Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung:

Từ "ông hoàng nhạc hit" đến khúc ca trẻ thơ

Thứ Sáu, 08/06/2018, 09:19
Đột ngột ở ẩn với dòng nhạc thiếu nhi, Nguyễn Văn Chung khiến nhiều người nhớ tiếc hình ảnh của một nhạc sĩ hào hoa với những bài hát ăn khách (bài hit) năm nào như: "Vầng trăng khóc", "Tình yêu mang theo", "Chiếc khăn gió ấm", "Mùa đông không lạnh", "Con đường mưa"...  Nhưng với anh, đó là cái duyên trời định để điểm nét cười cho thế giới ấu thơ.


Dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi vừa qua, Nguyễn Văn Chung quyết định làm liveshow miễn phí cho trẻ em mang tên "Gia đình nhỏ, hạnh phúc to" tại Nhà hát Bến Thành. Liveshow gửi gắm biết bao nhiêu tâm huyết của nhạc sĩ 8x. 

Từ khi đặt bút viết những bài hát thiếu nhi đầu tiên mang tên "Gia đình nhỏ, hạnh phúc to", anh đã ước ao về một liveshow cùng tên. Liveshow đánh dấu chặng đường 3 năm anh dấn thân vào dòng nhạc này. Ở đó những bài hát thiếu nhi nổi tiếng của Nguyễn Văn Chung được các giọng ca nhí mới nổi như bé Bảo An, Bào Ngư, Gia Khiêm, Thư Kỳ… thể hiện bên cạnh loạt ca sĩ nổi tiếng như Phan Đinh Tùng, Thanh Ngọc, Nguyễn Phi Hùng, Nhật Tinh Anh, Khánh Ngọc, Don Nguyễn... 

Ba năm ngược lối, từ giã những khúc tình ca đình đám, ai cũng bảo Nguyễn Văn Chung "điên". Bởi chẳng ai từ bỏ đỉnh cao danh vọng, từ bỏ lợi thế hái ra tiền tài để gây dựng lại từ đầu ở một địa hạt khó nhằn như nhạc thiếu nhi. Cách đây hơn 10 năm,  nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khiến giới trong nghề nể phục đặt cho biệt danh "nhạc sĩ tạo hit" hay "ông trùm bài hit". Bởi rất nhiều bài hát của anh nổi đình nổi đám đưa tên tuổi các ca sĩ trẻ lên cao như diều gặp gió.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.

Nhật Tinh Anh gây bão một thời nhờ "Vầng trăng khóc", "Cơn mưa bắt đầu tình yêu"... Ngoài "Vầng trăng khóc" hát chung với Nhật Tinh Anh, nữ ca sĩ Khánh Ngọc nổi lên còn bởi bài "Mộng thủy tinh". Qua giai điệu ấm ấp, tha thiết của "Mùa đông không lạnh", công chúng mới bắt đầu để ý đến cái tên Akira Phan lạ hoắc. Hay "Chiếc khăn gió ấm" gợi nhắc tới Khánh Phương. Cao Thái Sơn thì có "Con đường mưa"...

Ngày ấy, bài nào của Nguyễn Văn Chung ra lò là bài đó hot, liên tục chiếm lĩnh bảng xếp hạng âm nhạc uy tín. Thậm chí, một thời gian dài, trên bảng xếp hạng có đến 3 bài của Nguyễn Văn Chung đứng top đầu. Thế nên số ca sĩ muốn lăng xê tên tuổi tìm gặp Nguyễn Văn Chung để hợp tác đếm không kể xiết. Tuy nhiên, khi nghe những biệt danh mà người đời ngưỡng mộ đặt cho mình, anh khiêm tốn tự nhận có lẽ mình gặp may mắn khi hợp tác với những ca sĩ có thực tài, đưa bài hát vang xa.

Những mối tình đi qua để lại dư vị cay đắng, hối tiếc lẫn ngọt ngào đã tạo niềm cảm hứng cho anh ra đời nhiều bài hát tha thiết, nồng nàn đến thế. Nếu để ý kỹ, những bài hát của Nguyễn Văn Chung dù có nói về chuyện ly biệt, về tình tan vỡ, nó cũng không hằn những vệt cay đắng hay ủy mị, khóc than. Ở đó, người đàn ông bao bọc, chở che cho người con gái mình thương, nguyện hy sinh và chịu thiệt thòi về phần mình để người xưa hạnh phúc. Nhưng số bài hát gợi nhắc kỷ niệm ngọt ngào và ấm áp chiếm nhiều hơn trong kho tàng âm nhạc của anh. Có thể kể đến như: "Mùa đông không lạnh", "Chiếc khăn gió ấm", "Cơn mưa bắt đầu tình yêu"...

Trước khi chuyển hẳn sang mảng đề tài thiếu nhi, có một giai đoạn Nguyễn Văn Chung dấn thân vào đề tài gia đình. Bài hát nổi tiếng nhất trong giai đoạn này là "Nhật ký của mẹ" do ca sĩ Hiền Thục trình bày. Bài hát dài như những trang nhật ký ghi chép nỗi niềm của người mẹ từ khi con mới chỉ là một sinh linh bé bỏng đến khi con trưởng thành. Bài hát xúc động chạm vào tâm can của mỗi người con để nó trở thành một trong những bài hát hay nhất nói về tình mẫu tử. Từ thành công này, Nguyễn Văn Chung tiếp tục sáng tác "Khi cha già đi" (KyoYork thể hiện).

Album nhạc thiếu nhi "Gia đình nhỏ, hạnh phúc to".

