Trên đôi cánh trập trùng của ước vọng...

Thứ Năm, 31/12/2009, 09:00

Phải khi chớm bước sang buổi xế chiều của cuộc đời, tôi mới sực tỉnh và nhận ra, nhiều năm qua mình đã quá vô tình với những sáng tác của bạn bè, bỏ lướt qua biết bao giá trị được chắt ra từ bầu máu nóng mà bạn hữu đã vật vã trút lên trang giấy. Và tôi nhận thấy trong khoảng trời đất bao la rộng lớn này, còn gì quý hớn là những sự đồng cảm của con người. Sự đồng cảm giống như những luồng gió lớn đưa con người lên cao vút.

Mẹ

Xa một ngàn cây số
Con đang nói cùng mẹ đây
Con quỳ xuống tắt đèn
Con nhắm mắt cho tối thêm lần nữa

mẹ ơi quay lại với con 
mẹ đứng trước bàn thờ
rồi tới ngồi bên lửa
để đun cho nồi nước nóng lên
                             rồi lại đun cho nóng lên
ngoài hiên
những bông lửa trên trời đỏ rực
mẹ chợt nhận ra
mình còn nhiều đứa con
chúng ra đi đã lâu mà không về,
                                             sao lại như thế nhỉ?

Đây là một đoạn trích trong bài thơ "Giao thừa" của nhà thơ Trần Hùng viết năm 1989, tôi chép lại bằng bút mực trong cảm xúc thức dậy từ sâu thẳm chợt dâng lên mãnh liệt. Trong cuộc đời của một người mẹ, sự mất mát thiếu vắng những đứa con của mình, sự thiếu vắng này nó trào đến và vút lên đau thương, nhất là vào đêm giao thừa. Không thời điểm nào trong cuộc đời, mà người ta sống trong ảo giác với thế giới của những hồi ức mạnh mẽ bằng những ngày cuối năm. "Mẹ ơi/giao thừa rồi/ con quỳ xin mẹ đây/ xin mẹ uống một liều thuốc ngủ/ rồi nằm xuống - nhẹ nhàng thôi/ thanh thản cho đến sớm mai/ sẽ trở dậy thắp hương mẹ nhé". Đau thương này, sức của một con người khó có thể chịu đựng nổi.

Tôi đọc thơ Trần Hùng, không chỉ thấy thơ mà thấy trào ra những khối tâm huyết đã kết tụ ở trong tâm can nhà thơ:

Trung thu
áp thấp về đêm Hà Nội
cha như ông trăng sau màn trời
con đang làm gì con ơi
chiếc đèn ông sao Trung thu năm ngoái
vẫn nằm trên giá sách đầy bụi
hay con đang ngồi ôm 

Ngoài kia
những ngôi sao đang bò ra từ các góc tối
rủ con cùng chạy chơi
nếu thiếu nến thì con bắt đom đóm bỏ vào
không có đom đóm thì cầm sao ra ngoài ngõ
rồi đèn sẽ sáng lên
và con sẽ tin
cha trở về cho con đêm trung thu khác
một đêm trăng xà cừ tíu tít
trên những dấu chân bé bỏng của con

(Nhớ con)

Đây là áng thơ xúc động về tình phụ tử mà tôi được đọc.

Những bài thơ của nhà thơ Trần Hùng thường được hắt lên bởi ánh hào quang tỏa ra từ miền thẳm sâu của tiềm thức. Tôi cảm nhận được cái xung động cảm xúc mãnh liệt này. Và những câu thơ là điểm cuối cùng chứa đựng cái xung lực mạnh mẽ đó:

Gánh nặng nào
nắng vang vang trên đầu
gió hoang trên đồng
cá hoang dòng suối
tôi hoang lòng tôi
kìa con trai
hãy tới gục đầu vào ngực gầy mà khóc
con sẽ về hiền ngoan với đất

(…)

thôi
chị xin nào em trai
chị sẽ đền cho em
bờ sông đầy cát
tôi biết tôi biết
có một mặt trăng ban ngày
một mặt trời ban đêm
lớn lên tôi mới lơ mơ hiểu thêm
đấy chính là đôi mắt của một bé nào đó

(Tự thoại kẻ tâm thần)

Đây là bài thơ Trần Hùng trực diện viết về lời tự thoại của người tâm thần. Sự cảm thông chia sẻ của nhà thơ thật lớn lao. Thế giới của người tâm thần hiện lên dưới ánh sáng của ký ức và tình yêu thương che chở của những người thân. Tôi tự hỏi, nếu không có sự cảm thông, chia sẻ và tình thương yêu của con người đối với nhau, thì nhân loại chắc đã biến thành sa mạc cằn cỗi từ lâu rồi?

Thơ Trần Hùng mở thông những cánh cửa thật rộng tới một thế giới vỗ những đôi cánh khát vọng giữa bầu trời của tình yêu, ước vọng:

Phương trời nào ta cùng nhau trôi đi vun vút
qua bao nhiêu vườn nắng
qua bao nhiêu vườn người
cơn mưa chiều dòng kênh xa lạ
(…)
Mây bay về đâu cho tôi theo với

                                     (Phương hạc bay)

Trong khoảng trời đất này, có ước vọng nào mang tính biểu tượng về con người với hai thái cực của tâm thế, đẹp và lãng mạn hơn hình ảnh con người chạy đuổi với theo những đám mây, rồi nhẹ nhàng chìm vào giấc thụy miên trong ngôi nhà vĩnh hằng của những chiếc kén?

