Học giả, nhà báo Quang Đạm

"Từ điển sống" Việt Nam

Thứ Hai, 13/07/2015, 08:27
Có một lần tôi đến thăm cựu Bộ trưởng bộ thủy sản, được ông Tạ Quang Ngọc tặng hai cuốn sách. Cuốn "Quang Đạm, nhà báo, học giả" và cuốn "Một nghề cao quý" dày gần ngàn trang. Cả hai cuốn sách tập hợp những bài viết của cố nhà báo, học giả Quang Đạm và một số bài viết về ông. Tôi đọc suốt đêm. Trong đó có nhiều bài viết nói về truyền thống nho học, truyền thống giáo dục gia đình, dạy dỗ con cháu rất bổ ích.

Năm 1968, có giấy báo vào đại học, tôi một mình đi bộ từ quê nhà Kỳ Anh, Hà Tĩnh qua đường giao liên trong những ngày máy bay Mỹ ném bom, đánh phá ác liệt, mất 13 ngày đêm mới ra đến Hà Nội. Trước khi đi, ông nội tôi có ghi cho tôi địa chỉ mấy người quen từng hoạt động cách mạng với ông hiện đang ở thủ đô, trong đó có tên một người ở phố Lý Thường Kiệt. Nhưng, khi tôi tìm đến thì gia đình ông đã đi sơ tán khỏi thủ đô nên tôi không gặp được. Tên trong lá thư ông nội tôi viết là Tạ Quang Đệ. Mãi sau này tôi mới biết Tạ Quang Đệ chính là nhà báo, học giả Quang Đạm nổi tiếng, người được coi là "cuốn từ điển sống" Việt Nam.

Có một lần tôi đến thăm cựu Bộ trưởng bộ thủy sản, được ông Tạ Quang Ngọc tặng hai cuốn sách. Cuốn "Quang Đạm, nhà báo, học giả" và cuốn "Một nghề cao quý" dày gần ngàn trang. Cả hai cuốn sách tập hợp những bài viết của cố nhà báo, học giả Quang Đạm và một số bài viết về ông. Tôi đọc suốt đêm. Trong đó có nhiều bài viết nói về truyền thống nho học, truyền thống giáo dục gia đình, dạy dỗ con cháu rất bổ ích.

Trong bài "Một cuộc đời làm báo", học giả Quang Đạm viết: "Họ Tạ có ba truyền thống được giữ gìn suốt hơn mười đời mà tôi nghĩ là khác biệt trong xã hội phong kiến. Một là truyền thống gia học (Học tại nhà, cha dạy con chứ không đi học trường lớp nào). Tôi còn nhớ trong nhà thờ họ có một bức hoành phi sơn son thếp vàng với 5 chữ "Phụ giáo tử đăng khoa" (Cha dạy con thi đỗ). Truyền thống thứ hai là dòng họ bố tôi từ nhiều đời không ai có hai vợ. Thứ ba là trong nếp sống gia đình  không cúng bái quỷ thần chỉ thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà thôi".

Vợ chồng cố học giả Tạ Quang Đạm thời trẻ.

Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc - cựu Bộ trưởng Bộ Thủy sản - con trai cố nhà báo, học giả  Tạ Quang Đạm nói rằng người thầy đầu tiên của ông chính là mẹ ông. Trong bài viết xúc động về mẹ mà ông Tạ Quang Ngọc gửi cho tôi qua mail có đoạn: "Mới bốn năm tuổi, tôi đã theo mẹ đến lớp. Gọi là lớp, nhưng hôm nay ở đình này, mai ở phủ nọ, mốt lại ở nhà một người dân nào đó tận rìa làng, có khi chỉ là một rặng tre bên bờ ao, có lúc ban ngày, nhưng chủ yếu là ban đêm với cái bàn xếp và ngọn đèn dầu le lói, tôi nhìn mẹ tôi say sưa giảng bài bên tấm bảng đen …".

