặng ai trong họ những bài thơ tình sâu sắc như đối với người chưa bao giờ là vợ của ông, Olga Ivinskaya. Bà chính là nguyên mẫu của nữ nhân vật Lara trong tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” của nhà văn.

Mùa thu năm 1949, Olga Ivinskaya bị bắt và kết án 5 năm tù vì “tuyên truyền chống Liên Xô” và “quan hệ với những đối tượng bị nghi làm gián điệp”. Tại các cuộc hỏi cung, Olga Ivinskaya không thể nói gì về “hoạt động gián điệp” của Pasternak. Bao giờ bà cũng chỉ một mực nhắc đi nhắc lại rằng: “Tôi yêu anh ấy”.

Boris Pasternak qua đời ngày 30 tháng 5 năm 1960 tại làng Peredelkino vì bệnh phổi.

Trần Hậu (Theo báo Nga)
.
.