Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6

Tình yêu của Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng

Thứ Năm, 02/06/2016, 17:13
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất yêu quý thiếu niên, nhi đồng. Người đã dành muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu nhi, chủ nhân tương lai của Đất nước.


1. Năm 1941, sau 30 năm xa Tổ quốc, Bác về nước. Cùng với những việc đại sự khác, Người đã quan tâm ngay đến phong trào thiếu nhi. Ngày 15-5-1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Đội Thiếu Niên Tiền Phong, Hội Nhi đồng cứu vong được thành lập với 5 đội viên đầu tiên là: Nông Văn Dền với bí danh Kim Đồng; Nông Văn Thàn, tức Cao Sơn; Lý Văn Tịnh, tức Thanh Minh; Lý Thị Ni, tức Thủy Tiên và Lý Thị Xậu, tức Thanh Thủy. Nông Văn Dền được bầu làm đội trưởng đầu tiên. Các thành viên của Đội đã làm lễ tuyên thệ suốt đời trung thành với Đảng, tuyệt đối giữ bí mật cho dù phải hy sinh đến tính mạng cũng không phản bội lại nhân dân, phản bội lại Cách mạng.

Trong hoàn cảnh "vận nước gian nan", Bác đã đau lòng trước cảnh "trẻ em cũng bị bận thân cực lòng/ Học hành, giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa/ Sức còn yếu, tuổi còn thơ/ Mà đã khó nhọc cũng như người già/ Có khi lìa mẹ, lìa cha/ Đi ăn ở với người ta bên ngoài...". Và Người mong muốn là "bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng".

Bác Hồ dành muôn ngàn tình yêu thương đối với thiếu nhi Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám thành công, trong thư gửi học sinh vào ngày Khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam mới, 2-9-1945, Bác đã viết: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".

Tháng 2-1948, dù đang bận trăm công ngàn việc, nhưng Bác vẫn luôn theo sát phong trào thiếu nhi. Bác căn dặn: "Các cháu tổ chức những đội Trần Quốc Toản... Trước thì giúp những nhà chiến sĩ, nhà thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy. Thí dụ: Quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ... Các cháu nên hiểu rằng: Giúp đỡ đồng bào tức là tham gia kháng chiến... luyện tập tinh thần siêng năng và bác ái để sau này trở thành công dân tốt...".

Báo Sự Thật, số 134 ra ngày 1-6-1950, đăng bức thư Bác gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi. Trong thư Bác viết: "Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô. Song ở các nước tư bản, cha mẹ là người lao động bị bóc lột, thì trẻ con cũng bị bóc lột, phải chịu cực khổ. Ví dụ: Mỹ là một nước nhiều tiền bạc nhất, có những nhà đại phú, ngồi mát ăn bát vàng.

Nhưng con nhà lao động thì lên 5, lên 6 tuổi đã phải đi làm thuê, làm mướn. Ở nước Việt Nam ta thì, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến". Tiếp đó, trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc vào ngày 25-8-1950, Bác đã viết: "Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan".

Báo Cứu Quốc số 1828, ngày 29-5-1951, trong "Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi", mở đầu lá thư Bác viết: "Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng".

Bác cho rằng ngày 1/5 là ngày mà tất cả những người lao động thế giới tỏ tình đoàn kết, đấu tranh thì ngày 1-6 "là ngày của các cháu nhi đồng trong thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình...". Các cháu cần phải "Thi đua học tập, thi đua tăng gia sản xuất; thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh, tử sĩ. Thế là các cháu đấu tranh". Bác còn có lời khuyên: "Các cháu phải đoàn kết, thương yêu nhau" và là đoàn kết, thương yêu giữa nhi đồng trong nước với nhau, cũng như bạn bè thiếu nhi trên thế giới. Bác gọi: "Đó là tinh thần quốc tế".

Vào Tết Trung thu năm 1952, Bác đã gửi cho các em thiếu nhi những câu thơ nhắn nhủ, dạy bảo thật ân cần: "Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình/… Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh".