Ông Tạ Quang Ngọc kể lại việc mình ôn thi để đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài đã được bố mẹ quan tâm, chăm sóc thật cảm động qua bài viết về người bố thân yêu của mình: "Năm đó, tôi tập trung ôn thi nghiên cứu sinh. Thời gian này, tôi về Hà Nội sống chung với cha mẹ, cơm nước mẹ lo, tôi chỉ việc tập trung vào học. Tôi ở thư viện đến 11 giờ đêm, đến khi thư viện đóng cửa mới ra về. Tận khuya, bước vào nhà, tôi thấy cái màn đơn mầu xanh chàm cha tôi mắc sẵn cho tôi. Mấy tháng trời, đêm nào cũng vậy. Cha tôi là thế, kín đáo và ân cần. Điều đó luôn nhắc nhở tôi học sao cho không phụ lòng cha mẹ …".

Học giả, nhà báo Quang Đạm có ba người con - đúng ra là bốn người, nhưng một người đã mất khi chưa đầy ba tuổi. Tạ Thị Lam sinh năm 1939 mất năm 1983 là một kỹ sư hóa học tốt nghiệp ở Đức, làm việc ở nhà máy cao su Sao Vàng, là một trí thức, một chuyên gia có uy tín, có nhiều đóng góp cho nghành công nghiệp hóa chất nước ta thủa ban đầu. Tạ Quang Ngọc sinh năm 1944, cựu Bộ trưởng Bộ Thủy sản và kỹ sư chế tạo máy. Tạ Thị Điền sinh năm 1947, tốt nghiệp Đại học Bách khoa.

Trong một bài viết về cố học giả, nhà báo Quang Đạm mà tôi đã đọc trên một tờ báo mạng, tác giả cho rằng truyền thống "Phụ giáo tử đăng khoa" có nghĩa rộng hơn là "Cha dạy con để thành đạt". Riêng tôi,  qua câu chuyện với ông Tạ Quang Ngọc, tôi hiểu dòng họ Tạ Quang luôn lấy sự học làm đầu, quan tâm, chăm sóc, tạo mọi điều kiện cho con cháu học hành đỗ đạt, học để hiểu biết, để làm người có nhân, có nghĩa, có thủy có chung, có trước có sau, làm người sống có ích, chứ không phải học chỉ để ra làm quan.

Tôi đọc bài viết "Cha tôi, Tạ Quang Đệ" của kỹ sư Tạ Thị Điền trong cuốn sách "Quang Đạm, nhà báo, học giả" do nhà xuất bản Lao Động ấn hành, thật xúc động với rất nhiều kỷ niệm của người cha, người mẹ đã dạy dỗ những người con trưởng thành. Bài học chân thực về người bố suốt cuộc đời luôn đấu tranh với bản thân mình để trưởng thành, để làm một con người có ích, được kỹ sư Tạ Thị Điền ghi lại: "Cố gắng nâng cao tính kỷ luật và trau dồi phẩm chất con người trong sinh hoạt, hàng ngày cậu (bố) đã tự đấu tranh gay gắt với mình để không cho tính kiêu ngạo hoặc tính bi quan trỗi dậy …".

Phải yêu thương, tin tưởng ở các con thế nào, người bố mới tâm sự với con lần cuối những điều gan ruột: "Nếu gọi là may mắn, thì may mắn nhất đời cậu (bố) là có được mợ (mẹ) con. Đối với cậu, mợ con không chỉ là vợ mà còn là một ân nhân vì sự tận tình chăm sóc của mợ con với hai người mẹ mù lòa - bà nội và bà ngoại - suốt 10 năm vắng cậu. Mợ con, người bạn đời chung thủy, người bạn tâm tình cùng chia sẻ vui buồn, chăm lo động viên cậu cả cuộc đời. Mợ con, người phụ nữ dịu hiền và có đặc điểm khác biệt mà ít người phụ nữ khác có được là đức tính hy sinh, không toan tính một điều gì cho riêng mình, tất cả vì người khác, vì gia đình, vì chồng con. Mợ con xứng đáng với những lời ngợi khen của mọi người".

