Biên đạo múa Tuyết Minh:

Trong nghệ thuật, không có sự may mắn ngẫu nhiên

Thứ Năm, 20/09/2018, 17:23
Nhiều năm qua, nghệ sĩ Tuyết Minh liên tục để lại dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng và những người làm nghệ thuật sân khấu về những tác phẩm gắn với  xu hướng biểu diễn nghệ thuật khá mới mẻ - nhảy múa đương đại. Nhắc đến chị, khán giả yêu thích ca múa nhạc nhớ ngay đến những "Carmen", "Quan Âm Thị Kính", "Chiến thắng mùa hoa anh đào", "Tình yêu Hà Nội", "Lê ki ma đỏ"...


Mới đây, tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018, Tuyết Minh tiếp tục được ghi nhận bằng giải thưởng Biên đạo múa xuất sắc. Vở diễn "Mỵ" dàn dựng theo tác phẩm văn học nổi tiếng "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài do chị làm Tổng đạo diễn, Biên đạo múa được trao giải Chương trình ấn tượng.

Chia sẻ về vở diễn, về các chương trình của mình, nữ nghệ sĩ có duyên với nhiều giải thưởng nghệ thuật này luôn khiến người đối diện có cảm giác về một tình yêu mãnh liệt, như vô tận mà chị dành cho mỗi đứa con tinh thần của mình, cho con đường nghệ thuật mà chị đã lựa chọn và theo đuổi.

-  Chúc mừng chị và ê kíp đã có một vở diễn mới thành công. "Mỵ" là vở diễn tập trung khai thác, chuyển tải văn hóa đặc sắc của vùng núi phía Bắc lên sân khấu. Văn hóa các dân tộc vùng này đã được khai thác nhiều, không còn lạ với khán giả Thủ đô. Điều gì khiến chị và ê kíp tự tin đưa "Mỵ" về Nhà hát Lớn Hà Nội để chinh phục khán giả Hà Nội và du khách nước ngoài?

+  "Mỵ" là tác phẩm mở màn cho chuỗi chương trình nghệ thuật truyền thống đặc biệt phục vụ nhu cầu giải trí của khách du lịch nước ngoài kết hợp quảng bá văn hóa, hình ảnh, đất nước con người Việt Nam với tên gọi Nam An Show mà Tuyết Minh làm cố vấn. Đây là công việc mà mình muốn làm, khao khát được làm, được chia sẻ với đồng nghiệp và cả khán giả của mình. Đó không chỉ là khách du lịch Việt Nam mà còn là khán giả người Việt, là học sinh, sinh viên. Lâu nay, chúng ta vẫn quen với việc dốc tâm huyết, tình yêu cho mỗi tác phẩm nhưng chúng chỉ được dựng, công diễn vài buổi rồi tồn tại như một kỷ niệm đẹp về một cuộc chơi nghệ thuật. Minh quan niệm, tác phẩm dù có chất lượng nghệ thuật, được đánh giá cao về mặt chuyên môn nhưng không đến được với người xem là một sự lãng phí. Với "Mỵ" và các chương trình của Nam An Show tiếp theo thì khác.

Chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn để tiếp cận khán giả. Chúng tôi cũng sẽ không ngại đến tận từng trường giới thiệu về những cái hay, cái đẹp của chương trình, thậm chí giải thích cho các học sinh cả cách đến thưởng thức một vở diễn nghệ thuật thú vị ra sao, đến Nhà hát Lớn mùa đông thì như thế nào, mùa hè ăn mặc ra sao… Tất nhiên là chúng tôi cần có các bạn truyền thông đồng hành nữa.

Minh cũng nói thật là mình rất hãnh diện khi vừa qua, "Mỵ" tham gia Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Cao Bằng, thành công cả về chuyên môn lẫn khán giả. Tác phẩm của mình khai thác văn hóa vùng Tây Bắc mà mang lên đấy diễn, người bản địa kéo đến xem chật kín. Họ còn nói, họ vô cùng cảm động, không ngờ những cái thuộc về văn hóa của họ lại được đưa vào một tác phẩm ca múa nhạc hiện đại hấp dẫn đến như thế. Tuyết Minh tin và hy vọng là vở diễn sẽ chinh phục được khán giả Thủ đô và du khách đến Hà Nội như thế.

