Trên đỉnh Phượng Hoàng

Thứ Sáu, 24/02/2017, 08:16
Dãy núi Nham Biền 99 ngọn trải dài nối nhau trùng điệp giữa vùng đất sơn thuỷ hữu tình thuộc huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang). Nhìn từ trên bản đồ vệ tinh, dãy núi như hình một con rồng uốn lượn giữa vùng đất trù phú mênh mông trải dài theo hướng Đông - Tây. 


Một trong những ngọn núi thuộc dãy Nham Biền có tên là núi Phượng Hoàng, nằm ở thôn Minh Phượng, xã Nham Sơn của huyện được chọn làm nơi xây dựng thiền viện Phượng Hoàng. Thiền viện Phượng Hoàng là điểm nhấn trong hành trình du lịch văn hoá tâm linh  nằm trong tuyến hành hương về Tây Yên Tử của Bắc Giang.

Lễ đặt đá hưng công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm - Phượng Hoàng từ tháng 11/2011, trên tổng diện tích 12ha. Mẫu thiết kế thiền viện như vậy không chỉ ở trong nước, mà còn lan toả ra cả nước ngoài, nơi có sự xuất hiện Thiền phái Trúc Lâm. 

Chính vì tò mò với các công trình xây dựng ở địa thế trên núi và là kiến trúc tôn giáo mà tôi nhất định phải đi cùng kiến trúc sư (KTS) Đoàn Duy Hùng, người tham gia phê duyệt quy hoạch xây dựng Thiền viện Phượng Hoàng trong tỉnh. Từ lúc gắn bó với những công trình tôn giáo, anh đã tìm hiểu nghiên cứu nhiều về  triết lý Phật giáo, đặc biệt là tìm hiểu về dòng Thiền phái Trúc Lâm.

Những triết lý nhân sinh trong Phật đã làm bản thân anh thay đổi rất nhiều khi nghĩ về đời sống hiện nay. Những Thiền sư Trúc Lâm không chỉ mang tâm nguyện làm sống lại tinh thần Thiền phái Trúc Lâm của dân tộc, mà còn muốn giúp nhân dân tránh khỏi sự u mê tín ngưỡng, thần thánh hoá đức Phật. Trong đạo Phật đã có câu: "Chiến thắng vạn binh không bằng chiến thắng chính mình, chiến thắng chính mình là một chiến công oanh liệt nhất".  

Về nghệ thuật kiến trúc, Thiền viện Phượng Hoàng cũng như Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên sẽ mang dấu ấn của thời đại, để phản ánh trình độ văn hoá kiến trúc đương đại cho thế hệ mai sau. Thiết kế của Thiền viện Phượng Hoàng  được bố trí trên một trục theo hướng Tây - Nam với 15 công trình xây dựng, là cổng Tam quan, đến chánh điện kết hợp với nhà Tổ, hai bên chánh điện là nhà khách, thư viện, nhà trưng bày, tăng đường và phía trước có gác chuông, gác trống, rồi thiền đường, thất Hoà thượng... nhiều công trình khác để phục vụ cho nhân dân và Phật tử cả nước về du lịch văn hoá tâm linh, hành hương hay dã ngoại. 

Thiền viện Phượng Hoàng trên dãy núi Nham Biền.

Bắc Giang là nơi còn lại khá nhiều di sản kiến trúc liên quan đến Thiền phái Trúc Lâm, một dòng tu của người Việt Nam do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập nên. Hoà thượng Thích Thanh Từ (Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, người có ảnh hưởng lớn nhất đến việc xây dựng các Thiền viện Trúc Lâm ở Việt Nam)  có chủ trương khôi phục lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng tu của dân tộc Việt Nam ở nhiều nơi.

Đến nay Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đang phát triển mạnh mẽ. Dòng phái này hướng người dân đến đời sống tâm linh, đạo đức lành mạnh, tin theo chánh pháp, không bị ảnh hưởng của mê tín dị đoan, góp phần vào lưu giữ bảo tồn những giá trị văn hoá, đạo đức Phật giáo phù hợp với chủ trương bảo tồn phát huy di sản văn hoá dân tộc. Thiền viện là "ngôi trường" chính thống đáp ứng mặt tích cực của đời sống tâm linh trong người dân phương Đông.

Chánh điện của Thiền viện Phượng Hoàng có thiết kế cao và rộng nhất trong các chánh điện Thiền viện thuộc phái Trúc Lâm ở khu vực Đông Nam Á. Qua khu Chánh điện lại đặt chân lên một non cao. Hành trình trên dãy núi Phượng Hoàng như một hình sin, tôi nghĩ đến sự thăng trầm trong đời người cũng vậy.

Con đường hình sin này dẫn lối đến giếng Ngọc hay gọi là giếng Vua, hay còn được ví là mắt rồng trên dãy núi Nham Biền này. Đỉnh cuối cùng cao nhất là đỉnh Non Vua. Bây giờ chúng tôi đang đi trên con đường nhỏ. Mỗi cung đường ngắm xuống phía dưới lại có sự khác biệt thú vị không ngờ. 