Trò chuyện với tôi tại nhà riêng, ông Tạ Quang Ngọc nói rằng: "Tôi luôn lấy mẹ tôi làm chân lý cuộc sống". Nhiều bài viết của những học trò nổi tiếng về cô giáo Nguyễn Thị Sâm, vợ cố nhà báo Quang Đạm, mẹ của cựu Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc đều thống nhất một điều: đó là một cô giáo thông minh, sâu sắc, hiểu nhiều, biết rộng, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Hán và rất tận tâm với học trò.

Cố nhà báo, học giả Tạ Quang Đạm tên thật là Tạ Quang Đệ, sinh năm 1913 tại Huế nhưng quê gốc ở Nam Đàn, Nghệ An, trong một gia đình nho học. Bố ông là Tạ Quang Diệm, đậu cử nhân, từng làm giáo thụ phủ Tam Kỳ, Quảng Nam. Anh ruột ông là Tạ Quang Bửu, một nhà khoa học nổi tiếng, từng là Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp. Thám hoa Nguyễn Đức Đạt - thường gọi là thám nhất - dưới triều Tự Đức sinh ra Nguyễn Đức Giản là ông ngoại của cố nhà báo Quang Đạm.

"Mẹ tôi kết hôn với bố tôi là Tạ Quang Diệm. Sinh thời, bà là người giỏi chữ Hán, đồng thời cũng là một nữ sỹ khá nổi tiếng trên văn đàn bấy giờ với bút danh là Sầm Phố" (Trích bài "Một cuộc đời làm báo" của cố nhà báo Tạ Quang Đạm).

Năm 1926, sau khi học xong bậc tiểu học, vì nhà nghèo, nên gia đình cho chàng thanh niên Tạ Quang Đệ thôi học ở trường và gửi nhờ cụ Phan Bội Châu dạy dỗ. "Cụ Phan Bội Châu rất kính trọng thầy của mình là cụ Nguyễn Đức Đạt, vậy là cuộc đời xếp đặt cho tôi được ở cùng và học cụ Phan" ( trích hồi ký của cố nhà báo Quang Đạm trong "Một cuộc đời làm báo"). Tuy ở với cụ Phan hơn một năm nhưng đó là bước ngoặt trong cuộc đời của của nhà báo Quang Đạm. Ông đã học được cách tiếp cận những kiến thức uyên thâm, học được ý chí và lòng yêu nước cháy bỏng của nhà chí sỹ cách mạng Phan Bội Châu.

Khi cụ Hà Văn Đại về làm Tổng đốc Thanh Hóa, biết Tạ Quang Đệ là người hiểu nhiều, biết rộng và sống thanh liêm nên đã chọn Tạ Quang Đệ làm thừa phái rồi tri phủ Hà Trung (mấy tháng trước năm 1945). Từ đó Tạ Quang Đệ tiếp xúc với cụ Đặng Thai Mai và những trí thức tiến bộ đã dẫn dắt ông đến với cách mạng.

Tháng 9/1945, cố nhà báo Quang Đạm (Tạ Quang Đệ) được Đại tướng Võ Nguyên Giáp điều về Bộ Tổng Tham mưu làm Bí thư trưởng Cục Thông tin trực tiếp xây dựng phòng mật mã. Ông được coi là một trong những người sáng lập ra ngành mật mã Việt Nam, nên năm 2001 ông được  tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học, công nghệ.

Nhà báo lão thành Hoàng Tùng gọi học giả Quang Đạm là  cuốn "từ điển sống". Cả cuộc đời nhà báo, học giả Quang Đạm qua những bài viết của ông và những bài viết về ông mà tôi đã đọc là cuộc đời của người trí thức chân chính, một học giả hiểu nhiều, biết rộng, một nhà báo uyên bác, một người cha luôn quan tâm, dạy dỗ các con mình theo truyền thống gia đình "Phụ giáo tử đăng khoa".

Dương Kỳ Anh
.
.