Trái chôm chôm biết hát

Thứ Sáu, 05/07/2019, 15:57
Đó là cái tên các bạn nhỏ ở TP Hồ Chí Minh đặt cho người nhạc sỹ yêu quý của mình. Ông là Phạm Trọng Cầu (1935 -1998) – tác giả bài hát “Cho con” rất nổi tiếng, không em nhỏ nào không biết: “Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa/ Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực/ Ba mẹ là lá chắn che chở suốt đời con…”.


Lần đầu tiên tôi nghe bài hát này là dịp được dự Hội diễn thiếu nhi tại một quận ở TP. Hồ Chí Minh. Một diễn viên “nhí” hát quá hay, giọng trong veo như giọt sương buổi sớm. Tôi nghe mà thấy “gai” cả người. Lâu nay, những bài hát viết về tình máu mủ ruột thịt, đặc biệt là cha mẹ và con cái dành cho thiếu nhi vốn dĩ chưa có nhiều. Trước đó, tôi có ý định sáng tác một bài về chủ đề này.

Nhưng lần đó, sau khi nghe bé hát, tôi nghĩ mình khó viết được hơn nên đã dừng ý định. Và chỉ một thời gian rất ngắn sau, “Cho con” đã nổi như cồn, lây lan khắp cả nước. Đi đến đâu cũng thấy các em nhỏ hát: “Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa…”.

Khi ấy, tôi chưa có dịp gặp Phạm Trọng Cầu, mới chỉ nghe loáng thoáng cái tên và biết rõ người nhạc sỹ này ở TP Hồ Chí Minh và làm việc tại Hội Âm nhạc thành phố này. Sau đó một thời gian, có dịp trở vào đây, nhân đến chơi với cố nhà thơ, nhạc sỹ Diệp Minh Tuyền tại Hội, tôi nhờ tác giả “Hát mãi khúc quân hành” đưa sang chơi với Phạm Trọng Cầu. Đúng lúc đó, một người chân đi tập tễnh với dáng vẻ khó khăn, râu tóc rậm, lởm chởm đi ngang qua. Diệp Minh Tuyền cất lời:

- Đây rồi! “Trái chôm chôm” có khách này!

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Diệp Minh Tuyền giải thích:

- Phạm Trọng Cầu đó. Ở trong này, là nhạc sỹ được thiếu nhi yêu thích nhất đó. Và cái tên “Trái chôm chôm biết hát” chính là do chúng đặt cho ông Cầu đấy. Thật không còn gì hạnh phúc bằng.

Cố nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu.

Cái tên thật ngộ. Và đặt cho người nhạc sỹ lần đầu tiên tôi gặp cũng thật phù hợp. Ông có gương mặt rất “đàn ông” với bộ râu quai nón đen nhánh luôn để dài, không cạo (mặc dù chưa già). Bộ râu cộng với mái tóc rậm không được chăm chút khiến đám trẻ con liên tưởng đến quả chôm chôm là thứ trái cây quen thuộc, có vị ngọt rất hấp dẫn ở các miệt vườn Nam Bộ mà chúng rất thích ăn. Lần đầu tiên gặp nhau nhưng Phạm Trọng Cầu tỏ ra vui vẻ, chân tình, không xa lạ và khá cởi mở trò chuyện. Sau khi hỏi thăm tình hình của tôi (công việc, quê quán, gia đình,,,), ông hỏi:

- Nguyễn Đình San mới chỉ biết bài “Cho con” của mình thôi à?

Trước câu hỏi đột ngột và khá thẳng thắn, tôi ít nhiều lúng túng vì sự thật là lúc ấy, chưa biết nhiều về ông. Nhưng chỉ một “Cho con” cũng đủ để tôi cảm mến, trân trọng, nhất là tiếp xúc thấy ông có chiều sâu, giàu nội tâm, rất “nghệ sỹ”. Tôi chưa kịp trả lời, ông đã nói tiếp:

- Không sao. Sự giao thoa giữa văn nghệ sỹ hai miền chưa được nhiều nên chưa biết hết về nhau cũng là dễ hiểu, Cũng như mình chỉ nghe tên nhiều nhạc sỹ ngoài ấy mà chưa biết được hết tác phẩm của họ. Lâu dần chắc chắn tình hình phải khác khi có nhiều sinh hoạt chung của giới nhạc hai miền và gia tăng các cuộc hội họp, sinh hoạt.

