Tranh tết: Hồi sinh nét đẹp mang hồn dân tộc

Thứ Sáu, 12/02/2021, 07:46
Trong đời sống tinh thần của người Việt, tranh Tết không chỉ là một nét đẹp đầy hoài niệm mà còn là nét văn hóa truyền thống cần được gìn giữ. Sau một thời gian dường như bị lãng quên, rất đáng mừng tranh Tết truyền thống đã có sự hồi sinh qua nhiều hoạt động hướng đến tôn vinh những giá trị văn hóa mang "hồn dân tộc" của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ...


Tranh Tết - Hồn dân tộc

Khi xưa, dân làng Đông Hồ vẫn truyền tai một câu ca nổi tiếng: "Dù ai buôn bán trăm nghề/ Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh". Từ xưa, ở các làng tranh truyền thống như Đông Hồ (Thuận Thành - Bắc Ninh), Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội), Hàng Trống (Hà Nội) và làng Sình (Phú Vang - Huế) lại nhộn nhịp làm tranh để cho các lái thương về cất hàng đem đi bán ở khắp các nẻo chợ quê. 

Hình ảnh tranh Tết đã in đậm trong ký ức của nhiều người Việt, đi vào văn thơ và trở thành những mảng ký ức không thể phai mờ đối với nhiều người. 

Trong bài thơ "Chợ Tết" nổi tiếng của thi sĩ Đoàn Văn Cừ viết năm 1939 cũng có câu: "Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ/ Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán". Và những ngày Tết đến, những ngôi nhà đơn sơ thôn dã dường như bừng lên bởi sắc đỏ, sắc vàng, sắc tím của những bức tranh, gửi gắm mong ước cho một năm mới bình an, mùa màng sung túc, tốt tươi của những người dân quê quanh năm chân lấm tay bùn.

Bộ ba tác phẩm về các dòng tranh dân gian của nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa.

Với tranh Đông Hồ, tranh Tết được yêu chuộng nhất phải kể đến các bức: "Lợn ăn ráy", "Lợn đàn", "Chăn trâu thổi sáo", "Gà trống và hoa mẫu đơn", "Gà đàn", cặp tranh "Gà thư hùng", cặp tranh "Vinh hoa - Phú quý", cặp tranh "Nhà nông", "Tiến tài", "Tiến lộc", "Thư đáo xuân lai", "Ông Phúc", "Ông Thọ"... 

Với dòng tranh Hàng Trống, do có giá thành cao hơn so với các dòng tranh khác nên sự lựa chọn dành cho tầng lớp bình dân sẽ ít hơn. Do đó, còn được gọi là dòng tranh dành cho tầng lớp thị dân, nhà giàu và chủ yếu được dùng làm tranh thờ. Cũng vì lẽ đó, tranh Tết Hàng Trống không được bày bán nhiều như tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, làng Sình, mà chỉ có một số bức thông dụng như "Cá chép trông trăng", "Công múa", bộ tranh "Tứ quý", bộ tranh "Tố nữ", "Thất đồng", "Lưỡng nghi sinh tứ tượng", "Tiến tài", "Tiến lộc"... 

Với dòng tranh Kim Hoàng, những bức tranh nổi tiếng và được bày bán nhiều có lẽ phải kể đến đó là "Ông Phúc", "Ông Thọ", "Tiến tài", "Tiến lộc", "Lợn nái đen", cặp tranh "Sĩ, Nông - Công, Thương", "Du xuân"... 

Còn đối với tranh làng Sình thì chủ yếu ra đời là để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân nơi đây, chứ không chỉ phục vụ cho các thú chơi tao nhã như ở miền Bắc. Chính vì thế, tranh làng Sình không chỉ được bán vào dịp Tết mà thường được bán quanh năm, phục vụ cho nhu cầu tâm linh như thờ, hóa trong các lễ cầu an, giải hạn hay đốt mã cho ông bà, tổ tiên... Nhưng mỗi dịp Tết vẫn là dịp không khí làng Sình xưa kia rộn ràng nhất.

Có thể nói, mỗi bức tranh dù cho cách làm tranh ở các dòng có những kỹ thuật khác nhau, nhưng là sự tổng hợp, đúc kết những quan niệm nhân sinh, cách nhìn nhận của con người với thiên nhiên và cuộc sống. Chính vì thế, PGS. TS Trang Thanh Hiền khi nghiên cứu về tranh Tết của người Việt đã nhận định: "Tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh Tết nói riêng có thể coi là một "Bách khoa thư về đời sống của người Việt", từ quan niệm về vũ trụ cho đến các tư tưởng khai phóng, đề cao giá trị nhân văn bên trong mỗi con người đều hiện diện...".

Đối với người Việt, Tết chính là dịp để các gia đình quây quần đoàn tụ và tưởng nhớ đến tổ tiên, tổng kết một năm cũ đã qua và hướng tới một năm mới với nhiều ước vọng về sự tươi sáng, phát đạt, chuyển biến tốt đẹp. Chính vì thế, tranh Tết được bán nhiều ở các chợ làng dịp trước Tết là để phục vụ cho nhu cầu sửa sang, tân trang nhà cửa cũng như các khu vực thờ cúng, đánh dấu một năm mới với ước vọng về sự khang thái, an vui của gia đình...

