Từ chuyên án TX 86 đến phim “Những kẻ giấu mặt”

Thứ Sáu, 13/05/2005, 08:31
Thông qua ngôn ngữ điện ảnh, các nhà làm phim đã xây dựng những nhân vật điển hình, những tình huống nghiệp vụ ly kỳ nhằm ca ngợi những chiến sĩ công an đã điều tra khám phá thành công một vụ án khá đặc biệt.

Tháng 4/2001, bộ phim truyền hình 2 tập: “Những kẻ giấu mặt” lần đầu tiên được Đài Truyền hình Việt Nam trình chiếu trên kênh VTV3. Tháng 7/2002, nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống của lực lượng CSND (20/7), Điện ảnh chiều thứ 7 lại chọn phim “Những kẻ giấu mặt” để phát sóng. Bộ phim “Những kẻ giấu mặt” được các nhà làm phim khai thác từ hồn cốt của “Chuyên án TX86”.

Vụ án xảy ra vào đêm hè năm 1986 tại thị xã Bắc Giang. Vào lúc 21h, có hai kẻ đội mũ che kín mặt, đi xe máy phân khối lớn đến ném lựu đạn vào nhà đồng chí M., lãnh đạo tỉnh Hà Bắc (bao gồm hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hiện nay).

Nhà của đồng chí M. nằm cạnh con đường nhỏ phía ngoài thị xã. Đêm hè nào cũng vậy, đúng 21h, đồng chí M. thường có thói quen tắm nước giếng khơi ở sân nhỏ sau nhà. Quả lựu đạn rơi đúng cái sân bên giếng, phát nổ đúng vào thời điểm đồng chí M. thường tắm.

Tuy nhiên, bọn tội phạm không ngờ được rằng, đêm ấy trên vô tuyến truyền hình có một trận bóng quốc tế hấp dẫn, đồng chí M. đã nán lại cơ quan chừng một giờ xem cùng anh em nên vô sự. Sức công phá của quả lựu đạn chỉ làm vỡ một bức tường nhà tắm, sạt một mảng thành giếng, phá hủy một vài vật dụng rẻ tiền, nhưng vào thời điểm đó tiếng nổ đã trở thành “tiếng bom” dư luận ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong cả nước.

Các diễn viên tham gia đóng phim "Kẻ dấu mặt".

Chuyên án TX 86 đã được xác lập và các điều tra viên dày dạn kinh nghiệm của Công an tỉnh Hà Bắc (cũ) đã vào cuộc với hai  câu hỏi chính cần phải giải đáp: Kẻ gây án là ai và chúng muốn sát hại một đồng chí lãnh đạo đang có năng lực và uy tín nhằm mục đích gì?

Bằng cuộc điều tra gần 200 ngày, với hàng loạt biện pháp nghiệp vụ công an, Chuyên án TX 86 đã kết thúc thắng lợi một cách trọn vẹn. Hai kẻ chủ mưu và tất cả những tên tội phạm liên quan đến vụ án lần lượt sa lưới pháp luật, phải ra trước vành móng ngựa nhận hình phạt thích đáng.

…Kẻ chủ mưu chính gây ra vụ nổ là giám đốc một công ty ngoại thương đã tha hóa, biến chất. Vị giám đốc này đã cố gắng đánh bóng tên tuổi mình bằng việc mời một số nhà báo về viết bài ca ngợi hay dùng mọi thủ đoạn che chắn mỗi khi bị thanh tra, kiểm tra.

Đã có hai đoàn thanh tra đến công ty ngoại thương này, nhưng sau vài tuần làm việc trở về, đoàn nào cũng trình lên cấp trên một bản báo cáo chung chung, thậm chí còn có những đánh giá ca ngợi sự năng động và làm ăn có hiệu quả của vị giám đốc và công ty của ông ta.

Tuy nhiên, dựa vào nhiều nguồn thông tin khác, lãnh đạo tỉnh Hà Bắc (cũ) đã nắm được thực chất hoạt động kinh doanh đang thua lỗ của công ty cùng những thủ đoạn của vị giám đốc chuyên moi tài sản của nhà nước, bòn rút tiền của nhân dân làm giàu cho bản thân và ăn chơi sa đọa. Với cương vị của mình, đồng chí M. quyết định thành lập một đoàn thanh tra mới.

Lo sợ trước thái độ kiên quyết của lãnh đạo tỉnh, vị giám đốc tham nhũng đã vạch ra một âm mưu sát hại đồng chí M.