-  Đưa tác phẩm chất lượng nghệ thuật cao đến với công chúng là mơ ước của bất kỳ nghệ sĩ nào nhưng không dễ và không phải ai cũng thành công? Động lực nào khiến chị quyết tâm thực hiện "Mỵ", cố vấn cho Nam An Show?

+ Minh vô cùng hạnh phúc khi luôn có những người bạn đồng hành, trong đó có những người đã hợp tác với mình ngay từ những vở diễn đầu tiên. Như nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến. Anh là người có tình yêu đặc biệt với các vở nhạc kịch và luôn có những sáng tạo thú vị. Trong vở "Mỵ", âm nhạc là điểm nhấn quan trọng.

Từ những dụng cụ đặc trưng của người Mông như thớt, dao, sanh tiền, khèn Mông, kèn lá, kể cả chảo thắng cố nữa…, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến đã sáng tạo nên những giai điệu, âm thanh để đưa khán giả vào một vùng văn hóa Mông rất đậm đặc, đúng không gian nơi câu chuyện về Mỵ diễn ra, nơi văn hóa bản sắc dân tộc Mông được kết tinh.

Chúng tôi còn có nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Anh Sơn nổi tiếng là kỹ tính. Trong vở này, anh Sơn sáng tạo nhiều nhất nhưng ở những trường đoạn đắt giá nhất, anh "lùi" lại để dành đất cho các nghệ sĩ trẻ. Anh chỉ hiện diện với bài Chapi  trong trường đoạn cuối. Nghệ sĩ Nông Xuân Ái, ngoài nhiệm vụ lãnh đạo của Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc - đơn vị đảm nhận chính về vở diễn cũng mang đến một tác phẩm đặc sắc là Acapella "Xuống chợ". 

Trong vở diễn này, trang phục, đạo cụ rất quan trọng. Bộ váy của Mỵ với những hoa văn, họa tiết đặc trưng của người Mông là một ví dụ. Làm phục trang này, hai nhà thiết kế Khánh Diệp và Hoàng Tùng đã có những sáng tạo mới, truyền thống mà vẫn hiện đại, vẫn phù hợp với ngôn ngữ múa, không diêm dúa, lòe loẹt kim tuyến mà rất mộc.

Thiết kế cho nhân vật Mỵ, nhìn qua có vẻ đơn giản nhưng rất tỉ mỉ, các họa tiết đều thấp thoáng nét văn hóa người Mông. Nghệ sĩ cũng không chỉ sử dụng trên sân khấu mà còn có thể mặc đi dự sự kiện được. Các chương trình tiếp theo của chúng tôi sẽ hướng theo cách làm này.

Cảnh trong vở "Mỵ" do nghệ sĩ Tuyết Minh làm Tổng đạo diễn, Biên đạo múa.

-  Tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" rất dài, nhiều chi tiết đắt giá. Khi đưa lên sân khấu thì chị chọn lọc như thế nào? Tại sao lại chọn những trường đoạn như thế để đưa?

+  Cốt truyện "Vợ chồng A Phủ" đúng là rất dài. Để phù hợp với một tác phẩm ca múa nhạc và định hướng của Nhà hát Lớn và Nam An show là xây dựng chương trình phục vụ khán giả mọi lứa tuổi, khách du lịch, Tuyết Minh lựa chọn toàn bộ chương 1 của vở mô tả bản sắc văn hóa của người Mông, đưa khán giả vào không gian văn hóa Mông với các phiên chợ, tục ăn thắng cố, nhạc cụ cho đến văn hóa của người Mông trong sinh hoạt đời thường.

