"Tình yêu thời do thám -FBI theo dõi García Márquez

Thứ Ba, 05/01/2016, 08:00
Hơn nửa thế kỷ trước, khi đặt chân tới Manhattan (Mỹ) cùng vợ và cậu con trai mới 2 tuổi, nhà văn trẻ 33 tuổi Gabriel García Márquez chọn thuê phòng ở Hotel Webster với giá 200 USD/tháng và bắt tay vào hành trình trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Điều ông không ngờ là kể từ lúc đó, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã bắt đầu đưa ông vào "tầm ngắm".

Bị theo dõi hơn 20 năm

Đó là năm 1961. Giám đốc FBI khi đó là J. Edgar Hoover đã bí mật lập một hồ sơ mật về người đàn ông quốc tịch Colombia gầy gò có ria mép vừa cùng vợ con tới cư trú tại Manhattan.

Bộ hồ sơ này được bổ sung thêm các tin tức tình báo trong suốt 24 năm sau đó, ngay cả khi García Márquez đã trở thành bạn bè thân thiết với các nhà lãnh đạo thế giới và được trao tặng giải Nobel văn chương.

Điều đáng kinh ngạc hơn là sự tồn tại của bộ hồ sơ mật này cứ nằm yên trong kho lưu trữ của FBI cho mãi tới gần đây, cơ quan mật vụ phải công bố thông tin theo yêu cầu của tờ Washington Post.

Nhà văn García Márquez (trái) và người bạn rất thân thiết của ông, lãnh tụ Cuba Fidel Castro. Ảnh: Guim.

Chưa rõ động cơ theo dõi García Márquez của FBI là gì, nhưng trên thực tế, nhà văn người Colombia đã tới Mỹ để giúp mở một cơ quan thông tấn của chính phủ Cuba. Trong nhiều năm sau đó, ông cũng trở thành nhà hoạt động chính trị và là bạn thân thiết của Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Thoạt đầu FBI nghĩ rằng tên của nhà văn là José và đã ghi nhầm các thông tin tình báo bí mật của họ về nhà văn dưới cái tên José García Márquez.

Về sau, khi một mật vụ FBI cần cập nhật các bức ảnh trong hồ sơ mật, họ đơn giản chỉ cần copy ảnh bìa của một trong những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của García Márquez rồi dán bức chân dung vào hồ sơ được đóng dấu "bí mật".

Trong các hồ sơ mật của FBI, còn có phần các mật vụ giễu nhại vốn tiếng Anh hạn chế của ông. Nó cũng chất đầy các thông tin lý lịch của nhà văn đã được công khai trên tạp chí Time, New York Times và các ấn bản báo chí tiếng Tây Ban Nha khác. Trong một bài báo năm 1982 trên Newsday nói về việc nhà văn García Márquez nhận giải thưởng Nobel văn chương, một mật vụ đã gạch chân dưới một đoạn mô tả ông là "một người bạn thân thiết của Fidel Castro".

FBI đã giải mật và công bố 137 trang hồ sơ theo dõi liên quan tới nhà văn García Márquez theo yêu cầu của Washington Post. Tuy nhiên, họ vẫn còn giữ lại khoảng 133 trang khác, điều này khiến cho rất khó biết chính xác lý do nào đã khiến FBI "bỗng dưng quan tâm" tới nhà văn người Colombia nhiều đến vậy.

Trường hợp García Márquez cũng khá giống với một số nhà văn khác như Ernest Hemingway, John Steinbeck… cũng bị các mật vụ FBI của ông Hoover theo dõi sát sao vì những mục đích nào đó. Tuy nhiên, FBI chưa từng mở cuộc điều tra hình sự nào với ông trong suốt thời gian theo dõi.

Con trai nhà văn không ngạc nhiên

García Márquez, tên thân mật là Gabo, là một tiểu thuyết gia, nhà báo, nhà viết kịch và cũng từng là sinh viên ngành lịch sử chính trị. Ông trở thành một biểu tượng văn hóa - văn học lớn vì đã tạo ra một chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn chương với hàng loạt tiểu thuyết gây tiếng vang, trong đó nổi tiếng hơn cả là các cuốn "Tình yêu thời thổ tả" và "Trăm năm cô đơn".

Ông trở thành bạn của nhiều nhân vật tầm cỡ, trong đó có Tổng thống Pháp Francois Mitterrand và Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Thời Bill Clinton, còn tại nhiệm, Márquez từng tới thăm Nhà Trắng nhiều lần. Tổng thống Bill Clinton đọc "Trăm năm cô đơn" khi đang học đại học và theo chia sẻ, đó có lẽ là cuốn tiểu thuyết ông thích nhất.

García Márquez mất ngày 17-4-2014 tại nhà riêng của ông ở Mexico City, thọ 87 tuổi. Tổng thống Obama đã gọi ông là "một người đại diện và tiếng nói của người dân châu Mỹ". Ông Obama nói: "Thế giới đã mất đi một trong những nhà văn xuất chúng nhất, và cũng là một trong những nhà văn tôi yêu thích nhất từ khi còn trẻ".

