Truyền nhân đắc ý của đệ nhất danh ca Út Trà Ôn

Thứ Năm, 05/04/2018, 09:35
Vì thần tượng tài năng cố NSND Út Trà Ôn nên rất nhiều nam nghệ sĩ cải lương đã bắt chước kỹ thuật ca ngâm và phong cách diễn xuất của "Đệ nhất danh ca" khi thể hiện bản vọng cổ độc chiếc cũng như trong các vở tuồng. Nhiều nghệ sĩ thành công, nhưng để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người ái mộ và được xếp vào hàng danh ca phải kể đến NSƯT Phương Quang của đất Dĩ An - Bình Dương. 


Thời Tô Văn Quang (tên thật của NSƯT Phương Quang) còn trai trẻ thì tên tuổi của NSND Út Trà Ôn đã lừng lẫy khắp miền Nam. Tô Quang Văn thường sưu tầm những băng, đĩa của thần tượng Út Trà Ôn để học ca theo. Thời ấy, nhờ chất giọng và bộ nhịp rất giống "vua vọng cổ" nên chàng trai quê Dĩ An được nhiều đội, nhóm Đờn ca Tài tử ở địa phương rủ đi đờn ca nhân dịp lễ, Tết, cưới hỏi...

Năm 1960, khi vừa tròn 18 tuổi, Tô Văn Quang xuống Phú Nhuận (Sài Gòn) tìm đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Còn (còn gọi là Ba Còn, cha đẻ dây đờn Ngân Giang, cũng là người Dĩ An) xin làm đệ tử.  Nhận thấy chất giọng và làn hơi của Tô Văn Quang có nét giống "vua vọng cổ" Út Trà Ôn, thầy đờn Ba Còn đã chăm chút và hết lòng truyền dạy về nhịp nhàng, về kỹ năng thể hiện những làn điệu cổ nhạc Nam Bộ cho Tô Văn Quang.

Năm 1962, khi biết tin đoàn hát Kinh Thành của bà bầu Nhuần (chủ tiệm vàng ở Hòa Hưng - Sài Gòn) tuyển diễn viên, Tô Văn Quang đăng ký dự thi và trúng tuyển. Đêm Noel 1962, đoàn hát Kinh Thành khai trương vở tuồng "Cánh nhạn phương trời" và Tô Văn Quang xuất hiện trên sàn diễn với vai An Phong. Đây là vở diễn đầu tiên của chàng nghệ sĩ sinh năm 1942 với nghệ danh Phương Quang.

Chân dung NSƯT Phương Quang.

Lúc bấy giờ, phát hiện chất giọng của Phương Quang gần giống với làn hơi của mình, NSND Út Trà Ôn (chủ gánh hát Thống Nhất) thâu nhận kép trẻ Phương Quang về cộng tác với ý định khai thác lối ca vọng cổ chân phương của chàng nghệ sĩ gốc Dĩ An.

Mặc dù có rất nhiều lời khen ngợi từ báo giới và người ái mộ dành cho NSƯT Phương Quang khi được NSND Út Trà Ôn chú ý lăng xê, nhưng khi nghe bà bầu Kim Chưởng hứa sẽ chỉ dạy cho Phương Quang biết diễn xuất trên sân khấu (chớ không phải chỉ ca vọng cổ như ở đoàn Thống Nhất), thế là NSƯT Phương Quang quyết định về cộng tác với sân khấu đại bang Kim Chưởng từ cuối năm 1964.

Dưới bàn tay đào luyện của nghệ sĩ lão thành Kim Chưởng, NSƯT Phương Quang được học nghề hát một cách bài bản và nghiêm túc. Chỉ sau 2 năm trau dồi nghiệp diễn, Phương Quang chẳng những được giới báo chí và công chúng tán thưởng tài nghệ qua các vở tuồng: "Hai chiều ly biệt", "Song long thần chưởng", "Huyết phiến lôi phong", "Mặt trời đêm", "Người nhạn trắng", "Ảo ảnh Châu Bích Lệ", "Sương gió biệt vương cung"…; mà còn vinh dự được Ban Tổ chức giải thưởng Thanh Tâm (do nhà báo Trần Tấn Quốc sáng lập năm 1957 - 1958) trao Huy chương Vàng với vai Kỳ Thanh Lang trong vở "Tình nào cho em" năm 1966 cùng nghệ sĩ (NS) Phượng Liên. Đây là giải thưởng đầu tiên, dấu son chói lọi trong sự nghiệp nghệ thuật của NSƯT Phương Quang.

