Trần Đăng Khoa – một lần dại tửu sắc

Thứ Sáu, 03/06/2016, 08:00
Hình như dạo đó là mùa hè năm 1995. Tôi không nhớ chính xác. Khi ấy Hội Văn nghệ Cao Bằng tổ chức trại sáng tác cho các tác giả trẻ là người dân tộc thiểu số. Đây là một việc làm bình thường với các hội tỉnh thành dưới xuôi. Nhưng ở Cao Bằng, lại là một câu chuyện khá hiếm hoi, còn mới mẻ và đầy sức hấp dẫn. Điều đó đã khiến cho bà con quanh thị xã tò mò muốn hiểu trại sáng tác thế nào. 


Tại sao gọi bằng trại. Nó gợi cho người ta liên tưởng tới sự giam giữ những kẻ tội phạm, hơn là tập trung các cây bút lao động sáng tạo nghệ thuật chân chính. Những người tới đây phải huy động trí tuệ, tâm hồn, tình cảm để làm ra một bài thơ, một truyện ngắn.

Chúng tôi họp bàn, quyết định mời các nhà văn đang hoạt động trong quân đội. Họ lên đây trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn, đọc thẩm định các tác phẩm thơ văn cho các em các cháu. Chúng tôi vốn là lính, nên có cảm tình và am hiểu cuộc đời anh bộ đội Cụ Hồ. Đã làm lính dù chỉ một ngày, họ tin yêu nhau suốt đời. Đấy là trường học vĩ đại nhất trong các trường học.

Trong đoàn gồm có nhà văn Lê Lựu, nhà văn Chu Lai, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và nhà thơ Trần Đăng Khoa. Toàn các ông nhà văn nhà thơ đang nổi đình đám trong làng thơ văn Việt Nam đương đại. Có thể nói, đây là những gương mặt sáng giá, tiêu biểu nhất. Điều quan trọng, họ là những nhà văn giản dị, gần gũi với cánh áo ngắn bình dân. Họ xuất hiện ở một tỉnh miền núi, xa trung tâm thủ đô cả ngày đường, không thể xem là bình thường được.

Khỏi nói lời đồn có chân chạy nhanh ra sao. Tin nhà thơ Trần Đăng Khoa trong đoàn nhà văn lên Cao Bằng, làm nóng rực lên, xôn xao khắp chợ tỉnh. Nhất là các thanh thiếu niên từng đọc từng thuộc làu làu các tác phẩm nổi tiếng của Trần Đăng Khoa: “Từ góc sân nhà em”; “Góc sân và khoảng trời”; “Khúc hát người anh hùng” …

Là nhà thơ nổi tiếng từ năm tám, chín tuổi, người từng tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du; Trường Viết văn M.Gorky… và là người gây ra nhiều chuyện thắc mắc cho bạn đọc, hình như Trần Đăng Khoa đang hoạt động “tình báo” thì phải, hay khoản trai gái cái có vấn đề? Không thế tại sao ngần này tuổi mà nhà thơ chưa lấy vợ? Nghe đâu Khoa cũng chưa từng yêu người con gái nào. Tôi nhớ, có lần Khoa từng ví người yêu mình như con chó đá.

Tôi rất thích một câu nói về Khoa của Lê Thiếu Nhơn: “Nói gì thì nói, làng thơ Việt Nam mà thiếu cái dáng thấp đậm của Trần Đăng Khoa thì kể cũng buồn. Tôi ngắm nghía cái dáng đi của Trần Đăng Khoa nhiều năm, và nhận ra một sự thật: khi bước lảo đảo thì anh là một thi sỹ đích thực, còn khi nào bước huỳnh huỵch thì anh là một cán bộ chân chính”.

Trên con đường dẫn vào cửa ngõ thị xã ngày ấy, đoàn xe nhà văn phải qua trước cổng Trường Trung học Sư Phạm tỉnh (bây giờ là Trường Cao đẳng Sư phạm). Tiếp đến trường cấp một hai xã Đề Thám. Qua cầu Sông Hiến, đi lòng vòng một hồi, rồi mới vào trong lòng phố cổ Mục Mã.

Chiều hôm đó, có một chiếc xe bóng loáng, sang trọng, màu đen biển đỏ. Xe chở đoàn nhà văn đang từ Đề Thám chạy lên. Xe đang vun vút lao nhanh trên đường, khi gần đến cổng trường Sư phạm, tài xế cho xe chạy chậm lại. Chậm nữa. Thật chậm. Chậm như rùa bò. Vì hai bên đường có rất nhiều học sinh, sinh viên tay cầm hoa trẩu trắng vẫy.

Ai cũng mặc đẹp. Ai cũng cười tươi như hoa mùa xuân. Có người can đảm còn tiến sát ra gần lòng đường để được nhìn rõ mặt từng người. Họ háo lắm rồi. Xem cái người nhà văn được làm bằng gì, mà sao họ tài thế. Giỏi thế. Nổi tiếng thế.

Các nhà thơ nhà văn bỗng thấy cay lên sống mũi, trước tình cảm nồng nhiệt, có phần hơi thái quá của tuổi trẻ Cao Bằng, dành cho những người nổi tiếng.

Xem ra người nổi tiếng xưa nay cũng khổ chứ chả sướng gì. Ở đâu, ngồi với ai, chân bắt chữ ngũ đàng hoàng hay đang ngáp vặt, làm cái gì cũng bị người ta để mắt theo dõi. 