Kẻ chủ mưu đã tính toán rất kỹ, từ việc thuê người tìm hiểu thói quen sinh hoạt hàng ngày của đồng chí M. đến việc thuê người mua lựu đạn, thuê người ném lựu đạn… Các nhóm thủ ác này hoạt động hoàn toàn độc lập, không hề biết mục tiêu chúng gây tội ác là nhà ai và cũng không hề biết kẻ chủ mưu ở đâu, làm gì...

Nhưng “vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”, thủ đoạn của bọn tội phạm càng tinh vi thì đòi hỏi những người phá án càng phải tài giỏi và mưu trí. Ngay sau khi kết thúc chuyên án, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Bắc (cũ) đã tiến hành tổng kết và cho phép một số nhà báo được tiếp xúc với bản kết luận điều tra, gặp gỡ một số điều tra viên để viết bài tuyên truyền chiến công xuất sắc của những cán bộ, chiến sĩ công an đã tham gia Chuyên án TX 86.--PageBreak--

Tôi là một trong số những nhà báo được Ban biên tập báo CAND cử đi tìm hiểu tài liệu viết Chuyên án này. Sau khi kết thúc phóng sự 3 kỳ trên báo “CAND” với nhan đề “Vết trượt tội ác”, tôi đã mở rộng phạm vi đề tài thành một truyện dài in trong  tập sách “Bức điện của người đã chết” do Nhà xuất bản Lao động ấn hành vào năm 1988.

Mười hai năm sau, Đạo diễn Lê Đức Tiến (thời điểm ấy đang làm việc ở Hãng phim Truyện Việt Nam) gợi ý xây dựng một phim truyền hình về đề tài bảo vệ An ninh Tổ quốc cho chương trình: “Điện ảnh chiều thứ bảy”, tôi lại chọn các tình tiết từ Chuyên án TX 86 để viết kịch bản văn học với tựa đề “Những kẻ giấu mặt”.

Tuy nhiên, từ một câu chuyện phá án đến một bộ phim truyện là một khoảng cách khá lớn. Ban chuyên án có cả một tập thể lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm và hàng chục trinh sát tài giỏi tham gia, nhưng trong phim chúng tôi chỉ có thể xây dựng thành bốn nhân vật điển hình.

Đó là Thượng tá Phan Hồng, một vị chỉ huy Ban chuyên án tính tình điềm đạm, giàu tình cảm trong cuộc sống thường nhật nhưng lại mưu trí và quyết đoán trong khi điều hành công việc.

Đó là Hồng Phong, Xuân Đức, Linh Mỹ - bộ ba trinh sát trẻ, dũng cảm và mưu trí, những người đã phải tốn rất nhiều công sức để lần tìm nguồn gốc quả lựu đạn “tang vật” khi trong tay của họ chỉ có vỏn vẹn một mảnh giấy ghi số hiệu trên chiếc mỏ vịt thu lượm được ở hiện trường. Bộ ba trinh sát ấy cũng là hình ảnh của các điều tra viên đã tìm mọi cách tiếp cận, cảm hóa một số đối tượng để thu thập chứng cứ liên quan đến hành vi tội lỗi và lối sống sa đọa của kẻ chủ mưu còn đang giấu mặt.

Bộ phim cuốn hút người xem bằng khá nhiều tình tiết ly kỳ, đặc biệt là những cảnh cuối khi kẻ giấu mặt thứ hai bất ngờ bị lôi ra trước ánh sáng pháp luật. Đó là Vũ Đà, một nhân vật trong phim được hư cấu từ một can phạm có thật trong vụ án. Vị cán bộ này từng có mặt trong nhiều cuộc họp quan trọng của tỉnh Hà Bắc bàn về công tác đấu tranh chống tiêu cực trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng vì tình cảm riêng tư, vì ham vun vén lợi ích cá nhân, ông ta đã trở thành kẻ tiếp tay, thậm chí là đồng mưu với những hành vi tội lỗi của bọn tham nhũng.

Trong lịch sử 60 năm xây dựng trưởng thành của lực lượng CAND, nhiều chiến công phá án như vậy của các cán bộ, chiến sĩ đã được các nhà văn, các nhà điện ảnh xây dựng thành các tác phẩm nghệ thuật. Những tác phẩm này đều đã thành công ở từng khía cạnh

.
.