Tống Mỹ Linh - Tình yêu thuở học đường và khát vọng quyền lực

Thứ Tư, 19/05/2010, 13:18
Người dân Trung Quốc mỗi khi nhận xét về ba cô con gái nhà họ Tống (Tống Ái  Linh, Tống Khánh Linh và Tống Mỹ Linh) thường nói: "Cô cả yêu tiền, cô hai yêu nước, cô ba yêu quyền". Chính vì "yêu quyền" mà Tống Mỹ Linh đã dễ dàng từ bỏ mối tình đầu đầy thơ mộng với Lưu Kỷ Văn để cùng sánh vai với Tưởng Giới Thạch, trở thành Đệ nhất phu nhân quyền uy ngang ngửa...

Đôi nét về mối tình đầu

Trước khi gặp Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh đã đem lòng yêu Lưu Kỷ Văn, chàng trai đất Giang Tô có gương mặt thanh tú, có phong thái lịch thiệp và lối sống thì đậm vẻ  phương Tây. Cả hai đều du học ở Mỹ: Mỹ Linh học Trường Nữ học còn Kỷ Văn tu nghiệp tại Đại học Harvard. Hiện trong hồ sơ lưu trữ của Trường Nữ học còn ghi lại: "Vị hôn phu tương lai của cô Tống là một lưu học sinh Trung Quốc. Hai người sẽ chính thức kết hôn vào một thời điểm hiện còn chưa xác định".

Dĩ nhiên, với một con người đầy toan tính như Tống Mỹ Linh, "thời điểm... chưa xác định" đó đã chẳng bao giờ tới!

Trở về nước, đã mấy lần Lưu Kỷ Văn đề nghị tổ chức lễ cưới, nhưng cả mấy lần Mỹ Linh đều khéo léo gạt đi. Rõ ràng, trong suy xét của cô, Kỷ Văn tuy có nhiều nét đáng yêu song không phải là người chồng lý tưởng, khó có thể đáp ứng được những tham vọng đang chất chứa trong tâm hồn cô lúc đó.

Và cuộc hôn nhân với Tưởng Giới Thạch

Năm 1917, khi Mỹ Linh từ Mỹ về đến Thượng Hải thì cả hai bà chị của cô đã lập gia đình (Tống Ái Linh kết hôn với Khổng Tường Hy, Tống Khánh Linh kết hôn với Tôn Trung Sơn), lập tức trong gia đình họ Tống, Mỹ Linh trở thành điểm thu hút chói sáng, hấp dẫn nhất. Với dung nhan yêu kiều, lại biết nhiều thứ tiếng, trình độ văn hóa sâu rộng, Mỹ Linh đã chiếm được cảm tình của không ít các nhân sĩ, học giả, chính khách thường lui tới ngôi biệt thự rộng lớn (có cả phòng nhảy) của gia đình cô ở đường Hàng Phi - Thượng Hải.

So với nhiều người thì Tưởng Giới Thạch thuộc vào dạng biết đến Mỹ Linh hơi... muộn, song đó lại chính là nhân vật vừa biết "tấn công" vừa biết "trường kỳ mai phục" một cách ngoan cường nhất.

Lần đầu tiên Tưởng bước chân vào tư dinh nhà họ Tống là vào một tối tháng 12 năm 1922. Bấy giờ, với danh nghĩa kẻ phò tá trung thành của Tôn Trung Sơn, Tưởng được mời tới dự buổi dạ hội đạo Kitôdo Tống Tử Văn (anh trai Tống Mỹ Linh) tổ chức. Tại đây, Tưởng được giới thiệu làm quen với Tống Mỹ Linh và ngay lập tức, nhan sắc và phong thái của tiểu thư họ Tống đã làm Tưởng mê đắm. Hơn thế, một phép tính hiện nhanh trong đầu ông ta: Đây là em vợ Tôn Tổng thống (Tôn Trung Sơn), gia đình tài lực hùng hậu, các anh rể và anh trai đều có ảnh hưởng chính trị rất sâu rộng...

Để đạt được mục đích, một mặt Tưởng khẩn cầu Tôn Trung Sơn - người đang có thiện cảm với ông ta - những mong ông lựa lời vận động vợ là Tống Khánh Linh, một mặt Tưởng năng đi lại chỗ Tống Ái Linh, hy vọng trong vai trò chị cả, bà sẽ có tác động phụ trợ.

