Từ vầng trăng Trường Sơn đến “vầng trăng ban ngày”

Thứ Bảy, 18/05/2019, 09:06
Từ bao đời nay, vầng trăng là nguồn cảm hứng vô tận của thơ ca. Bởi thế, nếu có nhà thơ nào đó có nhiều câu thơ, nhiều bài thơ liên quan đến trăng, liên hệ với trăng… thì cũng là lẽ thường tình. Nhưng ánh trăng xuất hiện dày đặc trong cả sự nghiệp sáng tác như nhà thơ Lê Thị Mây thì quả là đặc biệt.


Với nữ nhà thơ này, ngoài hàng trăm câu thơ mượn trăng làm phép tu từ trong sáng tác, còn có rất nhiều tập thơ và bài thơ mượn trăng để đặt tên cho tác phẩm của mình: "Những mùa trăng mong chờ"; "Trăng nhà nông"; "Trăng cây rơm"; "Khóc dưới vầng trăng"; "Vầng trăng con gái"; "Trăng Huế"; "Đêm trăng"; "Giếng trăng La Chữ"; "Hiên trăng"; "Phía vầng trăng" v.v…

Đặc biệt hơn nữa, đa số những vầng trăng - ánh trăng của Lê Thị Mây là trăng của chiến tranh và người lính, hoặc liên quan đến chiến tranh và người lính. Lê Thị Mây sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình tuyến lửa, là cựu Thanh niên xung phong thời chống Mỹ cứu nước.

Tuổi thanh xuân của thế hệ các chị gửi lại trên những cung đường Trường Sơn, để khi trở về thì nhiều người - trong đó có chị - như vầng trăng sau rằm cứ ngày nối ngày héo mòn hao khuyết vì sự nhỡ nhàng duyên phận. Có phải vì thế mà trăng ám ảnh, day trở trong thơ chị? Và sau mỗi vầng trăng ấy là những khoảnh khắc, cảnh huống của chiến tranh hoặc hậu chiến tranh; cùng số phận, tình yêu, khát vọng của người chiến sĩ đã đi qua chiến tranh.

Trong hàng trăm thi ảnh về trăng của Lê Thị Mây, có một vầng trăng đã làm nên "thương hiệu" của chị, đó là vầng trăng "Em tái nhợt niềm vui/ Như trăng mọc ban ngày". Đây là một "vầng trăng kinh điển" diễn tả tâm trạng của một người con gái khi bất ngờ được đón người yêu từ chiến trường trở về. Theo tôi, trong lịch sử thơ ca Việt Nam, có 3 vầng trăng liên quan đến chiến tranh và người lính đáng được gọi là "để đời". Đó là "Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt" của Đặng Trần Côn; "Đầu súng trăng treo" của Chính Hữu và ánh trăng "tái nhợt… mọc ban ngày" trên đây của Lê Thị Mây.

Nhà thơ Lê Thị Mây trong Ngày thơ Việt Nam năm 2011 tại Văn Miếu - Hà Nội.

Ý tứ của thi ảnh này còn được Lê Thị Mây triển khai trong bài thơ "Giấc mơ thiếu phụ", như là một sự tiếp nối những tháng ngày chờ đợi, hi sinh thầm lặng vô bờ bến của những người phụ nữ trong chiến tranh:

Nửa vầng trăng
lang thang
trôi giữa rạng ngày xanh tái
ôi giấc mơ
bị cắt hết máu
giấc mơ
của người thiếu phụ chờ chồng…

Nhà thơ Vũ Quần Phương khi gặp "nửa vầng trăng" trên của Lê Thị Mây, đã liên tưởng đến "Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường" trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. "Nửa vầng trăng" của nàng Kiều đã là một sự thiếu khuyết rất lớn.

Sự thiếu khuyết ấy trong đêm thâu thanh vắng, cô đơn, vời vợi… thật đáng thương, đáng chia sẻ biết bao! Nhưng "nửa vầng trăng" của Lê Thị Mây còn dấn thêm một cấp độ nữa: Nó lang thang lạc cả vào ban ngày; như một nỗi sầu muộn khuếch tán không giới hạn. Hai chữ "xanh tái" gợi nên ấn tượng mạnh về một tình thế đợi chờ của người phụ nữ trong chiến tranh….

