Từ Hy Thái hậu, hoang dâm, độc ác và… tài sắc

Thứ Năm, 28/12/2006, 15:00
Thật khó có thể đếm hết các cuốn sách viết về các nữ nhân Trung Quốc, cũng khó có thể thống kê hết các sách viết về Từ Hy Thái hậu (Na Nạp Thị)- người đàn bà tài sắc, chuyên quyền, hoang dâm, độc ác. Bà cùng với Võ Tắc Thiên trở thành hai nữ nhân nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Cuộc đời của Từ Hy Thái hậu gắn liền với triều đại Mãn Thanh- triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Hoa đang trong giai đọan suy tàn và khủng hoảng tột độ. Từ một mỹ nữ trong dân dã được chọn vào cung làm quý nhân, rồi từ địa vị  quý phi nhảy lên ngôi thái hậu, thâu tóm quyền lực, gây bao tội ác.

Từ Hy Thái hậu là mẹ của hoàng đế Đồng Trị, dì (thực chất cũng là mẹ) của hoàng đế Quang Tự, thực hiện cái gọi là “buông rèm nghe chính sự” trong suốt 48 năm - 48 năm tai ương, khủng khiếp nhất của lịch sử chế độ phong kiến Trung Hoa.

Rượu bát trân làm vua Hàm Phong say đắm

Các sách đều chép về việc người con gái Mãn Châu, họ Na Nạp thị, tên tự Ngọc Lan, 16 tuổi được tuyển vào cung, nhanh chóng vượt qua mấy trăm cung nữ, sớm được nhìn thấy mặt “rồng”, nhận trọng trách sinh quý tử nối dõi ngai vàng.

Theo thông lệ từ đời Hán, tất cả con gái từ 13 đến 16 tuổi chưa chồng, tính cách dịu dàng, đoan trang, hiếu lễ nghĩa, có tài, có sắc đều phải dự tuyển để chọn vào cung. Nhà nào có con gái đẹp mà giấu không dự tuyển sẽ bị trừng phạt nặng.

Ngọc Lan được tuyển vào cung khi triều đình Mãn Thanh đã lún sâu vào khủng hoảng, thối nát, vua quan ăn chơi sa đọa, xao lãng việc triều chính. Hoàng đế Hàm Phong lúc đó mới 20 tuổi, đã lập hoàng hậu và có tới ba ngàn cung nữ.

Nhưng từng ấy cũng chưa đủ để nhà vua vừa ý nên mới có chuyện hoàng đế giao du với cả gái điếm (do một cận thần dạy học cho thái tử đem vào cung), để đến nỗi mắc bệnh hoa liễu. Những người phụ nữ được ân ái với hoàng đế đều không thể sinh con, hoặc nếu có sinh được thì hài nhi cũng không sống nổi trăm ngày.

Đó chính là bi kịch của hoàng đế và cũng là bi kịch của đất nước. Vì vậy, mục đích của cuộc tuyển cung nữ lần này là chọn được người có khả năng sinh thái tử.

Sách “Tình sử Từ Hy Thái hậu” của Đàm Lâm viết rằng: Do giao du với gái điếm, vua Hàm Phong mắc bệnh hoa liễu, toàn thân mọc mụn, nhưng quan ngự y chỉ dám nói vua mắc bệnh ghẻ lở.

Tuy vậy, khi Ngọc Lan được tuyển vào cung, nhà vua cũng được ngự y dâng rượu mới: Rượu xuân bát trân. Rượu bát trân gồm nhân sâm, câu kỷ, ngũ vị tử, hoàng kỳ, kim hoa xã, tắc kè, chân gấu, nhung hươu, ngâm trong  tiết hươu.

Chính nhờ loại rượu này đã làm vua Hàm Phong mê đắm Ngọc Lan ngay từ lần đầu thấy mặt và hết mực sủng ái nàng. Trong mắt nhà vua trẻ tuổi này, Ngọc Lan là người tài sắc vẹn toàn. “Ngũ quan của nàng không một chỗ nào chê được. Đặc biệt là làn da của nàng, trong cái trắng có hồng, trong hồng có phấn, nước da như phát sáng.

Màu da càng làm tăng thêm vẻ đẹp của nàng, khiến nàng đẹp khác thường. Tuy khuôn mặt nàng có nét buồn, nhưng nét buồn đó lại như bù đắp cho nàng cái gì đó chưa đầy đủ...

