Từ tiểu thư lá ngọc cành vàng trở thành cộng tác viên của Đội Công an Tình báo Huế

Thứ Sáu, 22/11/2013, 08:00
Bà là hậu duệ của tham tri Bộ Công triều đình Minh Mạng Phan Tấn Cẩn - người có công đúc gạch xây thành Huế và chỉ huy đúc 9 khẩu súng thần công, được vua ban danh hiệu Phan Tấn Cẩn Tín Hầu. Theo sự dìu dắt của người cha và noi gương hy sinh anh dũng của người cậu ruột, Phan Thị Thu Quỳ sớm dấn thân theo con đường cách mạng...

Phan Thị Thu Quỳ như cánh hoa lạc trôi giữa dòng sông lịch sử với biết bao biến thiên thời cuộc. Nhưng bằng nghị lực, lòng tự tôn, tự hào của dòng tộc, mà đặc biệt là sự chỉ dạy của song thân về việc giữ nền nếp gia phong, Phan Thị Thu Quỳ đã dũng cảm đối đầu với mọi nghịch cảnh để vươn lên, vừa học tập, tôi rèn bản thân, vừa một mình nuôi dạy con nên người, thủy chung một lòng chờ chồng đến ngày đất nước thống nhất và có nhiều cống hiến cho Tổ quốc, cho quê hương...

Theo lý giải của bà trong tập hồi ký "Áo tím - Đồi sim" thì sở dĩ có cái tên Phan Thị Thu Quỳ là bởi bà sinh vào đêm cuối năm Quý Dậu (1933), bước qua năm Tuất (1934), lại là đứa cháu đầu của hai dòng họ có tiếng ở địa phương nên rất được yêu quý. Chỉ vì tranh cãi tuổi tác mà đến 4 tháng sau khi chào đời, hai bên nội ngoại mới thống nhất đặt tên cho cô cháu gái là Phan Thị Thu Quỳ, tức Hoa Quỳ - hoa Hướng Dương, loại hoa hiếm về mùa thu.

Những biến cố thời cuộc như chiếc bóng thoảng qua cửa sổ của căn nhà tuổi thơ ấm êm. Thu Quỳ sống đủ đầy trong vòng tay bao bọc của dòng tộc nội, ngoại, trong sự giáo dục nghiêm khắc mà đầy tình yêu thương của song thân. Sóng gió chỉ bắt đầu khi bà 12 tuổi, cha đi kháng chiến, kinh tế khó khăn. Từ cô bé chỉ biết đi học, có kẻ hầu người hạ, cô tiểu thư nhỏ Thu Quỳ bắt đầu biết phụ mẹ nấu kẹo, đổ bánh tráng bán sỉ cho các quán, bán buôn lặt vặt kiếm sống.

Ngày nhận thư cha cũng là ngày bà bắt đầu dấn thân vào con đường người cha đã chọn. 15 tuổi, bà bắt đầu giấu mẹ làm giao liên cho lực lượng Công an Huế với tên gọi Kim Phượng. Công tác - theo cách nói đơn giản của cô bé ngày ấy là những chuyến "đi hoài để giúp các anh", có khi mang một túi xách nặng, có lúc là bông chuối lên chùa, có lúc là cái thư, có khi là truyền tải một câu bà không hiểu có nghĩa gì cả như "Thím Bưởi đã về rồi", hay "ăn nhiều thì sình bụng"... Tiếng tăm của dòng họ cộng với vỏ bọc con gái của một ông Phán trong Tòa Khâm tại Đà Lạt, vốn liếng tiếng Pháp từ ngày còn cắp sách đến trường và sự ứng biến lanh lẹ trước những tình huống cấp bách, nguy hiểm đã giúp Thu Quỳ trót lọt qua mắt địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bà Phan Thị Thu Quỳ trong thời gian công tác tại Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2.

17 tuổi, Phan Thị Thu Quỳ vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng với lời khai ngắn gọn: "phụ trách địch vận xã Hương Vĩnh và cộng tác viên cho đội Công an tình báo Huế". Nhớ lại ngày được kết nạp Đảng, bà rất xúc động bởi đó là ngày thiêng liêng nhất trong đời: "Tôi rạo rực nhìn lên ảnh Bác Hồ và hai lá cờ đỏ trang nghiêm với một dòng chữ bên dưới: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm. Tôi bồn chồn và hân hoan tuyên thệ sau khi thực hiện thủ tục chào cờ, nghe đọc quyết định của Huyện ủy Hương Trà kết nạp Đảng. Các anh dặn dò nhiều, tôi nghe như nuốt từng lời, rất xúc động vì từ nay tôi đã đứng trong hàng ngũ cùng với ba tôi".

Đúng thời điểm Thu Quỳ vắng nhà đi công tác, địch phát hiện Kim Phượng với Thu Quỳ thực ra chỉ là một. Chúng ra sức tra hỏi người mẹ nhưng bà một mực bảo rằng chồng bà, ông Phán theo vợ bé, bỏ bê mấy mẹ con ở quê, Thu Quỳ đã vào Đà Lạt xin tiền cha về nuôi em. Mặt khác, bà viết thư dặn con gái đừng về. Với cô bé Thu Quỳ ngày ấy thì "Lá thư của mạ đã giúp tôi cắt đứt cái mơ tưởng được về nhà, yên tâm làm việc một cách tập trung". Nhưng, nỗi nhớ nhà thì chưa bao giờ nguôi ngoai. "Có những buổi chiều, khi hoàng hôn xuống, bầy chim ríu rít về tổ ấm, rồi đến lúc trăng sao lác đác rơi xuống ao hồ bên cạnh vườn nhà, tôi buồn tê tái. Ngồi bên chõng tre trước sân rộng nhìn về phía Đông quê tôi chỉ cách khoảng một cây số chim bay là nơi mạ, các em tôi, nội ngoại họ hàng làng xóm... Tôi nhớ tôi thương, muốn bay về ngay tức khắc. Tôi nhớ mạ da diết".