Thời điểm đáng nhớ trong quảng đời làm kép hát của NSƯT Phương Quang đó là những năm sau ngày đất nước thống nhất, khi ông về Đoàn Tiếng hát Long Xuyên của bà bầu Kim Chưởng cộng tác. Tại sân khấu này, ông có hàng chục vai chánh cùng với NS Minh Trung và NS Kiều Minh Trang, tạo thành bộ ba rất ăn khách, nổi đình nổi đám trong các vở diễn của đoàn. Sau đó, ông về cộng tác với đoàn Cải lương Sài Gòn 2, cùng NSƯT Thanh Tuấn tạo thành cặp kép hát ăn khách trong vở "Lỡ bước sang ngang" của bộ đôi soạn giả Thu An - Hoàng Khâm.

Năm 1983, NSƯT Phương Quang về Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang góp mặt trong các vở: "Hòn đảo thần vệ nữ", "Tình yêu và lời đáp",... bên cạnh những nghệ sĩ tài năng của sân khấu cải lương như: NSND Út Trà Ôn, NSƯT Minh Phụng, NSƯT Minh Vương, NSND Lệ Thủy, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Sang, NS Út Hiền, NS Minh Cảnh...

Giai đoạn này, vai diễn được xem là đỉnh cao và "để đời" của NSƯT Phương Quang là vai Vua Riêm cùng với NSƯT Thanh Vy vai Xê Đa trong vở "Nàng Xê Đa", kịch bản của Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, soạn giả Thể Hà Vân chuyển thể cải lương, do cố NSƯT Đoàn Bá làm đạo diễn dàn dựng. Hình tượng về nhân vật vua Riêm - Phương Quang, nàng Xê Đa - Thanh Vy đã sáng chói trong giai đoạn này và mãi đến hôm nay vẫn được mọi người nhắc đến.

NSƯT Phương Quang và Thanh Vy.

Tuy trời phú cho NSƯT Phương Quang có làn hơi trầm ấm, kỹ thuật luyến láy, ca ngâm điêu luyện và có nét hao hao giống "vua vọng cổ" Út Trà Ôn; thế nhưng, NSƯT Phương Quang không hề bắt chước mà trái lại ông luôn tìm tòi, sáng tạo khi nghĩ ra cách ca cho riêng mình. Khi ca, những chỗ dứt "xề", xuống "hò" của ông khác với NSND Út Trà Ôn.

Đặc biệt, với những ca từ có dấu sắc và dấu hỏi, NSƯT Phương Quang nhấn nhá có phần trẻ trung hơn "Đệ nhất danh ca". NSƯT Phương Quang ca bằng sự rung cảm bởi tâm hồn và trái tim của một nghệ sĩ dân tộc.

Tùy theo từng hoàn cảnh, tính cách nhân vật, nội dung của bài hát và tùy theo ý nghĩa của câu văn; ông hành văn, sắp nhịp, ngắt hơi, nhả chữ khá tinh tế, độc đáo. Nhờ vậy mà dễ dàng thuyết phục và gieo vào lòng người nghe nhiều cung bậc cảm xúc, góp phần chắp cánh cho những tác phẩm cổ nhạc bay cao, bay xa trên bầu trời nghệ thuật.Từ khi "vua vọng cổ" Út Trà Ôn qua đời, nhắc đến các bài ca: "Tình anh bán chiếu", "Ông lão chèo đò", "Đài hoa dâng Bác", "Gánh nước đêm trăng"… người ái mộ nhớ đến giọng ca của NSƯT Phương Quang. Bởi lẽ, NSƯT Phương Quang thừa hưởng làn hơi và bộ nhịp đạt đến độ "điêu luyện", gần giống với NSND Út Trà Ôn.

Từ ngày sân khấu cải lương lâm cảnh chợ chiều, NSƯT Phương Quang ít xuất hiện trên sàn diễn. Thi thoảng, ông đi ca "show" ở một vài tụ điểm văn hóa, tham gia chương trình truyền hình, hoặc đôi lúc ngồi ghế Ban Giám khảo ở các cuộc thi dành cho sân khấu cải lương.

Những năm gần đây, do tuổi cao và sức khỏe có phần sa sút, NSƯT Phương Quang chính thức rời xa ánh đèn sân khấu. Mặc dầu vậy, nhưng ắt hẳn người ái mộ vẫn luôn nhớ đến ông - nhớ đến danh ca của quê hương Dĩ An (Bình Dương) - một nghệ sĩ luôn hết lòng với nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Phạm Thái Bình
.
.