Tôi đi thi... Slam thơ

Thứ Sáu, 07/07/2017, 08:01
Tôi đã trở thành nhà thơ Slam (dù trước đó không biết mảy may một chút nào về khái niệm này) khi tham dự cuộc thi Slam thơ do Đại sứ quán Pháp và Viện Quốc tế Pháp ngữ tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp vào tối 25-3-2017. Đoạt giải quán quân của cuộc thi, tôi được mời tham dự Cúp Slam thơ quốc tế tại Paris diễn ra từ ngày 22 tới 28-5-2017. Toàn bộ chuyến đi được Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội đài thọ. Tôi là “nhà thơ” già thứ hai của cuộc thi.


Coupe Du Monde Et Slam National là gì?

Là World Cup và Slam quốc tế. Slam poetes là gì? Là nhà thơ Slam. Toàn là những khái niệm mới du nhập. Để độc giả hiểu rõ hơn về các nhà thơ Slam lại phải nhờ đến “anh google”. Anh ấy trả lời như sau: “Slam thơ được nhà thơ người Mỹ Marc Smith sáng tạo vào năm 1986 với mục đích mang thơ tới gần khán giả hơn, khiến thơ trở nên sinh động và lôi cuốn.

Thể loại trình diễn thơ này gồm những quy tắc tối giản, cho phép nhà thơ tự do biểu diễn tác phẩm của mình một cách mộc mạc mà cuốn hút nhất. Có thể nói, Slam là kết quả của cuộc hôn phối giữa nghệ thuật trình diễn và nghệ thuật thơ. Đề cập đến tất cả các chủ đề, từ rộng lớn như xã hội, đời sống, cho tới gần gũi như gia đình, tình bạn, tình yêu, Slam là một sự chia sẻ bằng thơ, là sự gặp gỡ của ngôn từ và cảm xúc một cách chân thành, tự nhiên.

Slam thơ mang tính quần chúng, sân chơi dành cho tất cả người yêu thơ từ bình dân cho đến trí thức. Theo dòng cảm xúc, người viết Slam thơ và biểu diễn chúng trên sân khấu và để khán giả tự do khám phá vũ trụ thu nhỏ của mình. Thậm chí, khán giả có thể ngồi, đứng, nằm ở lối đi, trên bậc thềm, hò hét, khóc, cười cùng thơ và nhà thơ”.

Nhà văn Y Ban đang đọc thơ cho các em nhỏ trường tiểu học ở Pháp.

Vào cái đêm 25-3 tại Hà Nội, khi MC xướng tên tôi là nhà thơ, tôi bỗng nổi gai ốc toàn thân. Tôi còn quá xa lạ với hai từ đó, vì sự ngưỡng mộ vô bờ bến với những nhà thơ để một thời say đắm tôi mê mẩn chép các vần thơ của họ vào tập vở đẹp nhất. Tôi đã không cho phép ai, kể cả bản thân mình lạm dụng hai từ đó. Với một làn da vẫn còn tê tê bần bần, tôi bước lên sân khấu để thưa thớt rằng: "Xin hãy cứ gọi tôi là nhà văn, hoặc là tác giả Y Ban. Tôi là một nhà văn già và là một nhà thơ non, nếu được phép xưng danh là nhà thơ".

Cúp Slam thơ quốc tế có 25 nhà thơ đến từ 23 vùng và lãnh thổ trên thế giới: Nam phi, Anh, Áo, Argentina, Belgium, Brasil, Canada, Scotland... Châu Á có hai đại diện: Nhật Bản và Việt Nam. Khi tôi hỏi một người trong ban tổ chức, tại sao lại ít nhà thơ châu Á tham dự? Thì được trả lời, họ đang cố gắng để tiếp cận với các nhà thơ châu Á nhưng không phải là một việc dễ dàng. Mấy năm trước họ đã từng đến Trung Quốc để tổ chức một cuộc thi Slam thơ với hi vọng các năm tiếp theo Trung Quốc sẽ chọn được nhà thơ tham dự cúp Slam thơ quốc tế nhưng đến giờ Trung Quốc vẫn không có người tham dự. Với Nhật Bản thì họ đã thành công, hàng năm đều có nhà thơ Nhật Bản tham dự cúp.

Cup Slam thơ thế giới năm nay, thành viên trẻ nhất là nhà thơ Leo Coupal đến từ Canada mới 18 tuổi, già nhất là nhà thơ đến từ Phần Lan, Lassi Kalleinen, sinh năm 1952. Tôi là người già thứ hai và là một trong ba nhà thơ nữ.