Đón cái Tết đầu tiên xa gia đình, bắt đầu quen với nếp sống tập thể ít lâu thì Phan Thị Thu Quỳ gặp lại người cha thân yêu vừa từ chiến khu Dương Hòa ra sau 4 năm xa cách. Thu Quỳ vui mừng nhưng cũng đầy xót xa bởi "ba gầy, đen sạm. Mới 42 tuổi mà ba già như 60. Trong bộ áo quần vải nâu, đội mũ lá úa, vai mang sắc cốt, đi dép ba quai, ba khác trước quá. Trước đây ba làm việc ở Tòa sứ, đi với Tây tỉnh trưởng, ba cũng không thua gì, mập mạp, trắng trẻo, còn bây giờ ba là một cán bộ dạn dày sương gió. Chỉ có một điều không khác là ánh mắt và lời nói của ba lúc nào cũng thương con vô bờ bến".

Sau cuộc hội ngộ bất ngờ, Thu Quỳ hăm hở theo cha vào chiến khu Dương Hòa với niềm tin mãnh liệt: "Chỉ một thời gian ngắn Bộ đội Cụ Hồ sẽ quét sạch kẻ thù xâm lược". Cô không hề biết rằng, phải đến 25 năm sau, niềm tin đó mới trở thành sự thật và cô mới có cơ hội trở về với Huế thân yêu, đoàn tụ với gia đình nhưng dưới một vai trò khác.

Cũng trong năm 1950, Thu Quỳ được ba gửi ra miền Bắc theo đoàn cán bộ Công an. Thu Quỳ nhớ lại, ngày lên đường, nghe "ba nói chi tôi cũng dạ. Đầu óc tôi đang choáng váng, chỉ thấy đang bị mất mát thứ gì quá lớn lao. Vẻ gầy yếu của ba đập vào tim tôi, nhắc nhở tôi lo lắng, có cái gì đó không may cho những ngày sắp tới...". Nỗi lo lắng mơ hồ ấy sau đã trở thành sự thật. Sau chuỗi ngày cùng đoàn công tác vượt đường với không ít lần tưởng đã cận kề cái chết, Thu Quỳ cũng đến được Trường Huỳnh Thúc Kháng tại Bạch Ngọc, Đô Lương, Nghệ An. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, học chưa được bao lâu, cô lại nhận tin cha hy sinh.

Quá đau đớn, cô ốm rụng hết tóc. Sau 2 tháng nghỉ, Thu Quỳ trở lại trường, vừa học vừa làm gia sư kiếm sống. Năm 1953, Thu Quỳ vượt qua cả ngàn thí sinh, trở thành một trong số 30 sinh viên trường dược khóa II tại Thanh Hóa. Ngày lên đường nhập học, hành trang Thu Quỳ mang theo là xấp vải may cái áo ngắn, ít tiền do chủ nhà nơi cô từng làm gia sư bán lúa, đậu giúp đỡ. Sau kỳ nghỉ hè đầu tiên, Thu Quỳ lại tiếp tục di chuyển lên học tại Việt Bắc. Thêm một lần nữa, bước chân cựu tiểu thư xứ Huế vượt qua đèo dốc, sông suối, rừng rậm tìm vào tận A.T.K học tập, công tác, làm quen với những đêm dài ôm súng gác trường.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Phan Thị Thu Quỳ theo phân công của Bộ Y tế về tiếp quản Thủ đô cùng các đồng nghiệp rồi nhận quyết định về Nghệ An với tâm thế "nhận nhiệm vụ đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần". Người nữ dược sĩ trẻ tự tổng kết lại chặng đường đã qua và tự nhận: "Tôi bừng tỉnh nhận ra con đường tôi đi tới không phải là con đường phiền muộn. Tôi đã dẹp được nỗi sầu riêng tư, coi đó là số mệnh cần phải đi xa để tiến bộ".

Thực tế, sự chấp nhận số mệnh, tiếp tục con đường đi xa để tiến bộ đã giúp Phan Thị Thu Quỳ đối mặt và xuất sắc vượt qua hàng loạt trở ngại của cuộc đời sau đó. Đó là những tháng ngày tuổi trẻ vất vả nhưng sôi nổi mà tinh nghịch trong ngành Y tại Nghệ An, là những tháng năm một thân một mình giữa Hà Nội, vừa chèo chống nuôi con, vừa lo đảm bảo công tác, trau dồi nghiệp vụ, một lòng thủy chung chờ chồng - một bác sĩ đã tình nguyện vào phục vụ chiến trường miền Nam nhưng gần như bặt tin tức. Đó còn là những ngày hăm hở xen lẫn lo âu theo đoàn tiếp tế thuốc men vào Nam tìm chồng những ngày đất nước vừa giải phóng và cả những tháng ngày sát cánh cùng đồng nghiệp ngành Y tổ chức nghiên cứu, sản xuất, đưa Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương từng bước vượt khó phát triển kể từ thời bao cấp đến khi đất nước mở cửa, trong khi vẫn giữ gìn mái ấm hạnh phúc, nuôi dạy con cái thành tài, tiếp tục kế tục sự nghiệp của cha ông, cống hiến cho đất nước. Tất cả những điều đó được bà gói ghém, gửi trọn trong "Áo tím - Đồi sim", cuốn tự truyện bà viết từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cuốn sách khá đầy đặn, với 370 trang in, được Nhà xuất bản Trẻ cho ấn hành cách đây ít năm

Ngọc Nguyễn
.
.