Tiến sĩ – Ca sĩ Tân Nhàn: Trở về với bản thể của chính mình

Thứ Năm, 09/04/2020, 14:01
Giải Cống hiến 2020 đã xướng tên chương trình "Trở về" của một ca sĩ theo đuổi dòng nhạc dân gian - Tân Nhàn. Còn với Tân Nhàn, trở về với âm nhạc truyền thống là cách chị trở về với bản thể của mình, với giấc mơ chị được nuôi dưỡng từ những ngày còn thơ bé.


Trên trang cá nhân, Tân Nhàn chia sẻ: "Tôi rất vui vì những nỗ lực, tâm huyết của mình cho live show "Trở về" nói riêng và con đường âm nhạc mình đã chọn nói chung được Ban tổ chức giải thưởng và các nhà báo ghi nhận.

Niềm vui ấy không chỉ đối với riêng cá nhân Tân Nhàn mà còn là niềm vui, nguồn cảm hứng cho các anh chị nghệ sĩ khác đang theo đuổi phong cách âm nhạc dân gian giống như tôi mạnh dạn, tự tin hơn, đầu tư nhiều và kỹ cho các sản phẩm âm nhạc của mình, từ đó tiếp tục lan tỏa hơn đến công chúng âm nhạc truyền thống của dân tộc".

Tân Nhàn hạnh phúc vì những nỗ lực của chị và cộng sự được ghi nhận. Nhưng chị hạnh phúc hơn khi những thành công của chị sẽ tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc kén người nghe này. Chị tin rằng, khi giá trị của dòng nhạc chị theo đuổi được nhìn nhận đúng đắn và tiếp cận với nhiều khán giả, sẽ tạo được sự cân bằng trong sự phát triển của âm nhạc Việt Nam.

Tôi theo dõi hành trình của Tân Nhàn trên một chặng đường dài. Chị không bao giờ ngủ yên trong chiến thắng, trong cả những vinh quang mà chị có được - một trong những giọng ca dân gian hàng đầu Việt Nam và rất đắt show. Nhàn hát dân ca mê đắm, ngọt ngào. Chị luôn nỗ lực tìm tòi những điều mới mẻ. Và cũng từ dòng nhạc dân gian đó, đã mang lại cho Nhàn tất cả, danh tiếng, tiền bạc…. đủ đầy của một ngôi sao hạng A. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn cô gái ấy, vẫn nuôi một giấc mơ, khát vọng lớn hơn. Chị không an phận trên đỉnh cao của mình, vì phía trước Tân Nhàn là những ngọn núi, những đỉnh cao khác chị chưa chạm tới.

Tân Nhàn là một trong số ít nghệ sĩ theo dòng nhạc dân gian nỗ lực tìm tòi, làm mới mình theo xu hướng đương đại. Chị lắng nghe những luồng âm thanh mới và dám liều mình làm mới thứ âm nhạc vốn dĩ đã bị đóng khung bởi truyền thống và những định kiến của người nghe.

Âm nhạc dân gian kết hợp với Jazz. "Yếm đào xuống phố" của Nhàn xuất hiện năm 2015 đã gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, Nhàn đang "phá" âm nhạc dân gian. Nhưng khi nghe "Yếm đào xuống phố", với cách hát tung tẩy, tự do, không giới hạn của Nhàn, tôi lại bị cuốn hút. Và tôi thích Nhàn hơn bởi chính cách chị dám phá bỏ những giới hạn đó.

Dường như, con đường Nhàn đi là một con đường có lộ trình. Vì thế, sau một thời gian ra "Yếm đào xuống phố", Nhàn lại làm album "Níu giải lụa đào", hát truyền thống nguyên bản. Nhàn tìm về các nghệ nhân để học các làn điệu truyền thống một cách bài bản, chuẩn mực. Chị quan niệm, muốn làm mới, phá cách thì phải hiểu cặn kẽ truyền thống.

Chị chia sẻ: "Âm nhạc truyền thống Việt Nam là một di sản khổng lồ, chứa đựng lịch sử văn hoá tinh thần của người Việt từ khi dựng nước đến nay. Tôi tiếc vô cùng khi nhìn thấy thực trạng hôm nay, nhiều loại hình âm nhạc truyền thống bị mai một, người trẻ ít nghe và ít quan tâm. Chính vì vậy trong quá trình nghiên cứu âm nhạc với vai trò trước hết là một giảng viên âm nhạc, tôi rất muốn được "truyền lửa" cho các học trò của mình".

Nhưng chị không làm theo kiểu cứ đâm đầu vào làm vì yêu. Tân Nhàn có những chiến lược riêng của mình, với mục đích từng bước chinh phục nhiều đối tượng khán giả đến với âm nhạc truyền thống. Chị đưa âm nhạc truyền thống gắn kết với âm nhạc hiện đại như với Jazz trong "Yếm đào xuống phố", rồi hát âm nhạc truyền thống theo cách nguyên thuỷ từ việc học tập các nghệ nhân như trong "Níu dải lụa đào", và không chỉ dừng lại ở đó, Nhàn còn đưa âm nhạc dân tộc lên sân khấu lớn, kết hợp cùng dàn nhạc giao hưởng, điện tử, dân tộc hoành tráng như trong liveshow "Trở về".

