Truyện cười dân gian Quảng Bình một thời đánh Mỹ

Thứ Hai, 28/12/2015, 08:00
Thời chống Mỹ cứu nước, ở Quảng Bình nói riêng, khu IV nói chung, có rất nhiều truyện cười ra đời. Chủ yếu, người ta sáng tác và truyền tụng cho nhau để mua vui, làm vơi đi nỗi nhọc nhằn khi hành quân, đêm nghỉ chân hay phút giải lao trong lao động. Về yếu tố nghệ thuật, bao giờ tiếng cười đã bật ra, câu chuyện liền dừng lại ở điểm thắt nút. Đối tượng nhân vật trong các truyện cười ấy rất đa dạng. Thái độ nhân dân cũng có nhiều cung bậc về các nhân vật của mình. Nó là một hiện tượng phôn-cờ-lo trong dân gian.

1. Phê phán thói sợ Mỹ

Bom đạn Mỹ giội xuống miền Bắc không làm lung lay ý chí của nhân dân ta quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Nhưng không thiếu người sợ chết, khiếp đảm bom đạn kẻ thù. Tiếng cười bật ra từ một số truyện sau đây khá dí dỏm, phê phán thái độ sống bạc nhược, sợ Mỹ của những đối tượng này.

Quả bầu rơi, hô vang khẩu hiệu

"Có một anh nông dân nọ, quá sợ bom đạn Mỹ nên chẳng làm việc gì cả, suốt ngày chỉ chui xuống hầm nằm. Ăn uống anh ta cũng bắt vợ con đưa cơm nước xuống đó cho mình.

Một buổi trưa nọ, nằm mãi cứng lưng, anh ta bò lên cửa hầm, vươn vai uốn éo. Tuy vậy, hai tai vẫn căng lên nghe ngóng tiếng máy bay.

Bỗng một quả bầu già đứt cuống, rớt ngay gần chỗ cửa hầm. Tưởng là bom của Mỹ đã lao từ trên trời xuống, anh nông dân nọ thần hồn nát thần tính, lao người xuống hầm. Tuy vậy, sực nhớ đến việc trước khi chết cần phải có lời trăn trối với vợ con, đồng thời tỏ rõ sự "anh hùng" của một người hy sinh nơi chiến trận, anh ta nhoi đầu lên cửa hầm mà hét vội vàng:

- Thôi, mạ mi ở lại, tao đi đây! Tao đi đây!

Rồi anh hô vang:

- Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo đế quốc Mỹ!

- Nước Việt Nam muôn năm! Muôn năm!

Người vợ từ trong nhà chạy ra, xách quả bầu lên, nói với ông ta: "Đừng hô khẩu hiệu nữa. Quả bầu đứt cuống rớt xuống chứ có phải bom đạn chi mô!".

Anh chồng xấu hổ quá, lủi ngay xuống hầm, không nói, không rằng".

Như là một cánh dù chụp xuống

Nụ cười rạng rỡ của thiếu nữ Quảng Bình đã trở thành biểu tượng của nét đẹp người phụ nữ Việt Nam trên thế giới (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

"Một sinh viên du học nước ngoài nọ khi trở về Việt Nam cũng là lúc chiến tranh phá hoại leo thang của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt trên quê hương mình. Sợ bom đạn Mỹ giết hại nhưng anh ta cũng muốn về thăm quê để khoe cho mọi người biết sự giàu có của mình. Dùng dằng và đợi thời cơ, cuối cùng anh ta cũng quyết làm một chuyến hồi hương. Theo một chuyến xe tải chở hàng từ Hà Nội vào, xuống xe, trời vừa rạng sáng, anh phải đi bộ theo đường rẽ khá xa để về làng. Hai tay xách hai va ly nặng, anh sinh viên du học nọ thần kinh căng thẳng, chân thì bước, mắt thì nhìn lên trời, hai tai căng rộng nghe ngóng để phát hiện máy bay Mỹ mà kịp lo đối phó.

Trong làng, vợ vừa chết do bom Mỹ giết hại, một bác nông dân nọ ra đồng cày ruộng phải mang theo đứa con gái độ tám tuổi để hái rau cho heo. Một lúc, người cha dừng cày, từ đầu bên kia ruộng, ông bụm tay lại hỏi lớn:

- Con ơi, con hái rau chi rứa?

Đứa con gái đứng dậy, hét thật lớn để trả lời cho cha:

- Tàu... bay! (Rau tàu bay).

