Thượng tướng Phùng Thế Tài: Những câu chuyện từ thực tiễn chiến tranh

Thứ Sáu, 13/11/2020, 09:31

Năm 2020, nhiều hoạt động Kỷ niệm có ý nghĩa của đảng, Đất nước và Quân đội ta đã diễn ra. Tôi được mời tham dự một số hoạt động và thấy mình có may mắn khi chuẩn bị bước sang tuổi 90 vẫn còn tương đối khỏe mạnh. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thượng tướng Phùng Thế Tài (1920-2020) bản thân tôi hết sức xúc động.

Xúc động trước hết bởi ông từng là người anh, người chỉ huy trực tiếp của tôi. Tôi từng tiếp xúc, gặp gỡ, nhận mệnh lệnh trong chiến đấu trên nhiều cương vị công tác với ông. Ở ông, trước tiên là con người hết sức sâu sát, tỉ mỉ, quyết đoán và đặc biệt thẳng thắn, chân thành. Thượng tướng Phùng Thế Tài gắn với nhiều giai thoại trong suốt cuộc đời, nhưng với tôi, bằng vào những việc làm trực tiếp, tôi luôn cảm nhận ông là con người sâu sắc và mưu lược.

Khi tôi là chiến sĩ, rồi trở thành cán bộ Đại đội trong đội hình Đại đoàn 320 ông đã là Đại đoàn phó  nổi tiếng cùng Đại đoàn trưởng Văn Tiến Dũng chỉ huy Đại đoàn chiến đấu lập công xuất sắc. Tiếp đó, khi tôi trở thành cán bộ Tiểu đoàn, Trung đoàn vào chiến đấu ở Quảng Trị, Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Tây Nguyên, ông đã lần lượt đảm đương các trọng trách Tư lệnh Phòng không, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và Phó tổng Tham mưu trưởng. 

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tôi là Tư lệnh Quân đoàn 3 được điều động từ Tây Nguyên ra đã trực tiếp làm việc với ông. Đã hàng chục năm trôi qua, những cuộc làm việc như vẫn còn nóng hổi trong kí ức. Sau này nghỉ hưu, được anh em bầu vào Ban liên lạc Đại đoàn 320, mỗi khi thủ trưởng Phùng Thế Tài đến dự họp vẫn gần gũi thân tình và chia sẻ với anh em.

Thượng tướng Phùng Thế Tài trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong quá trình chiến đấu hết sức anh dũng của các đơn vị Đại đoàn 320, anh em cán bộ chiến sĩ thường truyền tai nhau những câu chuyện như là huyền thoại về người Đại đoàn phó Phùng Thế Tài với biệt danh "Quan năm đòn gánh". 

Mãi sau này mới biết biệt danh trên xuất phát từ câu chuyện khi còn đảm đương trọng trách chỉ huy mặt trận Hà Nội những năm 1945, 1946, khi Phùng Thế Tài mặc thường phục tới chợ Đồng Xuân thấy bọn lính Tàu Tưởng sang tước vũ khí quân Nhật xông vào cướp hàng hóa của bà con đã tay không đánh gục năm bảy tên hung hãn nhất khiến chúng ôm đầu máu tháo chạy. Phùng Thế Tài vốn rất giỏi võ, ông từng nhiều năm bảo vệ Hồ Chủ tịch nên đã đích thân dạy cho bọn chúng một bài học. 

Lại có lần giữa chợ, lính Tàu Tưởng cậy đông ức hiếp bà con. Phùng Thế Tài với chiếc đòn gánh tre của bà lão đi chợ đã đánh tơi bời khiến đám kia chạy bán sống bán chết. Bà con trong chợ thấy ông cao to đánh dạt bọn cướp ngày bèn gọi ông là “Quan Năm đòn gánh”.

Nhưng có lẽ, ấn tượng với tôi nhiều nhất, gắn bó nhất, làm việc trực tiếp với Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài là thời điểm tôi đảm đương cương vị Tư lệnh Quân đoàn 3. Khi đó, anh em chiến sĩ trên chốt cơ sở vật chất rất khó khăn, đặc biệt là thiếu nước nơi điểm chốt hang Làng Lò. 

Muốn lên đây, bộ đội phải vận động qua một đoạn đường trống 300m. Địch từ điểm cao đối diện liên tục dùng súng đại liên kiểm soát. Bộ đội gùi can nước hàng chục kilôgam phải vượt qua lưới lửa đại liên địch. Chúng tôi đã lập tức cho bộ đội đào giao thông hào sâu lút đầu người để đưa nước lên an toàn. 

Khi về báo cáo với Bộ tổng Tham mưu xin máy bơm nhỏ (máy bơm tên lửa của Liên Xô) để khắc phục đưa nước lên chốt, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài khen hay và lập tức điều cho đủ máy bơm, phụ tùng, cho lập các điểm bơm đồng thời cho xây bể chứa nước. Bộ đội vô cùng phấn khởi vì không có thương vong và tốn hàng chục người gùi nước hằng ngày. Anh em đặt tên cho con đường đó là “Đường mùa xuân” thay cho con đường thương vong ngày trước.