 Trên đỉnh non cao này, hướng mắt ra bốn phía ngắm nhìn mênh mang trời, mênh mang sông núi. Phía Tây, trùng trùng trải ra những đồi vải lúp xúp thành hàng lối như được sắp đặt. Chân núi bên mạn Tây có một hồ nước trong vắt như gương,  sáng lấp lánh dưới nắng. Đó là hồ chứa nước của thôn Kem. Thôn Kem có chùa Kem (Sùng Nham Tự). Nơi ấy vẫn còn phảng phất những ngày tháng "nếm mật nằm gai" của những anh hùng áo vải trong đội nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám. Họ đã xây đắp luỹ, luyện tập quân sự ngay sau vườn chùa. Đó là một căn cứ chống Pháp của Hoàng Hoa Thám. Sau Cách mạng Tháng Tám, từ dấu ấn lịch sử ấy, tinh thần chống giặc ngoại xâm đã lan toả rộng khắp vùng và xã Nham Sơn trở thành một khu du kích.

Qua đồi thông, tới một đỉnh non cao nữa. Con đường mòn còn xói lở đất sỏi. Chân vừa lên tới đỉnh non, hơi thở còn gấp gáp trong lồng ngực, gió kéo đến từ đâu lộng mát, cảm giác bát ngát, rồi không khí trong lành tràn căng lá phổi, tâm hồn như phơi trải ra với cây cỏ xanh mướt. Càng đi lên, các ngọn núi sau cao hơn ngọn núi trước, tầm mắt được mở rộng hơn.

Trong màn ánh sắc bàng bạc mờ xa phía Tây Nam, trên một con sông có những cây cầu bắc qua, cứ ngỡ như đang chiêm ngưỡng một bức tranh thuỷ mạc, đó là sông Thương với ba cây cầu nối hai bờ. Dải non sông thu về trong tầm mắt là đây. Những nhánh sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam êm đềm như những sợi chỉ lóng lánh... Tất cả xuôi chảy kết nối về sông Hồng. Nếu dòng sông Hồng được ví là huyết mạch và  Thủ đô Hà Nội là trái tim của đất nước thì đây chính là những đường nhánh chảy về với hoà chung với huyết mạch của trái tim hồng. 

Con đường mòn vòng vèo đi về giếng Ngọc phủ bóng cây keo. Hoa keo vàng rực làm con đường thêm sắc màu. Đường kính của giếng có cỡ phải 5 hoặc 6 mét, không có thành xây cao. Thành trong lòng giếng được lát đá núi từ đáy lên, đều chằn chặn gối lên nhau như sáp tổ ong. Thứ đá núi ở đây trơn nhẵn, bóng láng đã tạo nên một mảng màu tổng thể toả sáng đẹp đến mê hồn. Gần giếng có một bệ đá tựa như nơi ngồi nghỉ dưới gốc cây.

Tôi nhớ đến chuyến dạo chơi của Thái sư Trần Thủ Độ đã rước vua Lý Chiêu Hoàng đặt dấu chân từ hàng trăm năm trước đến nơi này. Nước núi đá trong veo và mát ngọt, dòng suối của tiên cảnh đã khiến cho nhà vua muốn lưu lại chốn này...Và đàn chim trong giấc mơ hồng lạc còn ở tích xưa. Chuyện kể rằng, từ thời hồng hoang, đất này nổi lên 99 ngọn núi nối liền nhau tạo thành một dải trùng trùng, là nơi cho muôn loài hội tụ.

Thế rồi, có một vị Quân vương đặt chân đến nơi này để tìm đất lập đế đô mở mang cơ nghiệp. Thấy cảnh sắc có mây lành quấn quýt, vượng khí, nhà vua hài lòng lắm. Bỗng từ đâu có một 100 con chim Phượng hoàng bay về, mỗi con đậu trên một đỉnh núi, riêng có con đầu đàn không tìm được chỗ đậu nên đành vỗ cánh bay đi. Cả đàn chim cất cánh theo.

Nhà vua thở dài  tiếc nuối vì biết là vùng đất đẹp nhưng chưa hợp thời. Nơi ngọn núi cao nhất mà vị vua đứng ngắm thế đất và tao ngộ cùng đàn chim nay gọi là Non Vua.

Người nay đến đây chỉ thấy hồn cổ xưa qua những thần tích. Lối đi đầy cỏ xanh dẫn đường lên Non Vua. Trên đỉnh Non Vua ấy vẫn là khoảng đất trống, hiện chưa có ý tưởng xây dựng gì. Có nhẽ, đó là khoảng trống giao hoà giữa trời và đất. Triết lý sắc sắc không không nằm ở nơi trống đó. Mỗi ngọn cỏ, cây xanh tự vươn lên giữa đỉnh trời khoáng đạt cũng đủ cho người chiêm ngẫm về cuộc đời, lẽ sống. Lòng người sẽ tự tạo nên những đền đài, cung điện giáo lý đạo đức cho riêng mình.

Trên đường xuống, trong hoang hoải mùi đất núi, trong cao rộng thênh thang, tôi cảm giác như bỗng nghe như có tiếng vỗ cánh bay lượn của đàn chim Phượng trong thinh không. Phải chăng bóng chim ẩn sau tầng mây ngũ sắc kia?! Thời gian lặng lẽ trôi đi, tiếng chuông nơi này chiều chiều vẫn vang lên, ngân xa, như thấm vào từng mạch núi, mạch sông. Tiếng chuông lành cửa Phật là âm thanh đánh thức những ngọn cỏ, nhành cây của thiên nhiên để giao hoà vào lòng người.

Nguyễn Thị Thu Hà
.
.