Trầm tích một đời văn

Thứ Bảy, 07/11/2009, 09:00
Tôi được gặp nhà văn cách đây 14 năm. Mùa hè năm 1995 tôi đi dự trại viết của Văn nghệ quân đội, khi ấy Lê Lựu là trại trưởng, đọc tác phẩm văn xuôi cho anh chị em.

Lúc ấy, do chị Như Bình và chị Thanh Hà (hiện nay đã là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam) rất xinh đẹp coi như chiếm thời gian và tình cảm của Lê Lựu nên tôi dựa vào thế mạnh đồng hương, thế mạnh binh nhì mà... tiến công. Ông đọc sáng tác của tôi rất kỹ và phán ngay: "Cơ bản là hỏng. Hỏng nhưng còn cứu được chứ không hỏng hẳn. Cậu viết thì có văn mà đọc thì không có chuyện". Rồi ông an ủi: "Binh nhì cơ à. Lại đồng hương với tớ thì lo gì. Thôi, ra biển mà chơi. Tớ còn làm việc".

Tôi nhìn bản thảo chữ tím của các chị kia mà ấm ức. Cơ mà không nản lòng. Cái sự văn chương là một sự dài, phải cày sâu cuốc bẫm, phải lăn lóc, phải biết xóa đi chính mình mới mong có một cái gì. Ấy là  sau này khi tôi đã có một số truyện in trên Văn nghệ Quân đội, báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn… ông mới bảo tôi thế.

Chính ra, chuyện viết lách của Lê Lựu cũng nên bổ sung là: Ông rất chăm viết. Viết công văn giấy tờ với Lê Lựu cũng là viết văn, ông gọi vui là văn chính luận nên cẩn tắc lắm, chữa đi chữa lại be bét cả ra, cuối cùng chính ông cũng không đọc được. Ông lại hay vớ cái gì viết vào cái đó. Như khi ông viết một cái giấy mời chẳng hạn. Lắm lúc nó được sang trang từ vỏ bao thuốc lá sang giấy bọc thuốc lào, bố ai luận ra được. Lại còn hút thuốc lào không có diêm thì xé dần cái vỏ bao thuốc lá ra làm đóm. Thế là toi đời giấy mời. Làm nhân viên của Lê Lựu thậm khổ là thậm khổ ở một chi tiết như trên.

Tôi nhớ một lần, cũng là chưa xa ngày hôm nay. Khi ấy, Lê Lựu còn đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, còn nhận trọng trách thực hiện những cuộc đối thoại hằng tháng của Tạp chí. Cuộc đối thoại trên lại nhằm vào một vấn đề nhạy cảm, vấn đề đất ở nông thôn. Đất ở nông thôn được chuyển đổi cơ cấu, nói thẳng là bán có thời hạn, tế nhị thì gọi là chuyển giao, là cho thuê với các doanh nghiệp khác nhau, các doanh nghiệp nước ngoài khác nhau. Vấn đề rất hay, rất lớn và thiết thực, có thể ai nói cũng hay, cũng ngay lập tức đặt ra được rất nhiều câu hỏi, toàn là bức xúc và sát sườn với lợi ích của anh, của tôi và của nhân dân. Cuộc ấy, có nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà văn Sương Nguyệt Minh và tôi. Trời hôm ấy mưa dầm, bong bóng mưa giương mắt nhìn giời từ những hôm trước, báo hiệu sẽ mưa liên miên. Nếu là anh phóng viên Truyền hình, hoàn toàn có thể dựa vào lý do thời tiết mà bỏ cuộc.

Chủ tịch thị trấn mà chúng tôi sẽ đối thoại là một người lính chiến, từng đánh nhau, từng bị đấu đá, thị phi, thậm chí bị oan, đã đội mưa đội gió đến ủy ban từ rất sớm. Anh bảo: "Lê Lựu bảo đến là đến đấy, các đồng chí có liên quan cứ chuẩn bị, sau đó thì đi ăn thịt chó ở ngoài quán. Tôi biết anh Lựu từ thuở Trường Sơn".

Cuộc ấy, rất nhiều người hỏi, sắc sảo, liên tưởng xa với gần, chiến lược với phúc lợi, cả nhân cách, đạo đức, cả sự viễn tưởng của nhà văn. Người trả lời tài năng không kém, toàn những ông từng ở chiến trường ra, đánh nhau liên miên để giành đất, giữ đất. Cầm lên miếng đất, thấy có mồ hôi và máu của mình phập phồng trong đấy làm sao không cẩn trọng, làm sao lơ là, và có thể làm sao dễ bề bị ai đó lợi dụng? Cho dù người đó có là anh em, bè bạn, hoặc là địch, hoặc là tư bản miệng nói tay đã dúi ngay vào túi mình tiền đô.

Khi ấy, tôi thấy Lê Lựu ngồi lặng lẽ, trầm mặc nhìn ra ngoài trời mưa gió. Nhà văn Trung Trung Đỉnh chừng như cũng tỏ ra quan hoài, im lặng, vân vi khi chưa thấy ông anh nói gì. Tôi và nhà văn Sương Nguyệt Minh cứ thao thao với đồng chí Chủ tịch thị trấn, với các đồng chí phụ trách các mảng kinh tế - xã hội khác. Mãi gần trưa, Lê Lựu mới lên tiếng, vẻ mặt rất là nghiêm chỉnh: "Tôi xin hỏi thực các anh thế này, bây giờ miếng ăn của nhân dân, của con em mình từ các doanh nghiệp nó có lấm láp lắm không?".