Hãy thưởng thức và tôn vinh các nhà thơ khi họ còn đang sống

Thông điệp được đưa ra tại các cuộc thi Slam thơ: Chúng ta hãy thưởng thức thơ của các nhà thơ và hãy tôn vinh họ khi họ còn đang sống, đừng để họ chết già trong các thư viện. Nhưng nếu được cả hai thì càng tốt (vừa được tôn vinh trước độc giả và vừa được chết già trong thư viện). Thông điệp thứ hai của cuộc thi là, thường thì các nhà thơ giỏi nhất và các bài thơ hay nhất sẽ không đoạt giải đâu. Đơn giản vì giám khảo họ sẽ thích những thứ mà không phải nhà thơ nào cũng viết ra.

Ví dụ họ thích cái xe đạp thì bài thơ nào viết về cái xe đạp sẽ được chấm điểm cao. Các nhà thơ được chia thành 4 bảng và đấu loại trực tiếp. Những khán giả đến nghe thơ phải mua vé với mức giá 5EU cho vòng loại và bán kết, chung kết phải mua vé 8EU. Một sự xa lạ và vô cùng thú vị khi được chứng kiến hàng dài người xếp hàng mua vé để vào dự cuộc thi thơ.

Khác với cuộc thi trong nước chỉ có 3 giám khảo thì ở cuộc thi quốc tế có 5 giám khảo và chỉ lấy điểm của ba giám khảo cho điểm số chụm nhất. Trước khi vào cuộc thi chính thức sẽ có một bài thơ hiến sinh, có nghĩa là một tác giả bất kỳ nào đó sẽ lên đọc bài thơ của mình để cho các giám khảo chấm thử. Rồi từng giám khảo sẽ phát biểu vài câu ngắn gọn về việc tự nguyện làm giám khảo của mình.

Có một giám khảo nói rằng, ông ta đến từ Italia và biết rằng trong cuộc thi này có một nhà thơ đến từ Italia vì thế ông ta muốn được thưởng thức bài thơ bằng tiếng Italia. Tôi ngồi phía trước ông giám khảo đó và rất tò mò xem ông ta cho người đồng hương của mình bao nhiêu điểm. Chỉ có 7 điểm, tim tôi như hụt mất một nhịp đập.

Tôi cảm thấy thất vọng tràn trề nhưng lại được an ủi ngay khi điểm 7 của ông ta bị loại vì nó cách biệt khá xa với các điểm 9, và 9,5. Khi trình diễn các nhà thơ đọc bằng tiếng mẹ đẻ còn phần thơ dịch sẽ được chiếu trên một màn hình lớn ở trên sân khấu.

Ở các vòng thi, mỗi thí sinh trình diễn ba bài, mỗi bài không được quá 3 phút, nếu quá thời gian quy định sẽ bị trừ điểm. Ba người được điểm cao nhất sẽ được vào bán kết. Tại vòng bán kết mỗi nhà thơ lại tiếp tục trình diễn 3 bài. Ba người được điểm cao nhất sẽ vào chúng kết.

Nhà thơ nữ Evelyn Rasmussen Osazuwa đến từ Nauy đã đoạt cúp vô địch cuộc thi Slam thơ năm nay. Ngoài làm thơ Evelyn còn là diễn viên hình thể. Cuộc thi không có sự cạnh tranh khốc liệt nhưng cũng khá kịch tính. Là “một bà già đi thi”,  lại “câm điếc xã đàn” không biết ngoại ngữ, nên tôi được bầu là nhà thơ thân thiện nhất, vì có ai nói gì, hỏi gì tôi cũng chỉ biết cười. Lúc có con gái bên cạnh làm phiên dịch cho thì mới “thưa thớt lọ chai” được đôi chút. 

Tuy nhiên, bằng trực giác của một mụ “nhà văn già hóa cáo” tôi cũng nhận ra rằng, giữa các nhà thơ có các nhóm đẳng cấp, sang chảnh luôn cặp kè và cổ vũ nhau. Tất nhiên họ còn trẻ và hiếu thắng. Và danh hiệu họ đoạt được trong cuộc thi như thế này sẽ là bàn đạp để họ nổi lên trong một xã hội cùi chỏ, con đường công danh của họ sẽ ngắn hơn. Khi tôi được vào bán kết thì các nhà thơ cũng đã nhìn tôi bằng cặp mắt khác. Họ bày tỏ sự ngưỡng mộ giọng đọc của tôi và những bài thơ của tôi.