Hai bím tóc đen lánh, vầng trán trắng ngần, mắt như sóng thu, môi hồng như hoa anh đào, hai má như hoa phù dung...”. Vì vậy, lần đầu gặp tại phật điện trong cung, hoàng đế đã thực sự bị Lan Nhi bắt mất hồn, và hai người đã thực sự hòa quyện. Ngọc Lan đã thỏa nguyện ước bấy lâu: được thấy mặt rồng và có cơ hội thực hiện những kế hoạch của riêng mình.

Bất chấp luân thường với mộng ước tiếm ngôi

Ngay từ lần đầu được vua ban ân và sủng ái, Ngọc Lan đã đặt ngay kế hoạch chiếm đọat quyền lực trong cung. Nàng đã lợi dụng hoàng đế ban cho mình địa vị và quyền uy ngay trong các cuộc “mây mưa”. Lần đầu ân ái, nhà vua cao hứng phong cho nàng là quý nhân, lần thứ hai là quý phi, lần tiếp theo là Quý phi...

Nhiều sách chép rằng, chính trong lần thứ hai ân ái với người đẹp, vua đã ban: “Ngày hai tháng bảy mùa hạ năm Nhâm Tý, vua phong Diệp Hách Na La thị Ngọc Lan làm Lan quý nhân. Rồi lấy con triện luôn đem theo bên mình đóng lên dòng chữ vừa viết: “Dưỡng Tâm trai ngự bút chí bảo giám”.

Rồi cũng theo lời thỉnh cầu của nàng, nhà vua lập tức đưa nàng vào cung. Đối với vua Hàm Phong, Lan Nhi như một món quà lạ. Đã chán ngấy các cung tần được trang điểm kỹ lưỡng, vàng bạc châu báu khoác đầy người, người con gái khỏe mạnh chốn dân dã, lại có khiếu thi ca đã chiếm lĩnh vị trí tối cao trong trái tim của hoàng thượng trong nhiều năm.

Khi đạt được một số nấc thang danh vọng, gánh nặng của hoàng tộc đặt lên vai Lan Nhi là phải sinh quý tử nối ngôi. Và Lan Nhi đã làm được điều ấy. Tuy nhiên, sự thực về chuyện này đã được chép trong “Tình sử Từ Hy Thái hậu” như sau: trước khi vào cung, Lan Nhi đã yêu một người và nặng lòng với người ấy.

Khi được làm quý phi, Lan Nhi đã bố trí cho người này vào cung gặp mặt và 2 người đã chìm đắm trong hoan thú, rồi thề với nhau rằng, nếu sinh con trai sẽ đặt tên là Đồng Trị”.

Trong dã sử còn truyền rằng, ngoài Đồng Trị, Từ Hy còn là người sinh ra Quang Tự, người kế tiếp Đồng trị ngồi vào ngai vàng của triều Mãn Thanh sau khi Đồng Trị đoản thọ. Sách “20 nữ nhân Trung Quốc” chép rằng: ‘Tây thái Hậu rất thích một món ăn do “Kim hoa phạm diếm” cung cấp.

Quán này có một người làm công trẻ tuổi, đẹp trai họ Sử. Sử làm quen với Lý Liên Anh (một đại thái giám thân cận của Từ Hy Thái hậu) và được Lý bí mật dẫn vào nội cung chơi.

Có lần Sử theo Lý Liên Anh tới cửa Cảnh Hòa thì gặp Tây Thái hậu. Thấy người đàn ông đẹp, cường tráng bà ta liền cho giữ gã họ Sở ở lại cung để hầu hạ. ít lâu sau bà sinh ra một đứa con trai giống Sử như đúc.

Đứa bé lập tức được chuyển tới nhà Thuần Vương để nuôi nấng (vợ của Thuần Vương là em gái của Tây Thái hậu). Còn bố của đứa trẻ, người đàn ông họ Sử thì bị bí mật thủ tiêu ngay sau khi đứa trẻ mới chào đời”.

Vốn là người đàn bà ham mê nhục dục, góa bụa khi tuổi còn rất trẻ, lại sẵn có nhiều quyền lực trong tay, Từ Hy không cần giấu giếm chuyện chung đụng với đàn ông, không kể tới dạnh phận sang hèn, chỉ cần được “no say” nỗi khát thèm về thể xác.

Ngay khi vua Hàm Phong còn sống, Ngọc Lan đã lén lút đi lại với người tình thuở còn ở quê hương rồi có con với người đó, lại bày đặt màn kịch hết sức khéo léo để vua Hàm Phong lầm tưởng con mình.

