Tiến sỹ lội ruộng và văn hóa làng quê

Thứ Năm, 16/06/2016, 09:23
Một ngày đầu xuân Bính Thân, mấy anh em làm báo chúng tôi lên Ba Vì dự lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, tham gia tết trồng cây rồi cùng tiến sỹ Ngô Kiều Oanh về với những vùng văn hóa làng quê truyền thống nơi bà đã liên kết với nhiều bản làng dân tộc giữ gìn và phát triển trong nhiều năm qua.


Lâu rồi, hôm nay tôi mới được nhảy sạp, múa cồng chiêng, đi hái chè, nơm cá, tập cho đứa cháu nội của tôi xay thóc, giã gạo...

Trời rét, ấy vậy mà không ai chần chừ khi lội xuống ruộng cấy lúa, xuống ao nơm cá, mấy nhà báo bắt được cá to, mang lên đốt rơm nướng, cá nướng thơm ăn với bánh đúc, bánh cuốn, với lá cây, rau sạch hái từ vườn nhà.

Thật thú vị khi được tự tay hái các loại rau cũng là những vị thuốc quý như rau lưỡi hổ (họ bồ công anh), rau tắc te (họ tầm bóp), rau páng páng, dền chua, mồng tơi đồi, cải mán, rau muống đồi ....Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh đưa cho chúng tôi một cuốn sách giới thiệu các địa danh văn hóa làng quê, các vật thể văn hóa của người Mường, người Thái, người Dao ở đây, cũng như các sản vật, đồng thời cũng là những vị thuốc quý mà ta thường nói là thực phẩm chức năng.

Gia đình Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh tại Hà Nội năm 1959.

Vợ chồng tôi quen biết Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh nhiều năm nay. Bà là người đã cùng nhóm phóng viên báo Tiền Phong phát hiện, viết nhiều bài báo, rồi làm kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền quyết bảo vệ bằng được danh lam thắng cảnh văn hóa bậc nhất nước Nam khỏi bị xâm hại bởi một dự án xây dựng nhà máy rác thải ở cạnh chùa Hương.

Bà cũng là người lên tiếng về khu làng cổ Đường Lâm bị xâm hại, buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc để giữ cho được khu làng cổ có một không hai này. Tôi nhớ những ngày bà rất vất vả và chính bản thân tôi cũng đã đến tận khu vườn lạ Long An mà lúc đó có cả vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ cũng ở đó, cũng tham gia đấu tranh bảo vệ sự nguyên vẹn của khu vườn...

Thực lòng, ít khi tôi gặp được một người làm khoa học lại tâm huyết với văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống, văn hóa tâm linh, văn hóa làng xã như tiến sỹ Ngô Kiều Oanh.

Trong tham luận bà đọc tại một hội thảo với chủ đề: "Mô hình phát triển du lịch gắn với làng nghề", tôi hiểu chính bà là người đã đi nhiều nơi trên thế giới, tìm hiểu những mô hình mới để áp dụng vào Việt Nam trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống, bảo vệ các vùng quê, phát triển các làng nghề  ngàn đời nay.

Bà nói: "Du lịch nông nghiệp trên thế giới rất được coi trọng vì đã chứng minh được sự đóng góp to lớn không những về mặt kinh tế mà còn về các mặt xã hội, bảo vệ môi trường gốc rễ tự nhiên, văn hóa và lịch sử...".

Bà đã chứng minh việc chính phủ các nước hướng sự quan tâm của cả cộng đồng vào sự phát triển du lịch nông nghiệp (Agritourism). Ở Ý là "Agri-tourism" (Du lịch nông nghiệp), ở Mỹ là "Homestead" (Du lịch trang trại) , ở Nhật là "Green-tourism" (Du lịch xanh) ...

Việt Nam là một đất nước ngàn đời nay sống chủ yếu về nông nghiệp, là một quốc gia có bề dày lịch sử, văn hóa, có tài nguyên sinh học đa dạng thuộc nhóm 16 nước cao nhất thế giới. Bởi vậy, theo Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh, sự tồn tại bền vững một nền sinh thái nông nghiệp với các sản vật thiên nhiên độc đáo, với nền văn hóa làng quê nhiều bản sắc chính là sự thăng hoa của tương lai đất nước.

Người ta gọi bà là "Tiến sỹ lội ruộng" vì đã nhiều năm qua, Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh đã lăn lộn từ Nam chí Bắc, đến tận các vùng quê hẻo lánh, với từng nhà dân bản, tận tay nâng niu, gìn giữ các sản vật... Sau ngày nghỉ hưu - nhiều năm bà làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam - bà giành toàn bộ tâm sức liên kết với nhiều bản làng, xây dựng và phát triền mô hình trang trại ĐỒNG QUÊ dưới chân núi Ba Vì.

