Trần Huyền Trân với “Hải Phòng 19//11/1946”

Thứ Bảy, 25/11/2006, 10:00
"Buổi sáng hôm ấy, tôi đọc trên tờ Cứu Quốc bài “Hải Phòng 19/11/1946” in suốt dọc trang báo. Vẫn cái hơi thơ bộc trực, và lần này dồn dập vang lên tiếng kèn trận”, nhà văn Nguyễn Đình Thi cảm nhận về bài thơ của Trần Huyền Trân.

Cách đây tròn 60 năm, ngày 19/11/1946, quân Pháp đã nổ súng gây chiến ở Hải Phòng. Tiếng nổ ran khắp thành phố. Chiều 20/11/1946, Pháp tấn công Nhà hát lớn Hải Phòng. Các chiến sĩ quyết tử quân, tự vệ đã chiến đấu rất anh dũng. Một không khí toàn dân chiến đấu đã bắt đầu từ thành phố cửa biển này. Các chị phá được chiến xa. Nhi đồng cũng tham chiến. Thanh niên hét xông trận. Đinh ba, mã tấu đánh cướp lại Nhà hát lớn…

Bây giờ thời gian đã qua đúng một vận hội. Nhưng cái không khí bi tráng của ngày ấy dường như vẫn còn nguyên trong bài thơ “Hải Phòng 19/11/1946” của Trần Huyền Trân. Ông là nhà thơ cuối cùng được Hoài Thanh – Hoài Chân đưa vào “Thi nhân Việt Nam”. Hai tác giả đã viết về ông như một sự tiên đoán: “Viết đến đây, tôi định khép cửa lại, dẫu có thiên tài đến gõ cửa cũng không mở. Thế mà lại phải mở cửa để đón một nhà thơ nữa: Trần Huyền Trân. Trần Huyền Trân, con người có cái tên lạ ấy, không phải là một thiên tài. Nhưng tôi ưa những vần thơ hiền lành và ít nói yêu đương… thơ Trần Huyền Trân không xuất sắc lắm. Nhưng khi đọc hoài những câu thơ rặt anh anh em em, tôi đã tìm thấy ở đây cái thú của người đi đổi gió”.

Tiên đoán của các ông đã đúng. Đúng đến không ngờ. Chính trong lúc các ông viết về sự đổi gió của nhà thơ này, Trần Huyền Trân đã viết hàng loạt những bài thơ hướng về sự đau khổ của đồng bào dưới ách thực dân, phát xít. Sự đổi gió đó đã khiến cho nhà thơ tiền chiến cuối cùng trong tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” trở thành người thét vang những câu thơ của một thời đại mới sau “Thơ Mới” - đấy là thời chống Pháp.

Viết về Trần Huyền Trân, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã kể rằng: “Vào đầu mùa hè năm 1945, Hà Nội vẫn đầy xác chết đói. Một hôm, trên gác nhà anh Nguyễn Huy Tưởng sau chợ Hôm Đức Viên, tôi được cùng mấy anh em trong Hội Văn hóa Cứu quốc soạn bài cho tạp chí “Tiên phong” số 1… Tôi còn nhớ đến phần thơ thì bài được chọn là bài “Lớp người chưa chết” (sau này đổi thành “Chân trời đã rạng” (in trong tập “Rau tần” của Trần Huyền Trân). Riêng tôi lúc ấy chưa biết tác giả là ai và cũng chưa hiểu nhiều về thơ, nhưng đọc những câu thơ lục bát ấy, tôi nghe những lời thơ như những bàn tay nắm lại, bài thơ nặng sức dồn chứa của tình hình như nồi nước sôi lúc bấy giờ…”.

Hiện thực khắc khoải của những năm trước Cách mạng Tháng Tám đã thôi thúc Trần Huyền Trân viết ra những câu thơ dồn nén: “Máu bốc lên! Máu bốc lên! – Chân trời rạng ánh một nền tự do”. Ông đã bí mật tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc và tạp chí “Tiên phong” số 1 có bài thơ “Lớp người chưa chết” của ông mãi sau khi Cách mạng thành công mới được ấn hành công khai sau dịp Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 đến hơn hai tháng.