Rồi khi Hàm Phong chết, bà ta đã không ngần ngại giao du với đủ loại người, từ quan thái giám trong cung, đến đầu bếp, kép hát.... Nhưng ghê tởm nhất là chuyện bà có quan hệ gần gũi quá mức với hai đại thái giám trong cung : An Đức Hải và Lý Liên Anh.

Nói chung phần lớn bọn quan hoạn trong cung nhà Thanh cũng thích “chung đụng” với phụ nữ một cách bệnh hoạn. Tuy đã “khứ thể” (cắt mất của quý) nhưng bọn này vẫn ngấm ngầm lấy vợ hoặc lén lút làm tình với các cung nữ của nhà vua.

Chúng tìm cách thỏa mãn dục vọng bằng cách thức quái đản, dày vò thân xác người đàn bà bằng tay và bằng lưỡi. Nhiều người không chịu nổi sự nhục nhã đã tìm đến cái chết... Hầu hết những cung nữ gắn bó với quan giám thường có số phận thê thảm. Và điều đặc biệt là nhiều quan giám triều Thanh cũng bị mắc bệnh hoa liễu như bề trên của chúng,

Từ Hy Thái hậu- nữ hoàng không ngai gây nhiều tội ác nhất trong lịch sử  triều Mãn Thanh

Sau khi vua Hàm Phong chết, Đồng Trị lên ngôi khi còn nhỏ tuổi, bà ta đã buông rèm nhiếp chính suốt 48 năm ròng. Bà đã không ngại ngần bày ra nhiều quỷ kế nhằm tiêu diệt những người không cùng phe cánh. Không ít người đã chết thảm bởi tay Từ Hy Thái hậu. Rất nhiều sách chép rằng chính Từ Hy Thái hậu là người đã ép vua Quang Tự cùng ái phi là Trân Phi đến chỗ chết.

Có chuyện, một lần chơi cờ, một viên thái giám lỡ lời “Nô tỳ giết con mã của lão phật gia rồi”, Từ Hy liền nổi giận mà truyền: “Ta sẽ giết chết cả nhà nhà ngươi”. Và ngay sau đó ra lệnh đánh viên thái giám đó cho đến chết.

Song tội ác lớn nhất của Từ Hy Thái hậu là đã làm mất chủ quyền dân tộc, làm cho Trung Quốc trở thành xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến. Trong suốt 48 năm Từ Hy Thái hậu thâu tóm quyền lực trong tay, triều đình nhà Thanh đã ký với các nước đế quốc một số điều ước, hiệp ước ghi nhận sự mất chủ quyền dân tộc của Trung Quốc.

Lần lượt triều đình đã ký các hòa ước với Nga, Anh, Pháp, Nhật, Đức, ý, áo... Điển hình là Điều ước Mã quan ký với Nhật Bản, Điều ước Tân Sửu ký với liên quân 8 nước đế quốc. Các điều ước này thừa nhận Trung Quốc phải cắt đất và bồi thường chiến phí rất nặng.

Riêng điều ước Mã quan, Trung Quốc mất Đài Loan, Liêu Đông, Bành Hồ, chiến phí hai vạn lạng bạc (bằng thu nhập của triều đình Mãn Thanh trong ba năm). Từ Hy Thái hậu cũng là người đã bóp chết biến pháp của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, 1 biến pháp có khả năng đưa Trung Quốc thoát khỏi nguy cơ rơi vào vòng lệ thuộc của các nước đế quốc phương Tây.

Trong sách 20 nữ nhân Trung Quốc tổng kết cuộc đời bà hoàng hậu không ngai này bằng mấy dòng sau: “Từ sau chính biến Tân Dậu đoạt lấy chính quyền, 2 lần buông rèm nghe chính sự, một lần giáo huấn chính sự, lập qua ba hoàng đế nhỏ (hoàng đế Đồng Trị, hoàng đế Quang Tự, hoàng đế Phổ Nghi- ba vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Hoa), thao túng chính quyền đời Thanh gần nửa thế kỷ.

Trong thời gian bà nắm quyền, đối nội chuyên chế, tàn bạo, đối ngoại khuất phục, bán nước, khiến dân tộc Trung Hoa nhiều lần nguy vong bờ cõi và bà trở thành người có tội lớn với dân tộc”...

Mai Thuận Châu
.
.