Trở lại với câu thơ "Em tái nhợt niềm vui/ Như trăng mọc ban ngày" trên đây, tuy là vầng trăng của niềm vui, nhưng là niềm vui trong mong chờ dằng dặc, như tên của bài thơ là "Những mùa trăng mong chờ" vậy! Cho nên cái tái nhợt của niềm vui này cũng cùng nguồn gốc căn nguyên với cái xanh tái trong giấc mơ đoàn tụ, giấc mơ hạnh phúc của người thiếu phụ chờ chồng mà thôi.

Quả thật, trong bài thơ "Những mùa trăng mong chờ", còn có rất nhiều những vầng trăng trong nhiều cảnh huống, để bổ sung cho tình thế đợi chờ của cả một thế hệ những người phụ nữ Việt Nam: "Thư anh tin ngày về/ Cho vầng trăng hẹn mọc… Trăng non nghiêng qua rồi/ Bom rung vầng trăng khuyết… Gặp nhau tròn mùa trăng/ Em trẻ như bầu trời… Mai lại tiễn xa nhau/ Vầng trăng cong chẽn lúa… Mong chờ, em mong chờ/ Vầng trăng xinh -gương mặt/ sáng sáng đầy theo anh/ Suốt chặng đường đánh giặc…".

Nhưng trăng thời chiến trong thơ Lê Thị Mây không chỉ có tâm trạng, nỗi niềm của tác giả - một người trong cuộc - mà còn là ánh trăng của cả một thế hệ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến muôn vàn hi sinh gian khổ vì độc lập - tự do của Tổ quốc, chống lại một thế lực xâm lược hùng mạnh bậc nhất. Đó là vầng trăng hiện lên từ lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt của cha ông: "Lưỡi kiếm hồ Gươm khi sạch làu bóng giặc/ Hóa vầng trăng như cá lội tung tăng" (Phía vầng trăng)…

Và: "Phía đầu nguồn độc mộc úp trăng non/ Chiếc lá thần trôi trên sông Như Nguyệt/ Có thể nhặt lên lời sấm cứu giang sơn… Hưng đạo vương viết Binh thư yếu lược/ Khi ngẩng nhìn trăng/ Trăng mài mực rung khuyết với non sông" (Đọc binh thư yếu lược). Vầng trăng hào khí ấy trôi từ huyền thoại vào lịch sử và đồng hành cùng người lính trên đường ra trận đánh Mỹ: "Lời ru thủa nôi tre Thánh Gióng/ Quả cà là mặt trăng/ hay vầng dương cổ tích/ Treo hai đầu guốc võng hành quân" (Giấc mơ hành quân).

Và trong cuộc hành quân vì sứ mệnh thiêng liêng của những người lính thời đại Hồ Chí Minh, có: "Gió đèo hun hút lưng ta cõng/ Nặng trĩu hai vai một vầng trăng… Nặng trĩu hai vai hồn Tổ quốc/ Liềm trăng nghiêng đỡ bước lặng im" (Ba lô chiến sĩ)…

 Vầng trăng treo trên đầu súng của các anh Vệ quốc quân chống Pháp năm xưa trong thơ Chính Hữu, nay lại lung linh cùng thế hệ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", như là một biểu tượng phẩm chất văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ: "Vào lính thư nhà tình không cạn/ Con tem quân đội gọi mùa xuân/ Chữ nghiêng đầu bút niềm quê kiểng/ Trăng sững sờ em bóng ngoài sân?" (Lính trẻ). Có hôm gặp: "Gốc đại thụ mảnh bom ghi dấu tích/ Khi hoàng hôn bầy dê đến cọ sừng/ Chính vì thế liềm trăng rơi ngập cỏ/ Lính nhặt lên nghe cỏ hát rưng rưng" (Đảo Cồn Cỏ). Và suốt chặng đường hành quân ra mặt trận ấy, có nhiều đêm: "Bếp Hoàng Cầm hốc đá vùi tro/ Trăng mất ngủ leo theo con thác" (Thời trẻ của anh)…

Trong miên man những vầng trăng Trường Sơn thời đánh Mỹ, có những vầng trăng con gái trinh nguyên, là bạn bè đồng đội cùng thế hệ tác giả: "Vai ba lô ta dép lốp mòn non/ Eo lưng mảnh đưa hình trăng lá lúa/ Có những thì cúi chẽn hẹn tân binh… Mười sáu tuổi, nhìn trăng đâu có khuyết/ Mộ bên đường tuổi mười chín đôi mươi" (Tuổi mười sáu). "Thao thức một vầng trăng khuyết/ Bồn chồn chị gọi thầm em/ Đêm nay dừng đâu mắc võng/ Ngôi sao thăm thẳm Trường Sơn… Ơi con suối xưa chị ở/ làm gương không chút bụi mờ/ Sớm mai em soi chợt gặp/ vầng trăng con gái xanh lơ" (Vầng trăng con gái)…