Thường ngày, mồm mép nhà văn lép nhép như lửa bén trôn chảo. Cái món nói phét oang oang một tấc đến đỉnh trời, lưỡi chưa kịp mọc da non. Nhưng chiều nay, bỗng dưng hai miếng môi trên gương mặt họ khép hờ, mím chặt một cách hiền lành, kiên nhẫn, bí mật và khó hiểu.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cuộn người lại như một con phjẳm (con sâu đá). Hắn cố giấu mình vào góc trong cùng. Nhưng vẫn lòi ra cặp kính trắng mở to để nhòm gái Cao Bằng. Hắn cực tinh quái. Rồi hắn chép miệng: “Toàn cốm. Ông thì… nhá tuốt”. 

Chân dung hí họa Trần Đăng Khoa của họa sĩ Còm.

Ngày cuối cùng của trại viết cũng đã đến. Buổi chiều ngày hôm ấy, Hội Văn nghệ mời đại diện các cấp các ngành trong tỉnh đến dự buổi tổng kết. Cuối buổi có tổ chức liên hoan chia tay các nhà văn, nhà thơ trong đoàn và các trại viên.

Tiếng cười to, vang dường như làm vỡ những miếng kính lắp trên cửa sổ. Tiếng nói oang oang chẳng ai nghe được ai đang nói gì. Tiếng cốc chén bát đũa lanh canh, tóoc táach, lách cách. Tiếng mở bia chai phụt phẹt nổ ra liên tiếp từ nhà hàng Giao tế. Những âm thanh vui tai vọng tràn ngập xuống phố Thầu, phố Cũ. Ai đi đường cũng dừng lại, dỏng tai lên nghe ngóng, xem con cái nhà ai mà cưới to thế, hoành tráng thế.

Mâm cỗ các nhà văn ngồi trở thành tâm điểm của cuộc vui. Mấy cô văn công tỉnh thưỡn thẹo lần lượt từng người, mồm thì hát tặng, tay ôm vai tay chéo chén chuốc rượu. Những làn điệu dân ca Tày, Nùng thoát ra từ những nụ miệng tròn xinh thơm phức, làm cho các nhà văn vừa tò mò vừa lú lí thích thú. Họ thực sự xúc động và ngưỡng mộ trước vẻ đẹp văn hóa dân gian Cao Bằng. Thế là chén anh chén chú cứ thế… rót.

Người Cao Bằng lúc nào cũng gọi uống rượu là kin lẩu. Trong tiếng Tày kin là ăn, lẩu là rượu. Kin lẩu là ăn rượu. Ăn rượu phải có người mình thích ngồi cùng mâm. Bởi nó hạp nhau lắm. Ăn rượu nghĩa là anh không chỉ uống. Không chỉ nhắm. Mà phải được nghe tiếng lòng của nhau. Cảm được cái tình của nhau. Xắn được miếng tim, gan, phổi phèo của nhau. Ăn rượu nghĩa là cả tai, mắt, da, thịt, tóc, râu… cùng một lúc được hưởng cái sự sung sướng. Nhưng sung sướng nhất là làm cho người mình yêu say bí tỷ. Say bét nhè. Say như cối đá lăn. Say như quả bí ngủ treo. Để rồi tự tay mình được chăm sóc, phục vụ, lau chùi, tắm táp cho bạn.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa bị các cô gái trẻ đẹp vòng trong vòng ngoài bao quanh chặt nghẹt. Tiếng đồn về anh Khoa thì khá lắm rồi. Thế mà bọn em chẳng biết nhà thơ có yêu đương lăng nhăng lít nhít gì chưa. Em mời anh một chén. Úi giời! Chết chết chết. Một chén thì nhằm nhò gì thím ơi. Được nhé. Nhớ nhé. Được chứ sao không. Chín chén anh đây còn chưa say thím ạ. Tôi nghĩ bụng quả này chết rồi Khoa ơi. Chú mày phét không đúng lúc đúng chỗ rồi. Đúng thế, Khoa trở thành cái rốn của cuộc rượu.

Tới tấp những ngón tay búp măng cong cong cầm chén. Còn tay kia nâng cằm Khoa ngửa lên dốc rượu. Hệt như một đàn ong vừa bị ai trêu tức. Khoa cuống cuồng tối tăm mắt mũi chối từ, nhưng vẫn không được. Bằng mọi cách, họ bắt anh chàng tài hoa chưa vợ này phải uống. Không uống không được. Gái Cao Bằng có võ rượu đấy.

Nhìn đây này. Sức vóc ấy cứ ngồn ngộn, cứ núng nính, anh nào lớ xớ đụng vào là chết liền. Không khéo họ gìm đầu Khoa vào những bộ ngực đồ sộ kia thì nó ngột hơi mất. Tôi bảo Khoa rằng, người Tày họ sống rất thật. Mày mà phét lác như ở Hội Nhà văn thì chỉ có chết mất ngáp. Thì y như thật. Nhà thơ say quá. Say không thở được nữa. Tôi biết tửu lượng Khoa rồi. Chỉ tại cái mồm làm khổ cái thân thôi Khoa ơi.

Ba, bốn, năm cô dìu Khoa về Phòng, đóng cửa lại. Họ chặn không cho gió máy thổi vào. Rồi lần lượt họ cởi áo ngoài, đến áo trong...

Mặt Khoa lúc này đang tái mét. Một lát nữa đỏ bừng như hoa dong riềng. Có cô hý húi pha nước chanh cho thêm thật nhiều đá. Còn cô khác chạy lắc chân chó xuống bếp xin cuống lá giong, mang về giã dập cho Khoa ngậm. Nửa tiếng sau, Khoa tỉnh hẳn. Em hãi các bác rồi.

Y Phương
.
.