"Tôi mong muốn để công chúng thấy âm nhạc truyền thống của Việt Nam mình rất tuyệt vời, luôn mới mẻ và dễ dàng hoà nhập với đời sống đương đại nếu chúng ta biết đặt đúng vị trí. Tôi mừng là sau những nỗ lực đó, tôi thường được mời đi hát nhạc truyền thống, có thêm rất nhiều khán giả yêu mến nhạc truyền thống đã mến mộ tôi, đĩa "Yếm đào xuống phố" của tôi từng cháy hàng thời điểm mới phát hành, hay đĩa "Níu dải lụa đào" đã được người hâm mộ khắp nơi gửi thư xin đĩa về nghe và nhắn cho tôi rất nhiều lời động viên, khen ngợi… Tình yêu với âm nhạc truyền thống, tình yêu của khán giả dành cho tôi giúp tôi có đủ động lực để tiếp tục con đường của mình, dù thật gian nan, khó khăn" -Tân Nhàn chia sẻ.

Nếu ai đã từng xem live show "Trở về" của Tân Nhàn sẽ bị chinh phục bởi những nỗ lực cống hiến không ngừng nghỉ của chị. Sự biến hoá của Tân Nhàn trong liveshow không chỉ ở các sắc màu âm nhạc mà chị mang đến từ những ca khúc mang âm hưởng dân gian đến các thể loại âm nhạc truyền thống Việt Nam. Điều đặc biệt hơn, gây ấn tượng mạnh mẽ khi Tân Nhàn táo bạo kết hợp cùng dàn nhạc giao hưởng, đã nâng các tác phẩm âm nhạc lên một tầm cao mới, mang đến những cách thưởng thức mới.

Các bản phối khí của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng trẻ tài ba Đồng Quang Vinh, đã bao phủ lên toàn bộ khán phòng một không gian âm nhạc choáng ngợp người xem. Ở đó là sự tươi mới của những dàn nhạc rất khác biệt khi hoà quyện vào nhau.

Nhưng có lẽ, sau tất cả những thành công, Tân Nhàn cảm nhận được những giá trị lắng sâu hơn trong tâm hồn mình. Bởi với chị, âm nhạc là một hành trình khám phá chính nội tâm của mình, hiểu mình hơn. Với âm nhạc dân gian, chị được quay trở về với bản thể của mình, trở về tuổi thơ được nghe và thấm những làn điệu dân ca phát ra từ chiếc đài phát thanh của hàng xóm.

Ca sĩ Tân nhàn trong liveshow "Trở về".

Và những làn điệu ấy đã đươc cô bé Nhàn ngân nga như một sự bấu víu, nâng đỡ chị trong tuổi thơ nhọc nhằn. Chính từ những điều ấy, mới có một Tân Nhàn như ngày hôm nay. Và "Trở về" còn là sự trở về với những giá trị âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt, để khám phá, để tìm hiểu, để học hỏi, để thể hiện với mong muốn nỗ lực góp sức mình lan tỏa mạnh mẽ hơn giá trị âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt đến đông đảo công chúng, điều mà chị ấp ủ trong sự nghiệp của mình, trong giấc mơ của mình.

Nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận xét: "Tân Nhàn đang làm theo hướng đi của âm nhạc thế giới hiện nay qua liveshow của mình. Mọi người chưa tiếp cận với âm nhạc truyền thống vì nghĩ nó xa xôi, nhưng nếu nghe trong show của Tân Nhàn sẽ thấy rất gần với âm nhạc phương tây, trữ tình thì có "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa", "Duyên phận phải chiều", cũng đồng thời có những bài khiến khán giả phải nhảy như đang đi xem một đêm nhạc Rock hay disco nào đó, bởi trong âm nhạc truyền thống của chúng ta có những giai điệu đó, nhưng chúng ta không gọi như vậy thôi mà gọi là hát văn chẳng hạn như trong bài "Cô Đôi Thượng Ngàn".

Tân Nhàn chính là người kết nối những khán giả không phải là khán giả của âm nhạc truyền thống mà là khán giả của Tân Nhàn, để mọi người thấy rằng, hoá ra âm nhạc truyền thống của chúng ta rất dễ nghe, và từ đó thấy yêu nghệ thuật truyền thống".

Tân Nhàn bây giờ là Tiến sĩ, Phó trưởng Khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia. Nhàn nói, sắp tới chị sẽ bắt tay vào sản xuất đĩa than về các làn điệu âm nhạc truyền thống phối khí trên nền nhạc jazz với mong muốn đưa các làn điệu âm nhạc truyền thống của Việt Nam hoà nhập với dòng chảy của âm nhạc đương đại thế giới.

Và chị mơ ước, một ngày nào đó, sẽ mang âm nhạc truyền thống ra nước ngoài theo cách trình diễn độc lập, đương đại chứ không còn là những cuộc giao lưu văn hóa… Hy vọng, chị sẽ sớm chạm tới ước mơ của mình.

Phan Chi
.
.