Trăng chiến sĩ và trăng của những bà mẹ chiến sĩ: "con nào bay hết khúc sông mắt mẹ tiễn đàn con đi kháng chiến/ Bao nhiêu đò đầy còn lại một đò trăng" (Những khúc sông hữu ngạn). Trăng của những cô gái dân quân tự vệ: "Đường làng như hát long lanh/ Em đi trực chiến, trăng lành ươm theo" (Cát làng tôi). Trăng của những mối tình thời chiến: "Trai làng áo lính về thăm/ Cây rơm treo một khuôn Rằm cầu hôn" (Trăng cây rơm)…

Còn nhiều lắm những vầng trăng thời chiến trong thơ Lê Thị Mây. Mới đây, trong tập trường ca "Lửa mùa hong áo", Lê Thị Mây lại vẫn mở đầu bằng những vầng trăng: "Mười chín đôi mươi mẹ tiễn vợi làng/ Trăng lật nón lũy tre bom dội/ Liền chị, liền em san sát thành đồng đội…

Tiểu đội mười hai người trăng rằm làm nón bom dội không rơi/ Này rằm tháng giêng tết Nguyên tiêu bánh phu thê chạm ngõ/ Này rằm tháng chạp mưa phùn, đất là thịt, đất là máu xương gắn bó/ Huyết mạch con đường rạo rực giữa ngàn cây/ Trăng ơi trăng đừng hao khuyết đắng cay/ Tóc rụng nhột bàn chân lội suối…".  Và kết thúc tập trường ca này vẫn là hình ảnh: "Tiểu đội mười hai người, mười hai tháng trăng treo rằm quả thị/ Chị ơi hãy về /Mùa hong áo/ Lửa uy nghi…".   

Cùng với những ánh trăng của muôn vàn những cảnh huống, tình huống thời chiến trên đây, thơ Lê Thị Mây còn rất nhiều những ánh trăng quê hương, trăng phố thị, trăng tình yêu, trăng thế sự nhân tình… cũng hết sức tinh tế, ám tượng, khiến người đọc phải…giật mình. Ai cũng biết, thường thì các nhà thơ tả về trăng, gọi tên trăng, nhưng đâu phải để nói về trăng?

Với Lê Thị Mây cũng vậy, mỗi ánh trăng là một cảnh huống, tâm trạng cụ thể nhưng cách "mượn" trăng của chị là cách cảm nghĩ thiên về khái quát và diễn đạt thiên về ấn tượng với nhiều biểu tượng đa diện. Và nữa, hiện thực cuộc sống lao động, chiến đấu, sinh hoạt mà tác giả từng can dự và trải qua là nền tảng vững chắc cho cảm xúc trữ tình thăng hoa, nhưng bằng lối nói "mượn" trăng rất riêng của tác giả, những hiện thực ấy lại như chìm mờ đi, hoặc chỉ thấp thoáng vừa đủ cho sự cảm nhận của người đọc.

Chẳng hạn: "Đã hơn hai mươi năm bom Mỹ ngừng rơi/ Giờ mẹ khóc cầu nguyện nối dài tuần trăng mật… Nhưng trong máu huyết mẹ thời gian ngưng, phải con không ra đời được nữa… tã lót con đây mẹ bồng ẵm trăng vàng…" (Lời mẹ) v.v...

Trong những câu thơ trên, nỗi đau chất độc da cam/dioxin mấy chục năm sau chiến tranh chỉ cần mấy chữ "bom Mỹ", "tã lót", "bồng ẵm" đã là quá đủ. Tư tưởng nghệ thuật của bài thơ là sự khát khao hạnh phúc được làm mẹ, làm cha của những người lính đã trải qua chiến tranh. Giá trị nhân văn, chủ nghĩa nhân đạo nhẹ nhàng lặng lẽ toát ra từ những câu thơ hết sức giản dị.

Bởi vậy, vầng trăng trong thơ Lê Thị Mây tuy rõ ràng cụ thể, nhưng lại tạo nên những nét nhòe về thông điệp mà người đọc đôi khi chỉ "cảm thấy" chứ rất khó "nhìn thấy", hoặc "thấy mà như không thấy", như là vầng trăng ban ngày vậy! Đó là nét hiện đại mà nhiều cây bút hăng hái hô hào "cách tân, đổi mới" ngày nay rất khó chạm được!

Mai Nam Thắng
.
.