Đến một năm sau, “Tiên phong” số đặc biệt kỷ niệm Tết Độc lập lại in bài thơ “Bố về” của Trần Huyền Trân: “Một sớm tung cờ đỏ – Bố về… với súng gươm/ Tám mươi năm bụi phủ/ Mưa rào phút sạch trơn”. Tại thời điểm này, với tác động của cách mạng, cho dù ngôn ngữ thơ và thi ảnh đã mới thì Trần Huyền Trân vẫn chỉ tung hoành cái mới của mình trong các thể thơ truyền thống như lục bát và ngũ ngôn. Chính thực tế của Hải Phòng chiến đấu đã khiến cho hồn thơ Trần Huyền Trân thăng hoa sang một thể thơ tự do chất chứa đầy ắp hiện thực.

Bây giờ, thời gian đã qua đi nửa thế kỷ. Đọc lại “Hải Phòng 19/11/1946” mới thấy hết cái đóng góp đóng cọc mốc đầu tiên cho thơ chống Pháp của Trần Huyền Trân và thơ ca Hải Phòng trong thời đại mới. Ở bài thơ, sức khêu gợi của những ngôn ngữ sống, những chữ mới, những thi ảnh mới đã làm mới nó cùng nhịp điệu không bao giờ “Thơ mới” có được. Cuộc chiến đấu chống xâm lược đã khước từ những giọng điệu mượt mà của “Thơ Mới”. Nó cần chất thơ thô ráp, mạnh mẽ như chính sức sống của nó. Vần và nhạc tính nằm ở ngay trong chi tiết, ý tưởng của câu thơ.

Ngay từ đầu đề bài thơ, “Hải Phòng 19/11/1946” đã cho thấy một sự khác lạ so với những đầu đề thời “Thơ Mới”. Ngay đến Tố Hữu thì cũng chỉ đi tới một đầu đề mang tính thông báo rộng “Huế Tháng Tám” nói về cuộc khởi nghĩa ở Huế. Đầu đề của Trần Huyền Trân mang tính thông báo cụ thể đến cả ngày tháng năm và địa điểm. Một đầu đề độc đáo. Từ mở đầu, những câu thơ đã như tiếng kèn giục giã: “Nổ súng rồi!nổ súng rồi!/ Hải Phòng cuồn cuộn dâng như biển/  Nước mặn đồng chua thêm máu người”. Những câu thơ tuôn chảy với những thi ảnh mới rợi:

Còi ga rền rĩ
Xe liên kiểm hết hơi

Một tượng đài Hải Phòng chiến đấu được dựng lên bi tráng qua ngôn ngữ thơ khẳng định:

Hải Phòng sừng sững đứng lên
Hải Phòng ghê gớm…
Hải Phòng!
nảy lửa trong lòng Nhà Hát Lớn
Mười ba quyết tử quân cười hơn hớn
Còn viên đạn cuối cùng
Nhà hát rung…

Lại dồn dập tiếp những thi ảnh mới rợi như cao trào của bản giao hưởng Hải Phòng chiến đấu:

Cong véo cầu Ca rông
Ga An Dương bẹp dí
Bay rú gầm không khí
Bom rơi đầy đồng
Đêm về
vườn trống nhà không
Cây đổ hiện lên chiến sĩ
Gạch vụn hiện lên anh hùng

Giữa những nhịp điệu gãy khúc, đảo phách liên tục, đoạn áp kết  của bài thơ dài bất ngờ xuất hiện những vần thơ lục bát thơ thới như ước vọng được sống tự do, hòa bình của dân tộc mà Bác Hồ hằng tâm niệm:

Nâng cao vòm trán Thủ Đô
Cha già thấm mắt tâm tư sáng ngời
Hôm qua đàn cháu ra đời
Ngày mai đàn cháu hát cười tự do
Hôm qua đói rét ngục tù
Ngày mai tươi sáng ấm no đời đời

Lại là cảm nhận của nhà văn Nguyễn Đình Thi về “Hải Phòng 19/11/1946”: “Buổi sáng hôm ấy, tôi đọc trên tờ Cứu Quốc bài “Hải Phòng 19/11/1946” in suốt dọc trang báo. Vẫn cái hơi thơ bộc trực, và lần này dồn dập vang lên tiếng kèn trận”. Đó vừa là tiếng kèn trận khởi đầu chống Pháp, khởi đầu cho cả thơ chống Pháp

Nguyễn Thụy Kha
.
.