Đây là một mô hình mới đã được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen vì sự nghiệp phát triển bền vững, vì chính nơi đây, nhiều bản làng, nhiều người dân đã ý thức được, đã sống được trên chính mảnh đất của mình mà không phải đi đâu xa. Chính nơi đây, bà đã hướng dẫn cho từng gia đình cách trồng, chế biến chè sạch, cách bảo vệ và phát triển các sản vật quý hiếm ở từng địa phương. Chính ở nơi đây các chuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, tâm linh đã thực sự thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, tạo sự phục hồi và phát triển các làng nghề truyền thống ...

Những việc làm của bà Ngô Kiều Oanh theo tôi nghĩ chính là sự góp phần vào chủ trương xây dựng nông thôn mới chứ không phải xây một cái cổng làng thật to, quét vôi trắng xóa mà trong làng vẫn đói nghèo, rơm rạ như báo chí đã nêu!

Tiến sỹ Kiều Oanh trong một lần tham gia hội làng.

Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có thể nói là "Danh gia vọng tộc". Thân sinh bà là cố Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng hai bộ (Kinh tế và Canh nông) đầu tiên của chính phủ Cụ Hồ.

Ông nội bà là cụ Ngô Minh Ứng, lớn lên trong một gia đình đại điền chủ có hàng ngàn mẫu ruộng, ông cũng là một trí thức yêu nước nổi tiếng ở Nam bộ ...

Mẹ của Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh đậu tú tài thời Pháp, nhiều năm làm việc trong tổ thư ký của Bác Hồ.

Chị ruột của bà cũng là một nhà khoa học nổi tiếng - Giáo sư, tiến sỹ khoa học Ngô Kiều Nhi, người đã được giải thưởng danh giá Kovalevskaya.

Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh nói, từ nhỏ bà đã được ba mẹ dạy dỗ rất nghiêm khắc, đã được theo ba đi nhiều nơi, về với những vùng quê gốc rễ với cây đa giếng nước, với những đêm trăng huyền ảo...

Bà nhớ nhất là lần được đi theo Bác Hồ về một vùng núi nhiều đèo dốc, Bác khen: Cháu còn bé mà kiên cường, hoạt bát, nhanh nhẹn không kém người lớn ...thế là tốt!

Những chuyến đi về nông thôn, đến với những bản làng hẻo lánh, đến với từng người dân bản như vậy đã in sâu trong tâm trí bà, để lại cho bà nhiều ấn tượng tốt đẹp và cũng chính từ những chuyến đi đó là sự khởi nguồn cho nhiều ý tưởng về sau... 

Nhiều năm trước đây, những lần đến thăm, trò chuyện với bà, tôi để ý thấy hai đứa con nhỏ chạy ra chạy vào, sau mới biết chồng bà đi tu nghiệp nước ngoài rồi ở lại không về, một mình bà nuôi nấng, dạy dỗ hai con ...Giờ đây con gái đầu của bà đã trở thành thạc sỹ, cậu con trai thứ hai đang học đại học ở nước ngoài. Bà luôn dạy các con phải đứng vững trên đôi chân của mình như ba mẹ bà đã từng dạy. Bà cũng thường xuyên đưa các con về các vùng quê, dạy con yêu thiên nhiên, sống với thiên nhiên và tôn trọng tự nhiên... như những gì bà đã theo đuổi suốt cả cuộc đời.

Gần đây, tôi có đọc cuốn sách đang được dư luân trên thế giới chú ý, cuốn  "Cuộc cách mạng một-cọng-rơm" của Masanobu Fukuoka, một chủ trang trại nổi tiếng ở Nhật Bản, ông được coi như một học giả của thế kỷ này bởi những điều ông chiêm nghiệm, rút ra từ thực tế chính là điều mà xã hội văn minh đang hướng tới.

Ông cho rằng "Mục đích tối thượng của việc làm nông không phải là trồng cây mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người". Xã hội càng hiện đại, con người càng trở về với tự nhiên. Ông nói: "Về căn bản việc làm nông tồn tại trên đời này là để phục vụ và để đạt tới Thượng đế. Nông nghiệp tự nhiên là con đường. Bởi Thượng đế là thiên nhiên và thiên nhiên là Thượng đế...".

Không hiểu sao, khi đọc xong cuốn sách nổi tiếng này, tôi lại nhớ tới tiến sỹ Ngô Kiều Oanh, nhớ trang trại Đồng Quê, nhớ tới những bản làng với truyền thống văn hóa, những làng nghề đang được giữ gìn và phát triển, nhớ tới những ý tưởng và việc làm của người phụ nữ kiên cường, người được báo chí gọi là "Tiến sỹ lội ruộng". Phải chăng đất nước ta đang cần nhiều "Tiến sỹ lội ruộng" như bà?!

Dương Kỳ Anh
.
.