Năm 1953, trên báo Nhân Dân số 115, từ ngày 1 đến 5-6-1953, Bác gửi đăng bức "Thư gửi nhi đồng trong nước và ngoài nước nhân ngày 1-6". Lần này, vui sướng về những chiến thắng vang dội của quân dân cả nước trong sự nghiệp kháng chiến của dân tộc, trong đó có sự đóng góp rất tích cực của trẻ em, Bác lại làm thơ: "Chín tết trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gửi thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần"...Và Bác kết luận: "Các cháu vui thay/ Bác cũng vui thay/ Thu sau so với thu này vui hơn".

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Việt Nam và quốc tế.

Năm 1955, nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Bác có thư gửi cho các cháu và cán bộ các trường miền Nam, Bác nêu: "Bác muốn đi thăm các cháu, nhưng vì bận quá mà chưa đi được. Lần này, Bác khuyên các cháu: "Trước hết, các cháu phải thương yêu giúp đỡ nhau, phải đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết giữa các cháu lớn và các cháu bé... giữa các cháu vùng này với các cháu vùng khác... giữa các cháu và các cô, các chú cán bộ". Bác nhắc các cháu thiếu nhi các trường miền Nam phải "yêu lao động, giữ kỷ luật. Chớ tự do phóng túng, phải tự lực cánh sinh... Các cháu nên thi đua, thi đua học tập, thi đua trong mọi việc...".

Bác căn dặn các cô, các chú cán bộ "phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình" để chăm nom, bồi dưỡng các cháu - những người chủ tương lai của nước nhà".

2. Không chỉ dành tình yêu thương cho các cháu thiếu nhi trong nước, Bác còn dành tình yêu bao la cho các cháu thiếu nhi khắp năm châu. Và các cháu thiếu nhi khắp năm châu cũng đã thể hiện sự yêu quý vô bờ đối với Bác.

Năm 1946, Bác sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh đất nước. Thị trưởng thành phố Paris mở tiệc long trọng thết đãi Bác. Khi ra về, Người lấy trên bàn một quả táo bỏ vào túi. Mọi người ngạc nhiên, tò mò trước cử chỉ ấy của Bác.

Ra đến cửa, Bác nhìn thấy rất đông bà con Việt kiều và người Pháp đứng đón mừng Bác. Trông thấy một bà mẹ bế trên tay một cháu bé, Bác tiến lại gần, giơ tay bế cháu bé. Lúc ấy, Bác rút trong túi ra quả táo đưa cho cháu bé. Mẹ cháu bé và những người cùng đi rất cảm động trước tấm lòng yêu trẻ của Bác Hồ.

Ngày hôm sau, câu chuyện "quả táo của Bác Hồ" đều được các báo Pháp đăng lên đầu trang nhất. Các báo còn kể lại rằng em bé gái khi nhận được quả táo đó thì giữ khư khư trong tay, ai xin cũng không cho. Lúc về nhà, em để quả táo trên bàn học. Cha mẹ em bảo: "Con ăn đi, kẻo để lâu sẽ hỏng, không ăn được". Nhưng em nhất định không ăn. Em nói: "Đó là táo của Bác Hồ cho con, con sẽ giữ thật lâu để làm kỷ niệm".

Khi đến thăm các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đến thăm trại thiếu thi Tiệp Khắc gần Praha, Bác đã có một cuộc đối thoại hết sức sinh động, vui vẻ với các cháu: "- Các cháu có biết Bác là ai không? - Ano! (có ạ). Strycek Hồ! (Bác Hồ). - Bác từ nước nào đến? - Việt Nam! - Các cháu có yêu học tập không? - Ano! - Có yêu lao động không? - Ano! - Bác Hồ rất yêu các cháu. Các cháu có yêu Bác Hồ không? - Ano... Ano!...".

Ngày 7-2-1958, hơn 3.000 thiếu nhi Ấn Độ đồng diễn chào mừng Bác Hồ tới thăm. Các em phấn khởi hô vang "Cha, cha Hồ" (Bác Hồ). Đây là điều rất đặc biệt. Bởi vì, chỉ có 2 người được thiếu nhi Ấn Độ gọi là Bác, đó là "Bác Nêru" và "Bác Hồ".

Thật cảm động khi đọc được những câu chuyện như vậy về Bác Hồ kính yêu của chúng ta!

Huế, ngày 28-5-2016

Nguyễn Văn Toàn
.
.