Niềm hạnh phúc với một nhạc sĩ trẻ sớm gặt hái vô số quả ngọt không thể tả bằng lời. Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, chữ duyên nặng cả một đời. Nhờ duyên, bài hát của anh được đông đảo công chúng yêu thích. Nhờ duyên, trời trao anh người con gái ngỡ như đã đánh mất mãi mãi. Để rồi họ nên vợ nên chồng trong một đám cưới lung linh đẹp như chuyện cổ.

Hai đứa con lần lượt ra đời khiến cảm thức âm nhạc của ông bố trẻ thay đổi. Ngày nâng con trên tay, anh tự hứa với lòng từ giờ sẽ dốc sức sáng tác những bài hát thật hay dành tặng tuổi thơ con. Theo dõi các gameshow ca nhạc dành cho thiếu nhi, anh nhói lòng chứng kiến các cô bé cậu bé thi nhau hát bài người lớn.

Sao không xót xa cho được khi cậu bé ráng rướn cổ lấy hơi: "Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời/ Để bao giờ trời đất yên vui/ Xin cho tôi xin lại cuộc đời / Cho tôi đi xây lại chuyện tình/ Cho tôi đi nâng dậy hoà bình/ Cho tôi đi qua tận gập ghềnh/ Nhìn dòng máu trong tim anh ...".

Mà làm sao khác được khi số lượng bài hát cho thiếu nhi quá ít ỏi và cũ kỹ. Các bé cần điều tươi mới hơn, hấp dẫn hơn. Âm nhạc lại là phương tiện giáo dục nhanh chóng và hữu hiệu. Nhưng đáng buồn là đề tài gia đình đã ít người sáng tác thì đề tài thiếu nhi lại càng thiếu thốn. Nhạc sĩ trẻ không hào hứng vì nó khó sáng tác, không phải lời ca cứ đơn giản, hồn nhiên, ngây ngô là các bé thích. Ngược lại, nếu nó hơi người lớn chút cũng không xong vì không phù hợp tâm tư lứa tuổi. Đã vậy, dòng ca khúc này khiến tác giả khó thu lợi nhuận và đương nhiên chẳng mấy ca sĩ ngôi sao để mắt đến.

Phần nữa, như lời Nguyễn Văn Chung tâm sự: "Sáng tác nhiều bài hit về tình yêu đôi lứa nhưng càng ngày tôi càng nhận ra, tình yêu đôi lứa có thể thay đổi và nhạt phai theo thời gian. Riêng tình cảm gia đình, tình mẫu tử, phụ tử mới là thứ tình cảm sâu sắc và bền vững. Nhạc tình nổi đó rồi chìm đó, riêng nhạc thiếu nhi nếu đã nổi sẽ tồn tại theo thời gian. Người nhạc sĩ còn là một công dân có trách nhiệm với xã hội cho nên tôi muốn viết những điều nhân văn, ý nghĩa dành cho các bé".

Những điều ấy thôi thúc nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sớm bắt tay sáng tác. Lúc đầu, anh chỉ viết dành riêng cho các con của mình nghe và ghi lại kỷ niệm gia đình. Nhưng càng ngày anh càng tìm thấy niềm vui, lòng rộn ràng khi nhiều đứa trẻ khác cũng nhún nhảy theo giai điệu của mình.

Sau 3 năm miệt mài, Nguyễn Văn Chung đã sáng tác hơn 100 ca khúc và ra album, tuyển tập sách nhạc cũng như tổ chức các đêm nhạc miễn phí cho các em. Hiện nay, anh đang bắt tay thực hiện tuyển tập sách nhạc 100 ca khúc thiếu nhi phần 2. Ca  khúc thiếu nhi của Nguyễn Văn Chung hồn nhiên, đầy háo hức khám phá cuộc sống xung quanh và đa dạng nội dung: từ tình cảm gia đình, đất nước, mái trường, bạn bè đến chuyện cổ tích, phong tục tập quán, động vật... Ca từ gần gũi, giản dị mà gửi gắm nhiều thông điệp nho nhỏ thú vị nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách các bé.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và các học trò nhí.

Dấn thân vào dòng nhạc này, Nguyễn Văn Chung biết đây là con đường đầy chông gai. "Thời gian đầu, nhiều lần tôi hoang mang không biết mình có quá mạo hiểm không khi tôi không rành về nhạc thiếu nhi. Mọi thứ phải mày mò lại từ đầu. Tài chính thì cạn dần vì không có ai dám tài trợ bởi họ chưa tin khả năng hoàn vốn. Nhưng nhìn con, tôi ráng đi đến cùng. Mỗi lần mệt mỏi, tôi tự nhủ: mình đang làm một việc không chỉ có ý nghĩa cho riêng mình, cho con mình mà còn cho cả thế hệ tương lai" - anh tâm sự.

Và Nguyễn Văn Chung đã làm được. Giờ đây, những ca khúc như "Ba ơi về nhà", "Gia đình nhỏ, hạnh phúc to", "Hoa hồng hoa trắng", "Lá đa thần kỳ", "Chị thương em lắm"... trở nên quen thuộc ở các trường tiểu học, khu vui chơi trẻ em, đài truyền hình...

Các cô bé, cậu bé học trò của Nguyễn Văn Chung như Bảo An, Ju Uyên Nhi, Trang Thư...  tham gia trong album được nhiều người yêu thích và biết đến hơn. Các đơn vị ngỏ lời hợp tác về giáo dục cho trẻ bằng âm nhạc cũng nhiều lên. Nguyễn Văn Chung chinh phục được trẻ nhỏ bởi bản thân anh cũng là một người cha. Anh tin những ca khúc bước ra từ trái tim thì sẽ đến được trái tim. Bằng tấm lòng chân thành ấy, Nguyễn Văn Chung chỉ mong sao theo chân mình,  làng nhạc thiếu nhi có thêm thật nhiều nhạc sĩ mới...

Mai Quỳnh Nga
.
.