Nữ chủ nhiệm phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam

Từ giai nhân tình báo đến "nữ tù chuồng cọp"

Thứ Tư, 04/11/2015, 08:00
Bà từng là một "Nữ tù chuồng cọp" tại địa ngục trần gian Côn Đảo. Từng là nữ đạo diễn, chủ nhiệm phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam những năm 60 ở miền Bắc, bà đột ngột "biến mất" khỏi Thủ đô Hà Nội để vào Sài Gòn hoạt động tình báo với tên mới Hoàng Thúy Minh - Giám đốc Hãng phim Thúy Minh. 

Chiếc khăn rằn của nữ tù Côn Đảo

Tên thật của bà là Nguyễn Thị Quới, nghệ danh Hoàng Thúy Lan, sinh năm 1925 trong một gia đình Việt kiều Campuchia yêu nước, sinh sống tại Sài Gòn.

Năm 1954, bà tập kết ra Bắc, cùng thời với những văn nghệ sĩ nổi tiếng sau này như: Hồng Sến, Trà Giang, Kim Chi, Huy Thành, Hồ Kiểng, Quốc Hương, Phi Nga, Đoàn Giỏi… Năm 1957, Hoàng Thúy Lan là một trong số các văn nghệ sỹ được tuyển chọn sang Trung Quốc theo học khóa đào tạo đạo diễn điện ảnh đầu tiên cho nền điện ảnh của miền Bắc XHCN. Học xong, bà trở về nước áp dụng những điều đã học phục vụ cho ngành điện ảnh nước nhà với tất cả tâm huyết và say mê của tuổi trẻ. Rất nhiều người Hà Nội không thể nào quên nữ Chủ nhiệm phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam Hoàng Thúy Lan trong bộ phim nổi tiếng "Chị Tư Hậu" của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, dựa theo tác phẩm văn học "Một chuyện chép ở bệnh viện" của nhà văn Bùi Đức Ái (Anh Đức), với vai diễn chính nổi tiếng của NSND Trà Giang vào năm 1962.

Bà Hoàng Thúy Lan.

Có người kể lại, lúc bấy giờ "Chủ nhiệm phim" có chiếc xe Mobilet do gia đình gửi từ Campuchia về. Cô nổi tiếng xinh đẹp và sống phóng khoáng kiểu tiểu tư sản ở Hà Nội khiến cho nhiều người "gai mắt" nhưng không nói gì được. Có thể vì điều đó, nhiều người tỏ ra "ái ngại" không dám tỏ ra thân thiết với Hoàng Thúy Lan, vì sợ ảnh hưởng lối sống quá phương Tây, quá tư sản...

Một ngày đẹp trời, mỹ nhân điện ảnh Hoàng Thúy Lan bỗng đột ngột biến mất khỏi Hà Nội không một lời từ giã chồng con, để lại Thủ đô và bạn bè, người thân bơ vơ với những hoài nghi và đồn đoán gần xa... Ngay sau đó, xuất hiện tin đồn là Hoàng Thúy Lan đã vượt biên... vào miền Nam, phản bội Tổ quốc, nhân dân... Sau này, bà đã kể lại lý do "biến mất" ngày đó: Năm 1966, khi nhận quyết định đi B, tôi không nói cho chồng con biết mà chỉ bảo là đi công tác, không nói đi hoạt động tình báo. Có chồng ở nhà, nên tôi cũng không lo gì cho con gái, cứ quyết định đi là đi thôi. Khi đi B, tôi viết thư cho Cục tình báo để chồng tôi đi lấy vợ khác, lúc đó tôi cũng không nghĩ gì, chỉ nghĩ rằng, rủi tôi có hy sinh thì để anh ấy đi lấy vợ. Tôi vào trong Nam với nhiệm vụ chính là thu thập tin tức, lôi kéo đội ngũ trí thức về làm việc cho cách mạng".

Tổ chức đã lo liệu toàn bộ giấy tờ tùy thân hợp pháp cho bà, giống như một phụ nữ đang sống bên Campuchia đã nhiều năm, nay hồi hương quay về sống với cha mẹ ruột tại Sài Gòn, nên không một ai mảy may nghi ngờ điều gì. Gia đình bà sống ở đường Trương Tấn Bửu (nay là Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) có một mẹ đã già, một em gái nhỏ thứ sáu và cậu em út đã học xong tú tài.

Chuyện kể lại, khi hay tin cậu em trai út sắp thi phi công, phục vụ cho chính quyền Sài Gòn, bà đã giận dữ gằn từng tiếng: "Cả gia đình theo Cách mạng, em không thể làm chuyện đó được. Một là chị giết em, hoặc là em giết chị. Chị để cho em suy nghĩ một tháng rồi trả lời". Quả nhiên, thái độ của bà đã có tác động thay đổi đến toàn bộ quyết định về sự nghiệp của người em trai. Khoảng 2 tuần sau, người em trai của bà đã có câu trả lời. Bà bố trí đưa em trai vào chiến khu hoạt động. Sau đó anh đã hy sinh anh dũng trong một trận đánh …

Chuyện về cuộc đời và gia đình bà được đưa vào nội dung bộ phim "Mối tình đầu" của đạo diễn Hải Ninh, do nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ viết kịch bản, dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Hiểu Trường (tức Trần Bạch Đằng). Phim "Mối tình đầu" lấy bối cảnh tại thành phố Sài Gòn trước năm 1975 đầy biến động, khi cuộc chiến sắp chấm dứt với những câu hỏi day dứt về sự lựa chọn lẽ sống của những người trẻ tuổi. Phim kể lại mối tình đầu của chàng sinh viên Ba Duy (diễn viên Thế Anh thủ vai) với cô gái xinh đẹp Diễm Hương (diễn viên Như Quỳnh thủ vai), nhưng cuộc tình đổ vỡ khi Diễm Hương buộc phải lấy một tên Cố vấn Mỹ để cứu cha. Đau đớn, Ba Duy đã bỏ học và lao vào con đường nghiệp ngập, cho quên tình, quên đời. Nhưng ánh sáng đã trở lại với cuộc đời Ba Duy khi được chị Hai Lan (diễn viên Trà Giang thủ vai), chị ruột Ba Duy, một cán bộ tình báo hoạt động nội thành khuyên giải, giáo dục để không bước vào con đường lầm lạc. Hai Lan là nhân vật dựa theo nguyên mẫu nhà tình báo Hoàng Thúy Lan.

