Trả tiền sáng tác bằng... trứng và lợn

Thứ Tư, 06/04/2016, 08:00
Đó là mùa hè năm 1985. Nhạc sỹ Nguyễn Đình San và cố nhà thơ Trần Mạnh Thường được một trại chăn nuôi ở huyện Thanh Oai (Hà Sơn Bình cũ) mời về thăm để sáng tác và viết báo. 

Số là người trại trưởng ở đây rất thích văn nghệ, muốn có bài hát và thơ cùng bài báo nói về công việc của trại. Nhạc sỹ Nguyễn Đình San khi ấy là phóng viên âm nhạc ở Báo Văn hóa - Nghệ thuật (Bộ Văn hóa) và nhà thơ Trần Mạnh Thường làm việc ở Ban Văn nghệ - Đài Tiếng nói Việt Nam. Vì nơi mời không có ôtô đón nên hai vị nhạc sỹ và nhà thơ phải lặn lội đạp xe vào trại chăn nuôi cách Hà Nội gần 20km. Họ được trại mời ở lại qua đêm để thâm nhập thực tế và có nhiều thời gian chuyện trò với mọi người.

Chứng kiến cuộc sống rất vất vả, nhiều khó khăn của anh chị em trại viên, hai tác giả đã sáng tác được thơ và nhạc. Riêng Trần Mạnh Thường còn viết thêm được một bài bút ký về họ. Hai ông bảo nhau cố gắng hoàn thành ngay trong đợt này, không phải trở lại “trả bài” vì sẽ diệu vợi và cũng để đáp ứng ngay mong muốn của lãnh đạo trại. Thế là ngay đêm hôm ấy, hai ông thức trắng để viết xong tác phẩm. Riêng bài bút ký thì Trần Mạnh Thường khất vì phải về nhà mới có thể viết, khi nào phát trên sóng sẽ tìm cách báo cho trại biết để đón nghe.

Đêm hôm ấy, hai ông đề nghị được ở tách mỗi người một phòng ngay tại trại chăn nuôi để tiện sáng tác. Trần Mạnh Thường thì yên lặng, trầm lặng làm thơ, còn Nguyễn Đình San thì cứ suốt đêm âm ư, rồi gõ nhịp, đập phách khá ồn ào vì sáng tác nhạc không thể như làm thơ. Hai ông đã thức trắng đêm, đến đúng gà gáy sáng thì cùng hoàn thành tác phẩm.

Sáng hôm sau, Trại tổ chức cho toàn thể nhân viên chừng 50 người tập trung nghe hai tác giả “báo cáo” tác phẩm. Nguyễn Đình San vừa đàn vừa hát ca khúc, Trần Mạnh Thường đọc thơ rất “xôm”, được anh chị em hoan nghênh, hưởng ứng nhiệt liệt. Có một chị nhân viên nuôi lợn biết ngâm thơ đã ngâm bài thơ của Trần Mạnh Thường. Ông nói chưa bao giờ nghe ngâm thơ mà ông thấy cảm động như lần ấy. Lúc chia tay hai tác giả, lãnh đạo trại đã tặng mỗi người mấy chục quả trứng vịt và một… con lợn giống (hồi đó, ở thành phố, nhiều người nuôi lợn để có thêm thu nhập). Hai ông lấy làm thú vị tuy chẳng ai nuôi, nhưng vẫn vui vẻ nhận.

Giữa đường về Hà Nội, Trần Mạnh Thường vô ý bị đụng xe đạp, ngã bổ chổng. Rất may là ông chỉ hơi bị xây xước da. Nhưng trứng bị vỡ hết và con lợn giống thì bị xổng, chạy ra cánh đồng. Nhiều người nhiệt tình đuổi bắt hộ. Song, chú lợn tuy bé nhưng chạy rất nhanh, đã chui tuột vào ruộng lúa. Mọi người đành chịu, không thể bắt. Thế là mất. Sau đó, Nguyễn Đình San đã bán con lợn của mình ngay trên đường với giá như biếu không. Rồi trứng và tiền đều chia đôi. Ông bắt Trần Mạnh Thường phải nhận sau một hồi nhà thơ cứ một mực từ chối.

Nhà thơ Trần Mạnh Thường đã qua đời cách đây mấy tháng. Mỗi khi nhớ đến bạn (nhà thơ và nhạc sỹ cùng học một lớp ở Tổng hợp Văn, khóa 9), Nguyễn Đình San lại nhớ như in kỷ niệm vui diễn ra 31 năm về trước. 

Mai Hoa
.
.