Lần đó, qua sự sắp xếp của Tống Ái Linh, Tưởng Giới Thạch từ Quảng Châu lên Thượng Hải và gặp Tống Mỹ Linh ở một quán cà phê. Khi Mỹ Linh cúi đầu dùng những ngón tay thon thả xoay xoay tách cà phê thì Tưởng - từ bên kia bàn nắm chặt lấy bàn tay ấy. Là một tướng lĩnh quân sự, Tưởng Giới Thạch có cái bạo dạn, tự tin khác hẳn với sự nhẹ nhàng, điềm đạm của Lưu Kỷ Văn. Mỹ Linh rút mạnh tay ra khỏi tay Tưởng, chăm chú nhìn ông ta, nói rành rẽ:

- Tôi không yêu ngài! Tôi đã có chồng chưa cưới. Anh ấy đang học để thi lấy học vị tiến sĩ tại Trường đại học Harvard... Chúng tôi đính hôn được 5 năm...

Nói đến đó, bỗng nhiên nước mắt Mỹ Linh trào ra.

Tưởng Giới Thạch lại một lần nữa nắm chặt tay Mỹ Linh, nói:

- Nàng khóc, cho thấy lòng nàng đang mâu thuẫn. Tôi không thể rút lui, tôi sẽ cạnh tranh với anh ta.

- Ngài không thể đoạt được cái mà người ta yêu - Mỹ Linh nghiêm khắc cảnh báo.

Tưởng Giới Thạch nói thẳng vào vấn đề:

- Anh ta mới chỉ là chồng chưa cưới của nàng. Tôi không làm điều gì vi phạm đạo đức. Nàng không thoát khỏi tôi đâu. Tôi nhìn thấy tâm sự của nàng, nàng có biết không? Tôi muốn thống nhất cái đất nước đang chia năm xẻ bảy của chúng ta. Tôi cần một người phụ nữ tốt giúp đỡ tôi và người đó là nàng. Lưu Kỷ Văn cao nhất chỉ có thể trở thành một học giả. Nàng là người thông minh, xin suy nghĩ cho kỹ!

Những lời Tưởng nói đã đánh trúng những điều Mỹ Linh đang còn phân vân. Cùng đặt Kỷ Văn lên bàn cân, rõ ràng Tưởng Giới Thạch nặng hơn nhiều lắm!

Kể từ tháng 5/1924, sau khi được ủy nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Quân sự Hoàng Phố, con đường quan lộ của Tưởng Giới Thạch thăng tiến vùn vụt. Đến tháng 7/1926, ông ta đã vươn tới vị thế Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Trung ương Quốc dân đảng, Tổng tư lệnh Bắc phạt quân, tập trung mọi quyền lực của đảng, quân đội trong tay. Tháng 3/1927, Tưởng đưa quân tiến đến Nam Kinh, Thượng Hải. Tháng 4 năm đó, tại nhà họ Tống, một lần nữa Tưởng cầu hôn với Tống Mỹ Linh.

Để giải quyết sự việc, họ Tống mở hội nghị gia đình. Kết quả: Đại đa số vẫn không đồng ý.

Ngày 15/5 năm đó, dưới sự "hợp tác" của Tống Ái Linh, Tưởng cử đội vệ sĩ đến đón Tống Mỹ Linh đi Tiêu Sơn du ngoạn và nghỉ ngơi. Theo lệnh Tưởng, trong xe chất đầy hoa tươi. Bản thân Tưởng thì trút bỏ quân phục, mặc complê, đội mũ kiểu Ponama, đi giày trắng...

Cô gái đang độ xuân xanh, trong hơn mười ngày được tận mắt chứng kiến cảnh núi sông hùng vĩ, lại được Tổng Tư lệnh Tưởng trực tiếp đi theo "hướng dẫn", đã cảm thấy trong lòng nhiều phấn khích. Chuyến đi này quyết định vị thế "Đệ nhất phu nhân" của Tống Mỹ Linh.

Tháng 8/1927, do những mâu thuẫn dẫn đến công kích lẫn nhau giữa chính phủ Nam Kinh mà Tưởng đang cầm đầu và chính phủ Vũ Hán do Uông Tinh Vệ khống chế, Tưởng phải chịu nhiều áp lực trong đảng. Với phương sách "lấy thoái để tiến", Tưởng tuyên bố từ chức. Ngày 13/8, Tưởng dẫn hơn hai trăm thân tín rời Nam Kinh, qua Thượng Hải, Ninh Ba về quê hương Khê Khẩu, ngụ trong chùa Tuyết Đậu. Chính tại đây, trong thân phận kẻ "võ nhân bãi chức, dứt khỏi việc đời", Tưởng đã viết cho người đẹp họ Tống một bức thư lời lẽ vô cùng tha thiết:

"Lâu nay chỉ lo việc quân cơ, mà lòng vẫn luôn nghĩ đến người đẹp nghiêng thành, trên đời này chỉ có mình em... Năm qua chiến sự giao tranh ác liệt, cứ tự trách mình chỉ lo công việc. Bây giờ nghĩ lại, mơ tưởng tới dung nhan kiều diễm của em mà lòng yêu thương không sao kìm nén. Nhưng không biết ở nơi xa xôi, em có hiểu được lòng tôi?".