Cũng theo nội dung bộ phim, trong những ngày sắp giải phóng, nhiều người tháo chạy khỏi Sài Gòn, Diễm Hương đã phát hiện ra chồng cô âm mưu bắt cóc trẻ em Việt Nam đưa lên máy bay ra nước ngoài. Sợ bị lộ, tên Cố vấn Mỹ đã giết Diễm Hương hòng bịt đầu mối. Chắc chắn rằng những ai yêu thích điện ảnh Việt Nam một thời sẽ hiểu được giá trị nghệ thuật và nội dung phim muốn lưu lại bối cảnh hỗn loạn của Sài Gòn cuối tháng 4/1975 và âm mưu chương trình sơ tán trẻ mồ côi.

Giám đốc hãng phim là "hoa khôi" tình báo

Tin tức trên tờ Báo "Công Luận" của Sài Gòn phát hành ngày 18/4/1969 có đưa tin về vụ Cảnh sát quốc gia Việt Nam Cộng hòa bắt giữ những người tình nghi là Việt cộng gồm: 26 bác sĩ, giáo sư và chủ báo... Trong số này, dư luận Sài Gòn đặc biệt quan tâm đến "Bà Huỳnh Thúy Minh - Giám đốc sản xuất phim ảnh". Núp dưới vỏ bọc của một nhà sản xuất phim ảnh để hoạt động tình báo, bà Thúy Lan được tổ chức giao nhiệm vụ nắm các thông tin nhạy cảm nhất liên quan đến Cố vấn Mỹ, CIA và giới quan chức quân đội, chính quyền Sài Gòn. Mặt khác, bà tranh thủ lôi kéo đội ngũ trí thức yêu nước, các nhà báo, bác sỹ, giáo sư, các tầng lớp tiến bộ, yêu nước phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.

Bức ảnh “Trao trả tù binh nơi bến sông Thạch Hãn, Quảng Trị 1973” của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành.

Công việc cách mạng đang "thuận buồm, xuôi gió" thì đột nhiên vào tháng 4/1969, bà bị một kẻ phản bội chỉ điểm nên bị cảnh sát bắt giam, dù không có tang chứng. Bọn địch đã dùng đủ mọi cực hình tra tấn dã man và mua chuộc dụ dỗ đủ điều, nhưng bà cương quyết không khai một lời. Tòa án binh Sài Gòn kết án bà 20 năm khổ sai và 20 năm biệt xứ. Bọn địch từng giam bà ở Khám lớn Sài Gòn, sau đó đày ra Côn Đảo giam vào chuồng cọp vì tội không chào cờ của chính quyền Sài Gòn.

Những cựu tù chính trị Côn Đảo là đồng đội của bà kể lại: Trong chuồng cọp, bà là nữ tù tiêu biểu cho tinh thần "chống chào cờ" rất quyết liệt. Vào năm 1970, gia đình gửi thư báo tin mẹ bà qua đời, bọn địch lợi dụng cơ hội hiếm có này để ra điều kiện: nếu bà chịu ra chào cờ sẽ đưa thư, nhưng bà vẫn cự tuyệt, cuối cùng chúng phải chịu thua…

Do bị giam tại chuồng cọp nhiều năm, chân bị xiềng trong cùm tê liệt, không thể tự đi nổi nên khi được trao trả tù binh theo Hiệp định Paris tại sông Thạch Hãn năm 1973, hai chân bà gần như bị liệt, được bạn tù khiêng võng qua sông, cùng đồng đội mừng vui tột đỉnh trong ngày chiến thắng ngục tù trở về. Tình cờ các nhà quay phim nhận ra bà và báo về cho gia đình. Chị Nguyễn Thị Thúy Nhung, con gái bà kể lại: "Tổ chức lúc đó cũng không nắm được danh sách, nên khi mẹ được trao trả, bị liệt, gia đình chỉ được đi thăm khi mẹ ở Thanh Hóa".

Bà từng làm Phó giám đốc Hãng phim Giải phóng, chồng bà làm Vụ phó Vụ Lương thực thực phẩm đã qua đời năm 1992, con gái công tác ở Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh cũng đã nghỉ hưu. Bà có 2 cháu ngoại và 4 chắt ngoại.

Vào một ngày cuối tháng 7/2009, có một vị khách đặc biệt đã đến gặp Ban Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ để tặng một tấm ảnh đen trắng cỡ 4x6. Đó là chân dung một phụ nữ "tuyệt thế giai nhân" với những thông tin vắn tắt: Bà là Hoàng Thuý Lan, từng hoạt động trong ngành điện ảnh, nữ tình báo, bị giam trong chuồng cọp Côn Đảo và hiện còn chiếc khăn rằn đã dùng từ khi ở tù. Trao chiếc khăn rằn cho cán bộ bảo tàng, bà nói: "Đây là xương máu của chị em chúng tôi"…

Trần Hiếu
.
.