Ấy cũng là lúc anh sinh viên du học về làng nọ ngang qua. Nghe tiếng "tàu... bay" từ miệng em gái, tưởng có máy bay thật, anh ta hoảng quá, vứt cả va ly, nhảy tót xuống một cái hố trú ẩn cá nhân bên đường. Phản ứng dây chuyền, có mấy bà vùng biển đi bán nước mắm ở làng trong về, thấy có người đã vứt hành lý nhảy xuống hầm, tưởng có máy bay đã bổ nhào ném bom, cũng vội vã vứt bừa quang gánh, tìm hầm cá nhân mà nhảy đại xuống. Một trong số đó có người phụ nữ quê Hà Tĩnh vào lấy chồng ở miền trong. Mà phụ nữ Hà Tĩnh lúc ấy thường mặc váy. Chị người Hà Tĩnh lúc đó hoảng quả cứ nhảy đại xuống hầm mà anh sinh viên du học nọ đang ngồi. Từ trên cao nhảy xuống, bao giờ chiếc váy cũng như... một cánh dù chụp xuống. Khó mà biết được những gì sẽ đến khi chiếc váy đàn bà chụp xuống đầu anh sinh viên về làng nọ".

2. Chế giễu, châm biếm bản chất bạc nhược của giặc lái Mỹ

Giặc lái Mỹ, kẻ gieo cái chết cho mọi người, khi ở trên trời thì đằng đằng sát khí, nhưng khi bị bắt sống, chúng là những kẻ bạc nhược, đớn hèn. Truyện cười dân gian chống Mỹ cũng đã chĩa mùi dùi xuyên tới bộ mặt của những tên sát nhân đó. "Cái rắm, dạ!" là một trong những câu chuyện có chủ đề này

"Cái rắm, dạ!"

"Bọn giặc lái Mỹ tự phong cho mình là "Ông vua nhà trời" vì muốn giết ai thì tùy ý. Thế nhưng, khi bị dân quân bắn cháy máy bay và bắt sống khi chúng nhảy dù xuống đất thì không những tung "cờ ăn xin" mà còn "run như cầy sấy" vì sợ người dân Việt Nam đánh chết.

Ở làng nọ, một giặc lái Mỹ bị bắt sau khi máy bay hắn đến gây tội ác và bị bắn rơi. Đợi ngày mai sẽ giải lên tỉnh vì trời tối, đường khó đi, tối đó hắn được giữ lại trong một nhà dân.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn kinh tế nhưng, người nhà vẫn bắt con gà đang đẻ trứng làm thịt, nấu xôi mời hắn ăn. Không biết ai đã dạy hắn mà bất kỳ việc gì, hễ ai đưa cái gì, nói cái gì, hắn cũng đều "dạ" với cử chỉ sợ sệt, run rẩy.

Sau khi ăn uống no nê, hắn được xếp ngủ ở chiếc giường rộng đầu hồi nhà. Ông cụ chủ nhà đã 70 tuổi ngủ ở phản gỗ giữa nhà, kề sát nó.

Nằm buồn ông cụ cất tiếng hỏi hắn:

- Mi quê lộ mô? (Mi quê ở đâu?)

Thằng Mỹ:

- Dạ!

- Mi có mấy eng tam? (Mi có mấy anh, em?)

- Dạ!

- Mi lấy cấy chưa? (Mi lấy vợ chưa?)

- Dạ!

Hỏi mãi nhưng ông cụ chẳng thực hiện được điều mình mong muốn. Hôm đó, đau bụng, một lúc sau, cụ đánh rắm một cái. Âm thanh phát ra to quá. Thằng giặc lái tưởng ông cụ nổi giận với hắn liền đứng dậy, chắp hai tay, cúi gập người và "dạ" khá to và vái lạy liên tục.

Cả nhà nghe hắn dạ và động tác hắn làm mà cười đến vỡ bụng".

3. Kinh nghiệm để xử thế

Trong cuộc sống, chiến đấu của quân và dân miền Bắc, biết bao tình cảm quân dân, cá nước cao quý đã diễn ra. Tuy nhiên, có trường hợp, do sự thật thà chân chất của con người (ở đây nhân vật thường là ông cụ, bà cụ) trước những sự việc, thuật ngữ... mà họ chưa một lần biết được, dẫn đến những câu chuyện xảy ra. Người ta kể lại cho nhau nghe cốt để ghi nhận nó, cũng là bài học kinh nghiệm nhắc nhở nhau trong xử thế, đặc biệt là thái độ của quân đối với dân. Mấy chuyện sau đây bao hàm ý nghĩa đó.