Mây lang thang
Nhớ mùa thu rất xa
(…)
Trên thảm lá dày
Gương mặt cổ nhân về đâu đây bên chiếc đồng hồ nước
(Đồng hồ mùa thu)
Tôi đã ôm con tôi thật lâu
tôi đã khóc trên ngực người yêu
tôi lầm lũi bước theo những giọt nước mắt…

(Gửi một thi sĩ)

Dù sao, những sợi dây mỏng tang tưởng như vô hình của cuộc đời nơi thế tục, vẫn ghì riết níu kéo đôi cánh ước vọng của nhà thơ. Làm sao có thể dứt được những sợi dây giằng dịt của tình thương nỗi nhớ. Nó liên tục như những đợt sóng vỗ dồn dập vào ghềnh đá của số phận "lầm lũi bước theo những giọt nước mắt", của "niềm khát vọng nhói đau", như "hạt mầm thức dậy vào buổi sớm" nào đó trong cuộc đời. Những đám mây vẫn "lang thang nơi mùa thu rất xa", ở đấy "trên thảm lá dày, gương mặt cổ nhân" trở về "bên chiếc đồng hồ nước". Ở đấy "Những con ve ngày ấy đã già/ chúng biến thành nếp nhăn trên cây cổ thụ/ chiều nay bên gốc cây nhìn lên/ ta lặng người/ trước bình thản cây thăm thẳm lên trời" (Thời gian)

Ôi, những cái cây mãi mãi nằm trong biểu tượng khát vọng của con người, trong sự bình thản và thăm thẳm vươn lên bầu trời. Chân lý này đâu phải lúc nào và đâu phải ai cũng nhận ra, cùng thấu ngộ.

Cuộc đời là vậy đấy. Bảo là thực thì là thực, bảo là mộng thì là mộng. Quá vãng liên tục thổi những luồng gió và hắt ánh sáng mạnh lên hiện tại. Ta cứ thử giả định, nếu vào một lúc nào đó, quá khứ ngừng thổi những đợt gió về hiện tại, thì đời sống của con người trên thế gian này thật đơn điệu, nhàm tẻ và trống rỗng lạnh lẽo như thế nào.

Rồi một ngày nắng lên thênh thênh nước về
Rồi một ngày cô Mùi ra đi bước chân xa lắm
Và chúng mình cũng ra đi, theo phù sa về các đường chân trời
Bỏ lại những vườn trăng, những câu đồng dao rơi vãi
Bỏ lại con thuyền

(Gọi nguồn)

Thế giới của cảm xúc và niềm trắc ẩn mở ra trong những câu thơ của Trần Hùng, rộng thênh và đẹp đến nao lòng. Những con thuyền, những vườn trăng, và những câu đồng dao rơi vãi. Bảo là bỏ lại, nhưng thực ra nhà thơ đang níu kéo, nâng niu và thổi hồn vào chúng, làm cho chúng trở nên thật sinh động và quyến rũ.

*

Nhà thơ Trần Hùng tâm sự với tôi, đến nay anh mới chỉ in hai tập thơ mỏng vào năm 1991 và năm 1998. Tập thơ đầu tay "Gọi bạn" của anh được nhà thơ Trúc Thông viết lời giới thiệu. Tôi chỉ thực sự được đọc thơ anh là vào mùa hè năm 2007, khi anh sao lại cho tôi một bản tập thơ "Mơ quê", xuất bản từ năm 1998. Đọc thơ Trần Hùng, tôi mới hiểu, nếu không có thi ca để ký thác, thì thật khó sống một cách thăng bằng và bình thản những năm tháng của một đời người trên thế gian đầy những lo âu bất trắc. Có lẽ cái cao quý tột cùng của văn chương nghệ thuật và thi ca, cái mà nó phải mang vác cũng chỉ có chừng ấy mà thôi:

Lần tìm trong cỏ đêm thấy bài thơ cũ
Tìm trong bài thơ cũ thấy chiếc trâm cỏ thi người xưa đánh rơi
Và tôi chẳng thể cầm lòng, tôi lặng lẽ như vì sao xa nhất

(Ba giờ sáng)

Thơ Trần Hùng là thế, cứ run rẩy kiếm tìm, nâng niu, đồng cảm, sẻ chia với những gì mất mát của cuộc đời. Trên đôi cánh vỗ không mỏi trong trập trùng của ước vọng, đôi lúc nhà thơ Trần Hùng cũng gợn lên thoáng qua cái linh cảm "có thể ban mai trong tôi sắp tắt/ (…)/ tôi cảm thấy một điều đang đến rất gần rất gần" (Ánh lên gương mặt).

Đọc thơ Trần Hùng, tôi thấy nhớ non nước đèo dốc Cao Bằng.

Hà Đông, ngày 16/11/2009

Dương Kiều Minh
.
.