Qua nhân vật Mỵ và A Phủ, khán giả cảm thấy những nét đặc trưng riêng của các cô gái, chàng trai người Mông. Chương 2 bắt đầu đi vào các nút thắt với nhiều kịch tính hơn. Bắt đầu từ phong tục cướp vợ của người Mông. Sau đó là  15 năm cuộc đời Mỵ trong nhà Thống Lý, các trường đoạn thể hiện sự đối lập giữa lối sống của người nô lệ và giới cai trị.

Những trái ngang được thể hiện rất súc tích qua một vụ xử kiện, cuộc tra tấn của cha con nhà Thống Lý với A Phủ. Mỵ nhìn thấy cảnh đời của A Phủ. Đau đớn, bất bình, cả hai cùng với các chàng trai cô gái người Mông chạy đi đến một vùng đất mới. Câu chuyện khép lại ở đấy. Còn chính truyện của nhà văn Tô Hoài thì vợ chồng A Phủ còn đi làm cách mạng. Phần này, vở diễn không đề cập đến.

-  Vở diễn đã thành công tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018 nhưng không hẳn dễ tiếp cận với các đối tượng khán giả, đặc biệt du khách nước ngoài. Chị và ê kíp đã tính toán như thế nào để "Mỵ" đảm bảo chất lượng nghệ thuật, vừa hấp dẫn, phù hợp với các đối tượng khán giả mà ê kíp hướng đến ?

+  Từ tháng 9 đến hết năm 2018, chúng tôi có 10 buổi, diễn toàn bộ vở tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là các suất diễn đầu tiên, chỉ mang tính quảng bá, không đặt mục tiêu bán vé lấy doanh thu. Từ năm 2019 trở đi, chúng tôi sẽ chia vở diễn ra làm 2 phần, phục vụ du khách nước ngoài là chủ yếu. Mỗi suất diễn, chúng tôi sẽ cố gắng cô gọn lại trong 30 phút. Những trường đoạn hát dài, trường đoạn mang tính trang trí sẽ lược bỏ, chủ yếu giữ lại các hành động trên sân khấu, múa, âm nhạc. Nếu phục vụ học sinh, những đoạn không phù hợp với các em như cảnh hút thuốc phiện của vua Mèo, những cảnh kịch tính trong đêm Mỵ bị bắt về làm vợ cũng cắt gọt đi.

-  Còn với các chương trình tiếp theo của "Mỵ" thì sao, thưa chị?

+  Sau "Mỵ", các chương trình, vở diễn xây dựng trong các năm tới, chúng tôi đều tập trung cho nghệ thuật truyền thống và sẽ cố gắng có những cải cách để khán giả thấy bản sắc văn hóa truyền thống nhưng hiện đại, dễ tiếp cận. Chúng tôi cũng xác định, như thế thì rất khó nhưng khi mình lựa chọn con đường nào đó thì sẽ nỗ lực đến cùng. Minh quan niệm, làm nghệ thuật, không có sự may mắn ngẫu nhiên. Thành công phải đến từ sự nỗ lực sáng tạo của mọi người trong ê kip.

Tất nhiên, làm điều gì đó cho sân khấu truyền thống vừa có chất lượng nghệ thuật, vừa hấp dẫn khán giả là bài toán khó, nhiều đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống mong muốn làm nhưng vẫn đang loay hoay tìm "chìa khóa".

Chúng tôi không khẳng định chương trình của mình đưa đến khán giả là hoàn hảo mà vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Về phía các nghệ sĩ, ai cũng có cá tính riêng nhưng tham gia vào chương trình, cùng khao khát làm điều gì đó cho nghệ thuật truyền thống nên chúng tôi đều tự lùi mình lại một chút để hướng đến mục đích chung. Như thế, tôi tin là sẽ có nhiều chương trình, vở diễn thành công, không chỉ với riêng vở "Mỵ".

-  Xin cảm ơn nghệ sĩ Tuyết Minh!

Ngọc Nguyễn (thực hiện)
.
.