Càng gần gũi thủ trưởng Phùng Thế Tài, tôi nhận thấy ở ông luôn có những tố chất rất đặc biệt. Với ông, quân lệnh như sơn. Mệnh lệnh nơi chiến trường phải tuyệt đối chính xác bởi đó là máu xương bộ đội. Ông ít nói nhưng hễ nói là vô cùng sâu sắc. Giữa lúc cuộc chiến đấu ở biên giới phía Bắc cam go, ác liệt, trong một lần làm việc với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, khi công việc đã tạm xong, ông nhìn thẳng vào tôi nói:

- Tiến biết không, người Việt Nam ta có biết bao anh hùng đánh thắng giặc phương Bắc. Cách đây hàng nghìn năm, đức Thánh Gióng mới ba tuổi đã được nhân dân góp cơm, góp cà nuôi lớn bổng, dùng tre làng đánh bại giặc Ân, dạy cho giặc phương Bắc một bài học. Các cụ thâm thúy lắm, có lẽ nào bây giờ chúng ta không đánh bại bọn tham tàn xảo quyệt này.

Tôi ngồi lặng trước vị Phó tổng Tham mưu trưởng mà vẫn nhiều người cho rằng ông tính nóng như lửa, luôn nói thẳng mọi vấn đề mà ít khi ví von, khơi gợi mạch nguồn lịch sử. Tôi bèn nói với ông:

- Thưa anh! Từ bé tôi đã được học chữ Nho, đọc sách sử của người Việt Nam ta, luôn thấy các thế hệ cha anh đều anh dũng quật cường đánh giặc phương Bắc. Anh từng có thời gian lưu lạc, hoạt động cách mạng ở Trung Quốc hẳn thuộc nhiều bài học lịch sử về việc tổ tiên ta đánh quân xâm lược phương Bắc?

Vị tướng họ Phùng trầm giọng nói:

- Mình cũng biết tiếng và chữ Trung Quốc từ rất sớm, lại nhiều năm bôn ba sinh sống, hoạt động, học tập ở bên đó nên phần nào hiểu được lịch sử và văn hóa người Trung Quốc. Nhưng lịch sử đánh thắng các triều đại phương Bắc xâm lược mình luôn thuộc trong lòng, nhất là thời kỳ được giao nhiệm vụ bảo vệ Cụ Hồ luôn được Cụ Hồ dạy cho. Tổ tiên ta từ thời Hùng Vương đã độc lập tự chủ hùng cứ phương Nam. Tiếp đó Hai Bà Trưng xưng vương lập quốc. Tiếp đó đến Lý Nam Đế đánh bại giặc Lương giành độc lập dân tộc. Các anh hùng Triệu Quang Phục, Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Ngô Vương Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, các vương triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn, triều đại nào cũng rất nhiều anh hùng đánh giặc phương Bắc được sử sách lưu danh. Càng những nơi biên giới trong cuộc chiến đấu hôm nay, chúng ta càng tin vào sự tất thắng của chính nghĩa.

Thấy vị tướng say sưa nói về lịch sử lại có nhắc đến Bác Hồ, nhân dịp này, tôi bèn hỏi ông:

- Nhiều người vẫn nói anh rất gần gũi với Hồ Chủ tịch. Nay Bác đã mất nhiều năm nhưng mỗi người chiến sĩ đang chiến đấu đều rất nhớ công ơn của Bác Hồ. Hẳn là trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, anh có nhiều ấn tượng và kỷ niệm với Bác Hồ lắm?

Vị tướng họ Phùng xúc động nói:

- Tôi luôn coi Bác như cha ruột của mình và trong cư xử với tôi, tôi luôn cảm nhận Bác cũng coi tôi là con cái nên Người thường bảo ban, dạy dỗ cho tôi nhiều điều tôi ghi lòng tạc dạ. Tôi quả thực may mắn khi từ sớm đã được gần gũi với Người. Lời Người ở đâu cũng vô cùng đúng đắn và gan ruột. Tôi nhớ nhất, xúc động nhất và thuộc lòng nhất chính là lời của Người khi kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946.

Nói đến đó, vị tướng họ Phùng bỗng cất giọng trầm hùng đọc luôn:

Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng….

…Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

Lời vị tướng họ Phùng đã dứt mà dư âm của lời kêu gọi như một hịch văn vẫn còn rung động tâm can. Tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Không thể xúc động hơn, nghĩa tình hơn khi vị tướng cao to gân guốc đã thể hiện vô cùng biểu cảm lời hịch hay đến vậy. Tôi xúc động nói:

- Xin cảm ơn anh! Anh thật có trí nhớ tuyệt vời.

Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài vẫn còn như chưa ra khỏi dư âm của lời hịch nói:

- Ừ! Cứ mỗi khi nhắc tới Bác Hồ, mình lại như thấy Bác đang ở đâu đây. Mà Tiến cũng đâu khác gì mình, tham gia cách mạng sớm, hết đánh Pháp rồi đánh Mỹ, chắc hẳn cậu cũng thuộc không ít lời tâm huyết của Bác?

Như bị thôi miên, tôi lập tức nói:

- Báo cáo anh, tôi cũng thuộc nhiều lời của Bác lắm. Tôi đặc biệt thích Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Bác Hồ được Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi sáng ngày 17-7-1966. Khi ấy tôi đang chiến đấu ở chiến trường… Nói đến đó, tôi xúc động đọc to:

…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!

Tôi đọc xong mà thấy huyết quản mình chạy rần rật. Vị tướng họ Phùng chừng như cũng thế. Chúng tôi đã có những khoảnh khắc thật đặc biệt trong chiến tranh.

Trung tướng Khuất Duy Tiến
.
.