Xe "con" xe "mạ"

"Thời chống Mỹ, một số vùng nông thôn, vùng cao, người dân ít khi thấy ôtô. Một hôm, có một chiếc xe com-măng-ca của bộ đội đi liên hệ nơi đóng quân. Thấy xe, một cụ bà đến hỏi chú lái xe: "Xe ni là xe chi chú?". Chú lái xe lễ phép đáp: "Dạ, xe con mẹ ạ!". Nghe vậy, cụ bà chặc lưỡi: "Chà! Xe con mà đẹp như ri thì chắc xe mạ đẹp hơn nhiều chú hè!". Sau khi được nghe giải thích kỹ càng từ "xe con", bà cụ mới tươi cười: "À, té ra rứa! Nghe chú nói tui mới biết".

Bộ phận "cối" còn thiếu

Một đơn vị bộ đội hành quân qua đêm nghỉ lại một làng nhỏ. Sáng sớm, đơn vị tập trung để hành quân. Khi điểm danh quân số, đồng chí chỉ huy nói to: "Bộ phận cối còn thiếu một" (tức bộ phận súng cối còn thiếu một chiến sĩ). Nghe vậy, bà cụ ngoài 60 tuổi giàu lòng yêu thương bộ đội, vội vàng vào nhà, cố hết sức lực vần một chiếc cối giã gạo bằng gỗ ra trước hàng quân và nói: "Các chú đừng ngại, mẹ có thiếu thì mẹ đi giã gạo nhờ hàng xóm. Mẹ cho các chú đấy, các chú mang theo mà dùng để đánh giặc cho giỏi". Nghe vậy, từ chỉ huy đến chiến sĩ đều cười và cảm ơn mẹ rối rít.

Nhà "Dê" ở

Có hai chiến sĩ về liên hệ nhà dân cho đơn vị trú quân. Thấy ngôi nhà cao to, thoáng mát, trước khi ra về, hai chiến sĩ nói với nhau: "Nhà này dành cho bộ phận D ở". (D tức là ban chỉ huy tiểu đoàn). Cụ chủ nhà nghe vậy liền chạy theo nói to: "Mấy chú ơi, nhà tui mấy chú ở mấy người cũng được, làm chi cũng được, chứ đừng cho "dê" ở. "Dê" ở thì chịu chi được". Khi được giải thích, cụ chủ nhà tỏ ra phấn khởi và ôm chầm hai chú bộ đội với nét mặt hoan hỉ.

Cớ răng một chú lại ngửi mồm con gái bọ?

Trên đường hành quân vào chiến trường, một tiểu đội bộ đội xin vào nghỉ nhờ ở một nhà trong xóm. Trời tối, không đỏ lửa được (vì sợ máy bay Mỹ phát hiện có ánh sáng sẽ bay đến ném bom) họ phải ăn lương khô. Trước khi ăn, mấy chiến sĩ đưa mời người chủ nhà mấy phong nhỏ.

Tình cảm quân dân thắm thiết. Trong số bộ đội trú chân hôm đó, có một anh lính trẻ khá điển trai và lém lỉnh. Anh chàng lính trẻ này bắt được tình yêu khá nhanh với cô gái xinh đẹp con chủ nhà. Đố ai biết được đêm ấy, họ có ngủ ngon hay không và nói với nhau những điều gì

"Ngày vui ngắn chẳng tày gang". Sáng sớm, bộ đội đã lại tiếp tục hành quân. Lúc trời vừa rạng sáng, anh lính trẻ đã lại tranh thủ cơ hội, hôn vội cô gái một cái để chuẩn bị chia tay lúc cô đang đứng tựa ở cửa buồng. Hành vi lén lút đó lọt vào mắt ông cụ chủ nhà.

Trước lúc lên đường, bộ đội đến chào chủ nhà. Ông cụ không bắt tay mà giọng đượm buồn:

- Tối qua, mấy chú tặng bọ (bố) mấy phong lương khô, bọ cảm ơn! Còn con gái bọ xưa nay nó sống ngay thẳng, chẳng gian lận chi, cớ răng, lúc nãy một chú ngửi mồm con gái bọ, xem có mùi lương khô hay không. Chừ chú nói đi, con tui có ăn vụng lương khô của các chú nữa không?

Mấy anh bộ đội phá lên cười, còn cậu lính trẻ thì mặt bỗng đỏ lên như gấc.

Hải Thanh
.
.