Tôi chứng minh điều Phạm Trọng Cầu vừa nói là rất đúng bằng việc nói với ông rằng bản thân mình tuy rất thích một số bài từ lâu – nhất là sáng tác ở các tỉnh phía Nam - nhưng không hề biết tác giả là ai. Tôi hát luôn cho ông nghe mấy câu có lời ca như sau: “Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh/ Muôn chim hót vang lên êm đềm/ Lên trường tôi con đê bé xinh xinh/ Len qua đám cây xanh nhẹ lướt…”.

Thật thú vị biết bao khi tôi hát xong, ông cho biết đó là bài “Trường làng tôi” ông sáng tác đã lâu, viết về chính ngôi trường ông từng học thuở nhỏ ở Vũng Liêm (Vĩnh Long). Tôi rất vui và cảm thấy thật hân hạnh khi đang được nói chuyện với tác giả bài hát về ngôi trường thơ mộng, đáng yêu mà bất cứ ai từng qua tuổi thơ cắp sách đến trường đều rung động, cảm thấy gần gũi, thân quen.

Bài hát có giai điệu đẹp, được tác giả xử dụng nhịp 3/4 (valse) nghe rất du dương, điệu đà. Tôi thích và thuộc lòng bài hát này từ lâu, nay được biết tác giả thì vô cùng thú vị. Cuộc tiếp xúc vì thế mà càng trở nên thân mật, cởi mở hơn.

Phạm Trọng Cầu cho biết ông được sinh ra đúng ngày Nô-en (25/12/1935) tại PhnomPênh nhưng có quê gốc ở Nghệ An và cha mẹ ông từng ra Hà Nội sinh sống. Số là cha ông - một viên chức dưới thời Pháp- bị điều sang Campuchia làm việc, đưa theo vợ sang và sinh ra ông tại đây. Năm 1943, gia đình trở về Sài Gòn rồi xuống Vĩnh Long cư trú.

Những năm 1946-1948, cậu bé Cầu mới hơn 10 tuổi đã tình nguyện tham gia Đội Tuyên truyền xung phong ở tỉnh này. Mấy năm sau, chàng thanh niên Cầu vào bộ đội, bị thương phải cưa chân, trở thành thương binh, phải rời mặt trận. Từ đó, ông luôn gắn với chiếc chân giả, đi lại rất khó khăn, nhất là những ngày trái nắng, trở trời.

Phạm Trọng Cầu từng theo học tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Năm 1962, học xong, ông sang Pháp tiếp tục theo học ở Nhạc viện Pa-ri (Conservatoire Supérieur de Musique de Paris). Năm 1969, ông trở về Sài Gòn, dạy ở trường trước đây mình đã học (Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ). Tại đây, ông tham gia phong trào yêu nước, xuống đường biểu tình chống chế độ Ngụy nên năm 1972 bị chính quyền bắt, giam đến 1975. Sau ngày miền Nam được giải phóng, ông làm việc tại Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh.

Tuy được học nhiều, rất bài bản, chính quy về âm nhạc nhưng Phạm Trọng Cầu ít viết khí nhạc mà chỉ thiên về ca khúc và sở trường, gặt hái được nhiều thành công hơn trong lĩnh vực sáng tác cho thiếu nhi. Ngoài hai bài vừa nhắc, ông còn bài “Ước mơ hồng” cũng được các em rất ưa thích Ông không chỉ sáng tác nhiều cho tuổi thơ mà còn tham gia dạy hát, dàn dựng nhiều chương trình ca nhạc cho các trường học, các nhà văn hóa thiếu nhi.

Sự phát triển mạnh mẽ phong trào ca hát của thiếu nhi ở TP. Hồ Chí Minh trong nhiều năm có công sức đáng kể của Phạm Trọng Cầu. Mặc dù đi lại khó khăn, sức khỏe không được tốt nhưng bất cứ đâu yêu cầu dàn dựng, ông đều sẵn sàng đáp ứng một cách vô tư không với điều kiện gì. Vậy nên các bạn nhỏ mới đặt cho ông cái tên rất yêu quý và ngộ nghĩnh là “Trái chôm chôm biết hát”.