Tất cả lắng đi, Lê Lựu hỏi thế tức là ông đã có nhiều thông tin từ những bất cập nảy sinh thời gian gần đây của thị trấn, nào là chuyện hùa nhau đình công đốt phá công ty, nào là chuyện các doanh nghiệp bắt phạt vô cớ, xúc phạm công nhân, đánh đập thành thương tật, rồi tai nạn lao động gây chết người ỉm đi. Kể cả chuyện một số doanh nghiệp ma về với dự án ma chiếm đất để bỏ cỏ, rồi kiện cáo, vu cáo, rồi nghiện hút, mại dâm và rất nhiều vấn đề khác. Văn hóa bị phá hoại, xây dựng tùy tiện các công trình dân sinh, ngay cả các đồng chí lãnh đạo thị trấn, lãnh đạo huyện đứng chân trên địa bàn thị trấn và cả lãnh đạo tỉnh cũng có đơn thư của nhân dân tố cáo, thậm chí có cả tờ rơi, hò vè… Dân đã phẫn nộ là có vấn đề đấy, vấn đề nan giải rồi vì lòng dân vốn bao dung làm vậy.

Mấy đồng chí trong thị trấn nhìn ông, một nhà văn tưởng như đi mây về gió, nếu quan tâm là quan tâm chuyện bên Mỹ bên Pháp hoặc là ở Trung ương cao kia chứ biết đến sự vụ tạp nhạp ở cái thị trấn này làm gì. Nhưng ai nấy tươi tỉnh và tỏ vẻ thán phục bảo: "Anh Lê Lựu ạ. Chúng tôi biết rất rõ điều đó, thực ra là đang chiến đấu vật lộn với nó cũng căng thẳng lắm, cũng khi thắng khi bại cả đấy, nhưng không buông trôi đâu anh. Có phải chết trên đồng đất nhà mình chúng em cũng sẵn sàng. Chứ không chiến đấu, chứ đóng cửa bưng bít với nhau không cho doanh nghiệp vào, không cho con em của mình đi đâu mới là cái chết mòn mỏi, tức tưởi trong sự tự làm ngu dốt mình. Cho nên rằng bọn em đây chấp nhận tay bo một cuộc nữa, cuộc này cũng sinh tử lắm, có tiền cầm tiền không có bản lĩnh, kể cả lương tâm và tài năng là chết như chơi...".

Trong bữa thịt chó buổi trưa hôm ấy, trời thì cứ việc mưa, trong một quán lá ở bìa sông Lăng, sáu bảy ông cán bộ và ba bốn ông nhà văn cứ tiếp tục bàn đủ thứ chuyện trên trời, dưới bể. Lê Lựu sau hồi hăng hái, giờ lặng lẽ nhấm nháp mưa rơi muôn thuở. Các nhà văn khi cười khi nâng chén rượu quê nút lá chút sủi tăm bóng nồng đậm. Nhà văn Trung Trung Đỉnh mơ mơ màng màng phán ngay một câu: "Ơ, cái bác Lựu nhà mình, hóa ra là hiểu đất đai doanh nghiệp ra phết. Cơ mà giao đất cho bố thì rất nguy bởi bố thì làm gì biết tổ chức sản xuất mà lại hứng lên cho béng ai đó hoặc bán bừa đi thì tình hình sẽ ra làm sao nhỉ?". Tất cả phá lên cười. Lê Lựu vừa nhai củ sả như nhai trầu, cười tít mắt bảo: "Bố láo nào".

Nhà văn Lê Lựu rất nặng lòng với quê hương. Ông có đi chân trời góc bể trời Âu trời Phi gì nữa, lâu lâu cứ phải tìm về nơi phủ Khoái, nơi cách đây ngót trăm năm đê vỡ liên tục. Hàng chục năm ròng đất đai nhà cửa mồ mả ngập chìm trong nước đục. Cho đến giờ, cùng với những biến chuyển như vũ bão ở đâu đó thì ở đây, nơi thôn dã, vẫn là Lê Lựu ấy với dáng đi lũi cũi cố hữu bên gốc cau gốc trầu. Và ông vẫn ăn trầu bỏm bẻm, đủng đỉnh như chẳng có gì phải vội vã, tất bật ở cõi đời này.

Một buổi, nhiều buổi, ông cùng anh em bạn hữu quyên góp gây dựng đình làng, nơi xa xưa ông cùng lũ bạn đánh khăng đánh đáo, bắt ve, hun chuột. Gia đình tổ tông Lê Lựu từng danh gia vọng tộc hồi nào rồi sa sút do biến cải của đất trời vần vũ thì mặc nhiên ông vẫn bộc lộ rõ tư chất của người hiền. Người hiền trong thiên hạ như Lê Lựu là rất hiếm. Ông ở ẩn trong chính nhân cách, chí hướng và công việc của mình mà an toàn đến nay cũng là một sự kỳ diệu

Phùng Văn Khai
.
.