"Tôi và bây giờ" và ký ức người lính

Thứ Bảy, 29/09/2007, 10:30
Nếu ai đó cho rằng, thơ là tiếng lòng, là ký ức của những ngày đã qua thì điều đó đã đúng với những gì Nguyễn Xuân Thái viết trong tập thơ “Tôi và bây giờ” (NXB CAND, 2006) của mình.

Những cái thoáng qua, những cái đọng lại, những cái đi mãi vẫn luôn là niềm day dứt của thi ca, của người cầm bút làm thơ. Đó chính là tiếng lòng còn thổn thức khôn nguôi. Hãy lắng nghe tiếng lòng của nhà thơ thao thức về ký ức một thời áo lính:

Cỏ xuân xanh vẫn vậy thôi

Tôi ngồi uống với mây trời phía xa…

(Heo may)

“Mây trời phía xa” ấy chính là những đêm tuần tra, những ngày truy theo dấu chân biệt kích năm nào của người lính Nguyễn Xuân Thái, nó vẫn là niềm trăn trở, là những nỗi nhớ về đồng đội.

Trong cuộc sống thường nhật dẫu còn những nhọc nhằn vất vả nhưng Nguyễn Xuân Thái vẫn thao thức nhớ về ánh lửa rừng hôm nào khi “củ sắn bẻ đôi vừa thổi vừa ăn” trên đường truy tìm biệt kích.

Nếu ai đã từng phải bế đồng đội hy sinh sau mỗi trận đánh thì mới hiểu cái đau, cái nhớ thương, cái mất mát lớn biết nhường nào. Tôi tin rằng, đó chính là nỗi đau hơn mọi nỗi đau, là nỗi buồn hơn mọi nỗi buồn.

Nhiều người quan niệm rằng, thời gian sẽ là liều thuốc làm lành những nỗi đau, làm dịu vợi nỗi buồn, xoa dần những mất mát của cuộc đời. Thời gian trong thơ Nguyễn Xuân Thái chính là nỗi lòng mình.

Thời gian ở đây hư mà thực, ảo đấy mà thật đấy, gần đấy mà xa đấy, thời gian ấy để nhà thơ “cắm con sào ký ức xuống thời gian”, cắm vào lòng người những kỷ niệm của thời gian, của những gì đã trải nghiệm, và những điều mà con người tưởng có thể vùi đi những đớn đau cuộc đời đã trải.

Đó chính là những đau đớn không thốt thành lời, là những trăn trở, dằn vặt mà Nguyễn Xuân Thái canh cánh trong lòng. Nỗi đau của sự chiêm nghiệm rút thành thơ.

…Mười năm vùi xa xót trong tim

Giờ gặp lại hoa díu dan đầy tóc

Biết không thể tìm lại gì đã mất…

(Mùa hoa sấu này)

Đây phải chăng chính là tiếng lòng của người thơ, của nỗi đau mà thời gian đã tưởng như khỏa lấp trong ký ức. Năm tháng qua đi, ta đã tưởng chừng như những nỗi đau kia đã được thời gian làm cho quên lãng, nhưng thực ra là không, nó chỉ làm cho nỗi đau thêm đau, nỗi nhớ thêm đầy, nỗi buồn thêm nặng vì thời gian qua đi để chỉ còn lại “một mình gom nhặt”.

Ấn tượng và để lại sâu đậm nhất trong “Tôi và bây giờ” có lẽ là hình ảnh người lính biên phòng. Gần 40 năm cầm súng và cầm bút cũng bằng ấy năm Nguyễn Xuân Thái là người lính biên phòng.

Nếu ai đó có nói, trong các nhà thơ cầm bút viết về biên phòng ít ai có thể hiểu biên phòng bằng Nguyễn Xuân Thái chắc không sai. Nếu không là người lính biên phòng liệu có ai biết được, con đường người lính biên phòng ngày ngày đi qua như thế này:

Lối mòn lọt bước chân

Vừa vượt suối gặp thác

Bên đường nhung nhúc sên

Rồi:

Dốc Đá Bằng ngựa ngã

Dốc Cây Dẻ chênh vênh

Một bên vách đá dựng

Một bên vực hút nhìn

(Đường vào Na Nhạp)

Bằng lối viết tả thực, Nguyễn Xuân Thái đưa người đọc cảm nhận được một cách đầy đủ nhất về biên giới. Giữa những nét hùng vĩ của núi rừng, những nẻo đường biên cương cũng còn rất nguyên sơ và ẩn chứa biết bao nguy hiểm.

Nguyên sơ là thế, nguy hiểm là thế, gian nan là thế nhưng người lính vẫn dành tất cả cuộc đời mình cho dải đất biên cương mà không hề so đo tính toán. Sự hy sinh ấy cứ như vốn có sẵn trong trái tim của mỗi người lính.

…Bạn như giọt nắng ban mai

Mà thành cổ tích thành cây giữa đời

(Heo may)

Mặc dù Nguyễn Xuân Thái đặt tên cho tập thơ của anh là “Tôi và bây giờ”, nhưng cái tôi trong quá khứ, tôi trong bây giờ, nghĩa là tôi xa xưa và tôi hiện tại luôn bên nhau tạo nên tiếng nói chung, sự đồng điệu, tiếng nói của thơ, tiếng nói của niềm trăn trở về quá khứ, nơi biên giới xa xôi của Tổ quốc. Những trăn trở và nỗi nhớ về quá khứ đằm trong ký ức được nhà thơ gửi gắm vào thơ.

Cỏ xuân xanh mãi. Vậy thôi

Sau lưng tôi vẫn góc trời heo may.

(Heo may)

“Góc trời heo may” ấy có đồng đội của anh, một góc trời nơi biên giới xa xôi của Tổ quốc. Có thể nói, “Tôi và bây giờ” là tập thơ nói hộ người lính và của người lính quân hàm xanh. Và đó cũng là ký ức của cả đời lính biên phòng- Đại tá, nhà thơ Nguyễn Xuân Thái

Phạm Thanh Khương
.
.