Trong một lần sang Pháp vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, tham dự một cuộc sinh hoạt của Việt Kiều tại đây, tôi được nghe một một cô gái trẻ hát bài “Mùa thu không trở lại” của Phạm Trọng. Cô gái cho biết tác giả là nhạc sỹ đang sống ở Sài Gòn chứ không phải là Việt kiều.

Tôi thấy tên tác giả lạ hoắc, ở bên nước mình, không thấy có nhạc sỹ chuyên nghiệp nào có tên như vậy. Nhưng bài hát thì rất hay, nghe hết sức lãng mạn, gieo vào tôi cảm giác bâng khuâng, nuối tiếc thật khó tả: “Em ra đi mùa thu/ Mùa thu không trở lại/ Em ra đi mùa thu/ Sương mù giăng âm u/ Em ra đi mùa thu/ Mùa thu không còn nữa/ Đêm lá úa mùa thu/ Đổ sầu ngập tim tôi…”.

Bìa một tập nhạc của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu.

Về nước, tôi hỏi thì không ai biết tác giả mặc dù có nghe bài này. Sau đó, vào Sài Gòn, đến chơi với Phạm Trọng Cầu, tôi hỏi thì sự thú vị lại lặp lại lần thứ hai với tôi: Tác giả “Mùa thu không trở lại” lại của “Trái chôm chôm”. Và ông kể về sự ra đời ca khúc này:

- Đó là kỷ niệm về một mối tình trong đời mình không bao giờ có thể quên. Hồi mình học âm nhạc ở Pháp, có yêu một cô Việt kiều. Mình gặp cô ta vào mùa xuân, yêu qua suốt mùa hè với cả núi kỷ niệm. Sau đó cô ta trở về Việt Nam, mình thì còn rất lâu nữa mới hết khóa học (7 năm). Giây phút tiễn cô ở sân bay quá bùi ngùi. Máy bay cất cánh rồi, mình ra về, lê bước qua những con phố. Khi qua vườn hoa Luxembourg, thấy lá vàng rụng đầy dưới chân, mình biết thế là đã sang thu.

Với mình lúc ấy, nhớ tiếc người tình ngẩn ngơ, không biết bao giờ mới có thể gặp lại. Mình thấy như không bao giờ còn mùa thu nữa. Và sau đó, mình cho ra đời bài “Mùa thu không trở lại” để kỷ niệm cuộc tình lỡ dở này. Trước đây, trong mọi sáng tác, mình đều ký tên Phạm Trọng. Sau này mới lấy lại chữ “Cầu” cho đầy đủ họ, tên như khai sinh.

- Sau khi du học âm nhạc ở Pháp, anh trở về Việt Nam, không tìm gặp lại cô gái à? Chẳng lẽ dứt tình dễ thế sao?

- Bẵng đi nhiều năm không có liên lạc gì. Khi mình về nước cũng có nhớ đến cô nhưng lại nghĩ thôi thì việc gì qua, cho qua luôn. Vả lại thời gian cũng trôi đi được mấy năm rồi. Năm tháng cũng “nguôi dần chuyện sót đau”. Mình quyết định không tìm kiếm cô ta làm chi nữa.

Nhưng Phạm Trọng Cầu nói đó là mối tình khiến ông không sao có thể quên. Không biết có phải vì như vậy mà các sáng tác cho người lớn của ông nghe cứ thấy có điều gì đó như là khắc khoải? Rõ nhất là trong các bài “Một mai tôi qua đời”, “Một trái tim một quê hương”. Ngày cả bài “Đà Lạt gió và mây” viết về một xứ mộng mơ, lãng mạn bậc nhất mà nghe cứ phảng phất nỗi niềm u uẩn.

Năm 1998, Phạm Trọng Cầu qua đời ở tuổi 63 – cái tuổi thời nay chưa phải đã già, rất nhiều người vẫn còn nguyên phong độ và sức làm việc chưa suy giảm. để lại cho công chúng, nhất là tuổi thơ cả nước, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh niềm nhớ tiếc thương lớn đối với một nhạc sỹ có tâm, có tài gắn với những bài hát không phai nhạt theo thời gian.

Nguyễn Đình San
.
.