Nhà văn Y Ban với nhà thơ Senegal, Clair Mc.

Nhà thơ Nhật Bản Komoru Nakauchi, thực chất cũng như tôi, anh ta là nhà văn thì đúng hơn vì đã in nhiều tập sách văn xuôi, luôn giơ hai ngón tay cái để ủng hộ tôi thi tiếp vòng trong. Nhà thơ Italia Paulo Agrati và nhà thơ Bồ Đào Nha Rogerio Couveia thì nói với tôi rằng, hãy đừng thay đổi gì, hãy cứ đi theo hướng những bài thơ mà bà đã viết và trình diễn ở cuộc thi này, chúng rất tốt. Các nhà thơ đã viết những bài thơ về tất cả những gì đã diễn ra trong cuộc sống của họ.

Nhà thơ Daniel Piper đến từ Scotland đã viết về sự ăn chay không thành của mình. Anh ta là diễn viên hài kịch nên biết đưa sự hài hước vào trong thơ, chiếm được khá nhiều tiếng cười của khán giả. Andre Prefobtaine đến từ Canada thì viết về việc đồng tính của mình.

Nhà thơ đến từ Nam Phi thì viết thư bằng thơ cho mẹ kể về việc người tình của mẹ đã hiếp con trên chiếc giường của mẹ, ký tên: con trai của mẹ. Nhà thơ Clair Mc đến từ Senegal thì viết rằng, đã đến lúc thế giới phải thay đổi, đừng phân biệt màu da nữa..

Con số 0,1 định mệnh

Cuộc thi tại Việt Nam qua hai vòng, vòng 1 có 12 nhà thơ thi đấu với nhau, 4 người điểm cao nhất sẽ vào tiếp vòng 2 đến chọn lấy một quán quân. Kết quả tôi hơn nhà thơ Đàm Khánh Phương 0,1 điểm và đoạt vé đi Paris.

Ngay buổi tối “đăng quang”, ban tổ chức đã buộc tôi phải gửi một tiểu sử tóm tắt và 6 bài thơ. Sau này tôi mới được biết thơ Slam thường dài như là kể một câu chuyện chứ không chỉ là một lát cắt hay một sự thăng hoa bất chợt của chữ nghĩa. Tôi gửi cho ban tổ chức 6 bài thơ, trong đó có bài chỉ có 6 câu. Khi thi chỉ được đọc trong 6 bài thơ đó. Tôi phải suy tính để đưa ra chiến lược.

Tại vòng loại, tôi đọc 3 bài thơ dài, bài "Ơi chú ngựa bất kham", khổ cuối tôi còn chuyển thành đọc ráp trên ngôn ngữ thân thể... của bà đồng. Tiếng huýt sáo nổi lên khắp khán phòng và tiếng vỗ tay rào rào. Cũng vì màn đọc ráp này mà phóng viên đài Nova có mặt tại cuộc thi đã mời tôi đến đài để đọc thơ. Tôi là người Việt Nam thứ hai có tiếng nói trên sóng phát thanh của họ. Vào vòng bán kết tôi chỉ còn ba bài thơ ngắn. Tôi xác định ngay sẽ thua cuộc. Thua cũng phải chơi hết mình, tôi liền “hát” bằng nhạc mình tự chế bài thơ: "Thơ viết trong lúc rửa bát". Và tôi thua nhà thơ đến từ Canada 0,1 điểm. Anh ta được 85,5 điểm còn tôi được 85,4 điểm. Khi tên anh ta được xướng lên, anh ta bèn đến bên tôi ôm chặt lấy tôi và nói, bà xứng đáng hơn tôi, tôi chỉ có chút may mắn hơn bà. Khá nhiều khán giả vây lấy tôi để tỏ ý tiếc rẻ.

Đã là cuộc thi thì phải có thắng thua nhưng với tôi là một sự thắng lợi tuyệt đối. Đợi cho mẹ nói lời cảm ơn xong với những người hâm mộ, con gái và các bạn của con đang theo học tại Pháp bèn kéo mẹ ra một siêu thị nhỏ, mua một chai vang và một vài đồ nhắm. Hướng sông Sen thẳng tiến. Hơn 9 giờ tối mà hoàng hôn vẫn còn lưu luyến trên mặt sông êm đềm. Vang Pháp ngon.

Y Ban
.
.