Sự hồi sinh của nét đẹp truyền thống

Việt Nam là một đất nước từng trải qua những năm tháng chiến tranh và trong dòng biến thiên của lịch sử ấy, có những nét văn hóa cổ truyền đã bị lu mờ, thậm chí là hoàn toàn biến mất. 

Cho đến nay, chỉ dòng tranh Đông Hồ là phong phú về thể loại cũng như số người làm tranh. Còn dòng tranh Hàng Trống chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên (hiện đang đào tạo con trai nối nghề) và dòng tranh Kim Hoàng thì từng có tới nửa thế kỷ bị đứt gãy khi không có nghệ nhân làm nghề, các bản ván khắc từ xưa hầu như bị hỏng hóc, thất lạc. 

Rất đáng mừng là trong thời gian khoảng 10 năm trở lại đây, tranh Tết cũng như một số dòng tranh được làm theo phương pháp thủ công truyền thống đã có sự hồi sinh qua nhiều hoạt động hướng đến tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống qua nghề làm tranh của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ...

"Chăn trâu thổi sáo" là bức tranh tiêu biểu của dòng tranh Đông Hồ, phù hợp để treo trong các gia đình dịp Tết Tân Sửu 2021.

Một trong những cá nhân có đóng góp lớn nhất trong việc sưu tầm, nghiên cứu, khôi phục những dòng tranh dân gian kể trên là nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Khởi đầu với công việc sưu tầm gốm sứ, trong quá trình đi sưu tầm, chị Hòa đã phát hiện ra có nhiều dòng tranh dân gian đặc sắc, quý giá nhưng lại đang lưu lạc hoặc đã thất truyền. 

Nảy ra ý định sưu tầm tranh dân gian từ năm 2007, hơn chục năm nay, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã lăn lộn khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, mang về hàng ngàn tác phẩm tranh dân gian quý hiếm, tổ chức triển lãm để công chúng có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng nét vẽ từ chạm khắc vô cùng đặc sắc, tinh tế có lịch sử hàng trăm năm. 

Năm 2016, chị đã tổ chức triển lãm "12 dòng tranh dân gian Việt Nam" tại Bảo tàng Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và dư luận. Tại triển lãm này, người dân Thủ đô không chỉ được chiêm ngưỡng những tác phẩm đặc sắc nhất của 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu ở Việt Nam mà còn được trực tiếp xem các nghệ nhân Đông Hồ, làng Sình, làng Kim Hoàng, Hàng Trống thực hành việc vẽ tranh, in tranh trên bản khắc gỗ và trực tiếp tô màu cho tranh.

Sau nhiều năm lặn lội sưu tầm, đến nay nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã có trong tay hàng ngàn mẫu vật, tranh, bản khắc. Với những chuyến đi xuyên Việt đến khắp các làng quê của mình, con số này chắc chắn chưa dừng lại. Theo nhận định của chị, ở Việt Nam có khoảng 20 dòng tranh dân gian, nhưng có thể một số dòng tranh đã bị thất truyền nên chị vẫn muốn dành thời gian, tâm sức để tìm hiểu, sưu tầm thêm. 

Từ đầu năm 2016 đến nay, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã tham gia tổ chức nhiều triển lãm tranh dân gian. Với những nỗ lực của cá nhân cùng sự giúp đỡ của nhiều cộng sự yêu thích văn hóa dân gian như nhà nghiên cứu Trịnh Sinh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích, họa sĩ PGS. TS Trang Thanh Hiền..., đến cuối năm 2020, nhà nghiên cứu - sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã xuất bản được 3 cuốn sách quý, đó là "Dòng tranh dân gian Kim Hoàng", "Dòng tranh dân gian Đông Hồ" và "Dòng tranh dân gian Hàng Trống". 

Trong thời gian tới, chị Hòa sẽ tiếp tục cho ra mắt cuốn "Dòng tranh dân gian làng Sình" và tiếp tục củng cố tư liệu về những dòng tranh dân gian khác như tranh Đồ thế Nam Bộ, tranh Kính Nam Bộ, tranh Kính Huế, tranh Thờ miền núi...

Với những hiện vật được sưu tầm cũng như các ấn phẩm sách là kết quả của quá trình dày công sưu tầm, khảo cứu đầy tâm huyết và tốn kém tiền của, chị còn nỗ lực kết hợp với một số địa phương để đào tạo nghệ nhân nối nghề, duy trì nghề cũng như giới thiệu đến công chúng những thành tựu đặc biệt của các dòng tranh dân gian. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ rằng, chị rất hạnh phúc khi bản thân và các cộng sự của mình đã hoàn thành tâm nguyện lưu lại những giá trị văn hóa tốt đẹp của tranh dân gian cũng như những giá trị tinh thần, truyền thống đẹp đẽ của cha ông đến mai sau...

Hà Nguyệt
.
.