Đến đây, có thể nói mọi nỗ lực theo đuổi của Tưởng Giới Thạch đã đạt kết quả. Mỹ Linh bị chinh phục hoàn toàn. Đối với cô, Tưởng là một con người có ý chí và ý chí ấy không dễ gì bị khuất phục. (Thực tế, chỉ hơn trăm ngày sau Tưởng được phục chức, lại tiếp tục giơ cao chiếc gậy binh quyền).

Vậy là Tống Mỹ Linh gật đầu. Vấn đề chỉ còn ở phía gia đình.

Phải nói ngay rằng, vợ chồng Tống Ái Linh - Khổng Tường Hy là những người ủng hộ cuộc hôn nhân của Tưởng Giới Thạch với em gái họ đầu tiên, vì họ rất tin vào "tiền đồ sán lạn" của Tưởng. Tống Tử Văn, vì nể người bạn đồng học là Lưu Kỷ Văn nên lúc đầu còn kiên quyết phản đối, sau đổi ý kiến. Riêng Tống Khánh Linh thì trước sau như một, không bao giờ bà chấp nhận cuộc hôn nhân này (chỉ có điều, sau chính biến phản cách mạng 12 tháng 4, bà không đi chung một con đường với họ Tống nữa).

Người có quyền quyết  định "tối cao" không ai khác là Nghê Quế Trân, mẹ của ba cô (ông Tống Gia Thụ, chồng bà đã mất từ năm1918). Bà không tán đồng cuộc hôn nhân bởi ba lý do:

1- Tưởng là một quân nhân.

2- Tưởng đã từng kết hôn. Và điều tiếng của thiên hạ về sự lăng nhăng của Tưởng không phải không khiến bà lo ngại.

3- Tưởng không phải là tín đồ Cơ đốc giáo.

Tuy nhiên, bởi con gái, con trai và các con rể đều ra sức thuyết phục, vun vén cho mối tình Tưởng Giới Thạch - Tống Mỹ Linh, thành thử về sau bà Quế Trân cũng  không công khai phản đối cuộc hôn nhân này nữa.

Về phần mình, Tưởng Giới Thạch cũng đã hết sức cố gắng để giải quyết dứt điểm những điều bà mẹ vợ tương lai của mình còn cấn cá. Sự thực, trước khi lấy Tống Mỹ Linh, Tưởng đã có tới ba lần làm... chú rể. Và những lần kết hôn sau, chẳng bao giờ ông ta làm thủ tục ly hôn người vợ trước. Lần này thì khác, Tưởng phải nghiêm túc tiến hành "thanh lý" nhà cửa với những thê thiếp cũ của mình. Hơn thế, để chứng thực với mọi người (trước nhất là với bà Quế Trân và chị em Tống Mỹ Linh), Tưởng ra tuyên bố cắt đứt quan hệ vợ chồng với vợ cả Mao Phúc Mai, với vợ hờ Diên Di Thành và vợ hai Trần Khiết Như. "Bằng chứng" là trước cuộc thông gia Tưởng - Tống, trên một tờ báo ở Thượng Hải đã đăng mẩu tin ly hôn: "Mao thị là vợ cả, đã ly dị từ lâu; hai họ Diêu - Trần, vốn không có khế ước".

Về vấn đề tín ngưỡng tôn giáo, để được kết hôn với Tống Mỹ Linh, Tưởng đã tự nguyện theo đạo, tự nguyện nghiên cứu Thánh kinh. Điều này khiến bà Quế Trân lấy làm hài lòng và Mỹ Linh thì thực sự mãn nguyện.

Lễ thành hôn của Tưởng Giới Thạch - Tống Mỹ Linh được tổ chức vào ngày 1/ 12/1927 đã gây chú ý của dư luận trong nước cũng như trên thế giới. Không ít báo chí đã đưa tin, kèm ảnh cùng lời bình luận trái ngược nhau về sự kiện đặc biệt này

Phan Hữu Thành
.
.