Gabriel García Márquez đã bị FBI bí mật theo dõi trong hơn 20 năm.

Juan Manuel Santos, Tổng thống Colombia ca ngợi ông là "Người Colombia vĩ đại nhất của mọi thời". Cựu Tổng thống Bill Clinton khi đó nói: "Tôi vinh dự được là bạn của ông ấy và được biết về trái tim vĩ đại cùng khối óc mẫn tiệp của ông ấy trong hơn 20 năm qua".

Người con trai cả của García Márquez, ông Rodrigo García cho biết, gia đình ông không hề biết gì về việc FBI theo dõi cha mình. Tuy nhiên là một nhà sản xuất phim và truyền hình ở Los Angles, ông không ngạc nhiên. Cha ông từng hơn một lần kể về sự việc xảy ra hồi năm 1960 hay 1961 gì  đó, khi kết thúc ngày làm việc và đang trên đường về nhà thì phát hiện có hai người đàn ông đang bám theo ông. Họ bắn tín hiệu cho nhau bằng cách huýt gió. Theo ông Rodrigo García, khi đó cha ông đã bị mật vụ của một tổ chức đối lập với Cuba hoặc CIA theo dõi.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là về sau cha ông đã bị chính hãng thông tấn quốc gia của Cuba là Prensa Latina sa thải chỉ sau vài tháng làm việc vì được cho là không có đủ phẩm chất chính trị cần thiết.

Thông tin đầu tiên xuất hiện tại hồ sơ theo dõi Márquez của FBI đề ngày 8-2-1961, có một lệnh dường như xuất phát trực tiếp từ Edgar Hoover, chỉ đạo rằng "trong trường hợp ông ta nhập cảnh vào Mỹ vì bất cứ mục đích gì, Cục điều tra liên bang sẽ phải được thông tin ngay".

Hai tháng sau đó, một mật vụ bổ sung thêm ghi chú rằng anh ta tin tên của nhà văn không phải là José (theo con trai nhà văn thì chữ đó là tên đệm và ông chưa bao giờ dùng nó). Các điệp viên phát hiện thấy García Márquez khi đó 33 tuổi đã đưa tin về phiên tòa năm 1961 xử một người đàn ông quốc tịch Cuba bị buộc tội giết người, và họ cũng nhồi thêm vào bản báo cáo một chút châm chọc: "García Márquez  thực sự gặp khó khăn với tiếng Anh".

Các mật vụ mô tả nhà văn là người cao khoảng 1,67m, gầy và khuôn mặt mỏng (nhiều năm sau đó họ sẽ đổi mô tả sang khổ người đậm). Dưới phần tiêu đề "Những đặc điểm khác biệt", hồ sơ ghi "có ria mép".

Các nguồn tin mật tiết lộ nhà văn Colombia đã trả tiền thuê phòng khách sạn 200 USD/tháng, sống với vợ và cậu con trai 2 tuổi, chính là Rodrigo García, và họ không có khách khứa tới thăm.

Bạn thân của Fidel Castro

Cũng theo mật vụ FBI thì văn phòng cơ quan thông tấn Cuba tại New York đã mở một hồ sơ điều tra chính thức về García Márquez. Hồ sơ cho thấy García Márquez  sinh ngày 6-3-1928, mặc dù các nguồn tin đã công bố hiện nay cho biết ông sinh năm 1927. Trong trường hợp này con trai nhà văn cho rằng FBI đã đúng. Một lỗi trong xử lý hồ sơ hành chính với hộ chiếu đầu tiên của nhà văn García Márquez đã gây ra nhầm lẫn về tuổi thực của ông.

Tháng 7-1961 một bản ghi chép cho biết một nhóm mật vụ đã liên lạc với ít nhất chín nguồn tin về García Márquez  và các hoạt động của ông.

Một nguồn tin nói rằng García Márquez đã rời New York bằng một xe buýt và hướng về Mexico.

Một số ghi chép được gửi trực tiếp tới văn phòng giám đốc FBI Hoover và ít nhất có một ghi chép có chữ viết tay của ông này. Mối quan hệ trực tiếp của ông Hoover cũng không có gì ngạc nhiên. Trong hơn một thập kỷ, Chủ tịch Cuba Castro đã dành cho nhà văn Colombia nhiều ưu ái, trong đó có việc tặng ông một tòa nhà và bổ nhiệm ông giữ chức giám đốc một viện phim của Cuba.

Nhà văn từng hết lời ca ngợi Chủ tịch Cuba Fidel Castro với những mỹ từ như: "là một người có những thói quen khắc kỷ và những giấc mơ không giới hạn, một người có nền giáo dục chính thống kiểu cũ với những ngôn từ cẩn trọng và phong thái lịch thiệp".

FBI thậm chí còn theo dõi cả những người bạn của nhà văn García Márquez, tuy nhiên tên tuổi những người này đã bị xóa bỏ trong các tài liệu được công bố.

Trần Đắc Luân
.
.